khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

Đàm thoại: Về nhạc phẩm Mưa Buồn Long Giao, nhạc Nguyễn Văn Thành phổ thơ Hà Thượng Nhân



Hỏi: Quý vị thính giả và bác sĩ N có biết không, là khi TV hỏi nhiều người cho biết thật ngắn gọn, cảm tưởng của họ sau ngày 30 tháng 4, chế độ CSVN đã đem lại điều gì đặc biệt cho miền Nam, thì câu trả lời mà TV đã nghe nhiều nhất đó là: “CS đã úp chụp lên miền Nam chủ nghĩa Mác Lê và thiết lập trên toàn cõi VN một nền chuyên chính vô sản”. Cùng một câu hỏi khi mà TV hỏi các chiến sĩ quân lực VNCH thì hầu hết nhận được câu trả lời là: cái chế độ CSVN đã đem đến cho miền Nam “các trại tập trung cải tạo”. Với những câu trả lời sau này thì TV hiểu được nó đến từ những người đã từng sống trong các trại cải tạo, bởi vì những trại này đã trở thành những nỗi ám ảnh day dứt không nguôi nơi chính họ. Có người như ông Hà Thúc Sinh đã gọi các trại cải tạo này là “Đại học máu”. Và theo như sự hiểu biết của TV thì cho đến nay có lẽ không có nhiều nghệ phẩm đã viết hay là mô tả về các nỗi khốn cùng của con người trong các trại cải tạo tập trung CS, dầu rằng những trại này đã làm cho rất nhiều người nếu không chết hay bị thương tật thì cũng tan nát cả tinh thần lẫn thể xác. Bác sĩ N có thể giải thích tại sao lại có hiện tượng này không?
Trả lời: Làm ra một nghệ phẩm thì trước hết phải là người có năng khiếu, sau nữa là phải là người sống và cảm thực, kế tiếp là phải trong tình trạng bị gậm nhấm dồn nén bởi những xúc cảm đó, để rồi sau cùng bật ra thành lời, thành văn, thành hình, thành nhạc. Những người cải tạo học tập đa số là đã bị bẻ gẫy bởi chính sách cải tạo sau một thời gian ở trong trại, để mà sau chót biến thành người co thủ, chán đời, hay là bị lôi vào trong cuộc sống của những ngày còn lại, vì sau thời gian cải tạo thì đã thấy rằng cuộc sống dù thế nào đi nữa cũng là quý giá và cố bám lấy. Đó cũng là tâm trạng của tôi, khi mới ra khỏi trại cải tạo; không muốn làm gì nữa, không muốn nhìn gì nữa. Chỉ sống với mình, với gia đình và cuộc sống trước mắt mà thôi. Cho nên chuyện về cải tạo thì được kể lại nhiều, nhưng vi nó bi thảm và giống nhau quá, cho nên ít người để ý. Những người còn nghị lực và ý chí thì bị thu hút vào đấu tranh, không muốn nhìn lại quá khứ nữa, và không muốn nói ra nữa.
Hỏi: TV hỏi bác sĩ N như thế, bởi vì TV có được nghe một bài hát của nhạc sĩ Thanh Hậu, mà TV thấy rất là rất hay, đó là bài Mưa buồn Long Giao mà TV hôm nay sẽ giới thiệu với các quý vị thính giả và các bạn của TV trên toàn cầu đang theo rõi chương trình. Bài nhạc này, TV thấy nó rất là thấm thiá. Bởi vì tình cảm của nó cay đắng, nhưng mà cách diễn tả thì thật bâng khuâng. TV cũng được biết thêm là bài nhạc đã được phổ từ một bài thơ của một người tù cải tạo ở Long Giao viết vào một ngày mưa, sau này nhạc sĩ Thanh Hậu đuợc các bạn của ông lúc đi tù về đọc lại cho nghe và trong nỗi xúc động thì nhạc sĩ Thanh Hậu đã đem bài thơ ra phổ nhạc.
Trả lời: Tôi cũng thấy bài thơ rất hay, và tôi cực cảm cái tâm tư của tác già và rung động, tuy có một chút khác biệt về căn bản, khi nghe những câu như “ngày xưa chim hồng hộc, vượt chín tầng mây cao, ngày xưa giữa năm châu, bước còn nhỏ hẹp, bây giờ giữa Long giao, nằm mưa nghe sùi sụt, cuộc đời như chiêm bao, có hay chăng nẻo cụt, anh châm điếu thuốc lào. Mình say mình say sao?”
Hỏi: Bác sĩ N vừa nói là tâm tư bác sĩ cũng có sự rung động tương tự khi nghe bài nhạc nói trên nhưng tại sao b/s lại còn nói là còn có một sự khác biệt căn bản nghĩa là sao vậy?
Trả lời: Trong trại cải tạo tôi đã từng nhìn lên trời đêm rất cao thấy đốm sáng máy bay di chuyển mà lòng thấy mình đang dưới bùn đen, ngắt ra khỏi cái thế giới bên ngoài mà mình đã từng sống. Nhưng tôi đã không tự hỏi “mình say, mình say sao”. Mà tôi rất tỉnh, hiểu mình đang ở trong một giai đoạn khó khăn phải đối đầu. Tôi cũng không trong tâm trạng “anh nhớ em từng phút, anh thương con từng giây”, để có thể bình tĩnh mà sống sót trở về, để mà quay lại với nếp sống của năm châu. Vì những người “anh nhớ em từng phút, anh thương con từng giây” mà tôi biết ở cùng trại với tôi đã đau bệnh và có ngưòi đã bỏ mạng trong trại.
Hỏi: Cám ơn bác sĩ chia xẻ. Có lẽ mình sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác. Bây giờ thì TV xin mời quý vị, và các bạn nghe bài hát mưa buồn Long Giao mà b/s N và TV vừa đề cập đến ở trên.
 
 


Hỏi: Nghe qua bài hát này thì TV tuy không biết gì về nhạc lý, nhưng qua cách chuyển âm điệu của bài hát này theo từng câu thơ thì TV phải nói rằng rất là hay. Nhạc chuyển ý thơ, và thơ hoà cùng tiếng nhạc. Bác sĩ N có đồng ý với TV như vậy không?

Trả lời: Tôi đã nghe bài hát này rất nhiều lần, mà lần nào cũng thấy hay, và không thể nào nghe một lần. Phải nghe cho đến khi thật đầy tai, thật đã, giống như là khi ăn chips khoai tây, hay là ăn chips bắp. Đã ăn một miếng thì phải ăn hai, ăn ba, ăn bốn… cho đến khi hết gói
Hỏi: Nghe bác sĩ nói vậy thì TV lại muốn trở lại câu chuyện lúc nẫy. Bởi vì theo TV, bác sĩ N là một người tình cảm và tâm hồn cũng dễ rung động lắm chứ không phải chỉ là một ông bác sĩ chuyên cầm dao kéo mổ xẻ thân người. Vậy thì có thật là bác sĩ đã không có cùng một tâm trạng như tác giả của bài thơ để mà “không nhớ em từng phút, không thương con từng giây?” Làm sao mà bác sĩ có thể giữ cho tâm trí b/s bình thản như thế được, khi bác sĩ không phải là mẫu người không yêu quý gia đình?
Trả lời:. Tôi đã như thế vì khi thấy bao nhiêu người sầu muộn chung quanh đau bệnh và có người chết, hay là phát điên. Vì là bác sĩ cho nên tôi hiểu tại sao. Cho nên tôi tự nhủ rằng nếu muốn sống mà về thì phải tỉnh queo, gạt hết sang bên mọi phiền bực và phản ứng làm tâm thần xáo trộn, khiến ban ngày lao động mệt rồi mà còn đêm mất ngủ thì chết. Nguyên tắc của tôi lúc đó là “không lo và quan tâm đến những cái không lo được, ngoài tầm tay”. Đơn giản chỉ có thế thôi.
Hỏi:  Vậy thì hiện nay bác sĩ có còn mang tâm trạng như thế hay không?
Trả lời:.  Không. Vì rằng tôi đang sống cuộc đời bình thường và đầy đủ của một con người. Và tôi có những xúc động rất mạnh mẽ, mà nhiều người không có. Cho nên, tôi mới có thể tiếp tục đấu tranh vì rung cảm với những nổi khổ không phải của mình, không phải của người thân thuộc mình. Vì thế tôi vẫn thấy những bài nhạc Thanh Hậu thật là hay dầu rằng nó được sáng tác 20 mươi năm nay. Và vì sống như thế cho nên cũng có những khi mất ngủ.
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét