khktmd 2015
Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019
Đời Sống, Sức Khỏe của người cao niên và ích lợi của sự tập luyện Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc- Tác giả Bs Phạm Gia Cổn
Định Nghĩa “Cao Niên” (Tuổi Già):
Định nghĩa này có tính tương đối vì tùy thuộc vào những nghiên cứu khác nhau, dựa trên những sự khác biệt về địa lý, thời gian, xã hội, và văn hóa. Định mốc tuổi Cao Niên cũng được thay đổi theo luật cung cầu của xã hội về quyền lợi “hưu trí” hoặc “An Sinh Xã Hội”.
Định nghĩa theo Y Học, dựa theo khả năng sinh sản: người đàn bà ở tuổi mãn kinh (menopause), người đàn ông ở tuổi manopause, không còn khả năng sinh sản.
Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên định mốc Cao Niên ở tuổi 60+. Sau những quan sát về cuộc sống xã hội tại Phi Châu, WHO định mốc tuổi Cao Niên cho xã hội Phi Châu bắt đầu ở tuổi 50+. Cũng theo WHO, định mốc của tuổi Cao Niên không tùy thuộc vào tuổi tác, mà tùy thuộc vào khả năng làm việc cũng như sự cống hiến của đương thời (active) cho xã hội và cộng đồng họ đang sinh sống.
Theo tôi, với thời gian ngắn ngủi của 100 năm cuộc đời, ta còn thấy có “già”, có “trẻ”. Nhưng nếu đem so sánh với 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, và với quan niệm phục vụ con người, đóng góp công ích cho xã hội thì “chúng ta đều trẻ cả, chỉ ít “trẻ” hơn nhau mà thôi”.
Bất kỳ ở tuổi nào mà không đóng góp, không phục vụ thì xem như là đã “tàn phế”!Tăng Trưởng và Phát Triển của Đời Sống:
Trong cơ thể một con người bình thường thì mọi cơ quan tăng trưởng vào mức tối đa ở tuổi 30. Sau đó mọi chức năng sẽ suy giảm khoảng 1% mỗi năm.
Với phương tiện tân tiến hiện nay, y học đã khẳng định rằng trong não bộ có những vùng liên quan đến những tinh thần tình cảm của con người chẳng hạn như lòng từ bi, bác ái; liên quan đến sự tinh nhậy của lý luận (trường hợp những người giỏi toán học), hoặc liên quan đến sự khéo léo mang tính nghệ thuật (âm nhạc, hội họa v.v...), hoặc sáng tạo.
Người Á Đông quan niệm: “Tam tập nhi lập”: 30 tuổi là tuổi cao điểm cho sự học hỏi lập thân, thành công và vững vàng địa vị trong xã hội. Sự học hỏi bao gồm từ Trường đời với ảnh hưởng của gia đình, và phong tục tập quán của xã hội; và từ học đường, dưới hệ thống giáo dục của mỗi quốc gia. Nền giáo dục dưới thời VNCH dựa trên căn bản của “nhân bản, dân tộc, và khai phóng” nên đã ảnh hưởng không ít đến tinh thần và cách sống của người Việt ở tuổi cao niên.
Văn hóa của một dân tộc đóng một vai trò rất lớn đến cuộc sống sức khỏe và tinh thần của người cao niên. Nói một cách khác, nhìn những sinh hoạt của người cao niên, ta có thể thấy được sự tương quan giữa Văn hóa và Đời sống con người: Văn hóa là giá tri tinh thần do người tạo ra, đông thời ảnh hưởng tới Đời sống con người. Đời sống thể hiện nét Văn hóa.
Văn hóa có tính thay đổi theo thời gian và môi trường sống. Điển hình như người Việt tỵ nạn đã và đang đương đầu với vấn đề hội nhập để thích nghi, cũng như làm phong phú văn hóa tại các xứ sở mà họ đang sinh sống. Vì hiểu được tầm quan trọng của sự hội nhập, duy trì những đặc tính này, và để giữ cho chúng ta cũng như văn hóa của chúng ta luôn “trẻ mãi”, chúng tôi: gồm PGC và một vài anh em đã thành lập tổ chức: “Volunteers for Integration of Ethnic Traditions Foundation”, viết tắt là V.I.E.T để chúng ta không ngừng phát triển, phục vụ, cống hiến và tiếp tục “sống trẻ”.
Giúp Tăng Trưởng và Duy Trì Sức Khỏe:
Trong đời sống, mọi người đều biết rõ những điều quan trọng như: “ăn ngủ điều độ, giải trí lành mạnh, và tập luyện thường xuyên”.
Về ăn ngủ điều độ, tôi khuyên quý vị nên ăn uống cẩn thận, đừng ăn kiêng quá mức mà mất sức khỏe.
Về giải trí lành mạnh: “Get socialized!!!”. Cộng đồng của chúng ta có những sinh hoạt tập thể, ca hát, chơi nhạc cụ, hội họp, tranh luận lành mạnh, giúp làm chậm lại sự giảm trí nhớ của tuổi già (senile dementia). “Cà phê trị liệu” cũng có kết quả tốt. Ngoài ra, có những phương cách hữu hiệu tích cực khác nữa là đọc sách để luôn giúp cho não bộ làm việc; luyện tập về tâm linh, chẳng hạn như “Nói điều thiện, Nghĩ điều thiện” nếu ta không có đủ điều kiện “làm việc thiện”.
Về tập luyện cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, Y học hiện nay khuyến cáo chúng ta nên tập thể dục nhẹ nhàng và chậm. Những cách tập nhẹ nhàng được đề nghị như Bơi lội, đi bộ chậm, yoga, Taichi, Khí Công và Kegel Exercise. Tuy nhiên những cách này chỉ tốt cho 1 phần trong toàn bộ sức khỏe con người trên ba phương diện: “tinh thần, thể chất, và xã hội” theo như định nghĩa chữ “Sức Khỏe” của WHO. Những môn tập vừa kể cũng có nhưng giới hạn về tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người muốn tập.
Chúng tôi muốn giới thiệu đến quý vị môn tập Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc (TDKCHH), phương pháp tập phối hợp Y Võ Nhạc, giản dị, thích hợp với mọi thể trạng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, đáp ứng được những điều kiện của tất cả những cách tập nêu trên, và đạt được kết quả sức khỏe về tinh thần và thể chất theo định nghĩa của WHO.
Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc tập một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, khoan thai. Kết quả mang đến cho khí lực dồi dào, thể chất dẻo dai, tinh thần sảng khoái.
Kết Luận:
Đến tuổi gọi là Cao Niên, mọi hệ thống, chức năng đều suy giảm, đặc biệt là hệ thống miễn nhiễm, sức đề kháng yếu đi, trí nhớ kém đi, không tránh khỏi những điều mà người lớn tuổi thường mắc phải. Do đó, có vài điều chúng ta cần biết:
● Nên theo lời khuyên của bác sĩ: uống thuốc đều đặn.
● Nên đi đứng chậm. Đặc biệt là khi thức giấc, ngồi dậy, đứng dậy từ từ.
● Nên tập thể dục nhẹ nhàng.
● Không nên quá mức trong vấn đề ăn kiêng “diet” vì cơ thể cần năng lượng từ thức ăn.
● Nên mặc áo ấm khi trời lạnh.
● Nên đọc sách hay computer.
● Nên “nghĩ và nói điều thiện”.
● Vui với cuộc sống hiện tại.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét