khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Ban Giảng Huấn Đại Học Sàigòn... một thuở nào, 1975-1981 - Tác giả Gs Võ Kim Sơn



Tám giờ sáng, 30 tháng Tư năm 1975.

Quần áo chỉnh tề, anh Viễn hỏi:


- Anh có nên đi làm không?


- Nghe tiếng pháo kích về mạn Cục Quân Y.  Sợ lắm. 

                                                 
Tôi chưa trả lời tròn câu thì nghe tiếng pháo kích rất gần vì nhà tôi ở hướng phi trường Tân Sơn Nhất.


Cha tôi vội vã điều động:

- Kéo vài tấm nệm để trên bàn ăn và chất nệm xung quanh làm hầm trú ẩn.

Mọi người chui vào trong “tranchée dã chiến”. Rồi tiếng cầu kinh bắt đầu. Tiếng pháo càng lúc càng nổ rền. Chỉ biết phú dâng mạng sống cho Chúa. Bỗng nhiên tiếng pháo ngưng. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau như muốn hỏi: Điều gì sắp xảy ra?


Qua máy truyền thanh, Đại Tướng Dương Văn Minh có câu trả lời lúc 10:30 sáng 30 tháng Tư, 1975:

- Tướng lãnh, Sĩ quan, Hạ sĩ quan…

Nhớn nhác nhìn nhau, chúng tôi lần lượt chui ra khỏi hầm trú ẩn dã chiến. Thế là hết. Việt Nam Cộng Hòa Đệ Nhị bị bức tử. Anh Viễn trút bỏ bộ đồ “treillis” cùng đôi giày “boot” và vận thường phục vào. Mặc cho Cha tôi hết lời can ngăn, chúng tôi leo lên chiếc Vespa trực chỉ hướng Chợlớn chạy vào gặp anh Lâm Kiến Đức. Cách đây ba hôm anh Đức mang xe Jeep đến rủ chúng tôi cùng ra bến tàu. Nghe tôi chia sẻ kinh nghiệm năm năm du học ở Mỹ ngày trước cộng với kinh nghiệm một năm tu nghiệp của chính mình ở Colorado, anh Đức kết luận: “Chẳng đi đâu hết”.

Khi thấy chúng tôi thò mặt ở cửa, anh Đức chào bằng câu hát:


- Que sera sera. What will be will be. Ừ, cùng nhau ở lại để ra Bắc cho biết mỏ than Nông Sơn.

Rồi anh Viễn và anh Đức cùng đi trình diện để được “cải tạo”.

Mãi đến chín tháng sau mới có tin anh Viễn còn sống qua mẩu nhắn tin xin quà. Lần đầu được phép gửi qua bưu điện 2 kí lô thực phẩm khô. Hai tháng sau có thông báo lên thăm nuôi người cải tạo tại Long Giao. Cũng như các “bà vợ” tuổi còn xuân - mọi người diện “ra phết” - chúng tôi nôn nao gặp người yêu sau hơn một năm xa cách thì được cán bộ ở “lán” phán một câu làm mọi người ngơ ngác:


- Hôm nay các chị được phép thăm “gián tiếp” mà thôi.

Nhanh nhẩu, tôi hỏi:

- Thưa cán bộ, thăm gián tiếp có nghĩa là sao?

- Sao dốt vậy mà được làm cô giáo. Trong các chị đây có ai giải thích hộ cho chị nầy hiểu.

Mọi người im lặng. Cán bộ lại lên lớp.

- Ở trong Nam các chị không học tiếng nước ta à. Thăm gián tiếp có nghĩa là để đồ ăn ở lại đây rồi ra đón tàu hỏa về cho kịp chuyến cuối. Chốc nữa các anh sẽ ra mang quà về lán.

Một đoàn phụ nữ ủ dột, khóc thút thít, kéo nhau ra đón xe về đối diện với thực tế.


Riêng cá nhân tôi cũng như quý vị làm “công-tác-giảng-dạy-đại-học” thuộc đại học văn khoa, khoa học, luật khoa, đại học sư phạm ngày ngày cũng như hàng tuần theo một thời khóa biểu ấn định. Từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa nghe giảng về những lý thuyết Marxism, Leninism, Maoism, Capitalism, Socialism và lẽ dĩ nhiên là phải học kỹ chương Communism… cộng với những chủ đề liên hệ. Buổi chiều từ 1 giờ đến 5 giờ học viên thảo luận về phần lý thuyết nghe hồi sáng để họ kiểm soát lúc nghe giảng bài có ai ngủ gục không. Và tối đến từ 6 đến 8 giờ được “chiêu đãi văn nghệ” mà phải dự; thỉnh thoảng có văn công miền Bắc điều vào, nhưng thông thường là xem phim của Cuba hay Liên Sô. Đến chiều Thứ Sáu thì học viên viết bài thu hoạch xem đã thu thập được bao nhiêu điều hay của xã hội chủ nghĩa và tinh thần đã cải biến tới đâu, bắt đầu nhuộm “hồng hồng” chưa. Lúc đầu tôi viết ngắn gọn: Tôi tiếp thu hết. Điều gì cũng hay hết.  Thế là tôi được Phòng Tổ Chức của trường “mời” lên để nhắc:

- Chị đi học chứ không phải đi xem hát. Chị phải tham gia thảo luận và học cách viết “Phê và tự phê” cùng bài thu hoạch.

Hôm sau đến giờ thảo luận của mỗi tổ, tôi bèn hỏi:


- Hồi sáng nghe cán bộ trường Đảng giảng: “Các đồng chí đừng mơ Chủ Nghĩa Tư Bản sẽ trở lại.

Bánh xe lịch sử chỉ quay một chiều. Hết Chủ Nghĩa Tư Bản thì phải đến Cộng Sản”. Tôi xin hỏi: Thế rồi bánh xe lịch sử tiếp tục quay. Vậy sau Cộng Sản thì sẽ đến chủ thuyết gì?

Cuối giờ học, Phòng Tổ Chức nhà trường gọi tôi lên “làm việc” do nghi tôi theo nhóm đưa chủ thuyết “Convergence” mà tôi nào biết gì. Từ đó, trong giờ thảo luận, anh Lý Chánh Đức luôn ngồi cạnh tôi để nhắc bớt “nói bậy”. Chị Phùng Ngọc Cam cũng là một mối lo cho anh Đức. Trong một lần họp giáo chức ĐHSP Sàigòn toàn trường chị Cam hỏi:


- Nghe nói ngoài Bắc, mỗi lần gia đình muốn ăn vịt gà thì phải chôn giấu bộ lông, có đúng không?


Hiệu trưởng Đại Học Sư Phạm Sàigòn lúc bấy giờ là Giáo Sư Trần Thanh Đạm - từ ngoài Bắc vào - trả lời:


- Chị hỏi như trẻ con. Muốn có ánh sáng là bật contact đèn chứ không tìm hiểu nhờ đâu mới có dòng điện.

Tôi cố gắng “chịu đựng” học tập và “nâng cao” trình độ tiếp thu qua những bài viết thu hoạch phải nộp mỗi chiều Thứ Sáu cho đến cuối khóa học thì lại bị điều lên phòng tổ chức để trả lời:


- Ai cấp bằng tiến sĩ cho chị?


- Trường Mỹ.

- Chị có ở Mỹ. Vậy Chị có thường đọc tờ Uông-tờ-rít? (Về sau tôi mới nghiệm ra đó là tờ báo Wall Street, phát âm theo miền Bắc)

- Tôi không biết anh nói gì?

- Cái gì chị cũng không biết. Sao chị dốt vậy. Từ bài nầy sang bài khác, chị toàn sao y trong sách từ nhập đề, đến thân bài luôn cả kết luận. Bài nào cũng bị điểm C- (C trừ tức là dưới trung bình). Học dốt vậy mà sao Mỹ cấp văn bằng cho chị.

- Dạ có lẽ tại Mỹ nó dốt. Xin cám ơn quý anh. Tôi học dốt vậy mà các anh cũng cho tôi tốt nghiệp.

Sau một năm học lý thuyết, ban giảng huấn ngành Khoa Học Tự Nhiên gồm có Toán, Lý, Hóa  Vạn Vật được trở về trường chuẩn bị giảng dạy và đi thực tiễn theo ngành nghề. Riêng ban giảng huấn ngành Khoa Học Xã Hội cần thời gian tẩy não lâu hơn nên phải học thêm. Cán bộ giảng dạy KHXH được phân phối đi thực tiễn ở Cai Lậy hoặc Củ Chi. Khoa Trưởng Trần Văn Tấn chuyên khoa về Toán nhưng vì ở vị trí chỉ huy nên cùng bị đưa vào nhóm KHXH đi thực tiễn ở Củ Chi. Sinh viên cũng được phân phối theo chuyên ngành và thầy trò cùng đi lao động.

Chúng tôi được điều vào nhà dân để sống theo chủ thuyết Tam Cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với chủ nhà trọ. Nghĩ lại mà thương chủ nhà chấp nhận cho chị Hoàng Thị Thu Hà và tôi ở trong căn nhà nhỏ xíu ròng rã ba tháng. Vợ chồng chủ nhà và hai đứa con dồn lên chiếc giường tre để nhường giường-bằng-miếng-ván-ép cho chị Hà và tôi đâu lưng nằm ngủ. Lẽ ra KT Trần Văn Tấn cũng phải ở luôn trong căn nhà nầy theo kiểu Tổ Tam Tam nhưng vì nhà không có chỗ mắc võng nên KT Tấn phải sang nhà bên cạnh có cái võng để “ngả lưng” qua đêm.

Thật ra đến 2 giờ sáng là có kẻng đánh thức giục đi ăn cơm sáng hầu kịp ra đồng cấy lúa trước khi mặt trời mọc. Mắt nhắm mắt mở do ngủ chưa đủ giấc rồi thấy chảo đựng cơm màu xám tro vì nấu với nước giếng bùn, tôi bị dội liền. Rồi thêm 4 sinh viên lấy xẻng xới cơm khiến tôi ngồi quậy chén cơm chan bằng nước canh chua nấu với bạc hà và cà chua mà không ăn. Chả biết canh chua có cá gì bởi ít cá hay cá nhỏ quá và đã bị nấu nát bét. Thấy chén cơm tôi cầm trong tay còn nguyên vẹn, KT Tấn nhắc nhỏ:

- Ráng nuốt đi kẻo bị đói và nhất là mọi người đang dòm chị kìa.

Cám ơn những lời khuyên của KT Tấn nhất là những thùng nước bùn KT Tấn cố gắng kéo lên từ cái giếng cạn cho chị Hà và tôi dội cho mát chứ không bao giờ đủ để tắm sạch bùn sau khi đi lao động về vào buổi chiều. Nhớ hoài những thùng nước giếng ân tình.

Sau ba tháng đi thực tiễn, chúng tôi được trở về trường để chuẩn bị làm thủ tục vào “biên chế” (tenure). Cùng đứng quây quần chờ chị Tôn Nữ Thị Ninh phát mẫu đơn thì khi chị Ninh đến kế bên, tôi được nghe chị phán:


- Riêng chị không được vào biên chế vì “thằng chồng nguỵ”. Nhưng chị vẫn được phân công giảng dạy Anh Văn không-chuyên có nghĩa là dạy cho sinh viên biết đọc và hiểu tiếng Anh đủ để nghiên cứu. Riêng ba người là Mère Tô Thị Ánh, Sư Cô Tịnh Anh và chị được phân bố dạy sinh viên cán bộ và sinh viên đoàn.

Vì sao? Không dám hỏi nhưng tự giải đáp: Để sinh viên loại đặc biệt nầy kiểm soát chúng tôi hay vì sợ chúng tôi có ảnh hưởng nhiều đến các sinh viên thường?

Khi anh Viễn được rời trại cải tạo, lúc thấy anh buồn, tôi trêu cho anh vui bằng câu hỏi:

- Hai vị kia đi tu theo tôn giáo rõ rệt còn anh Viễn lập dòng tu tên gì, hồi nào, mà em cũng “được” chỉ định dạy các lớp sinh viên đặc biệt?

Chưa kịp lên lớp dạy đầu năm học thì có giấy triệu tập ba người chúng tôi: Giáo Sư Dương Thiệu Tống, GS Trần Kim Nở và tôi phải trở lại Củ Chi “nghiên cứu” giáo dục vì có bằng tiến sĩ giáo dục.

Thật ra chị Trần Kim Hạnh, anh Lê Quang Tiếng học cùng trường USC cũng có bằng tiến sĩ giáo dục nhưng “biết khôn”, sớm trở về ngành khoa học tự nhiên nên bị “lọt sổ” đi nghiên cứu.  Còn anh Nguyễn Hữu Phước cũng học cùng trường, cùng lấy bằng tiến sĩ giáo dục cùng thời nhưng “khôn sớm” hơn nữa, đã “vọt nhanh” trước 30 tháng Tư 1975 nên không “được” tẩy não mà-không-sạch như chúng tôi.

Trở lại Củ Chi, anh Nở và tôi đồng tình phó mặc nhiệm vụ nghiên cứu “cao cả” cho GS Dương Thiệu Tống. Hai chúng tôi chỉ xin phép được ký tên chung trong bản phúc trình nộp cho trường ĐHSP Sàigòn khi cuộc nghiên cứu hoàn tất.

Tưởng vậy là xong nào ngờ lại có giấy triệu tập cả ba chúng tôi trở lên Củ Chi tường trình kết quả nghiên cứu cho “chính quyền” địa phương. Đến ngày hẹn phúc trình bản báo cáo, chúng tôi có mặt một giờ trưa như ấn định tại Củ Chi trong một căn phòng nhỏ lợp tôn, không quạt máy. GS Tống khệ nệ mang một đóng sách để chứng minh các đoạn trích ghi trong bảng phúc trình. Anh Nở tìm chỗ mua ly cà phê uống để khỏi ngủ gật. Còn tôi thì nước mắt lưng tròng vì nhớ thuở xa xưa. Nửa giờ sau, “chính-quyền-địa-phương” mới đến. Nhìn GS Tống “gân cổ” hùng hồn đọc bảng phúc trình dày cộm. Thấy mà thương. Mỗi lần có phần trích dẫn là GS Tống mở sách ra, chỉ đoạn nào, trang mấy, y hệt như ngày trình thesis lấy bằng. Nhưng có ai nghe không? Anh Nở thì ngáp liên hồi. Còn tôi, đầu óc đang dẫn dắt du lịch ở trường USC. Và “chính-quyền-địa-phương” là thằng bé học lớp 10 đang hoang mang không biết GS Tống nói tiếng Việt gì nghe nổ cả tai bởi dùng toàn tiếng chuyên môn.

Cười ra nước mắt.

Trở về trường, dù không có biên chế, tôi vẫn đi dạy tiếng Anh và kèm thêm một nhiệm vụ công đoàn “quan trọng” nữa là chăm lo đời sống cho cán bộ giảng dạy trong Tổ. Hàng tháng đi lãnh nhu yếu phẩm gồm có vài muỗng bột ngọt, một gói “chè cám”, vài kílô đường, và có cả vài hộp diêm chẳng biết để làm gì mang về phát lại cho cán bộ trong Tổ Anh Văn không chuyên.


Tổ nầy gom toàn là giáo chức du học ở Mỹ trở về: Sư Cô Tịnh Anh, Mère Tô Thị Ánh, chị Hoàng Thị Thu Hà cùng quý anh Phan Thanh Hoài, Trần Huệ, Hoàng Ngọc Khiêm, Trần Kim Nở, Phạm Văn Quảng, và tôi cùng vài cán bộ miền Bắc vào hay tập kết trở về. Tổ chúng tôi thuộc về Ban Tâm Lý Giáo Dục do Tiến Sĩ Phạm Minh Hạc tốt nghiệp ở Nga về ĐHSP Sàigòn lãnh đạo một thời gian. Về sau Mère Tô Thị Ánh được điều qua trường Y Khoa dạy môn Clinical Psychology.

Xem ra thêm việc chăm lo đời sống cho các bạn trong Tổ tương đối cũng nhẹ nhàng cho tới kỳ lãnh hàng may áo Tết hơi bế tắc. Nam hay nữ giáo chức trong Ban Tâm Lý Giáo Dục đều được phát một xấp hàng nội hóa. Nhà dệt hàng chế biến màu thế nào mà ĐHSP phải nhận nhiều hàng màu hồng quê-một-cục đem ra chợ trời bán được nửa giá hàng màu xanh. Cả Ban TLGD chỉ được phát một xấp màu xanh. Vậy sẽ trao cho ai xấp hàng màu xanh? Tôi bèn đề nghị rút thăm thì liền nghe Trưởng Ban mắng:

- Sống trong thời đại xã hội chủ nghĩa mà chị còn mê tín, bày đặt rút thăm. Đưa xấp màu xanh cho tôi.

Vói tay lấy xấp hàng màu xanh, ông ta thản nhiên bước ra khỏi phòng.

Rồi những ngày cận Tết ập đến. Tôi được lệnh đi cùng với chị Tuyết miền Bắc, cán bộ chuyên lo đời sống cho tất cả nhân viên của trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn, xuống Rạch Giá thu mua hàng về “ăn Tết”.


Trong chuyến đi, chị Tuyết và tôi được “quá giang” trong chiếc ô tô con của các đồng chí ban ngành khác đi Long Xuyên. Nghe tin chúng tôi đi về tỉnh lẻ, thế là các bạn vét hết “nouille”/nui lãnh ở phường khóm nhờ mang đi bán và mua hàng về cho gia đình ăn Tết. Nui là món quà Liên Sô viện trợ cho Việt Nam rồi khóm phường đem phân phát theo số người trong hộ. Con nít nhất là các con của chị Cam, theo lời chị kể, ghét món nầy lắm vì không được chế biến như macaroni and cheese ở Mỹ hay Pháp. Thuở ấy nhà nhà mỗi ngày đều luộc nui rồi làm một chén nước mắm để sẵn trên bàn, ai đói thì ăn cho đỡ đói hơn là ăn củ mì/sắn chạy chỉ đen rất độc.

Chúng tôi tới Long Xuyên thì trời tối hẳn. Nhờ chị Ngô Thị Ngọc Ánh, học cùng khoá Vạn Vật 58-61, giới thiệu đến nhà bà con cho ngủ nhờ một đêm. May làm sao, trong nhà đang làm bánh ít chuẩn bị cho đám giỗ hôm sau. Chủ nhà biếu chúng tôi mỗi người hai cái. Bụng đói, bánh ngon. Nhớ hoài những cái bánh ân tình. Sáng hôm sau chúng tôi “rê” mấy bao nui ra chợ bán. Vì giọng Bắc của chị Tuyết, chị hỏi gì, các bà bán hàng không thèm trả lời. Tôi mời họ mua nui thì như chạm vào nỗi bực dọc tích tụ từ lâu nên bị họ mắng:

- Ba cái đồ đó mà dám gọi là nui không ngượng miệng.                                                  

Đi vòng vòng mời gọi mà chẳng ai mua. Mặt trời lên cao.  Chẳng lẽ mang qua Rạch Giá hay trả về khổ chủ ở Sàigòn. Bỗng nhiên có một bà bán hàng ngoắc tôi lại:

- Thấy chị kéo rê tội nghiệp. Đem hết lại đây tôi mua đem về cho heo ăn. Thảo nào con nít thà chịu đói chứ không ăn.

Xuống tới Rạch Giá thì đã có sẵn một xe vận tải chất đầy vịt và 5 chiếc xe đạp. Chị Tuyết vào làm giấy tờ, ký tên lãnh “của” và trở về Sàigòn liền. Lại thắc mắc mà không dám hỏi ai: xe đạp sản xuất ở Sàigòn để được phân bố về địa phương, vậy cớ sao lại chở xe đạp về Sàigòn? Tôi chỉ biết một điều là xe đạp có giá lắm. Thuở ấy tôi đem chiếc xe Dauphine đổi được chiếc xe đạp là mừng lắm. Vì xe bị kẹt lâu ở bến phà Mỹ Thuận nên khi về đến trường là quá 12 giờ khuya. Vịt không còn sức kêu cạp cạp nữa để chia sẻ thương cảm với nhân viên còn đầy đủ chờ lãnh hàng về ăn Tết: Một con vịt chết ngộp.


Ngoài công tác giảng dạy, chúng tôi còn được phân công canh gác nhà trường về đêm hoặc cuối tuần. Có lần tôi cùng anh Trần Huệ - đỗ tiến sĩ tâm lý giáo dục trường Mỹ - được phân công làm gác dan cổng Đại Học Vạn Hạnh từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều một ngày Chúa Nhựt. Lúc bấy giờ Đại Học Vạn Hạnh được thu dụng dành cho ngành Khoa Học Xã Hội của Đại Học Sư Phạm Sàigòn.

Đang ngồi ăn củ khoai lang của anh Huệ cho thì nghe tiếng còi xe. Tôi vừa khóc, vừa chạy ra mở cổng. Anh Huệ chạy theo nói vói:

- Cửa nặng lắm. Chị để cho tôi. Rồi hai chúng tôi cùng kéo cửa.

Xe lướt vào. Cửa sổ xe quay xuống. Một gương mặt thò ra. Hóa ra anh Nghĩa trong Ban Tâm Lý Giáo Dục - đi tập kết trở về - nói một câu lãng xẹt:

- Hai đồng chí hôm nay gác cổng?

Chúng tôi vừa trở lại chuồng cu - chỗ ngồi gác cổng - thì có bốn sinh viên nghênh ngang bước vào. Anh Huệ nhỏ nhẹ hỏi:

- Các anh cho chúng tôi xem chứng minh nhân dân.

- Không có.

Tôi dịu dàng hỏi:

- Vậy các anh cần thăm ai để chúng tôi mời xuống đón các anh.

Một sinh viên buông một câu làm tôi sững sờ, nước mắt tuôn ra:

- Mặt nguỵ trân mà còn làm phách.

Anh Huệ vội an ủi: “Đừng khóc” nhưng cặp mắt anh cũng lưng tròng.

Tuy nhiên cũng có sinh viên còn đồng cảm với chúng tôi. Có lần tôi được sinh viên nội trú mời ăn cơm trưa chia phần theo kiểu carré tức là 4 sinh viên ăn chung một mâm.


- Đây là bữa ăn hàng ngày của chúng em, mời Cô Giáo cứ tự nhiên xơi.

Tự nhiên làm sao được. Liếc nhanh thức ăn bày trên bàn. Một dĩa nhỏ chỉ có ba con tép lõng bõng trong nước muối và một tô canh rau muống gồm 12 cọng với lá úa, rễ già còn nguyên vẹn nổi lều bều trong tô nước trong. Tôi liền hỏi:

- Có ba con tép làm sao chia cho bốn trong bữa ăn hàng ngày?

- Dễ mà Cô. Một bạn chờ hôm sau đến lượt mình.

- Các em có thể giúp tôi hiểu đựơc lòng yêu nước của các em không? Vì sao các em gia nhập quân đội?

Cả 4 sinh viên cười dòn tan. Rồi một sinh viên trả lời:

- Thuở ấy chúng em đang học lớp 10 (tức là lớp cuối trung học vì lúc đó ở miền Bắc theo hệ thống giáo dục 10 năm chứ không phải 12 năm như trong Nam). Vào lớp chừng một tiết là có người mang đến một xấp đơn phát cho chúng em ghi tình nguyện gia nhập quân đội để cứu nước. Tập vở để nguyên tại chỗ sẽ có người mang về cho gia đình. Rồi chúng em bị hối thúc chạy vội ra leo lên xe chờ sẵn bên ngoài.
Một sinh viên ngừng ăn, đưa mắt nhìn xa xôi, buồn bã nói tiếp:

- Người yêu em học ở phòng bên cạnh mà em không kịp chào. Rồi từ lúc ấy đến bây giờ chúng em bặt tin nhau.

- Can đảm lên em. Tôi buộc miệng thốt. Không biết nói cho sinh viên hay cho chính mình.

Rồi một hôm thấy tôi đang giảng bài mà bỗng nhiên im bặt ngẩng nhìn chiếc máy bay đi ngang qua, biết rằng tôi đang xuống tinh thần, chính anh sinh viên nầy giả vờ lên xin lỗi vì lỡ chơi cờ trong lớp nhưng để kề tai tôi nói nhỏ:


- Cô tìm đường mà đi. Cô ở với chế độ nầy không nổi đâu.

Xin cám ơn em đã lo lắng cho tôi.

Trong 6 năm dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, tôi học nhiều điều mới như ngày Chúa Nhựt phải đi lao động xã hội chủ nghĩa từ 7 giờ sáng. Phải chăng đó là cách gián tiếp để người theo đạo Công giáo không kịp đi lễ ngày Chúa Nhựt?
Tất cả giáo chức đại học “được điều động làm thủy lợi ở vùng Cư Xá Thanh Đa. Khen ai khéo nghĩ cách đoạ đày giới trí thức - thức mà chưa tỉnh ngủ - cho chúng tôi chơi trò chuyền bùn.

Mọi người xuống nước bùn đen đứng thành hàng dài. Người đầu tiên móc một cục bùn rồi chuyền tay cho người kế tiếp. Đến người cuối cùng, cục bùn còn bé tí nhưng cũng phải đem đắp mô làm đê.
Mỗi lần đi đắp đê tôi theo chân Khoa Trưởng Trần Văn Tấn và chọn đứng bên trái KT Tấn. Khi cởi trần KT Tấn để lộ làn da trắng tươi nổi bật trong đám nam nữ giáo chức đại học chơi trò chuyền bùn. Thường thì KT Tấn trao luôn cục bùn cho người đứng bên tay mặt của tôi; nhưng thỉnh thoảng KT Tấn vẫn nhắc:

- Chị nhúng tay xuống cho lấm bùn kẻo họ để ý.

Với KT Tấn tôi mến phục từ hôm một cán bộ miền Bắc lên tiếng khiển trách khi chúng tôi bị điều động thu dọn sách trong thư viện ĐHSP để đưa ra Bắc. Đưa hết sách lên chiếc xe vận tải, chúng tôi trở vào dự buổi họp kiểm thảo ở trường ĐHSP. Một cán bộ giảng dạy ngoài Bắc phê phán:


- Các anh chị trong nầy làm việc chểnh mãng thế nào mà từ 1961 đến giờ, thư viện chỉ có ngần ấy sách.

KT Tấn giơ tay phát biểu:

- Xin đừng đả động đến ban giảng huấn. Tôi hoàn toàn chịu hết trách nhiệm.

Trong lúc bị đi học tập tẩy não, tôi thường ở bên cạnh KT Tấn vì lý do: Có ba người không ai dám công khai đến gần vì “sợ vạ lây” dù chỉ nói chuyện vu vơ. Đó là Khoa Trưởng Trần Văn Tấn, Tôn Thất Trung Nghĩa và tôi. Thế cho nên anh Nghĩa hay nói:


- Bà còn sợ gì nữa. Hồ sơ đen thì đã đen rồi. Không thể đen hơn nữa.

Anh Nghĩa và tôi vốn là bạn học chung khóa Vạn Vật 1958-1961 trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn nên trong hoàn cảnh nghiệt ngã càng thân tình hơn. Khi ban giảng huấn đại học được chuyển vào học ở giảng đường đại học Y Khoa, buổi trưa tôi theo anh Nghĩa ra phía trước trường ngả lưng trên tấm bạt của anh Nghĩa mang theo để trải ngồi sửa xe đạp sau giờ học tập.


Gió hiu hiu ru tôi vào giấc ngủ, quên đói và lấy sức để đạp xe về tới Gia Định khi tan trường. Vì chỗ thân tình như vậy nên một hôm tôi đon đả đến chào anh Nghĩa khi thấy anh ở Chợ Bà Chiểu, Gia Định khoảng 4 giờ sáng.


Tôi đi chợ sớm không phải để mua mà để bán cho kịp giờ về nhà thay đồ đi dạy học. Anh Viễn gom được gì thì đem bán nấy để có “tiền chợ”: khi thì một giỏ trái tầm ruột, vài bó bạc hà cọng nhỏ xíu vì thiếu phân bón, khi thì vài trái xoài cát hoặc trái dừa khô hay giỏ mận hồng đào hoặc vài nải chuối. Có gì bán nấy kể cả đào nền nhà bán gạch vụn cho người trong xóm nghèo lấp lỗ trũng cho đỡ ngập nước.


Hôm gặp anh Nghĩa ở chợ Bà Chiểu, trông anh nổi bật nhờ tướng cao, mặc bộ đồ trắng đánh tennis đứng bên cạnh chiếc xe đạp chở cần xé than đước. Đến gần anh Nghĩa, tôi hỏi một câu thật vô duyên:

- Anh Nghĩa làm gì ở đây sáng sớm vậy?

Anh ta quát to:

- Không thấy sao mà còn hỏi.

Hiểu tâm trạng buồn bực của anh cũng như chính mình lâm vào tình trạng bất-khả-kháng, tôi lủi thủi dẫn xe đạp đi bán nốt mớ trái cây còn lại. Vì cúi gầm mặt, tôi đụng phải một người hai tay xách hai túi nước đá. Tôi liền lên tiếng xin lỗi. Nhận ra giọng nói của tôi, ông ta ngẩng đầu lên:


- À ra chị. Tôi cũng góp phần “tăng gia sản xuất” đây chớ. Thôi tôi đi giao nước đá cho bà bán sương sâm để kịp trở về làm lễ.

- Chào Cha. Con cũng phải về để đạp xe tới trường kịp giờ dạy.

Đó là Linh Mục Phùng Sanh mà bổn đạo nhà thờ Bà Chiểu thường gọi là Cha Mạnh. Tôi rất phục tài thích ứng với hoàn cảnh nhanh chóng của Cha sau 1975.

Một hôm tôi ghé thăm Cha để biếu một nải chuối. Không thấy Cha ngồi ở bàn viết như thường lệ, nghe tiếng heo chộn rộn bên cửa hông, tôi chạy ra xem thì gặp Cha đang cho heo ăn. Cám heo văng tung toé lên chiếc quần đen và cái áo thun cũ Cha đang mặc. Ngỡ ngàng, tôi vẫn lên tiếng:


- Chào Cha.

Ngẩng nhìn lên, Cha lặng thinh một hồi. Rồi gỡ cặp kính cận xuống để lau. Kính đeo mắt của Cha dơ vì cám heo bắn lên hay vì nước mắt Cha làm mờ cặp kính?

Cho heo ăn, rồi tắm heo xong, Cha mời tôi đến xem cái máy hút bụi của em gái Cha mới gửi về. Biết tiếng tôi là “dân bán chợ trời”, Cha nhờ tôi đem máy đi bán. Tôi nhẫn tâm nói một câu:

- Cha ơi, thời buổi nầy ai mua máy mà bán. Ngoài đường không sạch, nơi nơi không sạch thì trong nhà làm sao giữ cho sạch được nên có ai đâu mua máy làm chi. Nếu Cha có thuốc tây hay thuốc ngoại hoặc đô la là con có thể giúp Cha được.

Tôi vừa bán thuốc tây và nồi cơm điện, chảo điện giúp bà Sơ Tô Thị Ánh. May quá, tôi xách túi hàng đi dọc đường Hai Bà Trưng gần chợ Tân Định hơi lo, sợ bị giật mất hàng và nhất là không biết nói giá bao nhiêu thì gặp một ông ngồi trên sạp gọi:

- Chị đi bán hàng hả?

Chúng tôi chưa kịp nhận nhau ra vì ông mua hàng và tôi cùng đội cái nón lá sùm sụp để che mặt.  Tôi vội trả lời:

- Dạ có.

Nhận ra tiếng quen, ông ta chỉ kịp nói:

- Trời ơi, chị.

Và tôi cũng đáp:

- Trời ơi, anh Tr.

Chúng tôi bỗng nhiên thành dân-chợ-trời bất đắc dĩ.


- Anh Tr. ơi.  Mấy tube Optalidon nầy cùng các hộp Aspirine là của Mère Tô Thị Ánh nhờ tôi bán. Tôi không lấy tiền còm (commission) gì hết. Bảo đảm là thuốc tây thiệt của người em bà bên Mỹ và nhà dòng bên Belgique gửi về. Anh cứ định giá, gói tiền lại trả cho bà. Tôi không mở ra và sẽ trao cho bà nói là anh mua thuốc, hẳn là Mère Ánh mừng lắm.
Có lẽ anh Tr. chỉ bán dùm chứ ai nỡ lấy tiền lời khi bán thuốc giúp một bà Sơ. Rồi anh Tr. gọi ông có sạp bên cạnh mua luôn cái chảo và nồi cơm điện của Mère Ánh.

Rảnh tay, tôi đi lang thang về hướng nhà thờ Tân Định để xem các sạp trong khu chợ trời. Gặp hàng sách cũ, tôi sà xuống, ngồi chồm hổm xuống lựa lựa, chọn chọn. Ông bán hàng đội nón rộng vành để che nắng hay che mặt e sợ bị nhận diện? Mặc cho khách chọn sách ông cũng chẳng buồn buông một câu chào hay một lời hướng dẫn chọn sách. Gặp một cuốn sách thuộc Tự Lực Văn Đoàn, tôi thắc mắc: “Tại sao cuốn sách nầy thoát được chiến dịch tiêu diệt văn hoá đồi truỵ mà dám nằm chình ình ở đây”. Tôi liền hỏi:


- Cuốn sách nầy giá bao nhiêu?

Ông ta ngẩng đầu lên:

- Trời ơi. Sao còn ở đây? Tưởng đi mất rồi chứ? Thôi để lên nhà thăm rồi hãy trả lời.

- Phải chi biết sớm anh buôn bán sách ở đây. Hôm qua tôi mới bán cuốn tự điển Webster mới tinh, buồn muốn khóc. Tôi hãnh diện giới thiệu sách với ông buôn sách ở Chợ Cũ: “Sách nầy edition mới nhất đó anh”. Ông ta bật cười to: “Vậy thì bằng nửa giá sách cũ vì sách mới in với giấy dày, không quấn thuốc hút được. Sách cũ, giấy mỏng, nhiều tờ hơn người ta thích mua để hút thuốc”.

- Thôi để lên nhà nói tiếp.

Mới ba giờ anh Th. đạp xe lên tới nhà và biếu hai cái bánh xu xê như lúc chúng tôi cùng dạy ở trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Nhưng hai cái bánh xu xê nầy được mua bằng món tiền ít ỏi nhờ phơi nắng cả ngày để bán từng cuốn sách cũ. Nhớ hoài hai cái bánh ân tình. Anh Th. bèn nhắc lại câu hỏi không dám trả lời nơi chỗ đông người:


- Sao còn ở lại đây?

- Anh có tin số mạng không? Chúng tôi thử thời vận bao nhiêu lần rồi đó. Mỗi lần chúng tôi chuẩn bị ra đi là tôi mang về một con heo mọi.

- Để làm gì?

- Để cho Tổ Trưởng và Công An Phường đi ngang nhà nghe tiếng heo kêu, tưởng rằng chúng tôi an phận ở lại “góp phần tăng gia sản xuất”. Nuôi heo mọi ít tốn tiền mua thức ăn và tiền mua heo cũng rẻ hơn các loại heo khác. Nuôi rồi bán bao nhiêu con heo rồi mà vẫn còn đây. Trong trường tôi đã có vài người ra đi tới được thiên đàng hạnh phúc nhưng cũng có người ra đi mà không có tin vui gửi về.

Thương nhất là gia đình Giáo Sư Hoàng Ngọc Thành. Bên chồng và tính luôn bên vợ có 11 thân nhân vùi dập trong biển cả hoặc rừng sâu.

Tôi nhớ nhất là anh Hoàng Ngọc Khiêm, em của GS Thành. Buổi trưa trước ngày ra đi, vừa tan trường, anh Khiêm mời tôi sang bên chợ Trương Minh Giảng, đối diện Đại Học Vạn Hạnh, uống nước mía, món hàng xa xí trong thời buổi đó. Ngạc nhiên, tôi đi theo anh Khiêm nói đùa:


- Sao hôm nay anh Khiêm sang thế?

Anh Khiêm không cười mà vẻ mặt buồn buồn:

- Mời chị ly nước mía giã từ. Mai nầy tôi dẫn thằng con đi qua ngả Campuchia vì sợ cháu lớn lên sẽ bị bắt đi lính gửi qua Campuchia. Không biết bao giờ mới gặp lại chị.

Thật vậy, anh Khiêm và tôi chẳng còn gặp lại nhau vì gia đình anh không bao giờ được tin vui của cha con anh Khiêm. Cám ơn anh Khiêm đã tin tôi không đi tố cáo với nhà trường nên dám nói lời từ biệt.

Trong Tổ nhỏ Anh Văn Không Chuyên của chúng tôi, cùng số phận với anh Khiêm có chị Hoàng Thị Thu Hà. Trước ngày đi, chị Hà lấy cái váy bằng len nhờ tôi tháo ra và may cho thằng con 5 tuổi một cái Jacket để đi vuợt biên với chị: Dắt díu nhau bằng đường bộ qua ngõ Campuchia. Cuộc hành trình bất thành. Trở về, chị Hà chọn đường biển. Bặt tin.

Và còn bao nhiêu gia đình nữa đi mà không tới như anh chị Tâm bên Đại Học Khoa Học. Cả hai vợ chồng đi tìm tự do ở cõi nào mà để lại hai cháu nhỏ cho ông bà Hoàng Ngọc Thành chăm sóc trên đảo Pulau Bidong.

Những tin dữ nầy truyền nhau trong trường cũng không làm sờn lòng người quyết tâm ra đi.

Đêm đêm nằm nghe tiếng chó sủa mà rợn người, lo sợ cho ngày mai không biết sẽ ra sao. Thôi thì cứ tìm đường vượt biên, vượt biển mà đi dù biết rằng xác suất đến cổng vào Thiên Đường Tự Do rất nhỏ: 6.25%. Nầy nhé ra đi có thể bị bắt là một ăn một thua: 50/50. Ra tới biển có cơ hội gặp hải tặc: 50/2= 25. Cơ hội được Mẹ Thiên Nhiên chúc lành: 25/2 =12.5. Nếu tính thêm may mắn thoát đột quỵ vì căng thẳng hoặc đói khát có thể giết người thì cơ hội sống còn chờ ngày được định cư ở một nước thứ ba sẽ là: 12.5/2= 6.25. Trong canh bạc ít có ai dám đem tiền của ra đánh đổi với một xác suất nhỏ thế. Vậy mà nhiều người dám đem sinh mạng của mình ra đánh trong canh bạc tù đày hay tự do.

Quả thực, chúng tôi là những người chấp nhận an phận, mong cảnh gió dừng để cây lặng nhưng nào gió có dừng đâu. Đành thử thời vận: “Một liều ba bảy cũng liều…”

Tới được bến bờ Tự Do thật là phép lạ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét