khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Lm Nguyễn văn Vinh - Tác giả Song Thao




Linh mục Nguyễn văn Vinh


Năm 1947, linh mục Nguyễn văn Vinh hồi hương sau 17 năm xa quê và được Giám Mục Francois Chaize, tên Việt là Thịnh, bổ nhiệm làm Chánh Xứ nhà thờ Lớn Hà Nội. Cha Vinh là một linh mục yêu nước và cứng rắn. Năm 1951, Trung Úy Bernard, con trai của tướng De Lattre de Tassigny, Tư Lệnh quân Đội Pháp tại Việt Nam, tử trận trên chiến trường Việt Nam. Lễ an táng được tổ chức ở nhà thờ Lớn Hà Nội. Tướng De Lattre đòi ngồi trên cung thánh và bắt chuyển ghế của Thủ Tướng Trần văn Hữu xuống phía dưới lòng nhà thờ. Vì lòng tự trọng dân tộc và danh dự quốc gia, linh mục Nguyễn văn Vinh không nhượng bộ. Hai bên tranh cãi rất gay gắt. Chỉ tới khi Thủ Tướng Trần văn Hữu tự nguyện rút lui, sự việc mới xong. Bữa sau, tướng De Lattre vời cha Vinh tới dinh của ông ta, tức giận đập bàn đe dọa, cha Vinh không chịu kém, cũng đập bàn to tiếng lại. Giám mục Trịnh Như Khuê chịu áp lực phải cất chức chánh xứ của linh mục Vinh, thuyên chuyển ông qua giảng dậy Anh văn, Pháp văn, Triết và Nhạc tại Tiểu Chủng Viện Pio XII, đồng thời dạy Việt Văn và Triết Học tại trường Chu văn An Hà Nội.

Tính cương quyết của cha Vinh được lập lại lần nữa sau năm 1954, khi cộng sản thống trị miền Bắc. Nhà cầm quyền mới chỉ thị trường Dũng Lạc phải treo hình Hồ Chí Minh thay cho thánh giá trong các lớp học của trường, cha Vinh cương quyết không thi hành. Vì vậy trường bị đóng cửa vào năm 1957. Trước sau trường chỉ có hai Hiệu Trưởng là cha Mai và cha Vinh!

Nhà cầm quyền sau đó không tìm ra được người dạy tiếng La tinh cho trường Đại Học Y Khoa Hà Nội nên đề nghị Đức Cha Khuê cử linh mục Vinh qua dậy. Trong một lần Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai tới viếng thăm trường, ông thấy trong ban giảng huấn có chiếc áo chùng thâm, nói kháy: “Đến giờ này mà còn có linh mục dậy ở Đại Học quốc gia sao?”. Linh mục Vinh nghỉ dậy sau đó.

Năm 1957, vào dịp lễ Giáng Sinh, nhà cầm quyền Hà Nội muốn tỏ cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là đạo công giáo vẫn được tự do hành đạo, họ tự động cho người tới treo dây, kết đèn quanh nhà thờ Lớn. Sau đó họ đòi nhà thờ một khoản tiền lớn gồm tiền công và vật liệu. Hành động ngang nhiên của họ khiến giáo dân bất bình. Năm sau, 1958, họ tái diễn mửng làm tiền đó. Hai linh mục Trịnh văn Căn và Nguyễn văn Vinh phản ứng dữ dội. Họ cho kéo chuông nhà thờ để báo động cho giáo dân. Giáo dân ùn ùn kéo tới. Linh mục Vinh leo lên chiếc thang cao, bắt chéo tay thành hình chiếc còng, lớn tiếng la: “Tự do thế này này!”. Sau đó, họ đưa hai linh mục quả cảm ra tòa với tội danh “vô cớ tập họp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân”. Tòa kết án linh mục căn 12 tháng tù treo, linh mục Vinh 18 tháng tù giam.

Án là 18 tháng nhưng cuộc đời tù tội của linh mục Vinh kéo dài lê thê. Ông bị giam tại Hỏa Lò và lần lượt di chuyển qua các trại giam Chợ Ngọc rồi Yên Bái. Khi mới tới trại Yên Bái, linh mục Vinh còn được ở chung với các tù nhân khác. Nhiều người đến xin và được ông giải tội. Vì vậy ông bị kỷ luật phải biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối thui. Mấy tháng sau, ông được ra sống chung lại với các tù nhân khác. Ông lại làm phép giải tội. Cán bộ trại tức bực hỏi: “Tại sao đã bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh lại tiếp tục phạm nội quy?”. Cha đáp: “Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận của mình!”. Cha đã làm quá bổn phận của mình khi sống với anh em bạn tù. Một lần, nhận được gói quà gồm lương khô và vài đồ dùng cá nhân, do cha Nguyễn Tùng Cương, quản lý nhà chung Hà Nội, gửi vào, cha mang ra chia hết cho mọi người không phân biệt lương giáo. Bạn tù rất quý mến cha. Họ gọi cha bằng bố! Có lần một bạn tù bị đánh, cha lên tiếng bênh vực, liền bị cán bộ xông tới giơ tay đánh. Cha đưa tay lên gạt, lập tức anh chàng cán bội ngã khuỵu xuống. Vậy là cả trại đồn cha có võ!

Sau đó, cha bị đầy đi trại Cổng Trời, ngôi trại tàn khốc nhất trong các trại tù của cộng sản. Một chánh giám thị trại tên Nguyễn Quang Sáng đã dằn mặt tù: “Hôm nay, tôi, Nguyễn quang Sáng, chánh giám thị mới của trại, thông báo để các anh rõ: Trại Cổng Trời, công trường 25A Hanoi này là một trại đặc biệt. Trại đã sàng lọc cẩn thận lũ các anh, bọn đầu trâu trán khỉ, bọn phản động chống phá cách mạng một cách điên cuồng. Ở các trại dưới các anh không chịu cải tạo, lại còn ra sức truyền đạo và kích động người khác. Chúng tôi đây, chúng tôi cũng được chọn lọc, những phần tử ưu tú nhất, dầy dạn nhất, kinh nghiệm nhất để lên đây trừng trị, trấn áp lũ các anh. Tôi thay mặt ban giám thị báo cho các anh biết: Ban Giám Thị trai trực tiếp được Bộ chính trị và Ủy ban thường vụ quốc hội trao cho quyền hành đặc biệt là trừng trị thẳng tay những kẻ nào còn dám chống lại đảng và nhà nước”.

Một bữa, một cán bộ cao cấp ở Hà Nội tới gặp tù nhân Vinh dụ dỗ: “Đảng và chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh. Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi”. Linh mục Nguyễn Thế Vịnh lúc đó là Chủ Tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo, một tổ chức của nhà nước. Linh mục Vinh khẳng khái trả lời: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh, tôi có đường lối của tôi!”. Vậy là mút mùa lệ thủy.

Bạn tù với cha Vinh là Tuân Nguyễn nhớ lại những ngày cùng bị giam cầm với linh mục Vinh. Ông kể lại với nhà thơ Phùng Quán: thời gian trong tù, linh mục Vinh được hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ sừng sỏ nhất, quý mến. Ông được giao nhiệm vụ khâm liệm những tù nhân chết. Ông là con người nhân ái, trí thức.

Con người nhân ái đó được các tù nhân trong trại Cổng Trời đặt cho hỗn danh là “thằng khùng”! Trong bài viết “Cái Thanh Ngang Trên Cây Thập Tự Đóng Đinh Chúa”, nhà thơ Phùng Quán kể lại lời của Tuân Nguyễn. “Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương. Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính”.

Hầu như không ai trong trại biết “thằng khùng” chính là một vị linh mục trí thức đã từng du học bên Pháp. Công việc khâm liệm xác chết là công việc không ai muốn làm, vậy mà “thằng khùng” xung phong nhận làm. Và làm với cả tấm lòng. Phùng Quán viết lại lời của Tuân Nguyễn: “Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc. Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy”.

Ai chứ Tuân Nguyễn thì tôi biết. Anh là một giáo viên của miền Bắc, sau này vào Nam tiếp tục dạy học tại trường Cấp Ba Thanh Đa, tọa lạc trong cư xá Thanh Đa. Thời gian này, tôi cũng dạy học tại đây nên biết khá rõ Tuân Nguyễn. Anh là một người chân chất, thật thà như đếm, được mọi người quý mến. Thường thì các giáo viên trong trường chơi với nhau thành từng nhóm. Nhóm giáo viên Sài Gòn chúng tôi ít khi thân mật với nhóm giáo viên ngoài Bắc vô, nhưng với Tuân Nguyễn thì khác hẳn. Chúng tôi chấp nhận anh vì tự anh chứng tỏ anh là một người ngoài kia vào nhưng không giống người ngoài kia. Anh hầu như chỉ chơi với các giáo viên Sài Gòn, thiếu thân mật với các giáo viên ngoài Bắc vào dạy. Tới khi tin cậy được nhau thì tôi nghỉ dậy để đi định cư tại Canada. Anh thường kể cho tôi nghe những chuyện thâm cung bí sử của giới lãnh đạo miền Bắc. . Anh mất vào năm 1983 vì một tai nạn xe tại Sài Gòn.

Khi chôn kẻ chết, miệng cha Vinh mấp máy cái gì đó, Tuân Nguyễn không hiểu nhưng tôi hiểu. Cha Vinh đã cầu nguyện hoặc làm phép xác cho các bạn tù. Công việc không ai muốn làm, cha Vinh nhận làm vì nhiệm vụ linh mục của cha. “Chôn xác kẻ chết” là một trong 14 điều răn của đạo mà một người công giáo cần thực hành. Không ai hiểu được công việc tông đồ của vị linh mục này. Có lần giám thị thấy cha Vinh khóc thắm thiết khi chôn tù nhân, đã hỏi: “Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?”. Cha khúm núm thưa: “Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ luẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ cũng không xích được!”. Phùng Quán kể tiếp lời Tuân Nguyễn: “Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, “đầu chày, đít thớt, mặt bù loong” cũng phải rơm rớm nước mắt. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?”.

Tuân Nguyễn chỉ biết “thằng khùng” là ai trong một dịp hai người đi chăn trâu của trại. Trời nóng như lửa đốt, bãi sông lại chỉ có độc nhất một cây mủng èo uột, hai người phải ngồi sát vào nhau cho có bóng mát. Bỗng “thằng khùng”, vốn ít nói, lại lên tiếng hỏi trước: “Anh Tuân này, sống ở đây anh thèm cái gì nhất?”. Tuân Nguyễn buột miệng trả lời ngay: “Thèm đọc sách!”. Nói xong anh mới thấy mình…khùng. Nói chuyện sách vở với tên này chắc cũng giống nói với mấy con trâu đang đầm nước dưới sông. Chắc cả đời tên này chưa bao giờ cầm tới cuốn sách. Nhưng “thằng khùng” lại hỏi tới: “Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai?”. Như không kềm nổi ước muốn trong lòng, anh lại buột miệng trả lời: “Voltaire!”. “Thằng khùng” nhìn mặt sông lóa nắng hỏi: “Trong các tác phẩm của Voltaire anh thích nhất tác phẩm nào?”. Tuân Nguyễn ngạc nhiên, trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: hay là một người nào khác đã ngồi thế vào chỗ tên này chăng? Anh ngập ngừng trả lời: “Tôi thích nhất là Candide”. Vẫn với giọng bơ bơ, một câu hỏi khác được đặt ra: “Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?”. Tuân Nguyễn còn bận ngây người ra nhìn, chưa kịp trả lời thì “tên khùng” nói tiếp: “Không phải đọc mà là nghe. Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ!”. Phùng Quán viết tiếp: “Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence. Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: “Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!”. Anh nói: “Chúng mình lùa trâu lên bờ đi!”. Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta: “Anh là ai vậy?”. Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời: “Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa”. Rồi anh ta tiếp: “ Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi”. Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn, ngu ngu đần độn như thường ngày”.

Mùa đông năm 1971, cha Vinh ngã bệnh. Tuân Nguyễn xin cán bộ cho tới thăm. “Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật. Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói: “Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình”. Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN. Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật. Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ “Nhẫn” ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu. Giám thị hỏi: “Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam”. Mình nói: “Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí”. Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán”. Cha Vinh về với Chúa ngày 8 tháng 2 năm 1971. Bản án 18 tháng đã thành 12 năm và người tù linh mục Nguyễn văn Vinh không bao giờ ra khỏi nhà tù!

Một năm sau, cái chết của cha mới được nhà nước xác nhận sau nhiều lần chất vấn của cha Quản Lý Nhà Chung Nguyễn Tùng Cương. Nhưng họ không cho phép tổ chức tang lễ!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét