khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

Giáo dục và triết lý giáo dục - Tác giả Nguyễn tường Tâm




Muốn xây dựng một triết lý giáo dục cho đất nước cần phải hiểu triết lý giáo dục là gi?
Ngày 24-11-2018 trên báo giaoduc.net ký giả Thùy Linh phỏng vấn cựu Bộ trưởng Giáo Dục Phạm minh Hạc về triết ý giáo dục của VN, ông Hạc phát biểu nội dung cũng giống như trong cuốn “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam” của ông được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2011.

Tôi không nhận định về phát biểu của ông Hạc. Nhưng theo TS Mạc Văn Trang, một cán bộ thuộc hàng lãnh đạo Bộ GD nhiều năm, thì sau khi đọc tác phẩm trên của ông Hạc và cuốn “Triết học giáo dục Việt Nam” của Thái Duy Tuyên được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Đại Học Sư Phạm Hà Nội năm 2007, ông cũng chẳng hiểu gì cả. Nguyên văn TS Mạc Văn Trang viết, ” Đọc sách của hai giáo sư xong càng thấy bối rối, không biết, vậy triết lý hay triết học của giáo dục Việt Nam là gì!”

Đề xuất triết lý giáo dục Việt Nam – Mạc Văn Trang-by NPV • 19/05/2014)

Bắt đầu từ khoảng 2011, giới lãnh đạo và hoạt động giáo dục Việt Nam mới bắt đầu bàn về triết lý giáo dục. Trong bài phỏng vấn, ông Hạc nói, năm đó (2011) “Bộ trưởng Luận nói với tôi là nên có tuyên bố về triết lý giáo dục.” Nhưng mãi tới năm 2014 thì dư luận mới bàn tán nhiều về vấn đề này. Lúc đầu họ không biết triết lý giáo dục là gì. Dần dần, cho mãi tới gần đây, mới thấy có người “có vẻ” biết được triết lý giáo dục khi họ phát biểu triết lý giáo dục là kim chỉ nam hướng dẫn công tác giáo dục. Nhưng rồi theo dõi tiếp cuộc thảo luận trong quốc hội cũng như trên báo chí người ta lại thấy thực sự họ chẳng biết triết lý giáo dục là gì, họ chỉ “nghe lóm”, “học lóm”, hay đọc đâu đó một số sách báo lẻ tẻ mà không thông.

Trong bài tường thuật “Xã hội đã chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm” tác giả Đỗ Thơm tường thuật, trong buổi họp Quốc hội ngày 15-11-2018 bàn về Dự thảo luật Giáo Dục, đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu, “triết lý giáo dục vốn được xem là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục được xây dựng trên 4 trụ cột chính là đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục.

Người không hiểu vấn đề, mới đọc qua, tưởng vị đại biểu này hiểu vấn đề ghê lắm. Nhưng thực sự phát biểu đó hoàn toàn tự mâu thuẫn, chứng tỏ ông ta không hiểu gì cả. Sự mâu thuẫn rõ ràng hơn khi vị đại biểu đặt vấn đề tiếp “Liệu từ mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục được chế định trong dự luật lần này, soi rọi được gì để có thể khái quát thành triết lý giáo dục của Việt Nam”. Những ý tưởng trên mâu thuẫn ở điểm, một khi đã biết triết lý giáo dục là “kim chỉ nam cho hoạt động giáo dục” thì đáng lẽ phải từ kim chỉ nam đó hình thành 4 trụ cột “đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục”, chứ không ai lại đi ngược như hiện nay.

Vì thế bài này sẽ trình bày rõ ràng, đơn giản, khúc chiết vấn đề triết lý giáo dục là gì và ảnh hưởng ra sao trên những “cột trụ” của giáo dục.

Trước hết, muốn tìm hiểu Triết lý giáo dục là gì thì cần phải định danh hai ý niệm: Triết lý là gì? và Giáo Dục là gì? Người ta không thể thảo luận dựa trên những ý niệm chưa rõ hoặc chưa có sự đồng ý, vì điều đó sẽ dẫn tới tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” (như lâu nay giữa các vị có trách nhiệm và lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam).

Độc giả (ngoại trừ những người học đại học ban Triết của miền Nam trước 1975) hãy tự hỏi mình có biết triết lý là gì không? Xin báo trước, sách triết đã cho biết, đây là một câu hỏi khó trả lời. Để trả lời câu hỏi này, tôi đã vào thư viện thành phố San Jose, một trong số ít thư viện tân tiến nhất của Hoa Kỳ, thư viện này liên kết với thư viện trường Đại Học San Jose, để tìm đọc 21 cuốn sách có tựa đề Triết lý Giáo dục (Philosophy of Education), ngoại trừ những sách điện tử, ebooks; và 13 cuốn sách triết học phổ thông với tựa đề có chữ Philosophy do tôi mua mỗi khi trông thấy ở tiệm sách Barnes and noble (xem danh sách tham khảo). Dĩ nhiên tôi không đọc hết nội dung của các cuốn sách này, mà tôi chỉ đọc toàn bộ những phần sách viết về mục “Triết lý là gì? What is philosophy”, triết lý giáo dục là gì? và giáo dục là gì? Ngoài ra tôi còn tham khảo một vài cuốn sách khác mà tôi có ghi trích dẫn trong bài. Theo sách triết, Triết lý là gì? là một câu hỏi khó trả lời; hay có quá nhiều câu trả lời. Sách Mỹ viết là các câu trả lời của câu hỏi này đều gây nhiều tranh cãi (controversial). Encyclopedia Americana trang 925 viết: Tất cả mọi định nghĩa của triết học đều gây tranh cãi (However, all definition of philosophy are disputable).

Theo wikipedia, Triết lý có nhiều cách định nghĩa, tất cả khác nhau về mục đích và trọng tâm (tức là tùy theo tác giả muốn nhấn mạnh tới mặt nào của ý niệm cần định nghĩa (there are various types of definition – all with different purposes and focuses.) Bài này chỉ dùng một vài định nghĩa của triết lý và sẽ được đề cập tới mỗi khi cần thiết. Nhưng trước hết phải hiểu rõ nội dung hai từ triết lý và triết học trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt 2 chữ: triết học và triết lý có 2 nghĩa khác nhau. Theo người Việt Nam triết học là bộ môn nghiên cứu triết lý, tức là nghiên cứu tư tưởng của những triết gia. Còn triết lý là hoạt động, nghiên cứu, của chính các triết gia. Ví dụ Jean-Paul Sartre là triết gia. Các tác phẩm viết về triết của ông là những tác phẩm triết lý (Philosophic essays: tiểu luận triết lý) , ví dụ cuốn: Being and Nothingness / L’être et le néant (1943) (hiện hữu và hư vô). Còn những tác giả viết sách để tìm hiểu về Jean-Paul Sartre (không phải để tranh luận với ông) thì không được coi là triết gia và tác phẩm của họ được gọi là tác phẩm triết học. Phương Tây thì chỉ có một chữ là philosophy bao trùm cả hai nghĩa triết lý và triết học trong ngôn ngữ Việt. Cá nhân tôi không phân biệt mỗi khi dùng từ triết lý hay triết học vì tôi dùng theo nghĩa bao quát của từ philosophy.

Như đã trình bày, triết lý có nhiều định nghĩa bổ sung cho nhau. Theo một trong các định nghĩa đó, triết lý là những nguyên tắc hướng dẫn hành động. Trong cuốn tập đọc 180 của Hoa Kỳ dành cho bậc tiểu học, triết lý được định nghĩa là “Những nguyên tắc hướng dẫn con người hành động” (Philosophy: The attitude or beliefs that guide how people or groups act.)

Như vậy triết lý giáo dục sẽ là những nguyên tắc hướng dẫn công tác giáo dục. Điều nay cũng được ghi nhận trong một cuốn sách khác, “Triết lý giáo dục là những niềm tin (beliefs) về vấn đề dậy ai, dậy cái gì và dậy thế nào.” Đây chính là định nghĩa đã được các đại biểu quốc hội phát biểu khi họ dùng từ “kim chỉ nam”. Với định nghĩa này, chúng ta hiểu rằng phải xây dựng triết lý giáo dục trước để làm định hướng, nền tảng, dựa trên đó mới xây dựng mục tiêu của giáo dục, nội dung chương trình, và phương pháp giáo dục, mà ngày nay người ta gọi là các “trụ cột” của giáo dục. Phân tích đến đây, củng cố thêm niềm tin đã lập luận ở trên rằng, khi mà các đại biểu quốc hội yêu cầu xây dựng một triết lý giáo dục dựa trên các trụ cột của giáo dục tức là các vị đó đã tự mâu thuẫn, không hiểu triết lý giáo dục là gì. Thậm chí tác giả Hoàng Xuân Vinh lại còn viết rằng trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, việc xây dựng một triết lý giáo dục là “quá sớm”. Đồng thời tác giả viết tiếp đại ý là không cần tìm kiếm một triết lý giáo dục bây giờ mà “giáo dục hãy tập trung đào tạo nguồn nhân lực biết đón đầu công nghệ.” Phát biểu của ông Vinh cho thấy ông không biết giáo dục là gì cả. Giáo dục không phải chỉ dậy kỹ thuật, dậy nghề. Giáo dục là gì? chính là câu hỏi cơ bản của triết lý giáo dục, và là chủ đề của bài này.

A-Định nghĩa giáo dục.

Sau khi đọc tất cả những cuốn sách trong phần tham khảo, tôi giản lược định nghĩa của các tác giả giáo sư Đại học Hoa Kỳ như sau: Giáo dục là sự truyền đạt kiến thức từ người thầy sang người trò (the communication of knowledge from one person or thing to another person). Có lẽ định nghĩa này là cô đọng và đầy đủ, lại dễ hiểu đối với mọi người, dù trong hay ngoài ngành giáo dục, dù là nhà giáo hay là phụ huynh.

Với định nghĩa căn bản này, ta thấy, để có giáo dục, chỉ cần có ba thành tố: Thầy, trò, và kiến thức. Chúng ta dễ dàng đồng ý rằng một tổng hợp các kiến thức được gọi là chương trình. Nói cách khác, ba thành tố cơ bản của giáo dục là Thầy, Trò và Chương Trình.

I-Trường học có cũng được mà không có cũng vẫn có thể giảng dậy.

Từ khi có con người đã có sự giáo dục. Thủa sơ khai, mỗi ngày, người cha dắt con lên núi hay xuống biển để săn bắn hay bắt cá, người cha đều giảng dậy cho người con kỹ thuật săn bắn, bắt cá, rồi trồng trọt, rồi nhìn “thiên văn” để biết “mây thuận, gió hòa”. Dần dần, con người nhìn trời để dự đoán thời tiết, mãi rồi cũng tới lúc đặt câu hỏi: Trời là ai? ai sinh ra thế giới này? v…v Đó là khởi đầu của triết lý và cũng là khởi đầu của văn minh nhân loại. Rõ ràng là, từ thời chưa có trường học, hay ý niệm về trường học, đã có giáo dục. Ngay cả tới thời con người đã đạt tới trình độ văn minh tình thần cao là thời triết lý cổ đại Hy lạp, cái mà sau này người ta gọi là “school” (trường học) cũng không có nghĩa một ngôi trường cụ thể mà là chỉ một tập hợp những bậc trí giả, một trường phái học thuật. Nhóm gọi là school (trường phái) này không tụ tập tại một ngôi trường để học tập như chúng ta bây giờ, vì thời đó làm gì có ngôi trường như vậy. Những ông thầy như Socrates và đệ tử của ông chỉ đi rao giảng hay qui tụ học trò tại nơi công cộng (sân công đình, hay nơi họp chợ) để cùng nhau thảo luận.

Tôi đã có dịp tới tận nơi cách nay hơn 2000 năm gọi là “trường học” ở Athene Hy lạp mà bức tranh của Rapheal mô tả cách điệu.

Thêm nữa, ngay hiện nay, tại nhiều vùng sâu vùng xa, chúng ta vẫn có những “ngôi trường” không như những ngôi trường chúng ta thấy ở thành phố lớn, những “ngôi trường” không ra trường, mà chỉ là cái chòi tranh không vách, các em học sinh ngồi dưới đất theo đuổi “con chữ”, nhưng ở đó sự giáo dục vẫn đang diễn ra. Bản thân tôi cách nay vài năm đã thấy ở một làng quê chỉ cách Hà Nội chưa tới 70 km, một ngôi trường như vậy và chỉ có một gian gọi là “lớp học”. Tóm lại, trường học không phải là yếu tố bắt buộc để có giáo dục, mà chỉ là một yếu tố phụ thuộc, làm tăng hiệu quả của giáo dục.

II-Học cụ có cũng được mà không có cũng vẫn có thể giảng dậy.

Điều này có lẽ ai cũng đồng ý. Thời xa xưa chưa có trường học thì làm gì có học cụ. Ngay cả thời sơ tán, lớp học phải diễn ra dưới hầm trú ẩn, thì làm gì có học cụ, nhưng học sinh vẫn học tốt, thầy cô vẫn dậy tốt. Tóm lại học cụ chỉ làm cho việc giáo dục dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, nhưng không có nó thì vẫn có thể có giáo dục.

III-Sách có cũng được mà không có cũng vẫn có thể giảng dậy.

Sách dùng để dậy học cũng chỉ mới xuất hiện từ khi phát minh ra máy in. Trước kia, nhất là khi chưa phát minh ra giấy, thì chưa có sách theo nghĩa ngày nay. Vả lại, Đức Phật, hay chúa Giê Su, triết gia Socrates (469/470-399 BCE) chỉ giảng miệng chứ đâu có sách, ngay cả thánh Mohamet (571 AD) của Hồi Giáo cũng đâu có dùng sách để giảng dậy. Các ngài chỉ truyền miệng, đời sau các đệ tử chép lại thành kinh. Tóm lại sách chỉ giúp cho việc dậy và học dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, nhưng không có sách vẫn có thể có giáo dục.

Nhưng tại sao dưới thời xã hội chủ nghĩa, khác hẳn thời Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, Bộ giáo dục lại đặt nặng vấn đề soạn sách, in sách và phát hành sách? Thậm chí ngân sách cải tổ giáo dục lúc đầu dự trù 34 nghìn tỷ đồng cũng dành phần lớn cho sách (Để hiểu số tiền đó lớn như thế nào ta cần làm con toán: 1 tỷ đồng = $50,000 đô Mỹ= lương năm 1 giáo viên hay 1 người tốt nghiệp đại học mới ra trường. 34 ngàn tỉ có thể trả lương một năm cho 34 ngàn cô thầy giáo Mỹ mới ra trường. Thế mà lương năm của cô thầy giáo Mỹ mới ra trường = lương năm của 25 cô thầy giáo Việt Nam; lương năm cô thầy giáo Việt nam = $2,000 đô Mỹ. Như vậy $34 ngàn tỉ đủ trả lương năm cho 850 nghìn cô thầy giáo ở Việt Nam). Sau khi làm con toán và so sánh như vậy, chúng ta dễ đồng ý với một số ý kiến của các nhà giáo trong các cuộc thảo luận về cải tổ GD trong mấy năm qua, rằng lý do giới lãnh đạo bộ giáo dục dành hết tâm trí thảo luận và thúc dục phải làm gấp, làm ngay, không cần triết lý giáo dục, việc soạn, in và xuất bản sách là vì, đó là “dịch vụ” (affairs) béo bở của họ và của nhà Xuất bản Giáo dục. Thời VNCH Bộ GD hoàn toàn không đảm trách việc soạn sách và in sách. Việc soạn sách trao hoàn toàn cho thầy cô giáo. Do đó nhiều thầy cô giáo tự soạn sách giáo khoa để dùng, nhưng đa số thì mua sách do các thầy cô giáo khác soạn và toàn quyền quyết định (không bị áp lực của hiệu trưởng, trưởng ty giáo dục, hay của bất cứ ai) mua sách của bất cứ tác giả nào mình thấy hay. Vì tính cách tự do và cạnh tranh như vậy nên sách giáo khoa của miền Nam trước 1975, TUYỆT ĐỐI KHÔNG BAO GIỜ SAI KIẾN THỨC. Nếu có sai đánh máy hay in ấn một số chữ, rất ít, thì sẽ có bảng sửa sai chỉ khoảng 1/2 trang ở cuối sách.Thêm nữa, cô thầy giáo chọn mua sách cho học trò là chọn sách dễ hiểu chứ không phải chọn vì hoa hồng (10%) cho riêng mình; vả chăng, hoa hồng đó cô thầy sẽ không bao giờ bỏ túi riêng mà sẽ bớt cho học trò, nghĩa là học trò nhờ cô thầy mua sách trực tiếp với tác giả hay đại diện sẽ rẻ hơn sách bán ngoài tiệm. Tôi vừa là thầy giáo trung học vừa là người phát hành bộ sách văn từ lớp 6 tới lớp 12 của tác giả Thế Uyên tại miền Trung nên tôi biết rõ vấn đề này.

Việc soạn sách giáo khoa trung học hoàn toàn không phải quá khó ngoài khả năng của cô thầy giáo ở Miền Nam trước 1975. Năm 1984, sau khi đi tù cải tạo về, thấy bộ sách toán cấp 2 dậy cho các con tôi khó hiểu quá, tôi tự soạn một loạt sách toán mọi lớp cấp 2 để tự dậy bốn đứa con, mặc dù tới lúc đó tôi đã bỏ nghề dậy học được 18 năm. Học với tôi, hay với mấy người bạn xe thồ của tôi (là những cựu sĩ quan miền Nam đi cải tạo về không được làm bất cứ việc gì ngoài việc chạy xe thồ để kiếm sống!) ba đứa con lớn của tôi đều là học sinh xuất sắc, luôn đứng đầu hai môn tiếng Anh và toán, và sau đó đều đỗ vào trường chuyên. Thêm một chuyện cá nhân kể cho vui. Năm 1993 ngay sau khi được tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, tôi ghi tên học đại học (city college). Vì chương trình tôi chọn lựa buộc tôi phải ghi tên học lại lớp toán vi phân, tích phân. Lúc đó tôi lại vừa đi bỏ báo vừa đi học nên thường xuyên tới lớp sát giờ học. Khi tới nơi thường đã có khoảng gần chục cô sinh viên “tây” (thơm như múi mít!) chào vẫy “Tâm, lại đây!”. Các cô đã dành cho tôi chỗ ngồi giữa các cô để các cô dễ hỏi. Kể chuyện này không phải để khoe khoang (giỏi toán vi phân, tích phân thì có gì mà đáng khoe.) nhưng trước hết là để xả stress cho độc giả đọc bài văn khô khan này. Kế nữa là để chứng minh, giáo dục miền Nam trước 1975 so với bây giờ tốt hơn như thế nào để tới nỗi sau gần 20 năm rời ghế nhà trường, mà kiến thức vẫn không thui chột, vẫn tự soạn sách để dậy các con mình ở cấp trung học.
Tóm lại, nếu cô thầy được đào tạo bình thường như mọi quốc gia khác, hay như ở Miền Nam trước 1975, thì việc soạn sách giáo khoa cô thầy nào cũng làm được, không cần phải bàn cãi như vài chục năm nay mà năm nào cũng có sách và đề thi sai kiến thức. Về thủ tục hành chánh để soạn sách giáo khoa bán ngoài thị trường cũng thật giản dị, chẳng phải xin phép ai, cứ tự do soạn rồi đem in, rồi nạp quyển ở bộ thông tin (không cần phải xin phép). Ai muốn soạn sách cũng được, không cần phải đòi hỏi bằng cấp, đăng ký gì cả, thế mà sách vẫn rất đúng và rất hay. Sách trung học của miền Nam không bao giờ có sai sót kiến thức và sách phải hay thì mới bán được. Đầu thập niên 1960s, bằng cử nhân của miền Nam còn hiếm lắm. Đa số tác giả đều không có bằng cử nhân và một số quyển sách toán nổi tiếng nhất cả nước lại là của những tác giả này. Ví dụ sách toán lớp 12 nổi tiếng nhất là của thầy giáo Nguyễn Văn Phú, người mới có 2 chứng chỉ toán; sách toán đệ tứ (lớp 9 ) của Đặng sĩ Hỷ là người chưa đỗ tú tài 1 (tương đương tốt nghiệp lớp 11 bây giờ) v…v. Bộ GD hãy bỏ hẳn các quyết định liên quan tới việc soạn sách và kiểm soát việc soạn sách sẽ giảm bớt vài ngàn tỉ ngân sách (Như vậy thì nhiều thành phần trong giới lãnh đạo GD thất nghiệp và đói à?!)

B-Ba thành tố của giáo dục: Trò, thầy và kiến thức (chương trình).

I-Trò là ai?

Trò vừa là đối tượng vừa là mục tiêu của giáo dục. Không có trò thì không có giáo dục. Trò phải là người cần học hoặc thích học (có tinh thần học hỏi: spirit of inquiry). Những người không cần học và không thích học mà chỉ cần mảnh bằng, dù là bằng giả hay bằng thật học giả thì đó không phải là học trò. Những hoạt động bề ngoài có vẻ là giáo dục liên quan tới những loại “học trò” này không phải là hoạt động giáo dục. Thời buổi này nhiều trường đại học, cao đẳng được mở ra nhưng chủ yếu để thu tiền của sinh viên, bắt sinh viên chạy tiền, chạy tình để mua điểm, mua bằng, theo truyền thông chính thống có khá nhiều, không phải là trường học và hoạt động của nó không phải là giáo dục.

Trò cũng là mục tiêu của giáo dục. Chúng ta muốn sản phẩm của giáo dục là những con người như thế nào là điều được qui định trong triết lý giáo dục. Đã có mấy vị tiến sĩ, giáo sư xã hội chủ nghĩa tách biệt mục tiêu của giáo dục khỏi triết lý giáo dục. Sự phân biệt này chứng tỏ họ không hiểu triết lý giáo dục là gì. Nội dung của triết lý giáo dục mà nhà nước chọn lựa trước tiên phải qui định mục tiêu của giáo dục. Khi nhà nước khẳng định mục tiêu của giáo dục là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa thì phải phân tích rõ những tính chất của con người xã hội chủ nghĩa và những tính chất đó khác với tính chất của con người phi xã hội chủ nghĩa ở những điểm nào. Không giải quyết được vấn đề này thì không thể xây dựng được triết lý giáo dục.

Để hiểu mục tiêu của giáo dục, chúng ta hãy thử xem xét mục tiêu của giáo dục Hoa Kỳ qua bài viết, “Social and Cultural Foundations of American Education/Philosophy and Ethics/Purpose

[Theo Plato, trong The Republic “Mục tiêu của giáo dục là dậy con người yêu cái đẹp”. Neil Postman nói rằng, “Trường học (schooling = education) không có mục tiêu chỉ là nơi giam giữ” (“without a purpose, schools are houses of detention, not attention” (1995, p.7). Giáo dục Hoa Kỳ có mấy mục tiêu sau:

1-Mục tiêu của giáo dục là giảng dậy kiến thức? Hầu hết mọi người đều đồng ý như vậy. Nhưng vấn đề đặt ra là kiến thức nào và ai là người quyết định? Mục tiêu của giáo dục là dậy người ta cách học. Giáo dục mang lại cho người học những thông tin, kiến thức và dậy họ phương cách suy nghĩ (how to think) chứ không bảo họ phải suy nghĩ cái gì (not tell them what to think.) Mục sư Martin Luther King Jr nói, “Giáo dục phải giúp người học cân nhắc các bằng chứng, phân biệt thật giả” (1947)

2-Giáo dục đào tạo những công dân cho xã hội (citizents)?

Nhiều người cho rằng giáo dục nhằm mục đích đào tạo công dân Hoa Kỳ và duy trì nền dân chủ Mỹ (O’Brien, 2005, p 34). Giáo dục giúp người học kiểm soát được tương lai họ.

3-Giáo dục đào tạo cho người học một nghề?

Không phải ai cũng có cơ hội hay là muốn lên đại học. Do đó mục tiêu của giáo dục phải là mang lại cho người học kỹ năng (skills) để kiếm việc. Có nghĩa là giáo dục giúp người học tự mưu sinh và đóng góp kinh tế cho xã hội. Không thể bảo rằng người học sinh không muốn học mà nền giáo dục có thể bỏ rơi họ. Nhiệm vụ của giáo dục là giáo dục tất cả mọi người và chuẩn bị họ vào đời xây dựng tương lai.

4-Trường học dậy học sinh cách giao tiếp với xã hội?

Người ta biện luận rằng, với ba mục tiêu vừa trình bày, người học có thể tự học (Gatto, 2005). Einstein đã nói rằng trách nhiệm của trường học là giáo dục người học trở thành một con người tự do (a free individual), nhưng đồng thời cũng giáo dục họ trở thành một thành phần của xã hội (Haselhurst, 2007). Học sinh, sinh viên tiếp xúc với hàng trăm người cùng trang lứa ở trường và điều này dậy họ cách tiếp xúc và giao tiếp (act and communicate) với xã hội. Professor Nel Noddings nói rằng “mục tiêu của giáo dục là đào tạo những con người dễ mến (lovable), có năng lực (competent), chăm sóc và thương yêu người khác (caring and loving).” (Kohn, 2004, p.2).

Tóm lại, mục tiêu của giáo dục là tất cả những điều vừa nêu. Giáo dục không chỉ là những bài thi (testable knowledge), mà còn là những kinh nghiệm và kỹ năng sống (life experience and possibilities). Mục tiêu thực sự của giáo dục là mang lại cho học sinh những giải pháp và cho phép họ chọn lựa muốn trở thành một người ra sao và làm gì.]

II-Thầy là ai? Nội dung của triết lý giáo dục phải đề cập tới tính chất, khả năng và vai trò của người thầy. Dĩ nhiên để làm thầy, thì phải có kiến thức hơn trò trong lãnh vực mình giảng dậy. Điều này là hiển nhiên, không cần thảo luận. Nếu không giỏi hơn người học thì làm sao làm thầy người ta? Tuy nhiên, trong thực tế từ mấy chục năm qua, nền giáo dục Việt Nam đào tạo những người “thầy” thiếu trình độ cần thiết. Một câu nói nổi tiếng từ khi miền Bắc được giải phóng 1954 cho tới sau ngày đất nước thống nhất là “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Hiện nay, tình trạng còn tệ hại hơn nữa, học sinh tốt nghiệp cấp 3 với chỉ 3 điểm trên mười cũng được nhận vào đại học sư phạm (nhằm mục đích để cô thầy trường đại học, cao đẳng sư phạm có công ăn việc làm!). Như vậy làm sao đất nước có được những người “thầy, cô” đúng nghĩa?

III-Kiến thức là gì? (What is knowledge?) là một câu hỏi căn bản mà các triết gia phương tây đã đặt ra từ cách nay hơn 2000 năm. Câu trả lời có lẽ không ai phủ nhận “kiến thức là sự thật (the truth).” Nhưng triết học là môn học luôn luôn đặt ra những câu hỏi cơ bản, cho nên một câu hỏi kế tiếp lại được nêu lên, “Sự thật là gì? (What is the truth?)”.

Câu hỏi được đặt ra nằm trong lãnh vực Nhận thức luận (epistemology), một trong ba lãnh vực của triết học. Nhận thức luận nghiên cứu bản chất, nguồn gốc và giá trị thực của kiến thức (validity of knowledge). Một số những câu hỏi cơ bản trong nhận thức luận như “Sự thực là gì?” (What is true?) và làm sao chúng ta biết được sự thật? (How do we know?) Con người có thể nhận biết được thực tại không? Sự thật có tính cách tương đối hay tuyệt đối? Kiến thức có tính cách chủ quan hay khách quan? Sự thật có lệ thuộc kinh nghiệm của con người không?

1-Phái thực nghiệm (Empiricism) cho rằng con người thu đạt được kiến thức dựa trên kinh nghiệm, tức là dựa trên những ghi nhận bởi ngũ quan: thính giác, xúc giác, thị giác, khứu giác và vị giác. Người ta dễ dàng đồng ý sự thật là những gì có thể kiểm chứng được bằng ngũ quan (sight, smell, hearing, taste, and touch.) nghĩa là có thể thấy được, hay sờ nắm được, hay ngửi được, nếm được hay nghe thấy được. Cái gì người ta chưa trải qua thì người ta không hình dung được, không hiểu được và không thể cho đó là sự thật. Năm 1966 khi dậy lớp 10 trường trung học Côn Sơn (Côn đảo), Vũng Tầu. Các em học sinh trong lớp có em tới 18 tuổi, vì ở hòn đảo xa nên đi học muộn. Một hôm mấy em học sinh này làm tôi hết sức ngạc nhiên khi hỏi “Thưa thầy con sông nó như thế nào?” Ở đảo xa không có sông cho nên các em không trông thấy và không biết sông là gì. Tôi cũng cố giải thích nhưng không biết các em có nhận thức được không. Người ta biết được sự thực (reality, truth) chỉ khi người ta có dịp trải nghiệm nó (experience), đó là một quan điểm. Nhưng có nguy cơ là ngũ quan của con người không phải luôn luôn hoàn hảo. Ví dụ, khi quan sát một que chìm một nửa dưới nước, ta dễ dàng tưởng nó bị gẫy nhưng thực ra khi kéo toàn bộ cây que khỏi mặt nước thì hóa ra cây que đó thẳng. Hoặc là có những làn sóng âm thanh hay ánh sáng (sound and light waves) vượt ngoài khả năng nhận biết của con người. Điều này khiến người ta có quyền tin rằng có thể có một thực tại khác ngoài khả năng nhận biết của con người. Cho nên, có triết gia đã nêu vấn đề liệu những hiện tượng mình nhận biết được bằng giác quan là thực hay là ảo. Trong văn học cổ Trung Quốc, sách của Trang Tử ghi chuyện có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, lúc tỉnh dậy, ông phân vân tự hỏi không biết mình là bướm hay bướm là mình? Trong giới triết học phương tây, câu chuyện người tù trong hang (The myth of the cave) do Plato sáng tạo cách nay 2500 năm cũng nêu vấn đề này. Trong một cái hang sâu ánh sáng mặt trời không thể xuyên tới. Giả sử có một dẫy người tù cả đời bị nhốt trong đó, chưa bao giờ được thấy ánh mặt trời. Những tù nhân này bị xích ngồi yên một chỗ, không nhúc nhích được. Cổ, đầu cũng bị còng không xoay qua xoay lại được, chỉ có thể nhìn thẳng vào một bức tường trống trơn trước mặt. Đằng sau họ là một đống lửa. Giữa đống lửa và dẫy người tù là một đoàn người khác liên tục đi đi lại lại. Vì bị xích như thế nên các tù nhân không thấy đống lửa và đoàn người sau lưng họ, họ chỉ nhìn thấy những bóng người di động trên bức tường trước mặt và nghe âm thanh của đoàn người dội lại từ bức tường. Dựa vào giác quan, các tù nhân nghĩ rằng đó là thực tại (reality). Nếu bất chợt có một người tù được tháo xiềng và kéo ra khỏi hang, anh ta sẽ bị lóa mắt một thời gian chẳng thấy gì, cũng như con người u mê từ lâu không phải một sớm một chiều mà tỉnh ngộ. Sau đó anh ta mới thấy được thế giới trên nóc hang, mới thấy được mặt trời, mới tỉnh ngộ và biết được sự thực. Nhưng rồi sau đó nếu anh ta bị xiềng lại dưới hang như cũ, thì lúc đầu anh ta cũng sẽ chẳng nhìn thấy gì vì bóng tối. Và rồi người tù này thuật lại những kinh nghiệm mình trải qua thì những tù nhân kia sẽ không thể nào hiểu và tin được, và có khi các tù nhân kia còn giết người tù kể chuyện nữa, vì từ xưa những người tù kia chỉ biết có một “thực tại” là những cái bóng và âm thanh dội lại từ bức tường trước mặt. Galileo sinh 1564 tại Ý đã bị giới cầm quyền thời đó là nhà thờ thiên chúa giáo kết án tù chung thân chỉ vì ông đã nhận biết và công bố sự thật là trái đất quay quanh mặt trời chứ không phải đứng yên như niềm tin của mọi người trước đó.

Qua Huyền thoại Cái Hang, Plato muốn cho thấy con người là tù nhân của sự ngu dốt của chính mình. Đồng thời Plato cũng muốn chứng minh kinh nghiệm trực tiếp (bởi ngũ quan) chưa phải là sự thực (reality, truth), mà sự thực là cái ở trong đầu chúng ta (“Our direct experience is not of reality, but what is in our minds” The Story of Philosophy by Bryan Magee, ISBN D-7894-7994-X, trang 31).

2-Phái Duy Lý (Rationalism). Trước khi bàn tới Huyền thoại cái hang của Plato, chúng ta đã bàn tới phái thực nghiệm là phái chủ trương sự thực là điều phải được kiểm nghiệm bởi ngũ quan. Thế những định lý toán học có được kiểm nghiệm bởi ngũ quan đâu mà vẫn đúng, vẫn là sự thực. Bởi thế phái duy lý (rationalism) cho rằng có thể đạt được sự thật bằng lý luận (reasoning, thought, or logic). Phái duy lý trong lúc nhấn mạnh tới khả năng suy tưởng của con người (humanity’s power of thought ) và những gì lý trí (mind) đóng góp cho kiến thức, có thể cho rằng chỉ riêng ngũ quan không thể mang lại những đánh giá hợp lý phổ quát phù hợp với nhau (universally valid judgments that are consistent with one another.), mà những gì ngũ quan và kinh nghiệm mang lại cần phải được tổ chức trong một hệ thống có ý nghĩa trước khi trở thành kiến thức.

Phái duy lý cho rằng con người có khả năng biết một cách chắc chắn một số sự thực trong vũ trụ mà ngũ quan không thể mang lại. Ví dụ mệnh đề “Nếu x = y, và y=z, suy ra x = z”. Điều này cũng áp dụng được trong hình học (hình hộp, tam giác và những vật thể khác trong vũ trụ.)

3-Kiến thức bởi trực giác (Intuitive knowledge). Ngoài ra còn kiến thức được mang lại bởi trực giác. Những ai đã từng phải chứng minh toán học đều biết loại kiến thức này. Tức là trước một đòi hỏi phải chứng minh của một bài toán, chúng ta, bằng trực giác, cảm thấy rằng kết quả như thế nào là đúng và hướng sự chứng minh theo chiều hướng đó. Nếu không chứng minh được cái kiến thức bởi trực giác là đúng tức là điều đó không đúng và ta phải dùng trực giác nghĩ tới một điều đúng khác để bắt đầu một tiến trình chứng minh mới.

C-Nội dung của triết lý giáo dục.

Triết lý giáo dục của mỗi quốc gia được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố cá biệt như văn hóa, trình độ kinh tế, kỹ thuật nhưng cũng dựa vào những trường phái triết lý giáo dục đã phát triển của nhân loại (philosophical approaches). Học hỏi, tìm hiểu những lý thuyết và triết lý giáo dục khác nhau sẽ giúp chúng ta hình thành một triết lý giáo dục cho Việt Nam.

Triết lý giáo dục nào cũng nhằm giải đáp câu hỏi: dậy cái gì? (chương trình) và dậy thế nào (phương pháp). Hiện nay có 4 trường phái triết lý giáo dục là: idealism, realism, pragmatism (sometimes called experientialism), và existentialism. Việc giải thích nội dung 4 trường phái triết lý giáo dục này sẽ phức tạp và không ngắn, cho nên sẽ được trình bày vào một bài khác (khi cần thiết).

D-Hệ quả của việc đi tìm một triết lý giáo dục.

Trong khi tìm hiểu bản chất của Triết lý giáo dục, chúng ta thấy rằng, sau khi xây dựng được triết lý giáo dục, việc trước tiên là nhà nước phải hoàn thành chương trình, bởi vì chương trình là một trong ba thành tố không thể thiếu của giáo dục. Không có sách không sao, nhưng không có chương trình thì không thể hoạt động giáo dục, người thầy không biết dậy cái gì. Do đó khi bàn tới cải tổ giáo dục là phải bàn cải tổ chương trình trước hết. Nhưng giới lãnh đạo giáo dục nước nhà từ 1954 tới nay lại không biết mà chỉ chú trọng bàn việc soạn sách. Như vậy là sai logic.

Một hệ quả thứ hai của việc xây dựng triết lý giáo dục là, dù triết lý giáo dục có nội dung thế nào đi nữa, có theo trường phái nào đi nữa, thì giáo dục cũng phải xây dựng trên sự thực và xây dựng để tìm kiếm sự thực. Nếu một người truyền bá những điều sai sự thực cho người khác thì đó không phải là giáo dục, mà là tuyên truyền; và người có vai trò truyền bá điều sai sự thực không phải là người thầy mà chỉ là một tuyên truyền viên. Nói cách khác, những gì không phải sự thực, những gì là gian dối, những gì là tuyên truyền đều phải bị loại bỏ khỏi chương trình giáo dục. Chính đây là điểm khó khăn nhất cho Việt Nam trong việc tìm kiếm một triết lý giáo dục (Câu chuyện anh hùng Lê Văn Tám sẽ được giải quyết ra sao? Và còn nhiều vấn đề cần thảo luận khác nữa.)

Chẳng những triết lý giáo dục ảnh hưởng tới chương trình mà còn ảnh hưởng tới phương pháp giáo dục. Để tìm kiếm sự thực, giáo dục cần chấp nhận đối thoại cởi mở, tự do. Cách nay 2500 năm, triết gia Socrates, người được coi là thủy tổ của triết học tây phương, đã nổi tiếng với sự phát minh và ứng dụng phương pháp hỏi đáp để giúp người được hỏi tìm ra sự thực. Cho dù không tìm ra sự thực thì sự thảo luận cởi mở, tự do cũng giúp phát hiện ra điều gì là không thực. Điều này cũng là một thách thức cho môi trường giáo dục ở Việt Nam.

Hy vọng với bài phân tích này các phụ huynh và những người quan tâm trong nước hiểu được rành rẽ vấn đề để cùng góp ý với giới lãnh đạo giáo dục Việt Nam về vấn đề đang nóng bỏng: Cải tổ giáo dục và Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?


————————————-
Tham khảo
1- Đã có nhóm nghiên cứu triết lý giáo dục đề tài cấp quốc gia để được đồng thuận
(http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Da-co-nhom-nghien-cuu-triet-ly-giao-duc-de-tai-cap-quoc-gia-de-duoc-dong-thuan-post192777.gd)

2-Hai mươi mốt (21) cuốn sách có tựa “Philosophy of education”, tại thư viện thành phố San Jose & Đại học San Jose State University [ngoài các sách điện tử (ebook)].
Philosophy of education : 1-Harry S. Broudy [and others] /  1967; 2-Christopher Winch and John Gingell- 2008; 3-editor, J.J. Chambliss/   c1996; 4-Burns, Hobert Warren, 1925-/   1962;5- Dewey, John, 1859-1952.  Book | 1958; 6-Randall Curren/  2007; 7-Pratte, Richard./   c1992; 8-Seymour Fox/   c1983; 9-Moore, T. W./   1982; 10-Kenneth J. Rehage/   1981; 11-Baatz, Charles Albert./   c1980; 12-James E. McClellan, James E. (James Edward), 1922-/  Book | c1976; 13-Powell, John P. (John Percival) /  Book | 1974; 14-Macdonald, John, b. 1887./  Book | c1965; 15-Ward, Leo R. (Leo Richard), 1893-/  Book | 1963; 16-Walker, Wanda./  Book | c1963; 17-Ulich, Robert, 1890-1977./  Book | 1961; 18-Phenix, Philip H. (Philip Henry), 1915-/  Book | 1958; 19-Rosenkranz, Karl, 1805-1879./; 20- Randall Curren/  Book | c2003; 21- Annual Meeting of the Philosophy of Education Society- Book | 1966




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét