khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Tin về Hội Thánh Đức Chúa Trời 'cần được kiểm chứng' (Source: BBC Viet)




Truyền thông của nhà nước Việt Nam gần đây ồ ạt đưa tin tiêu cực về 'Hội Thánh Đức Chúa Trời', trong khi đó Ban Tôn giáo Chính phủ nói những biểu hiện tiêu cực về những nhóm này 'cần được kiểm chứng.'

Thông tin từ truyền thông Việt Nam chủ yếu phản bác tổ chức này, cho rằng họ "dùng chiêu trò" để "dụ dỗ người tham gia bỏ vợ bỏ chồng, bỏ học, bỏ thờ cúng tổ tiên" và phải đóng lệ phí thành viên trị giá 10% thu nhập.

Cũng có tin cho rằng đây là các nhóm thuộc tổ chức tôn giáo cùng tên có nguồn gốc Nam Hàn.

Hội Thánh Đức Chúa Trời hoạt động ra sao?

 
 
Thông tin trên website chính của Hội Thánh Đức Chúa Trời (tên tiếng Anh là World Mission Society Church of God) cho hay hội này do ông An Xang Hồng (Ahn Sahng-hong) người Hàn Quốc sáng lập năm 1964.

Hội tuyên bố có khoảng 7.000 ngàn hội thánh thành viên quy tụ gần ba triệu tín đồ từ 175 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nay Hội do ông Tổng Hội trưởng Mục sư Kim Joo Cheol và bà Jang Gil-ja - được gọi là 'Mẹ' - lãnh đạo.

Hoạt động của HTĐCT gồm cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường, chăm sóc trẻ em nghèo và người khuyết tật, hiến máu, cùng các chương trình hòa nhạc.

Hội sở hữu nhiều tu viện tráng lệ ở khắp Hàn Quốc, bảo tàng và dàn nhạc giao hưởng đồ sộ. Các thành viên của HTĐCT đều có mã số riêng.

Hội này cũng tự tuyên bố từng nhận giải thưởng Phụng sự Tình nguyện (Award for Voluntary Service) của Nữ hoàng Anh vào năm 2016, cùng nhiều giải thưởng và tuyên dương khác của chính quyền Hàn Quốc cho các hoạt động ứng cứu động đất, làm sạch thành phố.

Ở Việt Nam, một số nhóm tôn giáo mang tên HTĐCT được cấp phép hoạt động từ lâu. Nhưng hiện chưa rõ nhóm nào thuộc giáo hội có nguồn gốc Nam Hàn, nhóm nào không.

Trao đổi với BBC qua điện thoại ngày 25/4, Mục sư Trần Nguyễn Duy Thắng của Hội Thánh Đức Chúa Trời ở Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, nói dù cùng tên nhưng giáo hội của ông, được cấp phép cách đây 20 năm, 'không có liên quan gì' đến 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' mà báo chí nhắc tới gần đây.

"Tôi không có liên hệ gì với họ, cũng không bình luận, đánh giá hoạt động của họ. Tuy nhiên với những việc báo chí phản ánh như ép buộc thành viên từ bỏ cha mẹ, vợ chồng, đóng tiền phí tham gia thì tôi cho rằng điều này không đúng với những gì mà người công giáo chúng tôi thực hiện, không đúng những gì được dạy trong Kinh Thánh là phải yêu thương, tha thứ, nâng đỡ..."

Báo chí Việt Nam đồng loạt đưa 'tin xấu'

 
Trong khi đó, các nhóm Hội Thánh Đức Chúa Trời mà nhiều báo Việt Nam cho rằng thuộc giáo hội cùng tên ở Hàn Quốc, được cho đã 'vươn vòi ra nhiều tỉnh thành' như Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Long.

Hoạt động của những nhóm này được mô tả chủ yếu là tiêu cực, như "ép đóng tiền, khuyến khích phá thai" (Zing.vn), "thuyết giảng như kẻ điên loạn" (VTC News), "tan cửa nát nhà vì theo HTĐCT" (Thanh Niên).

Một bài trên báo Tuổi Trẻ còn hướng dẫn học sinh, sinh viên rằng "gặp những trường hợp bị các hạng người của tổ chức 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' lôi kéo, tốt hơn là cứ từ chối hoặc phớt lờ..."

Bộ Giáo dục Đào tạo và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng có lời 'cảnh báo sinh viên tranh bị lôi kéo vào ĐTĐCT', theo truyền thông Việt Nam.

Một bình luận từ tài khoản Facebook Nguyễn Minh Khoa, đưa các thông tin chi tiết về lịch sử HTĐCT với người sáng lập là ông An Xang Hồng, thường có hoạt động truyền bá nhắm vào đối tượng sinh viên, phụ nữ trẻ, và những người cô đơn.

Chính quyền lo ngại?

Cụm từ 'tà giáo', 'tà đạo' được nhiều tờ báo Việt Nam đề cập trong các bài viết về Hội Thánh Đức Chúa Trời.

"Giáo lý của tổ chức này có một số nội dung mang tính chất tà giáo, không đúng với Kinh Thánh", theo bài báo trên Lao Động ngày 24/4.

"Các giáo lý, giảng đạo của "Hội thánh Đức Chúa Trời" mang tính chất tà đạo, có biểu hiện mê tín dị đoan", theo Sài Gòn Giải Phóng ngày 26/4.

"Công an xác minh nhóm tà giáo 'Hội Thánh Đức Chúa Trời" là nhan đề bài báo của Dân Việt ngày 24/4.

Bình luận về sự việc này, Mục sư Lê Minh Đạt, từ TP Hồ Chí Minh nói với BBC ngày 25/4:

"Các tôn giáo cũng cần có môi trường tự do cạnh tranh để tôn giáo tốt thì tồn tại, tôn giáo không tốt sẽ tự tàn lụi."

Nói với BBC, mục sư Lê Minh Đạt nói trước hết cần xem Hội Thánh Đức Chúa Trời như những tôn giáo, tín ngưỡng bình thường khác và người dân có quyền tự do lựa chọn đức tin theo quy định của pháp luật.
Sau đó, để có thể đánh giá đây có là 'tà giáo' hay 'cuồng tín' hay không, cần tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh chứ không thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, chừng nào cơ sở tôn giáo đó không phạm pháp.
"Tà giáo" là một khái niệm thần học, và thường được sử dụng trong nội bộ Cơ đốc giáo để nói về những niềm tin sai trật so với Kinh Thánh, thang đo đúng sai là Kinh Thánh. Một giáo hội có phải tà giáo hay không, do đó, không phải vấn đề pháp lý và không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật."

Phản ứng từ giới chức

 
 
Trong khi đó, nhu cầu được đánh giá một cách rõ ràng về HTĐCT, ít nhất là ở thời điểm này chưa được trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan quản lý Việt Nam.

Phản ứng chính thức của Ban Tôn giáo Chính phủ đăng trên website ngày 25/4, dẫn lời Trưởng ban Vũ Chiến Thắng, nói có cấp phép một số nhóm tôn giáo cùng tên.

Nhưng để khẳng định các nhóm Hội Thánh Đức Chúa Trời 'tiêu cực' như báo chí phản ánh có liên quan đến các nhóm được cấp phép không thì cần phải có thời gian kiểm chứng, theo ông Thắng.
Trước đó, báo Vietnamnet dẫn lời bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói ở góc độ quản lý văn hoá, việc khẳng định mê tín dị đoan hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố do ranh giới 'rất khó trên thực tế'.

Bà nói nếu việc này mang lại hậu quả xấu cho xã hội như phản ánh của báo chí thì "có các quy phạm pháp luật khác để điều chỉnh".



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét