khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Viết thư tay dệt nên chuyện tình




Có một thuở nào đó chưa xa, những người yêu nhau đã từng trao tay nhau những lá thư tình. Hình ảnh đó, không còn thấy nhiều ở thời đại nầy nữa. Chúng ta trốn sau những khung chat của Facebook, của Skype hay Viber để trò chuyện với người khác. Chúng ta dùng các ứng dụng hẹn hò để gặp gỡ, và rồi chia tay cũng rất nhanh chóng. Giữa những người trẻ đó, tôi và chồng mình đã chọn tìm hiểu nhau qua những lá thư tình trong suốt nửa năm. Dù cách xa 7,000 cây số, nhưng trái tim lại ở rất gần nhau.

Tôi và anh là hai người trẻ trong số những “millennials”. Đó là tên gọi để chỉ những người sinh ra từ đầu thập niên 1980 đến 2000. Họ là thế hệ trẻ, là lực lượng lao động chính, với dự đoán sẽ chiếm con số 75% trên toàn thế giới vào năm 2025.

Thế hệ nầy đã lớn lên cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội. Chẳng mấy khó khăn mà chúng ta đã có thể liên lạc với nhau chỉ trong vài giây dù ở bất cứ đâu. Nhưng, cũng chính vì sự tiến bộ của công nghệ, mà những người trẻ tuổi dần trở nên lười biếng hơn trong việc thể hiện cảm xúc, hoặc giao tiếp trực tiếp với những người khác.

Liệu chúng ta đang xem trọng mối liên kết với một cái máy, một khung “chat” của những ứng dụng gửi tin nhắn, hay xem trọng đối tượng mà thiết bị và những ứng dụng đó hướng đến? Có thể, ai cũng sẽ trả lời rằng, đó là con người, là đối tượng phía sau.

Nhưng chúng ta không nhận ra, mình chỉ đang đánh lừa cảm xúc của bản thân thông qua những phương tiện đó. Chúng ta gắn liền cảm xúc của mình vào “thế giới ảo” và đánh rơi mối liên kết thực sự giữa con người với con người. Chúng ta chọn lướt vội những tin nhanh trên các trang mạng xã hội, hơn là dành thời gian suy nghĩ những thông điệp ẩn đằng sau.

Đối với tình yêu cũng vậy, thế hệ trẻ quá bận rộn chạy đua với công việc, với thời gian nên quên mất việc yêu thì cần dành nỗ lực vun đắp lâu dài như thế nào. Thế hệ ông bà ta ngày trước, khi yêu nhau thì chỉ trao đổi thư từ. Họ không thể hỏi han, quan tâm, trò chuyện với nhau suốt ngày bằng cách sử dụng điện thoại, Facebook, hay các ứng dụng Viber, Skype…Chúng ta ngày nay liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh của nhau đến mức không cần hỏi thăm cũng có thể biết người còn lại đang làm gì, mọi thứ thông tin đều “nóng hôi hổi”. Có khi là ở cạnh nhau mà cũng không màn nhìn nhau trò chuyện, ai cũng chăm chú vào thế giới ảo trên màn hình điện thoại của mình.

Theo thống kê mới nhất của We are social thì số người sử dụng internet vào năm 2018 là 4 tỷ người,  hơn 5 tỷ người sử dụng điện thoại, 3 tỷ người sử dụng mạng xã hội. Trong 7 tỷ rưỡi con người trên toàn thế giới, đó là những con số không hề nhỏ một chút nào.

Cũng vì lý do đó mà đi cùng với những đổi mới của công nghệ, là sự đa dạng của các hình thức hẹn hò, làm quen trên thế giới ảo. Có rất nhiều câu chuyện tình nảy sinh từ trên mạng, nhưng để bước ra được đời thật và dành tình cảm thật cho nhau, họ còn phải vượt qua rất nhiều thử thách của thời gian và địa lý.

Trong số những người trẻ đó, tôi và chồng mình đã đi ngược lại những thói quen của thời đại công nghệ. Hơn nửa năm ở cách xa nhau 7,000 cây số, chúng tôi đã tập trao đổi bằng thư tay và đôi khi hiện đại hơn một chút là thư điện tử. 

Chúng tôi cũng bận rộn như mọi người, quá bận rộn đến mức không thể dành thời gian để trả lời những câu hỏi lặt vặt mọi lúc trong ngày. Thêm cả việc chênh lệch múi giờ, lúc người này thức thì người kia đã đi ngủ, thế nên chúng tôi quyết định sẽ viết thư thay vì nhắn tin.

Ban đầu chúng tôi đều không nghĩ là mình có thể kiên nhẫn đến như vậy. Thế nhưng từ một lá thư, thành hai lá thư, rồi thành 60 lá thư bao gồm cả thư tay và thư điện tử, đã được gửi đi và về đều đặn giữa hai đất nước. Có khi trong thư là hơn 3 trang giấy đầy chữ, có khi là đính kèm vài tấm ảnh của nhau, những bức tranh tự vẽ, hay kèm những món quà nho nhỏ. Những bì thư màu xanh nhạt và màu xám luôn được ưu tiên lựa chọn vì tôi và anh biết người còn lại yêu thích màu sắc gì. Cầm trong tay một lá thư sau bao ngày chờ đợi, cái cảm giác hồi hộp khi mở từng trang thư, đọc từng nét chữ quen thuộc, là không gì so sánh được.

Rất nhiều cảm xúc tôi và anh đã chia sẻ với nhau mà nếu  sử dụng phương tiện “chat” mỗi ngày, chúng tôi đã không thể nhận thấy. Cũng bởi khi kể cho nhau nghe, là dịp để chúng tôi nhớ lại mình đã từng là một người trẻ như thế nào, đã từng có ước mơ gì, đã đi đến những đâu và điều gì đã làm nên chúng tôi ở hiện tại.

Chi phí có thể tốn kém một chút khi gửi thư qua đường bưu điện, gửi thư điện tử thì càng không tốn chi phí nào, thế nhưng giá trị tinh thần mà những lá thư đó đem lại là không có gì có thể đánh đổi được. Chúng tôi đã dành thời gian để sắp xếp những mảng khác trong cuộc sống của mình, và dành thời gian để nghĩ về nhau, nghĩ xem mình muốn chia sẻ điều gì với người còn lại. Chúng tôi nắn nót viết từng chữ, từng dòng, rửa từng tấm ảnh, đính vào trong lá thư, và gửi đi với rất nhiều yêu thương.

Cho đến tận bây giờ, sau hai năm quen nhau, chúng tôi đã về sống cùng dưới một mái nhà, thói quen viết thư đó chúng tôi vẫn còn giữ, nhưng không phải là viết cho nhau nữa, mà là viết cho những người thân ở phương xa.

Chúng tôi đều nghĩ mình may mắn, vì đã tìm được một nửa còn lại cũng kiên nhẫn và “cổ lổ sĩ” như mình. Thế nhưng may mắn có lúc là do chúng ta lựa chọn. Giữa một thế giới hiện đại sống quá nhanh, chúng ta vẫn có quyền chọn sống chậm. Chúng ta có quyền chọn đặt điện thoại xuống và nhìn vào mắt người đối diện để trò chuyện, chúng ta có quyền gửi một lá thư tay thay vì bấm gửi một tin nhắn qua Facebook.

Rất nhiều thứ chúng ta có thể chọn làm để vun đắp cho tình cảm của mình. Vậy tại sao ta lại bỏ quên những lá thư tình?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét