khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Tương Quan Kinh Tế Hoa-Mỹ




Kim Nhung (KN)  xin kính chào quý KTG trong tiết mục Thời Sự Ngày Mai của Kim Nhung Show với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về các chủ đề vượt qua thời sự hầu chúng ta cùng hiểu được những gì có thể xảy ra ngày mai. KN xin kính chào tái ngộ ông Nghĩa.

KN: Thưa quý KTG, một năm sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thì ngược với dự đoán của nhiều người, quan hệ giữa Hoa Kỳ với nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc lại căng thẳng hơn. Trong chương trình Thời Sự Ngày Mai vào cuối năm 2016, trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức, chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa đã tiên đoán điều này và còn ví von rằng ông Trump không là con vịt mà là một con diều hâu thứ dữ. Khi ấy, ông Nghĩa cũng dự báo là ông Trump sẽ đòi thay đổi luật chơi giữa hai nước. Thưa ông Nghĩa, vì sao ông đã sớm dự đoán như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa(NXN): Tôi nhìn vào những chuyển động ngấm ngầm và sâu xa giữa hai nước khiến lãnh đạo của hai quốc gia này sẽ phải lấy những quyết định khó tránh được. Bắc Kinh đang có vấn đề bên trong và tham vọng lớn ở bên ngoài, nhưng thâm tâm cũng e sợ Hoa Kỳ. Chính là nỗi e sợ đó làm nước Mỹ phải quan tâm và tìm cách phòng thủ sau tám năm hòa dịu của Chính quyền Barack Obama.

KN: Quả nhiên là một năm sau thì tình hình đã rõ nét khi Chính quyền Trump vừa minh định rằng Trung Cộng là cường quốc đang đòi cạnh tranh với Hoa Kỳ và là một đe dọa cho nước Mỹ. Về kinh tế, Chính quyền Trump cũng khẳng định rằng Hoa Kỳ đã lầm khi cho Trung Cộng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 vì kể từ đó, Bắc Kinh không cải cách theo quy luật tự do như đã cam kết mà còn trục lợi bất chính nên Hoa Kỳ sẽ có một đối sách khác. Thưa ông Nghĩa trong khi chờ đợi Hoa Kỳ khai triển đối sách mới vào những ngày tới, Kim Nhung xin đề nghị ông phân tách cho tương quan kinh tế của đôi bên để KTG của chúng ta có cơ sở thẩm định về thời sự ngày mai giữa hai nước.

NXN:  Nếu tôi nhớ không lầm thì trong buổi phát hình ngày Thứ Ba 13 Tháng 12 năm 2016, khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức và tìm người thành lập nội các, tôi có dự đoán như cô Kim Nhung vừa nhắc lại. Khi ấy, tôi cũng nói ngược rằng kinh tế Trung Cộng cần kinh tế Hoa Kỳ hơn là ngược lại, mặc dù doanh giới đang làm ăn với Trung Cộng cứ e sợ Chính quyền Trump sẽ gây mâu thuẫn với Bắc Kinh. Kỳ này, mình sẽ đi vào những yếu tố căn bản trong quan hệ kinh tế giữa hai nước để thấy ra cái thế mạnh yếu của đôi bên. Tôi xin lấy hai ví dụ nhỏ:

- Thứ nhất, vẫn biết hai nước đều cần xuất cảng cho nhau - Tầu cần bán hàng rẻ cho Mỹ và Mỹ bán hàng sang cho Tầu – nhưng Trung Cộng lệ thuộc vào xuất cảng hơn Mỹ và đấy là một nhược điểm cho Bắc Kinh khi Hoa Kỳ có chánh sách trả đũa gắt gao về mậu dịch như đã thông báo.

- Thứ hai, ngược với nhận định của nhà báo Pháp Guillaume Pitron trong cuốn sách vừa ra mắt, là “La Guerre des Métaux Rares”, là Cuộc chiến về Kim loại hiếm, rằng với sản lượng chừng 90% của toàn cầu, Trung Cộng giữ thế độc quyền về thứ kim loại quý hiếm mà ta còn gọi là “đất hiếm” hay rare earth element REE, Hoa Kỳ cũng có sẵn tiềm năng và thị trường khác về loại thương phẩm chiến lược ấy. Nếu Bắc Kinh hạn chế xuất cảng như đã từng làm năm 2010 với Nhật Bản để trả đũa Hoa Kỳ thì các thị trường bị giao động ngắn chừng vài tháng tới khi Hoa Kỳ có nguồn cung cấp khác thì khu vực đất hiếm của Tầu sẽ bị tê liệt! Cho tới năm 2003, Hoa Kỳ vẫn còn tự túc về các sản phẩm này, rồi thôi khai thác vì mua của Tầu rẻ hơn. Không thể nào Trung Cộng có thể khống chế thiên hạ trong lãnh vực đó.

KN: Đâm ra Kim Nhung đã thấy sự tình ly kỳ và rắc rối hơn những gì ta có thể nghĩ khi theo dõi các lời bình luận về chiến lược kinh tế của Chính quyền Trump. Trong khi ấy, người ta cũng không quên là Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ là Tướng Jim Mattis vừa ghé thăm Hà Nội, và Tháng Ba này, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ thả neo tại Đà Nẵng trong một chuyến thăm viếng lịch sử. Trở lại hồ sơ kinh tế ông đã theo dõi từ lâu, thưa ông, nếu Hoa Kỳ nhất định làm găng thì trận chiến mậu dịch giữa đôi bên sẽ có hậu quả thế nào?

NXN: Hoa Kỳ tiếp nhận hàng xuất cảng nhiều nhất của Trung Quốc, điều ấy có nghĩa là kinh tế xứ này lệ thuộc vào kinh tế Mỹ, chứ không phải ngược lạ. Thí dụ như khi thế giới bị Tổng suy trầm năm 2008-2009, các nước nhập cảng ít đi là kinh tế Trung Quốc bị khốn đốn. Vì vậy, từ cuối năm 2008, họ ào ạt bơm tiền để kích thích sản xuất, với hậu quả là thổi lên bong bóng đầu cơ và một núi nợ. Mười năm sau, là ngày nay, Bắc Kinh vẫn chưa biết làm sao giải quyết gánh nợ ấy. Đấy là lúc Chính quyền Trump lại dàn trận và có thái độ ngày càng cứng rắn hơn, tại biển Đông lẫn trong lãnh vực thương mại.

KN: Đó là về cái thế mạnh của kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ cũng có thể bị nhược điểm, tức là kinh tế Trung Cộng cũng có thế mạnh khác. Thưa ông, cái thế mạnh ấy là gì?

NXN: Hoa Kỳ lệ thuộc vào loại hàng chế biến giá rẻ của Trung Cộng và điều ấy làm giới tiêu thụ Mỹ có lợi, nhưng lại làm nhiều doanh nghiệp chế biến Mỹ đóng cửa, công nhân viên mất việc, hoặc lợi tức sụt. Thành phần bị thiệt nhất là dân da trắng, ít học, lớn tuổi và khó đổi nghề. Họ tập trung ở các tiểu bang Trung Tây Midwest và vùng Đông Nam, và bỏ phiếu cho Donald Trump. Nếu mâu thuẫn mậu dịch bùng nổ, khu vực chế biến Hoa Kỳ phải mất vài năm mới phục hồi và gia tăng công xuất để bù đắp số cung bị giảm. Qua phần hai, chúng ta sẽ nhìn sâu xa hơn vào chuyện đó.

KN: Nếu như vậy thì có lẽ không ai muốn xảy ra một trận chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế có sản lượng đứng đầu thế giới và chuyện ấy mà xảy ra thì có người hưởng lợi mà cũng có người bị thiệt.

KN: Như ông Nghĩa vừa trình bày trong phần một, mâu thuẫn về kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng có thể dẫn tới tranh chấp và có khi là một trận đánh kéo dài nhiều năm trên nhiều lãnh vực khác nhau. Gặp hoàn cảnh đó, chúng ta cần nhìn vào thực lực của đôi bên. Xin đề nghị ông trình bày cho KTG của chúng ta cách nhìn về thực lực….

NXN:  Không ai muốn có chiến tranh và cả chiến tranh kinh tế. Nhưng như Chính quyền Trump có nhấn mạnh, cách hay nhất để tránh chiến tranh là phải tự chuẩn bị để chiến thắng. Trong kinh tế cũng thế. Từ khi tranh cử rồi nhậm chức cho tới ngày nay, ông Trump chủ trương là phải thương thuyết lại với Bắc Kinh theo ba hướng. Thứ nhất là việc kinh tế Mỹ lệ thuộc vào Tầu là vì lợi ích chứ không vì Trung Quốc nắm trong tay một lợi thế chiến lược. Thí dụ là cái thế độc quyền về đất hiếm như ta vừa nói hồi nãy. Hướng thứ hai là dù khu vực chế biến của Mỹ có sa sút trong nhiều năm vì sức cạnh tranh của Trung Cộng, khả năng phục hồi và tiềm lực sản xuất của Mỹ vẫn có để nâng công xuất bù đắp vào sự hao hụt nếu có chiến tranh mậu dịch với Tầu. Việc một số doanh nghiệp Mỹ nâng sức đầu tư để tạo thêm việc làm trong nước từ một năm nay có cho thấy điều ấy. Kế hoạch cải cách thuế vụ ban hành hôm 22 tháng trước làm Bắc Kinh hết hồn và lo ngại cũng vì lẽ đó khi nhiều doanh nghiệp chuyển vốn về Mỹ nhờ thuế suất rẻ hơn. Hướng thứ ba của đòn thương thuyết là cho Bắc Kinh biết rằng nếu trận chiến mậu dịch bùng nổ, Trung Quốc bị thiệt hại hơn Hoa Kỳ. Ngoài ra, tôi còn thấy vài yếu tố khác trong cơ chế kinh tế chính trị của đôi bên.

KN:Thưa ông, những yếu tố trong cơ chế kinh tế chính trị đó là gì?

NXN: Hoa Kỳ theo chủ trương tự do kinh tế và tránh can thiệp vàp thị trường. Khi cạnh tranh với Trung Quốc từ những năm 2001 trở về sau, nhiều doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại và phải đóng cửa, Chính quyền Mỹ không can thiệp hoặc bơm tiền cấp cứu các doanh nghiệp đó. Bên kia đại dương, lãnh đạo Bắc Kinh lại có chủ trương khác. Đó là can thiệp và bơm tiền cấp cứu các doanh nghiệp kém hiệu năng, điển hình là hệ thống quốc doanh. Hậu quả là kinh tế mắc nợ và nhà nước lại bơm tiền để nuôi sống các cơ sở này để khỏi vỡ nợ cho, như những xác chết chưa chôn mà vẫn cần dưỡng khí. Người ta gọi đó là “zombie companies”, hay doang nghiệp quỷ nhập tràng!

Bây giờ, nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ, một số mặt hàng tiêu dùng của Tầu sẽ khó vào thị trường Mỹ, hoặc bị áp thuế cao hơn. Giới tiêu thụ sẽ thất vọng trong trung hạn, là một vài năm. Nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến của Hoa Kỳ lại nhìn ra cơ hội cung cấp mới và điền vào khoảng trống của thị trường nội địa. Họ sẽ tạo ra việc làm khi các doanh nghiệp Trung Quốc lại thất thâu và mắc nợ.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng có nhược điểm mà Bắc Kinh đang khai thác. Đó là báo chí Mỹ coi ông Trump như kẻ thù mà không nhìn ra đại thể về đối ngoại nên làm gì Tổng thống cũng bị chỉ trích, đâm ra vô tình lại giúp Bắc Kinh!

KN: Đấy là chúng ta chưa nói đến một kịch bản khác như Kim Nhung thấy ông Nghĩa trình bày trên YouTube của ông. Hoa Kỳ có thể áp dụng chiến lược ông gọi là “khó người khó ta, dễ người dễ ta”. Thưa ông, chiến lược đó là gì?

NXN: - Bắc Kinh có điều kiện hạn chế các doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Trung Cộng, với mục đích trục lợi và ăn cắp kỹ thuật siêu hạng của Mỹ rồi làm khó để họ phải triệt thoái. Từ nay, Chính quyền Trump sẽ áp dụng chính sách đó của Bắc Kinh các doanh nghiệp Tầu muốn đầu tư vào thị trường Mỹ, trong các lãnh vực mang tính chất chiến lược cho Trung Cộng, thí dụ như kỹ thuật cao hay cả bất động sản, nhất là trong vùng tiếp cận với các căn cứ quân sự Hoa Kỳ vì sợ họ sẽ bố trí bên trong các phương tiện theo dõi. Thứ Năm 25 vừa qua, ba bộ Ngân khố, Quốc phòng và Thương mại cũng hỗ trợ một dự luật do Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện đề nghị nhằm nâng cấp Ủy ban duyệt xét đầu tư của ngoại quốc vào Mỹ không nhằm hạn chế đầu tư ngoại quốc mà để kiểm soát loại đầu tư có thể phương hại tới an ninh của Hoa Kỳ. Hạ viện Mỹ cũng đang có nỗ lực đó vì nhiều người đã thấy vấn đề an ninh trong quan hệ kinh tế là điều ông Trump nói tới từ hồi Tháng Ba năm ngoái. Nhìn vào an ninh thì ai cũng nghĩ tới mưu gian của Bắc Kinh. Chúng ta sẽ còn cả năm để kiểm chứng chuyện này.

Như đã hẹn, trong chương trình vào cuối tháng, xin cô Kim Nhung cho biết khán thính giả của chúng ta có điều gì thắc mắc muốn hỏi không?

KN: đọc một số ý kiến của khán giả rồi nêu một câu hỏi. Thưa ông Nghĩa, có một vị độc giả nêu câu hỏi sau đây, Kim Nhung xin đọc “Theo tôi biết năm 1949 Trung Hoa đã xâm chiếm Nội Mông và biến nơi này thành khu tự tri giống như Tây Tạng . Với sức mạnh như thế Trung Hoa có thừa khả năng để xâm chiếm ngoại Mông , tại sao Trung Hoa không làm điều đó và để ngoại Mông trở thành một nước Mông Cổ độc lập như hiện nay. Trở về với đất nước Viêt Nam, với chủ trương lâu dài là xâm chiếm của Trung Hoa (cộng sản cũng như không cộng sản), và bây giờ với sự tiếp tay của cộng sản Việt Nam, ông có thể hình dung ra nước Việt Nam 5 hay 10 năm nữa sẽ như thế nào, có thể trở thành một tỉnh của Trung Hoa hay không? Cứ suy nghĩ như vậy mà thương cho đất nước tôi và dân tộc tôi.

NXN:  Cho câu hỏi đầu về Mông Cổ, chúng ta cần một chương trình riêng về lịch sử, tôi xin được trả lời tóm lược như sau. Nhà Mãn Thanh đã bành trướng lãnh thổ tới mức rộng nhất trong lịch sử Trung Hoa và thôn tính các lân bang, dù thất bại tại Việt Nam vào năm 1789. Khi Mãn Thanh sụp đổ năm 1911 thì Mông Cổ giành lại độc lập, nhưng vùng Ngoại Mông lại rơi vào quỹ đạo Liên Xô sau đó và trở thành Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, Trung Quốc chỉ còn kiểm soát được vùng Nội Mông. Mao Trạch Đông có muốn bành trướng vào Ngoại Mông mà không được vì sức cản của Liên Xô thời ông Mikoyan vào năm 1947, khi ấy là một hậu phương hỗ trợ cộng sản Tầu. Sau khi thắng vào năm 1949, Mao chỉ chiếm Tân Cương và Tây Tạng chứ không thể nuốt Mông Cổ. Còn Nội Mông thì đã là khu vực tự trị thuộc về Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1947 và rơi vào quỹ đạo cộng sản sau khi Quốc Dân Đảng bị thua. Sau khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991 thì Mông Cổ gặp khủng hoảng nhưng nay đã trở thành một nước dân chủ, hợp tác với cả Nhật Bản và Hoa Kỳ. Còn câu hỏi về Việt Nam thì tôi xin mượn lời Barack Obama mà nói “bài toán vượt quá mức lương của tôi!” Tuy nhiên, tấm gương Mông Cổ ngày nay cho thấy khi nước Tầu có loạn là khi nước toàn có lậu thì nước ta mới yên…

KN: Thưa quý vị, Kim Nhung đoán là ông Nghĩa cũng có giải đáp mà nói đùa như vậy thôi! Chúng ta sẽ còn có dịp theo dõi chuyện này.

NXN: Thật ra, Trung Cộng đang có nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng ở bên trong với các thế lực quyền lợi đan kết khi đà tăng trưởng lại giảm sút dưới một núi nợ. Tập Cận Bình cố thâu tóm quyền lực để giải quyết bài toán ấy. Đúng lúc đó, Chính quyền Trump lại đòi Bắc Kinh cải cách chế độ quản lý kinh tế theo quy luật thị trường. Tập Cận Bình mà làm như vậy là kinh tế lập tức bị khủng hoảng cho nên họ lâm vào thế kẹt. Chuyện đấu trí đấu lực này nó ly kỳ rắc rối chứ không đơn giản như truyền thông báo chí cứ tường thuật hay bình luận. Nói chung, Chính quyền Trump càng gây sức ép với Trung Cộng thì Việt Nam càng có lợi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét