Nhạc trổi lên ầm ĩ qua loa phóng thanh, vũ công nhảy múa theo nhịp và khán giả huýt sáo hòa theo. Ở một số khu vực của Trung Quốc, đó là những hình ảnh bạn sẽ thấy trong đám tang.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã tăng cường việc hạn chế giới vũ nữ biểu diễn tại đám tang, đám cưới và đền thờ, gọi việc làm này là "khiêu dâm và khiếm nhã".
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà chức trách đã cố gắng dẹp đi tập tục này, nhưng có vẻ đây là một lề thói có khả năng phục hồi.
Tại sao lại mang vũ công đến đám tang?
Có giả thuyết cho rằng các vũ nữ thoát y được sử dụng tại tang lễ để thu hút được đông hơn người tham dự, vì một tang lễ lớn, có nhiều người đến, được xem như là một điều danh dự cho người quá cố.
Giả thuyết khác nói rằng tập tục này có thể liên quan đến việc "thờ phượng việc sinh sản".
Huang Jianxing, giáo sư Đại học Sư phạm Phúc Kiến, nói với báo giới trên tờ Global Times rằng "Ở một số nền văn hoá địa phương, khiêu vũ với các yếu tố khiêu dâm có thể được dùng để truyền đạt mong muốn của người quá cố việc muốn được chúc lành với 'con đàn cháu đống'.
Giả thuyết thực tiễn là việc thuê các vũ nữ thoát y có thể được xem như một dấu hiệu của sự giàu có.
Theo tờ Global Times thì "các gia đình nông thôn Trung Quốc có khuynh hướng phô trương sự giàu có của họ bằng cách chi những món tiền cao bằng mấy lần thu nhập hàng năm cho các diễn viên, ca sĩ, diễn viên hài và vũ công thoát y để an ủi những người quá cố và giải trí cho những người thương khóc."
Tập tục này có phổ biến không?
Đây là một tập tục thường thấy ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, nhưng thật ra phổ biến hơn ở Đài Loan - nơi mà nó xuất phát.
Chuyên gia nhân chủng học Marc Moskowitz của Đại học Nam Carolina nói với BBC: "Việc mang vũ thoát y đến tang lễ lần đầu tiên đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dân chúng ở Đài Loan vào năm 1980"
"Thói quen này đã trở nên phổ biến ở Đài Loan nhưng ở Trung Quốc, vì bị chính phủ hạn chế khắt khe hơn, nên nhiều người thậm chí chưa bao giờ nghe đến điều này".
Nhưng ngay cả ở Đài Loan, thường thói quen này không được thấy ở các thành phố lớn.
Ông Moskowitz nói: "Vì thoát y tại tang lễ nằm trong một khu vực xám giữa hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, nó ít phổ biến hơn ở các trung tâm đô thị, mặc dù người ta thường thấy hiện tường này ở vùng ngoại ô của hầu hết các thành phố.
Năm ngoái, đám tang của một người Đài Loan có đến 50 vũ công nhẩy múa trên chiếc xe jeep ở thành phố miền nam Chiayi.
Đó là tang lễ của một nhà chính trị gia địa phương, người mà, theo lời gia đình, đã nói với họ rằng ông muốn có một đám tang đầy màu sắc "qua giấc mơ".
Tại sao phải đàn áp?
Cuộc đàn áp mới đây hầu như không gây ngạc nhiên. Đây chỉ là một sự kiện mới nhất trong một loạt các chiến dịch kéo dài nhiều năm của chính phủ Trung Quốc để mong kết thúc việc thực có vũ thoát y tại các tang lễ.
Bộ Văn hoá Trung Quốc đã cho rằng các buổi biểu diễn như vậy "không văn minh" và thông báo rằng bất cứ ai thuê một vũ nữ thoát y đến để thu hút người tham dự đám tang sẽ bị "trừng phạt nghiêm trọng".Tiến sĩ Moskowitz nói: "Chính phủ Trung Quốc hình dung bản thân mình là một người cha, cần hướng dẫn con dân của mình."Họ lo lắng về việc khoả thân tại những nơi công cộng và ảnh hưởng có thể có đối với xã hội, đặc biệt là khi trẻ em thường nhìn thấy những chương trình này.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Moskowitz nói thêm rằng có thể sẽ không dễ dàng để dẹp bỏ tục lệ này."Thực tế là thói quen này vẫn tiếp tục phát triển, mặc dù các luật lệ chống lại nó, cho thấy đây là một lề thói có khả năng phục hồi mạnh như thế nào.'' Tiến sĩ Moskowitz nói thêm:
Năm 2006, lãnh đạo của năm đoàn vũ trang tại tỉnh Jiangsu phía đông đã bị bắt giam sau khi hàng trăm người tham dự tang lễ của một nông dân chứng kiến những cảnh thoát y nẩy lửa.
Vào năm 2015, các ngôi làng ở Hà Bắc và tỉnh Giang Tô đã trở thành tiêu đề trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc khi người ta khám phá ra rằng nhiều vũ nữ đã được mời đến sân khấu để biểu diễn nhưng "màn trình diễn khiêu dâm" trong đám tang. Chính phủ một lần nữa đã phạt các nhà tổ chức và người biểu diễn.
Chiến dịch mới của Bộ Văn hoá sẽ nhằm vào các tỉnh Hà Nam, An Huy, Giang Tô và Hà Bắc. Chính phủ cũng đã thiết lập một đường dây nóng cho công chúng báo cáo bất kỳ "tang lễ không đúng đắn" nào để đổi lấy tiền thưởng.
Không rõ là tập tục này rồi có hoàn toàn biến mất, nhưng rõ ràng là chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngừng cố gắng cho đến khi điều đó xảy ra.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét