Hà Nội những ngày giáp Tết đặc người, xe, tiếng còi, khói bụi, giấy ăn, bia và mùi xào nấu. Tiếng gào dzô dzô vang khắp nơi nơi. Tôi chui vào KFC, nơi chỉ bán đồ ăn nhanh và nước ngọt. Chọn được chỗ ngồi tương đối yên tĩnh là một thách thức lớn.
Chưa kịp đắc chí với lựa chọn của mình thì một đám tiểu học ập đến. Như một cơn lốc, đứa nào cũng vui vì được nghỉ Tết. Chúng rầm rập gọi món, rầm rập hét. Chúng bắt đầu cụng những ly nước ngọt và bắt đầu DZÔ. Chẳng ai ngạc nhiên, nơi này không hiếm giáo viên bắt nhịp cho các cháu mầm non mỗi khi có dịp.Dzô đã là khẩu lệnh của người Việt trước/trong mỗi trận rượu bia. Giống như lời hiệu triệu đoàn kết, đồng lòng quyết chí tiêu diệt quân thù. Một lòng một dạ rất đáng giá trong một cộng đồng đắn đo nhiều nghi kỵ. Ngồi cùng thuyền, không mấy ai bất tuân mệnh lệnh. Một người lĩnh xướng "Hò dô ta. Nào!", tất cả đồng thanh "Kéo cái ly này lên! Nào! DZÔÔÔ".
Nếu ngập ngừng, cuộc nhậu chưa cuồng nhiệt, màn đối - đáp sẽ bừng bừng khí thế. Một người gọi - tất cả đáp lời. "Anh em ơơơi! - Ơơơi; Uống - Uốốốống; Uống gì? - Uống rượu; Uống ở đâu? - Uống ở đâââây; Uống thế nào? - Uống sạạạạch; Sạch thế nào? - Sạch sành saaaanh". DZÔÔÔ nghĩa là lập tức xông vào. DZÔÔÔ là không được phép thoái lui. Luật uống cụ thể, dễ hiểu, đo đạc dễ dàng, chứ không mơ hồ diễn giải.
Hết mình bia rượu bỗng là minh chứng cho sự hết lòng. Càng uống càng khó nuốt, nó thử thách sự trung thành, mức độ sẵn sàng, lòng quyết tâm và bản lĩnh đàn ông chân chính. Ực! Ai nấy giơ cao ly đã cạn đến đáy, minh chứng trăm phần trăm vì sự nghiệp tập thể. Sau đó là những cái bắt tay rất chặt, chứ không hờ hững, vô hồn thường nhật. Tửu lượng càng cao, cơ hội thành công càng lớn.
Khi đã ngà say, người ta gào lên tâm sự. "Nói thực nhé", "chẳng dấu gì cậu", "chân tình đấy"… cứ lặp đi lặp lại. Không ai nghe rõ bạn nhậu nói gì, nhưng đều có vẻ cảm thông sâu sắc. Họ uống nhiều giờ, từ sáng tới tối, thâu đêm chưa phê lê đi quán khác. Tuần dăm bữa là thường, bạn nhậu gặp gỡ quanh năm. Quán nhậu sẵn hơn thư viện, học đường, sân bóng, rạp chiếu phim...
Khác hẳn vẻ tẻ nhạt lờ đờ giờ hành chính, người Việt hoạt bát hơn nhiều trên bàn nhậu. Họ ít phát biểu trong hội thảo, nhưng tranh nhau nói trong bữa uống. Rõ ràng, họ cũng có nhu cầu thể hiện. Vốn ngưỡng mộ người Nam khoáng đạt, thẳng thắn, cởi mở, người Bắc có thể vô thức, đã nhanh chóng nhận ra sự kết dính mê hồn của dzô và cồn, bung biêng và nối kết, nghẹn ngào, thơ và hát.
Dù câu cửa miệng của người Việt là "ăn chơi nhảy múa", lúc cao hứng họ huơ huơ bắt nhịp, leng keng đũa bát. Dù các chương trình "Khắp nơi ca hát" phổ biến khắp nước, hiếm khi người Việt hát cùng nhau một bài trọn vẹn. Họ không nhớ ca từ, kẻ thuộc, người không. Trong trí nhớ tập thể, một cách tự nguyện, chẳng có bài nào xứng đáng. Tuy vậy, khi dzô, điều đó có thể xảy ra. Đoạn trích "quan họ" dưới đây tiêu biểu tinh thần ăn nhậu hiện đại.
"đừng thấy kho hết rượu mà buồn,
tuy rằng kho hết rượu,
nhưng vẫn còn là còn trong dân.
Uống đi thôi các bạn mình ơi!
À hội à là ứ hội ừ"…
Của dân là vô tận?
Một, hai, ba, DZÔÔÔ!
Tiếng hô của các cháu tiểu học quàng khăn đỏ làm tôi sực tỉnh. Trong trẻo, tự tin, dõng dạc, rất to, đều tăm tắp, hơn người lớn rất nhiều. Sẵn sàng tiếp bước cha anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét