khktmd 2015
Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017
Viễn Ảnh Thời Sự Năm 2018
KN 1: Thời Sự 2018 sẽ là gì?
NXN 1: - Tôi xin được tóm lược rằng ta đã thấy hệ thống quốc tế bị xô lệch nặng trong năm 2017 đang kết thúc, nhưng tình trạng bất thường ấy xảy ra từ 10 năm trước, từ năm 2008, cho nên qua năm 2018 chúng ta sẽ còn thấy một sự thật: đó là “đổi thay sẽ là chuyện thường xuyên”. Bây giờ nói về thời sự năm 2018, tôi xin được trở lại cái “điểm lật” từ năm 2008.
- Năm 2008, vụ khủng hoảng tài chánh thật ra chẳng bất ngờ đã làm rung chuyển trật tự được các nước xây dựng từ lâu. Hệ thống kinh tế, chính trị và bang giao quốc tế lần lượt tan rã và dù chưa sụp đổ thì cũng rung rinh khiến cho nhiều nước phải nghĩ tới một trật tự khác. Đấy là lý do mà nhiều nước có thay đổi bên trong, quan hệ an ninh và kinh tế giữa các nước bên ngoài cũng đảo lộn. Qua năm 2018, chiều hướng đó sẽ còn tiếp tục trên cái trớn của nhiều năm qua.
KN 2: Quý KTG quen chờ đợi từ ông Nghĩa nhiều tiên báo kém vui, nào ngờ là ông còn trở về bối cảnh của 10 năm trước. Thưa ông, chúng ta sẽ khởi đi từ đó.
NXN 2: - Tôi xin vắn tắt: Khi Trung Cộng khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào ngày tám Tháng Tám 2008, cùng ngày Liên bang Nga tiến quân vào Cộng hòa Georgia. Bây giờ, hai cường quốc độc tài đó đòi làm mưa làm gió khi các nước Tây phương bị khủng hoảng tài chánh làm nhiều người tin là tư bản chủ nghĩa đang sụp đổ. Sự thật lại khác hẳn, khối dân chủ bị khủng hoảng chính trị khiến các đảng phái truyền thống mất niềm tin của quần chúng và đây đó xu hướng cực đoan nổi lên. Nhưng nào ngờ Trung Cộng lâm đại họa tài chánh vì ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế từ cuối năm 2008. Và nếu Liên bang Nga có ra sức tung hoành ở bên ngoài thì chỉ để khỏa lấp nhiều khó khăn kinh tế chống chất bên trong như ta đã thấy.
- Khu vực thứ ba đáng chú ý là khối Hồi giáo cũng trôi vào khủng hoảng từ chục năm nay và vụ Tổng suy trầm 2008-2009 còn thổi lên làn sóng bất mãn của lớp trẻ thất nghiệp khiến thế giới lạc quan nói về cuộc cách mạng dân chủ. Đấy là ảo giác Á Rập! Trong năm tới, ta sẽ thấy trào lưu biến động ấy tiếp tục ở nhiều nơi.
KN 3: Sau khi ông Nghĩa tóm lược toàn cảnh từ những năm 2008 trở lại đây, KN xin đề nghị ông đi vào từng khu vực địa dư mặc dù chúng ta đều biết rằng các khu vực ấy đều đan kết với nhau chứ không tách rời như những hải đảo. Xin mời.
NXN 3: - Sống trên đất Mỹ, một siêu cường vẫn còn ảnh hưởng toàn cầu, ta sẽ bắt đầu bằng Hoa Kỳ. Vụ khủng hoảng 2008 khiến một tay mơ là Barack Obama đắc cử Tổng thống từ cuối năm rồi đưa nước Mỹ vào nạn ách tắc kéo dài. Dư âm nạn ách tắc đó vẫn còn, khiến một tay ngang là Donald Trump đã vượt qua các chính khách truyền thống của đảng Cộng Hòa rồi đắc cử năm ngoái. Báo chí cứ quy tội cho ông Trump là gây ra phân hóa và ách tắc, sự thật lại khác. Hiện tượng bế tắc đó có từ trước và giúp ông Trump đắc cử trước sự hậm hực của các phần tử chính trị truyền thống lẫn thành phần ưu tú không nhìn ra sóng ngầm trong xã hội. Tôi ít bình luận về chính trị Hoa Kỳ vì điều ấy vô ích khi nhiều người Việt chỉ lập lại sự xuyên tạc của truyền thông báo chí, nhưng tôi cố nhìn ra ngoài xem các nước kia khai thác tình trạnh ách tắc chính trị của Mỹ ra sao.
KN 4: Nếu vậy, xin ông trình bày về khía cạnh quốc tế đó nhìn từ Hoa Kỳ.
NXN 4: - Thời sự 2018 sẽ thấy lãnh đạo Hoa Kỳ phải xoay trở với bốn bài toán. Dễ và nhẹ nhất là khủng bố Hồi giáo khi lực lượng ISIS bị đẩy lui, giấc mơ xây dựng Đế chế Hồi giáo là trò hão huyền. Còn lại là vận dụng các nước Hồi giáo thuộc nhiều hệ phái và sắc tộc canh chừng nhau và ưu tiên đối phó với cái xứ đã trục lợi nhiều nhất là Iran. Chính quyền Trump có thấy ra điều đó.
- Bài toán thứ hai, nan giải hơn, chính là mối nguy Bắc Hàn. Nan giải vì rủi ro chiến tranh gây thiệt hại cho các đồng minh là Nam Hàn và Nhật Bản và vì chế độ Bắc Hàn còn chỗ tựa là Trung Cộng và Liên bang Nga. Bài toán thứ ba chính là nước Nga suy kiệt về kinh tế mà vẫn chi phối Âu Châu từ vụ Ukraine. Vì sự cưỡng chống của Quốc hội Mỹ, Chính quyền Trump khó giải tỏa lệnh cấm vận nước Nga nhằm khai thông cục diện Syria tại Trung Đông. Sau cùng mới là bài toán Trung Cộng, nó liên hệ đến Bắc Hàn mà cũng chi phối quan hệ kinh tế Mỹ-Hoa. Ngoài kế hoạch giảm thuế tại Mỹ sẽ khiến tư bản rút mạnh khỏi Trung Quốc thì Chính quyền Trump sẽ tận dụng đòn phép kinh tế chứ không nhượng bộ như người ta sợ. Lý do là Mỹ còn cần trấn an các đồng minh Á Châu như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và nhiều nước Đông Nam Á rằng mình không nhường Đông Á cho Trung Cộng. Từ cuối năm ngoái chúng ta đã nói đến chuyện này…
KN 5: Thưa ông Nghĩa, sau Hoa Kỳ thì có lẽ KTG của chúng ta muốn được nghe ông phân tích và dự báo về cục diện Đông Á là nơi có hai nước đáng quan tâm, là Trung Cộng và Việt Nam.
NXN 5: - Vẫn làm con chim báo bão, tôi xin nói thêm về Hoa Kỳ dù đã dự báo từ tháng trước. Đó là năm tới, kinh tế Mỹ có thể lại bị suy trầm nữa như vào năm 2008 vì từ sau Thế chiến II chưa khi nào trải qua 10 năm mà không gặp hiện tượng chu kỳ đó. Tôi mong là nó xảy ra trễ, vào cuối năm 2018 hay đầu năm 2019. Lần này, ảnh hưởng cho toàn cầu cũng dữ dội, nhưng dữ dội hơn cả vẫn là sự phân hóa trong xã hội Mỹ, khiến lãnh đạo Hoa Kỳ càng phải nhìn vào trong.
- Nhiều khán thính giả tại Mỹ hỏi tôi rằng nên làm gì trước kịch bản u ám đó? Tôi xin trả lời gọn là 1/ hãy giảm tiêu thụ; 2/ ưu tiên trả hết nợ gia cư là mortgage; 3/ đầu tư vào trái phiếu hơn cổ phiếu; 4/ cố giữ lấy tiền mặt; 5/ đừng ham lời lẹ; và 6/ tránh mua bitcoin!
KN 6: Xin cảm ơn ông Nghĩa đã trả lời cho quý KTG của chúng ta. Bây giờ ta mới bước qua khu vực Đông Á. Thưa ông, ông dự đoán những gì?
NXN 6: - Nơi đây, ta thấy chế độ độc tài của Trung Cộng được củng cố với lãnh tụ Tập Cận Bình, nhưng bên cạnh là Nhật đang ra sức vươn lên với Thủ tướng Shinzo Abe và bên kia là Ấn Độ cũng vậy với Thủ tướng Narendra Modi. Ba lãnh tụ Á Châu này đều có quần chúng của họ và năm nay sẽ lao vào một cuộc tranh đua với trục Nhật-Ấn sẽ ưu tiên vận động các quốc gia Đông Nam Á. Dù vướng bận vào hồ sơ Bắc Hàn, Hoa Kỳ vẫn nhập cuộc với sự hỗ trợ của Úc.
- Cục diện 2018 mở ra cơ hội mới cho các nước Đông Nam Á trong khi ưu tiên của Bắc Kinh vẫn là mâu thuẫn kinh tế và chính trị bên trong. Họ phải cải cách để tránh khủng hoảng tài chánh, gia cư và môi sinh trong khi vẫn cần tái phân lợi tức cho các khu vực và thành phần cùng khốn để khỏi loạn. Nhu cầu cải cách đó khiến họ Tập tiếp tục thanh trừng những kẻ cưỡng chống và gây ra nhiều mối thù khác. Năm 2018 cho thấy Trung Cộng không mạnh như thiên hạ lầm tưởng mà chỉ là năm đầu của nhiều khó khăn tiếp nối….
KN 7: Khi phân tách sự tình Trung Quốc, hình như ông Nghĩa có cái nhìn khác truyền thông Tây phương và nói trước nhiều năm các biến cố xảy ra về sau này. Ông giải thích thế nào về sự kiện ấy mà nói trước năm 2018 chỉ là năm đầu của nhiều khó khăn tiếp nối?
NXN 7: - Tôi không bói Dịch mà cũng chẳng là phù thủy có quả cầu pha lê đâu! Tôi chỉ theo dõi nhiều từ đã lâu và tổng hợp được dữ kiện kinh tế để đặt vào cái phương trình văn hóa chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh. Họ đã thấy ra và nói tới các khó khăn ấy từ cả chục năm trước mà không giải quyết nổi và lại chồng chất thêm vấn đề mới, kể cả nạn tham nhũng mọc rễ trong cơ chế kinh tế chính trị.
- Năm năm qua, giới lãnh đạo chóp bu hiểu ra sự tình nên để Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực sau các đợt thanh trừng và loại bỏ đối thủ. Ngày nay, họ có bộ máy chính trị độc tài tuyệt đối, nhưng trong khi biểu dương khí thế ra ngoài thì vẫn phải ưu tiên giải quyết bài toán bên trong. Ít ai nhìn ra nghịch lý nội/ngoại đó của họ vì không hiểu rằng ách độc tài duy ý chí khó khai thông những bế tắc kinh tế của một xứ quá lớn và có quá nhiều mâu thuẫn lẫn khác biệt. Những khó khăn kế tiếp từ năm nay sẽ lại thách đố quyền lực của Tập Cận Bình nên ông ta càng phải dựa vào công an và quân đội để dẹp nội loạn khi kế hoạch cải cách không đem lại thành quả chờ đợi.
KN 8: Kim Nhung biết ông đã chuẩn bị trình bày tiếp về các khu vực kia của thế giới trong năm 2018, nhưng vì thời lượng có hạn và vì KTG của chúng ta lại muốn biết ông dự đoán gì cho Việt Nam nên xin đề nghị ông tổng kết cho vài nhận xét về Việt Nam.
NXN 8: - Nói về văn hóa chính trị là cái nền tảng vô hình mà bao trùm lên nhiều lãnh vực, tôi thiển nghĩ cái đảng cầm quyền tại nước ta có một ưu tiên sinh tử là sự tồn tại của chính nó. Vì vậy, các phần tử khôn ngoan, quyền biến hay lưu manh nhất trong xã hội là những kẻ bảo vệ chế độ, tức là bộ máy an ninh, là công an mật vụ của đảng. Còn lại, nhân sự trong các lãnh vực kinh tế, xã hội hay giáo dục lại kém tài và yếu thế. Đó là hiện tượng trái ngược với các quốc gia tiên tiến, với hậu quả là sự lụn bại kinh tế, sa đọa xã hội và khủng hoảng nhân dụng vì giáo dục xuống cấp. Thời chiến tranh, có một thành phần nòng cốt rất mạnh là quân đội thì nay mất thực quyền, chưa kể là còn bị giải giới để hết bảo vệ được tổ quốc nữa. Họ chưa thể là giải pháp cứu vãn cho Việt Nam như ta đã thấy trong vài nước cộng sản khác.
- Mấy chục năm sau tình trạng quái đản ấy là một chế độ độc tài tham ô mà vẫn không sụp đổ vì chẳng có giải pháp nào thay thế. Chế độ đang rơi vào thực tế là một hệ thống đạo tặc vận hành như một tổ chức tội ác. Đấy là một kết luận rất đen tối về viễn ảnh 2018. Nhưng khi trời tối nhất lại là lúc bình minh ló rạng.
- Đó là khi các đảng viên hết tranh quyền với nhau mà đi vào tranh tiền: các phe nhóm đang tới tấp lật nhau để chia chác quyền lợi kinh tế! Gặp cảnh đó thì cái lực lượng bảo vệ chế độ cũng tận dụng sở trường lưu manh để giành lấy phần ăn, nghĩa là công an cũng sẽ dính chấu. Trong một tổ chức đạo tặc kiểu “mafia”, khi các tay súng gọi là “caporegime” bảo vệ ông trùm lại đòi chia chác với các “consiglieri” vây quanh lãnh tụ thì tổ chức khó tồn tại. Trừ phi ông trùm thật lại ngồi ở Bắc Kinh sẽ ra tay răn bảo. Nhưng nếu ông trùm như Tập Cận Bình còn ngập đầu với các vấn đề bên trong thì đám mafia Việt Nam sẽ xoay trở ra sao? Giải đáp cho câu hỏi này nằm tại Việt Nam!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét