khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Mắt Thấy Tai Nghe Vẫn Chưa Là Sự Thật!




Kim Nhung (KN): Xin kính chào quý Khán Thính Giả (KTG) trong tiết mục Thời Sự Ngày Mai vào buổi cuối năm của Kim Nhung Show trên đài truyền hình SBTN với kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về các chủ đề vượt qua thời sự hầu chúng ta cùng hiểu được những gì có thể xảy ra ngày mai. Kim Nhung xin kính chào ông Nghĩa và mong là ông đã có một lễ Giáng Sinh đầm ấm với gia đình và đang chuẩn bị đón mừng năm mới.

KN 1: Thưa quý KTG, sau nhiều năm rồi, chúng ta đã quen với phương pháp phân tách và trình bày độc đáo của ông Nghĩa khi ông trở ngược về thời gian để nói về tương lai với những dự đoán bất ngờ. Trong một chương trình cuối năm, ông thấy những gì có màu sắc vui vẻ cho năm mới không?

Nguyễn Xuân Nghĩa (NXN): - Tôi có thể ca bài “Đêm Màu Hồng” do Phạm Đình Chương phổ thơ Thanh Tâm Tuyền để dự thi tài năng “măng già”, làm cô Kim Nhung mất hết thân chủ! Nhưng đầu năm ai lại chơi trò quái ác như thế, nên tôi xin đề nghị một đề tài quái ác hơn: khi trí thông minh nhân tạo hay “artificial intelligence” lại là trí gian manh trong tình báo! Vì "artifial" cũng là giả tạo và "intelligence" còn là tình báo. Tình và báo, quý vị nghe thấy có hấp dẫn không?

- Số là trong 10 ngày qua tôi có sáu chương trình về hiện tượng Bitcoin với lời cảnh báo rằng nó sẽ rớt giá. Quả nhiên là nó rớt giá và gây chấn động toàn cầu, nhất là tại Châu Á, nơi người dân cứ mê đánh bạc và cháy túi. Tôi xin miễn nhắc lại chuyện đó ở đây mà xin nhìn vào… bọn móc túi trên không gian ảo.

KN 2: Kim Nhung biết ông Nghĩa hay cười cười mà nói chuyện rợn người, bây giờ lại nói về bọn móc túi thì xin quý KTG chịu khó nín thở theo dõi…

NXN 2: - Thưa quý vị và cô Kim Nhung, Tháng Năm vừa qua có vụ đánh cướp trên không gian ảo hay điện toán “cyberspace” mà tôi gọi là “không gian điện não” vì ảnh hưởng đến bộ não của chúng ta. Anh ngữ gọi đó là “cyberattack”.

- Đó là vụ Wanna Cry làm mấy trăm ngàn người và cả hệ thống hạ tầng của nhiều nước bị thiệt hại. Hôm 19 tuần trước, viên chức cố vấn Bộ Nội An Hoa Kỳ mới cho biết an ninh Mỹ đã xác định rằng Bắc Hàn là thủ phạm của vụ tấn công này. Kẻ gian cấy vi khuẩn điện tử làm tê liệt mạng lưới điện não của thiên hạ và đòi những ai muốn thoát khỏi bị “frozen” thì trả tiền bằng Bitcoin. Trương mục Bitcoin vốn ẩn danh, nhưng mọi nghiệp vụ mua bán đều bút ghi trong một sổ thanh toán mà giới chức chuyên môn có thể truy ra. Họ tìm ra là kẻ gian của Bắc Hàn đã lấy được hơn 140 ngàn đô la, và vì thị trường “tiền mật mã Bitcoin” là chữ tôi dịch từ Bitcoin, tăng mạnh trong năm nay cho nên tính đến tuần trước, chúng có một lượng tài sản trị giá cỡ một triệu hai!

KN 3: Chúng ta đều đợi chuyện bất ngờ, nào ngờ còn có vụ cộng sản Bắc Hàn tống tiền trên “không gian điện não” như chữ của ông Nghĩa và lấy về bạc triệu. Câu chuyện quả ly kỳ như khoa học giả tưởng. Thưa ông, thế rồi vụ đó kết thúc ra sao khi một viên chức an ninh cao cấp Hoa Kỳ phải họp báo trình bày?

NXN 3: - Chuyện thật lại ly kỳ hơn vậy. Vào Tháng Tư, Bắc Hàn còn tấn công một thị trường giao dịch Bitcoin của Nam Hàn là doanh nghiệp có tên là Youbit và lấy năm triệu đô la tiền Bitcoin. Hôm 19, khi một cố vấn Bộ Nội An Mỹ nói về vụ WannaCry thì doanh nghiệp Youbit cho biết họ bị tấn công lần nữa, có lẽ cũng từ Bắc Hàn, nên đành khai phá sản! Khi ấy vài tờ báo chuyên đề mới nói rằng vào Tháng Bảy, dường như Bắc Hàn cũng đã ra đòn ăn cướp Bitcoin và lấy được bảy triệu bạc!

KN 4: Nhưng thưa ông tại sao chế độ cộng sản Bắc Hàn lại cướp Bitcoin trên không gian điện não của thiên hạ?

NXN 4: - Cô Kim Nhung có câu hỏi ngàn vàng! Chế độ Bắc Hàn đang bị phong tỏa kinh tế vì tội thử nghiệm võ khí hạch tâm với hỏa tiễn liên lục địa nên không thể giao dịch với các thị trường tài chánh quốc tế và tuần rồi còn bị Hội đồng Bảo an LHP biểu quyết trừng phạt với tỷ lệ 15-0. Bắc Hàn cần Bitcoin để chuyển ngân trên không gian ảo chẳng có biên giới, kể cả để trả công cho các nhóm tin tặc nằm ngoài lãnh thổ. Các tổ chức tội ác, buôn lậu ma túy hay khủng bố cũng dùng cái ngả đó. Có khi chế độ muốn biểu dương khả năng kỹ thuật rất cao của họ để hăm dọa rằng họ cũng có trình độ cao như vậy về võ khí chiến lược.

KN 5: Quý KTG vừa nghe ông Nghĩa trình bày là trong một tuần ông sáu lần nói về Bitcoin từ giác độ kinh tế tài chánh để cảnh báo nạn sụt giá. Nào ngờ ta còn thấy ra một khía cạnh khác của việc đánh cướp trên không gian ảo! Thế thì vì sao Hoa Kỳ lại cho biết họ biết về tội đánh cướp của Bằc Hàn? Về mặt tình báo, khi đã biết thì người ta lặng lẽ theo dõi chứ tại sao nói là mình biết để kẻ gian sẽ phòng ngừa?

NXN 5: - Thật ra họ có suy nghĩ. Ta nhớ rằng hôm 18, Chính quyền Donald Trump vừa công bố chiến lược mới thì hôm sau Bộ Nội An Hoa Kỳ mới tố Bắc Hàn tội đánh cướp Bitcoin. Tôi nghĩ rằng có lẽ Mỹ muốn định tội tin tặc là cyberattack cũng nghiêm trọng như chế tạo võ khí hạch tâm. Dùng kỹ thuật điện toán tấn công hạ tầng chuyển vận và giao dịch của các nước thì chẳng khác gì phóng hỏa tiễn hạch tâm vào hải cảng hay trung tâm chính trị hoặc thương mại của Hoa Kỳ. Nếu Mỹ ra đòn chặn, trước khi Bắc Hàn phóng hỏa tiễn vào lãnh thổ Hoa Kỳ, thì cũng là quyết định chính đáng!

- Báo chí Mỹ cứ tường thuật về chiến lược mới của ông Trump với sự hoài nghi vớ vẩn mà ít nhìn ra điều ấy thì cũng mù lòa như khi dự đoán sai việc Bitcoin tuột giá. Có thể chế độ Bắc Hàn vừa được cảnh báo rằng dùng tin tặc tấn công vào không gian điện não của Hoa Kỳ và các đồng minh thì chẳng khác phóng hỏa tiễn có đầu đạn hạch tâm. Từ nay sẽ bị trừng phạt nặng nề trước khi bấm tới cái nút bắn hỏa tiễn!

KN 6: Vì thời lượng có hạn, thưa ông Nghĩa, Kim Nhung xin đi ngay vào đề tài quá hấp dẫn này khi ông nhắc đến một chuyện cực khó hiểu là Bitcoin rồi cho biết kẻ gian còn xâm nhập vào hệ thống điện toán của thiên hạ để cướp tiền và phá hoại. Nếu vậy, thời sự ngày mai sẽ là gì, ít ra về ngắn hạn là trong năm 2018 sắp tới đây?

NXN 6: - Tôi sẽ lạc đề nói về chuyện ta gọi là “Mắt Thấy Tai Nghe”. Cách nay 50 năm, năm 1968, báo chí Mỹ với máy ảnh và ống kính cũng tường thuật chuyện mắt thấy tai nghe trong vụ Mậu Thân tại Việt Nam mà người Mỹ tin là có thật, nhưng sai bét! Điển hình là tấm ảnh của ông Eddie Adams về vụ Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết một đặc công cộng sản.

- Ông Adans ân hận về tấm ảnh mà đa số giới trẻ của chúng ta quên rồi cho nên có nhắc lại cũng không thừa. Cuối năm 2003, tôi gọi cho cô cháu gái nhà báo của tôi trong một tờ báo lớn của Mỹ và giới thiệu chau với ông Eddie Adams để phỏng vấn nguyên một ngày trong studio của ông, trước khi ông mất. Nhờ đó cháu hiểu ra nhiều điều đằng sau chuyện mắt thấy tai nghe.

- Xa xưa hơn, năm 1862, phái bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp qua Pháp thương nghị việc đòi lại ba tỉnh miền Đông, họ được chụp hình gắn vào quản bút. Mắt thấy tai nghe đó. Khi về, có cụ cho là bị quỷ Tây Dương hớp hồn nhốt vào bút, phải nhìn qua kính hiển vi bằng hạt đậu mới thấy.

- Mấy chục năm sau, khi xem phim câm mà thấy đầu xe hỏa cứ như lao khỏi màn ảnh, thế hệ các cụ ngồi dưới cũng chết khiếp vì hình ảnh giả tạo. Ngày nay, các thế hệ trẻ coi phim loại ba chiều 3-D với đôi kính lạ cũng là “mắt thấy tai nghe” mà hoàn toàn không thật. Mỗi thời đại lại có những phát minh mới làm chúng ta thấy giả mà tưởng thật. Bây giờ, phát minh về “trí thông minh nhân tạo” còn đi xa hơn trong nghệ thuật gây ảo giác, tưởng thật mà không phải. Nhưng nếu kẻ gian mà dùng thuật đó thì chúng ta nên cẩn thận!

KN 7: Kinh hãi thật khi chúng ta nhớ ra các tiết mục giải trí đó, nhưng đáng sợ hơn vậy là khi ông Nghĩa nêu câu hỏi rằng nếu kẻ gian cũng dùng cái thuật đó. Xin đề nghị ông nêu ra vài thí dụ cho KTG của chúng ta dần dần nhìn ra sự thể.

NXN 7: - Chúng ta có các “trương mục điện thư” là “email account” mà dịch “account” ra tài khoản như người Hà Nội là quá hẹp. Kẻ gian có thể xâm nhập và giả danh chúng ta để loan tin nhảm hoặc để lấy thông tin mật của người khác. Nếu kẻ gian dùng trương mục của một chủ tịch doanh nghiệp bị mạo danh và loan tin nhảm cho thị trường thì sao? Nếu vị chủ tịch ra lệnh chuyển ngân giả cho ai khác thì sao? Bắc Hàn còn bắt bí để tống tiền thì mình nên nghĩ đến những kịch bản đáng sợ hơn.
- Thế thì khoa học ta gọi là trí thông minh nhân tạo “artificial intelligence” gồm hai phần, nhân tạo hay artificial có thể là giả tạo hay gian xảo, và thông minh hay intelligence còn có thể là tình báo!

KN 8: Thưa quý vị, từ năm 2016 và nhất là trong suốt năm 2017 này, chúng ta nghe nói đến hiện tượng “fake news” của báo chí Hoa Kỳ về cuộc bầu cử và về Chính quyền Donald Trump. Nhưng nếu Liên bang Nga hay Trung Cộng, vốn dĩ tiến bộ còn hơn Bắc Hàn, mà dùng tình báo giả tạo nhờ trí thông minh nhân tạo để loan tin giả thì sao? Có phải là ông Nghĩa đang nói đến sự kiện ấy chăng?
 
NXN 8: - Báo chí Mỹ kém trí nhớ và thiếu ý thức lịch sử mà chỉ chửi Trump nên ít biết từ hơn trăm năm trước, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tình báo của Đế quốc Nga đã ngụy tạo danh tính giả để moi tin và xuyên tạc. Họ dịch lại và phố biến cuốn “Dialogues au Enfers entre Machiavel et Montesquieu” nổi tiếng của luật sư Maurice Joly người Pháp như một âm mưu thống trị của dân Do Thái. Sau đó, Đức Quốc Xã dùng sản phẩm xuyên tạc ấy và tàn sát dân Do Thái.

- Thế rồi Liên bang Xô viết còn tiến xa hơn và thời Chiến tranh lạnh thì mật vụ KGB hay quân báo GRU của họ loan tin giả không từ nước Nga mà tại một xứ có vẻ vô hại khác, thí dụ như Ấn Độ, để tấn công Hoa Kỳ. Nào là Mỹ có âm mưu cướp thánh địa Mecca năm 1979 hay mua cơ thể của trẻ em tại Trung Mỹ năm 1980, khiến sứ quán và kiều dân Mỹ bị tấn công bất ngờ. Nạn “fake news” hay tin giả đã có từ xưa và truyền thông Mỹ bị sử dụng làm công cụ xuyên tạc mà có khi chẳng biết. Truyền thông Mỹ không biết thực trạng Hà Nội trong cuộc chiến Việt Nam mà cứ ráo riết nói láo về nạn đàn áp hay vụ chuồng cọp Côn Sơn ở trong Nam!

- Ngày nay, Nga và Bắc Kinh còn tiến xa hơn về tình báo gian xảo nhờ khoa Artificial Intelligence! Và thiên hạ vẫn tin vì tưởng là “mắt thấy tai nghe”. Họ lấy râu ông nọ cắm cầm bà kia mà chúng ta cứ tưởng thật sao?

KN 9: Kim Nhung giật mình về ba chuyện. Thứ nhất là điện ảnh Hoa Kỳ tiến quá xa để gây ảo giác như thật cho khán giả dù đó chỉ là trò giải trí có khi vô hại. Thứ hai là tiến bộ kỹ thuật với hệ thống thu thập và phân tán dữ kiện điện tử đã giúp cho việc phổ biến và giao dịch loại tiền ảo hay “tiền mật mã Bitcoin” như ông Nghĩa vừa nói, chỉ vì mục tiêu làm giàu. Nhưng, thứ ba là kẻ gian hay chế độ hung đồ lại dùng kỹ thuật quá hiện đại ấy để đánh cướp hay phá hoại. Nếu vậy thưa ông Nghĩa, thời sự ngày mai sẽ là gì?

NXN 9: - Là thời sự năm 2018 mới thấy các trận đánh thật sau hai năm thao dượt 2016 và 2017! Và ta nên tỉnh ngủ mà đừng bảo là đã “mắt thấy tai nghe sự thật”! Làm truyền thông thì ta nên ý thức được mối nguy đó mỗi khi tường thuật trên màn ảnh….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét