khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Người Việt đón Giáng Sinh tại Nhật



Số người Việt tại Nhật định cư hay tạm trú có khoảng 240 ngàn người thuộc đủ mọi thành phần: thuyền nhân, bảo lãnh, thực tập sinh, du học sinh v.v..., nhưng dân Công Giáo có khoảng 15,000 người, sống rải rác trên khắp 16 giáo phận suốt từ Hokaido đến Okinawa. Tuy nhiên, nổi bật nhất là một tổ chức được gọi chung là "Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật. Linh Mục chủ chiên của Giáo đoàn là cha Nguyễn Hữu Hiến, dưới là Liên Cộng Đoàn miền Tây gồm 4 cộng đoàn địa phương và Liên Cộng Đoàn miền Đông gồm 13 cộng đoàn địa phương và có thể hơn nữa, những cộng đoàn đông nhất thường ở các thành phố lớn như như Tokyo, Kanagawa, Osaka, Himeji, Kobe.... và cộng đoàn là một tập thể để mọi người có thể gặp nhau ít ra là 1 tháng 1 lần. Cứ vào cuối tháng hay đầu tháng cũng có thể là giữa tháng thì nhà thờ của “họ” thuộc về “ta”, chẳng hạn như tại nhà thờ chánh tòa Osaka, lễ đầu tháng tập trung cả đến cả trăm  người, còn các giáo phận “lẻ tẻ” khác cũng khoảng vài mươi người. Sau thánh lễ do cha Việt Nam chủ tế thì đây thường là nơi để các cộng đoàn họp hành, tập hát hay chuẩn bị cho những ngày lễ trọng hoặc các chương trình bán “bazar”. Lúc người công giáo tại Nhật còn “barabara” (rời rạc) khoảng hơn 30 năm về trước, thì cha Hiến là người từ Roma tình nguyện sang Nhật nguyện“cống hiến cả cuộc đời”. Công của cha lớn lắm, vì tất cả bắt đầu từ con số 0, nhờ cha mà mới được như ngày nay.

Giáo xứ Nhật ở đây nể dân Việt Nam lắm, chỉ khoảng 15,000 người mà mình có những 41 cha, trong đó có những cha chịu chức tại đây, và những cha từ các xứ khác như Việt Nam, Ý, Phi sang giúp sức. Những “ông trùm” của các cộng đoàn bây giờ như ở Takatori, Sonada, đều là những thành viên quan trọng trong giáo xứ Nhật để....  chỉ huy người Nhật.

Còn ở tỉnh lẻ không có nhiều người Việt thì hơi vất vả, có mấy em từ Việt Nam sang làm việc dù ngôn chữ chưa thông, nhưng chuyện đầu tiên mà các em phải làm cho bằng được là tìm một nhà thờ nào đó dù xa để “xưng tội”, “rước mình thánh chúa” v.v...., có nhiều em đã vừa phải lội bộ, xe điện cả 2 tiếng để dự lễ, mà tuần nào cũng thế.

Kể cho ông nghe thêm về một nét đẹp của mấy em trẻ này:

*“Đó chính là việc siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các Bí tích, bởi vậy khi đến Nhật bản đa số những người trẻ Việt nam đều cố gắng tìm đến Nhà thờ. Và chính tại đây đã cho những người trẻ cơ hội gặp gỡ với anh chị em đồng hương, và tại mỗi vùng miền đều hình thành nên các Nhóm Giới trẻ Công giáo Việt nam. Được sự quan tâm của cha Nguyễn Hữu Hiến và các cha, nhiều nơi đã có thánh lễ tiếng Việt định kỳ mỗi tháng, có những nơi chỉ có mỗi năm một vài lần và cũng có những nơi chưa bao giờ được tham dự thánh lễ tiếng Việt. Nhưng chính những người trẻ đã qui tụ nâng đỡ nhau, sự hiện diện và nhiệt huyết của các bạn trẻ Việt nam đã làm cho các cộng đoàn Công giáo sở tại trở nên trẻ trung, sôi động và tràn đầy sức sống hơn”.

*Trích trong bản tường trình “Một chút Sinh hoạt Giới trẻ Công giáo Việt nam tại Nhật bản” của cha FX Trần Văn Hoài”

Còn tại những nhà thờ tỉnh lẻ, giáo dân ngoại quốc như Peru, Ba Tây, Phi, Việt Nam.... có khi còn đông hơn giáo dân Nhật, thỉnh thoảng phần đọc Thánh thư bài một, bài hai đôi khi là tiếng Việt, tiếng Bồ Đào Nha. Và sau mỗi bài, còn có cả câu xướng: “Đó là lời chúa! Tạ ơn chúa”. Tôi vẫn lấy làm thắc mắc là khi đọc Thánh thư thì giọng bình thường, nhưng cứ đến những chữ này thì mọi người lại lên tông. Ông hiểu tại sao không?

Muốn tìm không khí giáng sinh đúng nghĩa thì chỉ có nước tìm đến nhà thờ. Khu vực nào có cộng đoàn địa phương thì vui lắm, họ chuẩn bị cho ngày lễ lớn này cả tháng trước, vì “nơi nào có người Việt thì nơi đó ồn ào” mà...  Còn ở những nơi ít người Việt như chỗ tôi ở (khoảng 5, 6 gia đình) thì vui trong tính cách... quốc tế.  Sau thánh lễ gần nửa đêm (gọi là gần nửa đêm vì tất cả phải xong trước 11 giờ hay trễ nhất là 11 giờ 30 cho những người về bằng xe điện), sẽ có tiệc chung vui, các món ăn do các giáo dân tự đem đến thì đủ thứ, Việt Nam thì lúc nào cũng là chả giò, gỏi cuốn. Để giúp vui cho “chương trình văn nghệ” thì mỗi nước có một vài bài hát tủ, Việt Nam thì luôn luôn là “Đêm Đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời”. Mấy năm trước, trong chương trình, một em từ Việt Nam sang làm việc tình nguyện hát “chay” không đàn không trống, em hát cái bài:

Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông

Thiên hạ la ơi ới, yêu cầu tôi dịch, thế là tôi được dịp vẽ vời: Đây là câu chuyện của 2 người yêu nhau trong thời chinh chiến và...... , không biết họ có hiểu và cảm lời tôi dịch không, nhưng tôi thì.... chảy nước mắt. Còn Ba Tây, Phi Luật Tân, Peru, Nhật Bản.... đều có bài hát của nước họ, tôi nghĩ chắc.... chả ai hiểu, nhưng cứ đến “Đêm Thánh Vô Cùng” hay “Jingo Bell” thì lập tức có một ban đại hợp xướng đồng loạt cất tiếng, “giọng chính” cũng nhiều mà “bè phụ” cũng không thiếu, ngôn ngữ của nước nào thì “hồn” nước đó giữ, vang khắp khu phố, người hàng xóm xung quanh tuy thấy ồn ào, nhưng ai cũng thông cảm vì một năm chỉ có một lần. Theo tôi, thì ở Nhật có 2 khung cảnh mà tôi thấy cảm thấy thanh bình nhất, một là.... trong quán nhậu, hai là tham dự những ngày lễ quốc tế như thế này. Trong đêm chúa ra đời sẽ không có cái màn “bát phố” như Việt Nam vì .... xe điện chỉ chạy đến 12 giờ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét