khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Tuổi thơ Nhật và tuổi thơ VN- Tác giả Vũ Đăng Khuê




Tuổi thơ Nhật Bản

Khi có con em đang học bậc tiểu học, thì các phụ huynh thường phải tham gia vào “Kodomokai” (Hội Trẻ Em) trong khu vực mình đang sống. Đây là một “luật” bất thành văn có từ lâu lắm, Vì là một hình thức tự trị, nên hội chẳng có liên quan gì đến nhà nước, không giống như các Hội bên VN như “Hội thiếu nhi “quàng khăn đỏ”, Hội cháu ngoan Bác.... vớ va vớ vẩn....). Hội có “cương lĩnh” rõ ràng: giúp cho các em sống cùng khu vực có thể gần nhau, kết bạn với nhau rồi cùng làm chung một việc: có ích cho chính bản thân hay xã hội. Việc tham gia này cứ thay phiên nhau mỗi “hộ” 6 tháng. Khoảng mươi năm trước, nhà có đứa con đang theo đuổi bậc.... “tiểu học”, nên mình nghiễm nhiên trở thành một thành viên của hội. Công việc khá đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Buổi sáng phụ huynh thay phiên nhau đến địa điểm tập trung để “tiễn” các em đi học, lúc các em về thì không cần vì đã có những người thiện nguyện khác. “Công tác” chính là nhận, in rồi mang những bản thông báo các sinh hoạt của hội đến từng nhà. Họp hành lai rai “trên mạng” để lên “khuôn” cho những kế hoạch dắt các cháu đi.... chơi.... Mỗi tháng một lần có mặt chung với mọi người vào thứ bảy đầu tháng để điều động các em đi từng nhà thu gom từng chồng báo cũ, từng thùng lon, chai... xếp vào một chỗ, rồi bán lại cho chỗ thu mua. Số tiền thu được chả có là bao, nhưng mang ý nghĩa là: do chính sức mình làm ra để trang trải một chút vào việc vận hành hội, hay đóng góp vào một công tác từ thiện.

Sau phần thu gom những “vật dụng tái sinh” sẽ là màn từ già đến trẻ rủ nhau đi quét đường hay nhổ cỏ dại tại công viên, nơi các em hay chơi đùa. Tuy mỗi tháng chỉ một lần, nhưng thấy các em vui lắm, cứ mong chóng đến tháng tới.

Ở trường, các thầy cô giáo thường luôn khuyên bảo: các em phải có những trải nghiệm “thực tế” ích lợi cho cuộc sống mai sau. Vì thế hội tự trị, hội phụ huynh tại khu vực đang sinh sống đều khuyến khích các em nên tham gia vào ngay cả những sinh hoạt “ngoài luồng”. Mùa Obon (mùa Vu Lan) là mùa có nhiều “event” để các em tham gia dễ dàng nhất. Do đó phận làm thầy, làm cha làm mẹ, đều phải “lên khuôn” những chương trình thật là bắt mắt vào cái mùa “obon” nóng “khủng”. Trước ngày lễ một tuần, các phụ huynh trong hội chuẩn bị giăng đèn kết hoa, dựng dàn dựng rạp; các em đều phải họp nhau để tự “phân chia người nào việc đó”, tập trước cách đi cách đứng, cách la, cách khiêng “mikoshi” (kiệu) đón.... mùa hè. Có thể nói không sai, những sinh hoạt “ngoài luồng” này rất cần thiết cho việc tạo dựng các em có một tinh thần tự lập ngay từ những buổi ban đầu. Hãy “sống cho người, trong đó có mình”. Trẻ em Nhật Bản là thế.
 
Tuổi thơ Việt Nam

Vài tháng trước, một ông bạn ở xa lắm, có gửi cho tôi xem một đoạn video nói về những bất hạnh của con trẻ Việt Nam. Ông bạn chịu khó nghe và viết lại lời thuyết minh của clip video phần về các em đã phải bương chải làm nghề hủ tíu mì gõ

 ... làm hủ tiếu mì gõ này là việc xử dụng lao động rẻ tiền nhất của những trẻ em không trường học, rời bỏ gia đình từ những miền cực khổ miền quê để gia nhập đội ngũ đi kiếm miếng ăn thường nhật về đêm này.

 ..Ở những góc độ tầm nhìn của xã hội hôm nay đang làm xót xa nhức nhối cho những ai có lương tri khi nhìn về tầm xa của thế hệ mai sau chúng ta.

..Vì đó là những thế hệ trẻ không đủ điều kiện để đến trường, phải thức khuya để làm công việc này. Đáng lẽ ra chúng phải được đi trường học, vui đùa.

.. Chính những sự bóc lột thái quá công sức lao động của trẻ em thiếu giáo dục và sự dung nạp vô tổ chức bừa bãi của những đứa trẻ vô gia cư này sẽ là hậu quả để đưa những trẻ em vô tội này vào những cạm bẫy của cuộc đời và dễ dàng biến chúng vào những tội phạm vô lường trước cho một xã hội ngày nay của chúng ta .."

Ông bạn chia sẻ tiếp: Đọc và coi qua những sự kiện này không ít nhiều làm cho chúng ta phài suy tư một cái gì đó cho xã hội VN chúng ta ngày mai!? đúng không anh Khuê và phải chăng anh em mình cũng đang mang cùng tâm trạng: "Triệu con tim một tiếng nói" của Việt Khang không nhỉ a. Khuê?

Bất tận ngôn từ cho Việt Nam Quê Hương.


Nhớ lại lúc làm “hộ vệ” cho các em tay cầm đèn, tay cầm quạt, thay phiên nhau khiêng “mikoshi” (kiệu mủa hè) miệng la lớn: “Wasshoi” (có ý nghĩa là vác cả Nhật Bản lên vai), một hình ảnh rộn ràng không thiếu vào ngày lễ hội mùa hè Obon tại Nhật.



Rồi thấy các em cùng tuổi ở quê nhà đang lang thang kiếm sống, tay cầm chồng vé số, vai vác những con chim đi bán lê la khắp chốn khiến mình thẫn thờ và lặng người cả buổi.




“Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai saụ 

Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao”

Bài hát “Học sinh hành khúc” của nhạc sĩ Lê Thương mà tôi thuộc nằm lòng hồi niên thiếu sao giờ nghe xa quá.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét