Làm cha mẹ, ai cũng muốn con cái mình phát huy tối đa khả năng học tập và đạt kết quả cao. Tại Châu Á, các bậc phụ huynh sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để gửi con mình đến các lớp học âm nhạc hay cờ vua, dựa trên những nghiên cứu cho rằng hai bộ môn này giúp phát triển khả năng tư duy của trẻ.
Thế nhưng gần đây, hai nhà tâm lý học người Anh Giovanni Sala và Fernand Gobet đã đặt nghi vấn về tuyên bố này. Họ đã thực hiện một cuộc nghiên cứu tổng hợp và đánh giá lại các bằng chứng trước đó về mối liên hệ giữa cờ vưa - âm nhạc và trí thông minh của trẻ em.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ biết chơi cờ hoặc một nhạc cụ nào đó, thì đạt được điểm số cao hơn trên các bài kiểm tra IQ so với những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, hai việc này lại mang tính tương quan, chứ không phải là nhân quả. Điều đó có nghĩa là những đứa trẻ thông minh thì thường bị thu hút bởi các hoạt động đòi hỏi trí tuệ như cờ vua hay âm nhạc, chứ chưa hẳn là ngược lại.
Sự trao đổi kỹ năng
Ý tưởng cho rằng việc chơi cờ hay học nhạc giúp tăng cường trí thông minh và năng lực học tập, bắt nguồn từ khái niệm về sự trao đổi kỹ năng (transfer of learning), tức việc đem kỹ năng của một lãnh vực này áp dụng cho một lãnh vực khác. Chẳng hạn, các nhà giáo dục ngày xưa từng tin rằng việc học tiếng Latin sẽ giúp cho học sinh cải thiện khả năng toán số của mình.
Vào năm 1901, hai nhà tâm lý học Edward Thorndike và Robert Woodworth thục hiện một loạt các thí nghiệm về trao đổi kỹ năng. Họ phát hiện ra rằng đối với hai lãnh vực gần nhau, một số kỹ năng có thể được trao đổi từ lãnh vực này sẽ lãnh vực khác - hiện tượng này được gọi là trao đổi gần (near transfer). Chẳng hạn, nếu bạn giỏi tiếng Latin, thì việc học tiếng Ý sẽ rất dễ dàng, vì đây là hai ngôn ngữ có quan hệ gần với nhau. Tuy nhiên, đối với hai lãnh vực không liên quan tới nhau, thì việc trao đổi kỹ năng xa (far transfer) sẽ không diễn ra. Nghĩa là việc học tiếng Latin sẽ không giúp bạn đạt điểm cao trong môn đại số hay hình học.
Hơn một thế kỷ sau khi Thorndike và Woodworth công bố kết quả các nghiên cứu chuyên sâu của mình, nhiều người vẫn tin rằng một số môn học như cờ vua hay âm nhạc giúp cho học sinh thông minh hơn. Thế nhưng phân tích gần đây nhất của Sala và Gobet đã phủ nhận niềm tin này, và khẳng định rằng hiện tượng trao đổi kỹ năng xa (far transfer) hoàn toàn không diễn ra.
Vì thế, chơi cờ vua hay học nhạc sẽ không giúp cho trẻ thông minh hơn, và trò chơi điện tử cũng không giúp tăng cường trí nhớ hay sự tập trung như nhiều công ty game vẫn tuyên bố.
Dĩ nhiên, nếu đứa trẻ yêu thích học nhạc hay chơi cờ, thì chẳng có lý do gì để cha mẹ ngăn cấm chúng cả. Chỉ là, các bậc phụ huynh đừng nên kỳ vọng quá nhiều về việc "nâng cao trí thông minh" mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét