khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Cái lon, chiếc nón và nùi giẻ rách - Tác giả Tưởng Năng Tiến







Bây giờ, trừ cái labtop, tôi rất ít để ý đến những vật dụng khác quanh mình. Sau tháng 4 năm 1975 – có lúc – tôi cũng không bận tâm đến bất cứ một thứ gì, ngoài cái lon Guigoz.

Tôi bắt đầu làm quen với nó vào mùa mưa năm 1975, trong trại cải tạo. Chịu đói là bài học đầu tiên mà chúng tôi được học, và đây cũng là bài học kéo dài suốt khóa.

Ở vào hoàn cảnh này mà vớ được mấy củ khoai đào sót, một con ếch chậm chân, một nắm rau rừng cấu vội, hay một vốc gạo thừa – vét được sau những lần tạp dịch dọn kho – mà có sẵn cái lon Guigoz bên mình thì tiện lắm. Cất giấu tang vật rất dễ, và chỉ cần rất ít nhiên liệu trong việc nấu nướng.

Hằng đêm chúng tôi đều được nghe giảng dạy về một cuộc sống mới không giai cấp, không còn cảnh người bóc lột người, mọi sản phẩm đều là của chung, làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu… Chúng tôi cũng được động viên cứ yên tâm học tập, không phải bận tâm gì về thân nhân hay gia quyến. Cả nước đang đi từ giai đoạn ăn no mặc ấm, sang ăn sang mặc đẹp. Còn cả thế giới thì đang chuẩn bị bước vào thế giới đại đồng.

Chúng tôi tiếp thu tốt, thảo luận tốt, viết thu hoạch tốt, nhất trí rất cao về tất cả mọi vấn đề. Sau đó – sau giờ học tập – mọi người lại lục đục mang tất cả những thứ “cải thiện” được trong ngày, bỏ vào lon Guigoz, lúi húi tìm một góc riêng đun nấu, để “sột sệt” cho đỡ đói.

Cái lon Guigoz đối với chúng tôi (những kẻ thuộc bên thua cuộc) không chỉ là một vật dụng thiết thân mà còn trở thành một kỷ vật, với những kỷ niệm rất buồn. Điều tôi không ngờ là nó cũng rất thân thiết, và cũng là một kỷ vật buồn (không kém) đối với những người thuộc bên thắng cuộc:

“Nhớ thằng bạn cùng đơn vị xưa kia kể lại, bà mẹ của cậu ta cứ nắc nỏm ao ước tìm đâu ra một chiếc hộp sắt để đựng kim chỉ khâu hay đựng thuốc cảm cúm, nhức đầu… Tìm đâu ra vài chiếc bình, chiếc chai thật đẹp để tích lạc, đựng vừng phòng ngày mưa gió, lụt lội. Vừa khô ráo, vừa tiện lợi, bày biện chỗ nào cũng sáng cả một góc nhà. Bà mẹ tơ tưởng vậy thôi, chứ đang thời bom rơi đạn nổ, mọi người chỉ sống nhờ vào mấy chiếc tem đậu phụ, tem thịt, vào những viên gạch xếp hàng giữ chỗ thay người trước một xe bán rau, trước cửa hàng bán nước mắm mậu dịch…, bới đâu ra chiếc hộp, chiếc chai bà ưng ý?

Ấy vậy mà hôm tiễn thằng bạn tôi vào chiến trường, không hiểu bằng cách nào, bà mẹ đã tìm được chiếc vỏ hộp sữa Guigoz đặt vào một bên túi cóc của cậu con trai. Nhờ cái vỏ hộp sữa ấy – chống được ẩm mốc, mưa nắng – cái ba lô lính của thằng bạn tôi thực sự trở thành một cái chạn di động. Không gặp thì chớ, hễ gặp nhau y như rằng nó sẵn sàng khoản đãi tôi đủ thứ “cao lương mỹ vị”: thịt nai sấy khô, mắm ruốc cá, thịt cheo xào gừng, sả… Tất cả chứa trong chiếc hộp sữa Guigoz đó!

Bạn tôi hy sinh ở Bàu Bàng cuối năm 1969. Nhận được giấy báo tử người con trai đâu đó chín tháng hay một năm, bà mẹ ngã bệnh qua đời. Mãi hơn hai mươi năm sau, những đội viên Hội Chữ Thập Đỏ phường Mã Mây mới tìm ra nơi chôn cất thằng bạn tôi. Họ kể lại, di vật của người hy sinh đã ẩm mục, rã rữa hết, chỉ còn tìm được chiếc vỏ hộp sữa Guigoz. Hôm đưa hài cốt bạn tôi về với bà mẹ cậu ta ở một khu phố cổ Hà Nội, người ta đã đặt chiếc vỏ hộp sữa bên cạnh bó hài cốt bạn tôi trước bàn thờ bà mẹ. Đủ lệ bộ ngay ngắn, họ mới thắp hương báo với bà con trai bà đã về.” (“Nỗi Buồn Lâu Qua” – Tô Hoàng).

Ngày trở về của chiếc nón cối thì ồn ào, và hoành tráng hơn nhiều:

Năm 1968, người lính trẻ Hoa Kỳ là John Wast, khi lục soát trận địa tìm vũ khí, tài liệu, bất chợt trông thấy một chiếc nón cối có vết đạn, vẽ hình con chim bồ câu. Anh ta buộc chiếc nón vô ba-lô, và khi hồi hương vào năm tháng sau đó, anh ta mang theo làm kỷ niệm chiến tranh và đặt trên cái giá sách trong phòng.

Có một cựu chiến binh làm công tác từ thiện đến gặp anh lính cũ và hỏi anh ta có muốn trả lại chiếc nón về nơi cũ chăng, bởi vì năm tháng qua đi, cũng chẳng còn khơi lại những đau thương nhức nhối nữa. Một phái đoàn có tên là “Đoàn phát triển kinh phí thiện nguyện tại Việt Nam” tìm ra gia đình anh bộ đội Bùi Đức Hùng, bị tử thương, nhưng hài cốt không bao giờ được thu hồi.
Ông Bùi Đức Dục, 52 tuổi, là cháu của liệt sĩ Hùng phát biểu, “Đây thật là giây phút thiêng liêng đối với gia quyến chúng tôi.”

Ông Dục bật khóc khi chiến nón cối được mang đặt lên bàn thờ gia tộc, trước sự chiêm bái của những cựu chiến binh Hoa Kỳ, khoảng 100 dân làng và viên chức xã có mặt. Trong căn phòng cũng đặt một bức tượng ông Hồ Chí Minh, người đã lãnh đạo cuộc chiến tranh thắng lợi.

Ông Dục ngỏ lời “Chúng tôi coi chiếc mũ này như chính một phần thân thể chú tôi, và sẽ bảo tồn nó để nhắc nhở cho thế hệ tiếp nối của gia tộc chúng tôi.”

Hơn ba triệu người Việt Nam đã chết trong chiến tranh qua thời gian Hoa Kỳ phải hành động để ngăn chặn làn sóng Cộng Sản tại Đông Nam Á. Ông Wast, nay đã 67 tuổi, là người dân vùng Toledo, tiểu bang Ohio, chưa từng du lịch Việt Nam. Lời nói của ông ta đã ghi và phát lại qua buổi lễ cho biết rằng liệt sĩ Hùng đã chiến đấu thành thạo và ngoan cường… (“46 years on, Vietnamese helmet returned.” Tran Van Minh. AP. Trans Y.Y).

Trường hợp của ông Nguyễn Chánh Nhường thì hơi khác, theo bản tin (“Sau 40 năm, liệt sỹ trở về thành hộ nghèo”) của báo Lao Động, số ra ngày 1 tháng 2 năm 2015:

Một sự kiện hy hữu vừa diễn ra tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) khi ông Nguyễn Chánh Nhường, đã có giấy báo tử và được công nhận Liệt sỹ tròn 40 năm bỗng trở về trước sự ngỡ ngàng của người thân và bà con xóm giềng. Ông Nhường hiện trí nhớ suy giảm, sức khỏe yếu được chính quyền địa phương xếp vào diện hộ nghèo.

Vào ngày 10.4.2014, gia đình ông Nguyễn Chánh An, xóm 19 xã Quỳnh Lâm hết sức ngỡ ngàng khi thấy một người đàn ông ăn mặc rách rưới, dáng vẻ tiều tụy, khắc khổ xuất hiện trước cửa nhà. Sau phút định thần, gia đình ông An bàng hoàng nhận ra đây là ông Nguyễn Chánh Nhường, người anh em ruột của gia đình, đi bộ đội và được báo tử, truy điệu Liệt sỹ vào năm 1974, vừa tròn 40 năm.

Ông Nguyễn Chánh Nhường sinh năm 1949, quê quán xã Quỳnh Lâm, lớn lên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian bặt tin tức, vào năm 1974, cả gia đình ông chết lặng khi nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về, thông báo ông đã hy sinh ngày 6.4.1973. Địa phương và các tổ chức đoàn thể đến thăm hỏi, động viên gia đình và tổ chức lễ truy điệu. Gia đình ông được phát bằng Tổ quốc ghi công số DE 145, được lưu giữ trang trọng tại nhà ông anh cả Nguyễn Chánh Nghiệm…

Bà Bùi Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm cho biết: “Sau khi nghe tin có ông Nhường trở về, chúng tôi đã thành lập đoàn xác minh thông tin. Kết quả cho thấy người trở về chính là ông Nguyễn Chánh Nhường, đã được công nhận Liệt sỹ cách đây 40 năm. Ông Nhường không có giấy tờ gì, trí nhớ cũng không còn minh mẫn, ngay cả nói cũng không mạch lạc…

Bà Hường nói: “Chúng tôi chưa thăm, tặng quà ông Nhường, nhưng đã có kế hoạch tặng quà và đề xuất UBND huyện tặng quà cho ông trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Đây là một trường hợp hết sức hy hữu, mong rằng các cơ quan chức năng sẽ xem xét giải quyết chế độ phù hợp cho một người đã từng đi bộ đội, tham gia chiến đấu và được công nhận là Liệt sỹ.”

Ông Nhường trở về ngày 18 tháng 3 năm 2014, gần một năm sau (hôm 1 tháng 2 năm 2015) bà Phó Chủ Tịch UBND xã Quỳnh Lâm tuy vẫn chưa đến thăm nhưng đã có “kế hoạch” và “đề xuất UBND huyện tặng quà” rồi. Chả biết “đề xuất” này có được chấp thuận hay không nhưng (“tiếng chào cao hơn mâm cỗ”) thế cũng quý hóa lắm rồi.

Nếu ông Nguyễn Chánh Nhường đi luôn, và chỉ có cái lon Guigoz hay chiếc nón cối trở về (thôi) thì việc tiếp đón – chắc chắn – sẽ long trọng và đình đám hơn nhiều. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Đã đi chinh chiến mà còn (ráng) trở về làm chi nữa, cho nó thêm rách việc!





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét