khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Một Nén Hương Xa Tiễn Bác - Tác giả Vũ Thư Hiên






Cháu ở xa, không được đưa bác đến nơi an nghỉ, đành thắp nén hương tưởng niệm, gạt nước mắt nhớ bác nay đã không còn.

Cũng như với bác, khi mẹ cháu qua đời, cháu cũng chẳng được ở bên.

Tôi không có tham vọng viết thêm vào những thông tin đã tràn đầy mạng xã hội trong những ngày này về người yêu nước Hoàng Thị Minh Hồ. Tôi đặc biệt cảm ơn hai nhà báo Quốc Phong và Sơn Kiều Mai đã góp những tư liệu soi sáng về tiểu sử bà Hoàng Thị Minh Hồ liên quan tới lịch sử đáng buồn về một ngôi nhà bị chiếm đoạt.


Nếu có thể nói thêm điều gì đó thì tôi chỉ muốn nói rằng tôi thật buồn khi có những người viết rằng bà Hoàng Thị Minh Hồ là một nhà tư sản đã dại dột và xuẩn ngốc “đầu tư” nhầm chỗ.

Là người sống trong những ngày Tháng Tám, tôi xin làm chứng rằng trong những ngày mà nhân dân ta nhất tề đứng lên làm cuộc đổi đời để rũ bỏ thân phận nô lệ, không có ai “đầu tư” vào cách mạng để hi vọng một lợi nhuận về sau. Tôi đã chứng kiến những người nghèo khổ nhất đã tháo nhẫn, tháo hoa tai dành dụm cả cuộc đời cho Tuần Lễ Vàng. Không thể nào so sánh sự hy sinh cho cách mạng giữa những người ấy và sự đóng góp của những nhà tư sản lớn. Ngày ấy, người ta chỉ biết hy sinh cho một tương lai sán lạn. Không ai là người có tài tiên tri để biết sau này cái tương lai ấy sẽ như thế nào.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng sự miêu tả bà Hoàng Thị Minh Hồ như một người đi theo cách mạng, được vận động để đóng góp cho cách mạng là không đúng.





Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, người được đảng cộng sản phân công làm kinh tế cho đảng là ông Nguyễn Lương Bằng. Hai người hợp tác với ông trong việc này là bà Đỗ Đình Thiện (Trịnh Thị Điền) và mẹ tôi, Phạm Thị Tề. Ngay trong thời gian này bà Hoàng Thị Minh Hồ đã có tham gia, không phải bằng việc buôn bán tơ lụa, mà bằng vốn cho vay, biết rằng đồng vốn ấy dùng vào việc gì. Tôi không nhớ ở đâu đó, trong một hồi ký cách mạng, có ai đã viết rằng: “Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa mà không có số tiền năm vạn đồng anh Huỳnh (cha tôi, Vũ Đình Huỳnh) mang về thì không biết sẽ khó khăn đến thế nào”. Tôi xin nói rằng đó chẳng phải tiền của cha mẹ tôi đâu, mà là tiền của bà Hoàng Thị Minh Hồ đấy. Nói tóm lại, bác Bô đã tham gia vào công việc cách mạng từ trước khởi nghĩa, không phải là một doanh nhân “đi theo” cách mạng.

Về ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang cũng vậy. Chẳng phải cần ai giới thiệu, chẳng cần ai vận động, nó đã được ông bà Trịnh Văn Bô dành cho cách mạng khi cần đến.

Cũng nhân tiện nói đến ngôi nhà này, tôi xin góp vào một chút tư liệu lịch sử. Năm 1963, khi ngồi cùng xe với ông Trần Huy Liệu lên thăm nhà tù Sơn La, tôi có hỏi ông: “Kỷ niệm sâu sắc nhất của bác trong những ngày Tháng Tám là gì?”. Ông trả lời: “Là được phân công viết bản Tuyên ngôn Độc Lập”. Tôi hỏi: “Không phải bác Hồ?”. Ông nói: “Bác thảo, rồi bác ấy sửa sau cùng”. Đây chỉ là văn ngôn, không có văn bằng, tôi thuật lại đúng câu chuyện được nghe.

Bác Bô đã không còn. Bác cũng chẳng thiết nói về mình khi còn sống. Tôi là đứa cháu, biết gì về bác thì nói nấy để khỏi có những ngộ nhận.

Và đây cũng là lời cuối cháu nói thay lời chúc bác lên đường trong chuyến đi cuối cùng của đời người.

Cháu khóc bác mà lòng quặn đau.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét