khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

CÒN AI KÍNH THƯƠNG THẦY CÔ GIÁO…- Tác giả Vũ Kim Hạnh




Hôm qua mình viết về ngày tựu trường, có đăng bức ảnh chụp đã hơn 40 năm. Bạn bè hỏi, nè, nhớ về Gia Long nhớ gì nhất? Nhớ thầy... nhớ bạn. Bạn thì nhiều, gần gũi hơn, bày đủ trò quậy phá nhưng nhớ rõ hơn vẫn là nhớ thầy cô. Không phải tự nhiên hổm rày thường nghĩ về thầy cô. Bởi vì nghe điểm số bất ngờ được chấm đậu vào sư phạm, ngành đào tạo ra thầy cô giáo. 9 điểm (ba môn) đậu Cao Đảng Sư phạm và 12 điểm đậu Đại học Sư Phạm. Nghề giáo không phải ở “cùng sào” mà đã rơi xuống tận đẩu tận đâu rồi khi sự lựa chọn rẻ rúng nhường ấy? Rùng mình nhớ lại một ý kiến đã đọc trên báo, rằng “cứ hăm đuổi việc giáo viên đi (hồi tháng 9 năm ngoái, khi đòi trừng trị giáo viên dạy thêm) cứ đánh đồng thầy cô giáo như tội phạm đi, rồi sẽ sớm thành công, vì chẳng còn ai làm nghề giáo nữa để mà cấm, không ai thi sư phạm để mà dọa và học sinh thì đi dâu, chúng đi du học tất”. Tôi nhớ hoài cảm giác rờn rợn người mấy ngày đó, cứ mở trang báo đầu ngày là thấy hai chữ “đuổi việc” giáo viên ngỗ ngược lạnh lẽo ngự giữa trang 1. Biết rằng đó là chỉ một cơn sốt cụ thể, còn nỗi cơ cực lâu dài của họ là chuyện ám ảnh thường xuyên bỡi áp lực thành tích đè nặng suốt năm tháng làm nghề.

Tụi tôi một nhóm những đứa học trò Gia Long học chung lớp những năm 60 vẫn còn giữ liên lạc hầu như thường xuyên với nhau và với một số thầy cô giáo, cho đến bây giờ. Chuyện đó bình thường lắm, tự nhiên mà, mình quý mình thương thì vậy thôi. Có một cô giáo tụi tôi đến thăm thường xuyên vì cô đau yếu và không có gia đình riêng. Cô chỉ có học trò. Cô Trần thị Lệ Dung, dạy Toán. Tôi học Toán và nhớ nhiều thầy dạy Toán, thầy Trương văn Minh đẹp trai (bọn học trò nói lén vậy, đôi khi tôi lén quan sát thì thấy thầy tủm tỉm khi bị đám quỷ trêu chọc) hơi khép kín và bí hiểm (vì sợ đám học trò “tấn công” chăng?), thầy Ngô Tư Vọng tài hoa, hoạt náo còn cô Lệ Dung thì lạnh, nghiêm và dạy Toán mà còn dạy cả cách đi đứng nói cười. Đám học trò cô đã định cư nước ngoài mua nhà cho cô, giao cho những đứa trong nước “theo dõi” chăm sóc cô. Đều đều, tôi đến thăm cô 4 lần trong năm (không kể khi nghe điện thoại báo cô bịnh) và tặng cô những món quà nhỏ gọn (lùm xùm cô không nhận) vào dịp Tết, Vu Lan, Trung Thu và ngày nhà giáo. Có lẽ cô cưng tôi hơn các bạn khác vì 2 thầy trò còn có trình diễn đàn ca chung trên sân khấu nhà trường, cô đàn vọng cổ (đàn tranh, trong khi bạn Võ thị Hai thì đàn ghi ta) và tôi ca. Tới giờ tôi còn nợ cô: một lần cô nói thoáng qua, bữa nào con Hạnh vô ca lại bài “người đưa đò” cho cô thu, đặng cho đám học trò nhỏ hơn em nó nghe, tôi dạ mà chân không chấm đất nên…chưa có bữa nào. Học trò tụi tôi lập một quỹ cùng đóng tiền lo cho các thầy cô khác theo lời nhắc của cô, còn những khoản lớn hơn,mua nhà, mua vật dụng trong nhà, đóng tiền bệnh viện, tổ chức cho mấy chục thầy cô nghỉ mát hàng năm thì các chị và bạn ở nước ngoài đóng góp gửi về. Chồng con của học trò cũng thành như ruột thịt với cô. Đã hơn 80 tuổi mà lần nào tôi đến thăm, cô cũng hỏi han, Tèo sao Hạnh, P. sao Hạnh và hỏi chuyện cặn kẻ, không phải hỏi lấy có. Mỗi lần đến thăm, thấy cô còn khỏe (dù có sút dần) là mừng và nghe cô “thông báo” tình hình bạn bè, các thầy cô thì thấy Gia Long gần như bên cạnh, ấm áp thân thuộc vô cùng. Đôi lúc giật mình, 50 năm rồi chứ ít gì, Gia Long ơi.


Đến thăm, cô hay nói, đâu nhỏ này, nhà báo, có chuyện gì hay kể cô nghe coi! Chuyện tôi muốn nghe và kể là chuyện các bạn và thầy cô, thế thôi. Tôi mừng thấy cô không đọc báo, nghe đài. Tôi rà rà hỏi thăm và mừng thầm, có lẽ không có đứa bạn nào “mách lẻo” với cô chuyện người ta “cả gan” bêu trên báo lời dọa đuổi việc thầy cô giáo dạy thêm. Nghề giáo, như mấy chục năm tôi biết và thấy, là nghề cao quí nhất, hi sinh nhất, nghề mà đám nhỏ luôn ước mơ “lớn lên con làm cô giáo” vì nó đẹp quá, như thiên chức, như trời định mới làm được, chứ có phải ai ban phát mà được làm và làm được đâu? May mà cô giáo tôi chưa biết về cái nền tâm trạng xã hội, thước đo giá trị con người đã ra thế nào mà nghề giáo bây giờ tới nông nổi vậy…


Ảnh. Chưa xin phép, tôi xin không đăng ảnh cô LD. Xin minh họa bằng ảnh các thầy cô giáo nghèo và cơ cực nhất: giáo viên miền núi.Học trò nhiều đứa bụng đói, đi chân không mấy cây số đến trường, gọi là trường, những khung nhà, mái thủng tường xiêu trống trơn. Có một ông thầy đặc biệt, ông đến dạy chúng và tận mắt thấy đôi nơi, có những đứa học trò nhỏ sống như…thú hoang.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét