Có nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao thỉnh thoảng tôi muốn trở về Sài Gòn thăm lại quê hương? Tôi đã sống ở Mỹ 40 năm rồi, ăn sâu bắt rễ trong xã hội Mỹ rồi, những gì tôi thương yêu nhất trong đời, con cháu, cháu nội cháu ngoại, đều ở Mỹ. Vậy về làm gì?
Câu trả lời rất giản dị. Ngày già thỉnh thoảng tôi cảm thấy cô đơn, nhớ về quá khứ, nhớ về thời tuổi trẻ và những giấc mơ chưa thực hiện, sẽ không bao giờ thực hiện được nữa, nhớ bạn bè, gia đình, và những học trò cũ ngày xưa.
Thỉnh thoảng tôi muốn trở về Sài Gòn tìm lại quá khứ, tìm lại gia đình, tìm lại tình người Việt Nam. Tôi bắt đầu trở về thăm lại quê hương sau khi Tổng Thống Clinton bỏ lệnh cấm vận. Lúc ban đầu cứ mỗi hai năm tôi trở về một lần. Sau này, có một lúc tôi trở về mỗi năm.
Thú thật với các bạn, quá khứ và những kỷ niệm ngày xưa ở Sài Gòn thật là khó tìm. Thành phố còn đó, những nhà cửa đã khác xưa, những con đường, những góc phố đã thay đổi. Phe Thắng Cuộc đã đập phá gần hết Phố Cổ Sàigòn.
Thành ra tôi về quê hương, thật không còn tìm lại được chút hương thừa nào của quá khứ cả. Những con đường cũng đã đổi tên. Đường Tự Do ngày xưa bây giờ là Đồng Khởi. Đường Thống Nhất bây giờ là Lê Duẩn. Không còn gì của Sài Gòn thời tuổi trẻ của tôi.
Rốt cuộc mỗi lần về Sài Gòn tôi chỉ còn lại Gia đình, và tình người Việt Nam mà thôi. Nhưng tình người Việt Nam lại càng ngày càng ít đi. Xã hội Cộng Sản đã nhồi sọ người dân ở đây tới mức tôi khó tìm lại được những nụ cười hồn nhiên, những con người thành thật, đáng mến, đáng yêu của thời tôi còn trẻ.
Nhưng cho tới nay, tôi chưa nản chí. Tôi vẫn cố gắng đi tìm. Nói ra thật mắc cỡ. Mỗi lần xong cuộc tìm kiếm (từ 4 tới 6 tuần), lúc máy bay cất cánh bay trở về Mỹ, tôi thấy trong lòng vui quá. Tôi có cảm giác mình đang về Nhà. Việt Nam là nơi tôi sanh. Nhưng Mỹ mới là Nhà của tôi. Mỹ là nơi tất cả những gì quí nhất của tôi trên đời, con cháu của tôi đang sống và lập nghiệp, bây giờ và mãi mãi về sau.
Ở Mỹ báo chí nói nhiều về những câu chuyện đào nhí, mấy ông già Việt Kiều cô đơn về đây tìm người tình trẻ. Tình người Việt Nam đối với tôi không phải là tình tự lăng nhăn với đào nhí, đó là tình đồng hương, tình người Việt Nam với nhau, cùng chung một lịch sử, ăn những thức ăn giống nhau, nói một thứ ngôn ngữ giống nhau, một thứ tình cao thượng hơn là tình đào nhí.
Về Sài Gòn ngồi ăn phở ngoài đường, vô chợ Sài Gòn ăn sáng, bún ốc, bún thịt nướng, cháo vịt, phở, hủ tiếu Nam Vang v.v., hoặc đi ăn cơm bình dân vỉa hè, với số tiền một vài đô la hai vợ chồng ăn được một buổi cơm trưa, canh chua cá lóc, cá kho tô v.v., sống với người Việt Nam, nghe họ nói chuyện với nhau, nghe họ nói chuyện với tôi, chỉ vậy thôi tôi cũng thấy vui rồi. Từ bỏ tự do một vài tuần, để lại tự do tôi hưởng ở New York lại New York, ra phi trường về Việt Nam, tôi chỉ muốn tìm tình người Việt Nam, chớ không phải tìm tự do.
Sống một vài tuần với người Việt Nam, rồi đi, trở về New York, hưởng lại những gì tôi hưởng 40 năm nay. Tôi muốn trở lại quê hương để thăm viếng đất nước từ Bắc chí Nam như một du khách, tìm lại quá khứ, hiểu nhiều hơn về lịch sử dân tộc, chỉ giản dị như vậy thôi. Trong đầu tôi không nghĩ tới đào nhí nào cả, dù các bạn ở Sài Gòn dẫn chúng tôi đi chơi với rất nhiều cô. Tôi vẫn luôn luôn đi với người tình trăm năm, đã sống chung với tôi qua không biết bao nhiêu sóng gió của cuộc đời suốt 56 năm nay.
Tình người Việt Nam đối với tôi còn là tình gia đình còn đang sống ở Việt Nam, cả đại gia đình rất đông. Những lúc về thăm Tam Bình thuộc Vĩnh Long, ở làng bên cạnh làng của một người rất nổi tiếng, cựu Thủ Tướng thời đổi mới Võ Văn Kiệt, có thể nói bà con trong đại gia đình của tôi gần cả trăm người. Tôi về đó thăm viếng đại gia đình, giúp đỡ họ, cho tiền họ, nối lại tình gia đình đã mất quá lâu.
Tình người Việt Nam còn là những người bạn Việt Nam, ở Việt Nam, hay đã trở về sống ở Sài Gòn những ngày hưu trí, vui hưởng cuộc đời già, hoặc nhiều bạn, rất nhiều bạn từ khắp nơi trên thế giới về đây du lịch. Nhiều bạn học Chasseloup Laubat và Marie Curie hồi nhỏ, gần 56 năm nay không gặp nhau, tình cờ gặp nhau lại ở Sài Gòn, thật là vui.
Tình người Việt Nam còn là tình Thầy-Trò, mối tình thiêng liêng cao thượng gắn bó tinh thần tôi với học trò cũ. Những lúc về thăm quê hương, tôi đều tìm cách tham dự các buổi họp mặt thường niên ăn Tết của học trò cũ những trường Võ Trường Toản và trường Sư Phạm Saigon. Tôi cũng đóng góp giúp “Quĩ Tương Tế” giúp các cựu học sinh và Thầy Cô còn sống ở Việt Nam. Thấy đời sống mấy Em ổn định tôi rất vui.
Lần vui nhất phải kể lần một cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm Saigon hay tin tôi về mời vợ chồng tôi đi ăn trưa ở Sheraton. Em này đã trở thành một giáo sư thành công ở Sài Gòn. Thấy Em sống dễ chịu, tôi rất vui.
Về thăm quê hương tôi thỉnh thoảng gặp bạn bè ở nhiều tiểu bang ở Mỹ, mấy năm nay không gặp, tình cờ gặp lại ở Sài Gòn. Gặp bạn từ nước ngoài về tôi rất vui, rủ nhau đi ăn tối, nghe nhạc, nhảy đầm, cuộc đời đáng sống quá. Tóm lại tôi thích về thăm lại quê hương, cũng chỉ vì tình người Việt Nam với nhau mà thôi. Tự do và tiện nghi vật chất, ở Mỹ tôi có đầy đủ không thiếu điều gì.
Trong entry trước tôi đã chia sẻ với các bạn niềm vui một buổi sáng đầu tiên tôi sống tại Saigon, đi bộ tập thể thao trong vườn Tao Đàn, ăn sáng ở vỉa hè, uống sữa đậu nành, ăn hủ tiếu Nam Vang.
Trong entry này xin chia sẻ với các bạn một vài hình ảnh đại gia đình ở Saigon, và nhóm bạn học ngày xưa, xa nhau hơn 56 năm từ lúc học xong Trung Học, tình cờ gặp lại rủ nhau đi ăn, đi nghe nhạc, đi nhảy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét