Trưa thứ tư ngày 5 tháng 4-2017 tôi đang làm việc thì nhận được điện thoại của ba tôi. Ông đang cùng gia đình cô em út đi chơi ở Great Wolf Lodge miền nam California nhân dịp spring break. Ông nói “con nhớ cúng giỗ chú Vọng ngày mai, ba không về kịp”…
Tối thứ năm 6 giờ từ chỗ làm về nhà, trời mưa gió tầm tã. Miền Bắc Cali năm nay thời tiết thật lạ kỳ… 8 giờ tối tôi mang tất cả xôi, chè và thức ăn để lên bàn thờ, thắp 3 cây nhang cho chú Vọng. Mưa gió vẫn lồng lộng bên ngoài, thấy đau thắt trong lòng. Chú, thân xác ở đâu, hồn ở đâu???
Thiếu Úy Lê Văn Vọng -Trưởng Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, thuộc quận Dak Sut – bị ghi nhận mất tích ngày 23 tháng 4 năm 1972 sau cuộc tấn công lớn của Việt Cộng vào Dak To, Kon Tum. Năm đó chú 22 tuổi.
Chú Vọng là con trai út của bà nội, còn ba tôi là con trai đầu. Chú là em cùng mẹ khác cha với ba. Bà nội tôi rất đẹp nên “má hồng nhiều nỗi truân chuyên”, bà trãi qua 3 đời chồng, có 4 người con trai và 1 cô con gái.
Trong ký ức lờ mờ của tuổi nhỏ tôi nhớ có bà nội và chú Vọng sống chung nhà lúc gia đình ở thành phố sương mù Pleiku. Tết Mậu Thân 1968 Việt Cộng tấn công vào tận đường Hoàng Diệu, phố chính của Pleiku. Tôi nhớ những bao cát chắn trước cửa nhà làm thành chiếc hầm trú ẩn cho cả gia đình. Ba tôi vắng nhà suốt thời gian đó, ông bận rộn ở Bộ Chỉ Huy Nha Cảnh Sát Quốc Qia Vùng 2 Chiến Thuật. Chú Vọng được ba giao súng cùng với vài nhân viên cảnh sát khác có nhiệm vụ canh gác bảo vệ cho đàn bà con nít chúng tôi trong nhà. Lúc đó chú chỉ là một học sinh trung học.
Năm 1970 Nha Cảnh Sát Quốc Gia Vùng 2 chuyển xuống Nha Trang, gia đình tôi dọn về sinh sống ở thành phố biển này. Chú Vọng theo học một khoá huấn luyện sĩ quan đặc biệt ở Đồng Đế. Chú ra trường với lon Chuẩn Úy. Sau một thời gian thì mang lon mai vàng Thiếu Uý…
Tôi nhớ chú có nước da trắng, đẹp trai, nhưng tính tình ít nói, hơi nhút nhát… Em trai tôi kể lại rằng, hai cái mai vàng còn mới quá, chú mắc cở lấy mực bôi lên nhưng không dính, chú bèn chà dưới đất cho trầy trụa để người ta không biết chú mới ra trường…Một lần trong buổi cơm trưa với gia đình chú uống beer, em trai tôi đòi uống, me của tôi không cho. Sau đó chú dắt em tôi ra quán, cho uống nửa chai. Lúc về, em trai tôi ói mửa tùm lum; me tôi la chú, chú sợ quá, không dám về nhà…Chị của tôi kể chuyện có một đứa bạn của chị bị mẹ ghẻ bắt làm việc bù đầu, lúc nào cũng đi học trễ, áo quần lôi thôi, người ngợm hôi hám rất tội nghiệp. Chú liền bảo hay là để chú cưới hắn, cho hắn về ở nhà mình cho khỏi khổ… Chú thiệt là từ tâm mà cũng thiệt là ngây thơ, muốn đem thân mình ra giúp người dù chẳng quen biết gì…
Có lẽ cũng vì thấy chú Vọng quá hiền lành, ba tôi tìm cách chuyển chú từ Quân Đội qua Cảnh Sát. Chú được theo học một khoá đào tạo cảnh sát tại Cam Ranh. Khi mãn khoá, ba muốn chú làm việc ở Nha Cảnh Sát Vùng 2 tại Nha Trang để ở gần ba; nhưng chú lại chọn đi xa, tận Dak Sut (Kon Tum), một quận lỵ mà dân số một nửa là người Thượng. Ba tôi tìm được một người bà con xa, cậu Phạm Văn Lưu, sinh sống tại thị xã Kon Tum, để gửi gấm chú Vọng có nơi ăn chỗ ở sau giờ làm việc, nên ba tôi tạm yên tâm…
…Nào ngờ chiến cuộc thay đổi quá nhanh chóng. Chú lên đó chưa đuợc bao lâu thì Dak To, Kon Tum trở thành một địa danh đẫm máu sau ngày 23 tháng 4 năm 1972…Hàng ngàn chiến sĩ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa bị thương vong. Đại tá Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh Lê Đức Đạt hy sinh trong chiến trận…Riêng về chú Vọng, nhân chứng sống sót kể lại rằng trụ sở của Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia tại quận Dak Sut bị đánh chiếm, chú bị thương và bị trói dẫn đi…
Cuộc tấn công của cộng sản Bắc Việt vào Kon Tum kéo dài đến cuối tháng 5-1972. Ba tôi đã tìm tất cả mọi phương tiện để truy tìm tin tức của chú, nhưng vô vọng.
Tin chú Vọng bị mất tích mang lại sự đau thương cho toàn gia đình và dòng họ. Tiếp theo đó là sự giận dữ, trách móc mà đích nhắm là ba của tôi. Người tức giận nhất là chú Lê Văn Tống (tức Trung Úy phi công Lý Tống): “Trời ơi, ổng là trùm cảnh sát của cả quân khu 2. Biết bao nhiêu là quận huyện yên bình sao không chọn, mà lại đưa em mình lên trên đó”. Còn chú Trương Minh Dũng (Thiếu Tá Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu kiêm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận tỉnh Quảng Đức) thì vừa khóc vừa nói: “Cho dù Việt Cộng có kêu thằng Vọng mà báo trước -tao là Việt Cộng đây, mi chạy đi- thì thằng Vọng chạy cũng không kịp”…Ý chú Dũng nói chú Vọng là một người quá hiền lành ngơ ngáo…
Vợ của chú Vọng tên Ngô Thị Băng Dung, được bà Đội (em của bà nội) cưới cho khi chú đi phép về Huế, “cưới nhau xong là đi”. Thím ấy đã từ Huế lên cao nguyên Kon Tum hai lần lùng tìm tin tức của chú, cũng vô vọng… Thím ghé lại Nha Trang thăm gia đình tôi. Mãnh mai trong chiếc áo dài đen, thím là hình ảnh cho những câu hát “cao nguyên hoang lạnh ơ hờ, như môi goá phụ phai mờ vết son…”
Năm 1973 ba của tôi chuyển ra Đà Nẵng phụ trách ngành cảnh sát đặc biệt tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Vùng 1. Ba tôi đã hy vọng tìm thấy chú Vọng từ những đợt trao đổi tù binh sau Hiệp Định Paris…Cuối cùng tin tức xấu nhất được cung cấp từ những tù binh trở về: Một người xác nhận là chú bị thương. Một cảnh sát ở Dakto nói là có nhìn thấy chú đã chết. Một người lính ở Tân Cảnh (Kon Tum) nói riêng với chú Trương Minh Dũng là Việt Cộng bắt sống được chú Vọng, trói tay bằng dây thừng và kéo lê sau một xe tăng T54…
Kể từ đó gia đình tôi có thêm hình của chú Vọng trên bàn thờ. Ba tôi lấy ngày Dakto bị tấn công 23-4-1972 làm ngày chú mất, giỗ mỗi năm tính theo âm lịch của ngày này. Còn thân xác của chú ở đâu không ai tìm thấy được. Người lính của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà qua đời bao nhiêu lâu vẫn còn có tấm thẻ bài để xác nhận danh tính, nhưng nhân viên của Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam thì không có tấm thẻ như vậy.
…Câu chuyện về chú Vọng của tôi chưa chấm dứt ở đây…
Tháng 4 năm 1975 chúng ta mất nước.
Tháng 10 năm 1987 ba của tôi từ trại tù Việt Cộng trở về nhà…Vài tháng sau đó, ba tôi nhận được một lá thư từ người anh “cùng cha khác mẹ” của chú Vọng. Người anh này ở phe bên kia -phe thắng cuộc- phe đã giết chú. Ông ấy tên Lê Văn Quỳ tức nhà văn-giáo sư Hoàng Nhân.
Bác Hoàng Nhân và ba tôi không có cùng huyết thống. Một người là con riêng của chồng, một người là con riêng của vợ, khi bà nội tôi kết hôn với cha của bác. Nhưng bác Nhân và ba tôi đã cùng sống chung nhiều năm của thời thơ ấu trong một mái nhà êm ấm bên bờ sông An Cựu, Huế. Bà nội tôi có thêm hai người con trai với cha của bác: chú Lê Văn Tống (Lý Tống) và chú Lê Văn Vọng. Bác Nhân hơn ba tôi hai tuổi.
Bác Hoàng Nhân từ năm 1975 là khoa trưởng khoa Văn của Trường Đại Học Sư Phạm thành phố HCM (Đại Học Vạn Hạnh cũ). Trước đó, bác đã là chủ nhiệm khoa Văn trường Đại học Việt Bắc, Thái Nguyên từ 1966-1975.
Lá thư đó của bác hỏi thăm ba tôi, sau đó nhắc đến chú Vọng; và, cũng trách móc ba tôi sao để chú đi lên Dakto… Ba tôi đã trả lời đại ý chú Vọng chọn Dakto khi chú 21 tuổi, cũng như năm xưa bác Nhân đã chọn con đường theo Việt Minh lúc bác ở tuổi 21…
Khi bác ra đi thì chú Vọng còn bé xíu…
Nhiều năm sau này khi nghe ba kể lại chuyện cũ, tôi có một ý nghĩ khác. Tôi nghĩ rằng, với địa vị và sự quen biết của bác Nhân lúc đó, đáng lẽ ra chuyện bác nên làm là tiếp tục truy tìm thân xác của chú Vọng. Chỉ có bác mới làm được việc này. Những năm xưa không tìm thấy thi thể của chú Vọng ở vùng quốc gia có nghĩa là họ đã lôi xác chú lên tận mật khu nào đó. Có không nhiều những chiếc tăng T54 tham chiến ngày 23 tháng 4 năm 1972 tại Dakto, Kon Tum. Ai là người đã ra lệnh kéo một sĩ quan tù binh đang bị thương sau một chiếc xe tăng cho đến chết? Chi tiết về cái chết này đâu có dễ quên cho cả hai phe? Và biết đâu, những người lính Bắc Việt làm cái chuyện dã man đó cũng có thể lại là những học trò cũ của bác?
Những câu hỏi của tôi sẽ không bao giờ được trả lời.
Tháng 1-1992 gia đình tôi sang Mỹ với diện HO. Tháng 9-1992 chú Lý Tống nhảy dù xuống Saigon và bị bắt. Trong thời gian này bác Hoàng Nhân có đi thăm nhưng chú Tống từ chối không gặp. Sau 6 năm bị giam giữ ở Việt Nam chú Tống được trả về Mỹ năm 1998.
Cuối năm 2000 chú Lý Tống lại thuê máy bay và phi công Thailand bay vào không phận Saigon để rãi truyền đơn. Vì vụ này mà bác Hoàng Nhân bị công an thẩm vấn và quấy nhiễu liên tục. Ông qua đời đột ngột năm 2001. Vợ của ông giải thích với chú Dũng rằng ông bị lên cơn đau tim. Nhưng tin tức riêng cho biết ông được mời đi ăn trưa bởi một cơ quan nhà nước, khi về đến nhà thì tắt thở. Ba của tôi và các chú tin rằng, ông đã bị đầu độc. Bác Hoàng Nhân năm đó 73 tuổi, ông đã cống hiến tất cả tuổi trẻ và tài năng cho Việt Cộng. Vắt chanh bỏ vỏ!
…Nếu tin rằng có số mệnh thì chú Vọng đã sinh vào một ngôi sao mờ nhạt và tắt sớm. Mờ nhạt so với những người anh tên tuổi. Chú mờ nhạt khi so với người anh ruột “chọc trời khuấy nước” Lý Tống…Chú mờ nhạt khi so với người anh “cùng mẹ khác cha” Trương Minh Dũng mà thơ của ông vẫn được hát qua nhạc Châu Kỳ: Hồi Âm, Sao Chưa Thấy Hồi Âm, Bỏ Phố Lên Rừng, Giọt Đàn Theo Giọt Lệ, Về Sông Cũ, Mưa Trên Quảng Đức…và nhất là Tuý Ca “bởi ta say nên thần tượng cũng lu mờ”… Chú Vọng cũng mờ nhạt khi so với người anh “cùng mẹ khác cha” là ba tôi, vẫn kiên cường với những vần thơ “ta vẫn là ta của tuổi hai mươi – mũi bút chưa cùn nguồn hứng chưa vơi”… Chú lại càng mờ nhạt hơn khi so với ông anh “cùng cha khác mẹ” giáo sư Hoàng Nhân mà những tác phẩm nghiên cứu văn chương của ông vẫn đang được giảng dạy tại các trường đại học trong nước.
…Có số mệnh hay không, khi thật lạ kỳ, tấm hình của chú Vọng trên bàn thờ ở Việt Nam cứ hoen ố và mờ nhạt đi cho đến khi không thể dùng được nữa. Và gia đình chúng tôi khám phá ra rằng, chú không còn một tấm hình nào khác để thay thế. Chỉ trong năm 1975 đã có ba lần chính quyền địa phương vào nhà ba me tôi ở Nha Trang để khám xét. Họ tịch thu tất cả các tủ sách và tác phẩm văn thơ của ba tôi, chở đi tất cả hình ảnh và giấy tờ mà họ tìm thấy. Chúng tôi không còn một cái hình nào của chú Vọng.
…Tháng tư năm 1972 tôi là một đứa con gái 13 tuổi còn ngu ngơ chưa hiểu gì về chiến tranh Việt Nam.
…Tháng tư đêm nay tôi làm giỗ lần thứ 45 cho chú Vọng. Trên bàn thờ không có hình ảnh người đang được cúng. Ngoài trời thì mưa gió tầm tã…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét