khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Khách mời bị đuổi khỏi sự kiện có Thủ tướng Phúc vì 'mối nguy an ninh'




Đó là một sự kiện đặc biệt quan trọng mà chị Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao không thể bỏ lỡ. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có bài diễn văn tại một viện nghiên cứu chính sách ở Washington sau khi hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31 tháng 5. Nhiều quan chức cao cấp của Việt Nam cũng góp mặt.

Là người thường xuyên tham dự những sự kiện liên quan đến Việt Nam và Châu Á được tổ chức ở Mỹ, chị Giao là một trong những người đầu tiên đến trụ sở Quỹ Di sản (Heritage Foundation), nơi ông Phúc có bài phát biểu. Sau khi đăng ký và đi qua kiểm tra an ninh, chị đi vào hội trường với ý định tìm một chỗ ngồi tốt ngay chính giữa, sau hai hàng ghế được dành riêng cho các quan chức Việt Nam vẫn còn để trống.

Khách tham dự bắt đầu đổ vào mỗi lúc một đông. Sự kỳ vọng gia tăng trong khi còn vài phút nữa là tới giờ Thủ tướng bắt đầu đọc bài diễn văn, theo lịch trình diễn ra vào 5 giờ chiều thứ Tư tuần trước.
Đó là lúc chị Giao bị yêu cầu phải rời khỏi hội trường ngay lập tức. Lý do: Chị bị xem là “mối nguy an ninh.”

Phóng viên này của VOA cũng có mặt trong hội trường nơi diễn ra sự kiện này. Dù không nhìn thấy khoảnh khắc chị Giao bị mời ra ngoài, VOA trước đó nhìn thấy chị Giao đến bắt tay và chào hỏi những quan chức cao cấp của Việt Nam ngồi ở hàng ghế đầu tiên, bao gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga.

Đại sứ Phương Nga đứng lên chào và mỉm cười khi chị Giao tới bắt tay và trò chuyện.

“Họ cũng nói chuyện nhã nhặn thôi,” chị Giao thuật lại sự việc với VOA. “Ý của tôi là muốn đặt câu hỏi sau này cho nên muốn chờ ông Phúc nói chuyện xong rồi thì có dịp sẽ phỏng vấn và nói chuyện với họ.”

Nhưng không lâu sau khi chị quay trở lại chỗ ngồi để viết câu hỏi, chị nhận thấy mình bị săm soi bởi những người mà chị nói là “mật vụ cộng sản.” Chị cho biết một nhân viên an ninh người Mỹ đến chỗ chị ngồi và mời chị ngoài. Chị nhanh chóng nhận ra rằng sự hiện diện của chị là một vấn đề đối với các nhân viên an ninh Việt Nam và chị sẽ không được phép tham dự sự kiện nữa.






“Khi mà đi ra thì thấy mấy người mật vụ của cộng sản Việt Nam đứng ở ngoài khá đông, chắc cũng phải trên năm người. Họ nhìn tôi xong họ gật gật đầu với nhau nói là, ‘Đúng rồi.’ Họ hỏi tôi là tại sao vào đây. Tôi nói là tôi là khách của Quỹ Di sản,” chị kể.

Chị Giao nói khi chị cố gắng giải thích chị có tên trên danh sách khách mời và được cấp guest pass (mẩu giấy xác định khách tham dự sự kiện), các nhân viên an ninh của phái đoàn Việt Nam khăng khăng đòi chị trả lại mẩu giấy này trong khi nhân viên an ninh của Quỹ Di sản hối thúc chị chấp hành yêu cầu đó.

Chị cương quyết từ chối và đòi được nói chuyện với giới chức cao cấp của Quỹ Di sản, theo lời chị.

“Lúc đó mấy người mật vụ của Việt cộng họ có vẻ khó chịu lắm. Họ nói là ‘Chị có giấy mời không, chúng tôi có mời chị đâu, tại sao chị đến đây?’ Tôi cũng không muốn nói gì tại vì tôi nghĩ họ là khách của Quỹ Di sản. Tôi cũng là khách và tôi thường đến Quỹ Di sản nhiều nữa, thì tôi thấy thái độ đó không chấp nhận được.

“Tôi mới nói là tôi là công dân Hoa Kỳ, ở đây có quyền tự do báo chí, tôi đến đây là nhân danh báo chí và có sự đồng ý mời của Quỹ Di sản. Đây là chuyện bình thường ở Hoa Kỳ, đây không phải là Việt Nam.”

“Nhưng mà mấy người đó rất là khó chịu, có lẽ là họ sợ gần đến giờ ông Phúc đến thì họ làm dữ lên. Họ đòi mấy người nhân viên an ninh mang tôi ra. Tôi không ra. Ông nhân viên an ninh mới nói là kêu cảnh sát.”

Chị Giao kể chị buộc lòng phải đi theo nhân viên an ninh này và tranh cãi kéo dài từ trong thang máy ra ngoài cửa tòa nhà. Một phần cuộc tranh cãi được ghi lại bởi một người gốc Việt đứng ở bên ngoài chờ gặp Thủ tướng Việt Nam.






“Thưa bà, chúng ta nói như vậy đủ rồi,” nhân viên an ninh này đáp trong khi chị Giao liên tục đòi ông này giải thích. “Tôi đã trả lời bà rồi. Họ nói là mối nguy an ninh.

“Nhưng sao họ lại sợ tôi?” chị Giao tiếp tục chất vấn trong khi bị dẫn ra khỏi khuôn viên tòa nhà.
“Thưa bà, tôi không biết,” nhân viên an ninh này nói.

Quỹ Di sản không hồi đáp những email và cuộc gọi điện thoại của VOA hỏi về vụ việc.

VOA đến tận nơi để tìm gặp nhân viên an ninh áp tải chị Giao ra khỏi tòa nhà. Người này xưng tên là Robert Fisher và từ chối bình luận.

Sau đó, cấp trên của ông Fisher cũng bước ra trao đổi với VOA. Ông này cũng từ chối bình luận và đề nghị VOA chuyển những câu hỏi sang bộ phận báo chí của Quỹ Di sản.

“Bộ phận báo chí đang bận không tiếp xúc được,” ông này nói.

Chị Giao, Chủ tịch Hội Tiếng nói Người Mỹ gốc Việt chuyên cổ súy sự tham gia dân sự thông qua hoạt động tổ chức cộng đồng ở quanh khu vực thủ đô Washington, cho biết đây không phải là lần đầu tiên chị gặp phải sự đối xử này. Đó là bởi vì chị thường hay tham dự những sự kiện có quan chức Việt Nam tới phát biểu và đặt những câu hỏi liên quan đến dân chủ-nhân quyền khiến họ bối rối, theo lời chị.

“Thật sự lần đó thì tôi không bị mời ra ngay lúc đó nhưng mà những lần sau khi mà có ông [Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình] Minh hay ông [Chủ tịch nước Trương Tấn] Sang đến, tôi muốn tham dự thì tôi không được [cho vào],” chị Giao kể về một trải nghiệm tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nơi thường hay tổ chức những buổi nói chuyện của các quan chức Việt Nam tại Washington. “Họ gửi email mời dự, mình trả lời RSVP (hồi âm) nhưng mà khi mình đến thì họ không đồng ý cho mình tham dự.”

Thành tích nhân quyền của Việt Nam vẫn bị nhiều tổ chức vận động nhân quyền quốc tế chỉ trích vì hạn chế những quyền căn bản như tự do ngôn luận, báo chí, lập hội và tôn giáo trong khi các nhà hoạt động nhân quyền và blogger thường xuyên bị sách nhiễu, hăm dọa, tấn công và bỏ tù, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Chị Giao mô tả mình là một người có thái độ “khá ôn hòa” và muốn đối thoại thẳng thắn trong tinh thần mang tính xây dựng. Vì thế, chị nói chị thường chủ động đến bắt tay chào hỏi những quan chức này. Nhưng thái độ dè chừng và khép kín của họ khiến những cuộc trao đổi khó khăn hơn, như khi chị tìm cách tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong một lần ông đến dự cuộc tọa đàm tại CSIS.




“Không biết vì lý do gì khi mà ông Phạm Bình Minh đi ra cửa, ông ấy đi ngang chỗ tôi, tôi thực sự mà nói chỉ là một người bình thường, ông ấy đi ngang thì mình cũng đứng lên chào, không biết sao ông ấy rất là sợ,” chị kể.

“Ông ấy thấy mình đứng lên muốn chào thì ông ấy lùi lại và người bảo vệ thì lại tưởng tôi muốn làm gì ông ấy, nhưng mà thấy họ rất là sợ.

“Trong tâm của họ lúc nào cũng nghĩ những người Việt Nam ngoài này là đối thủ của họ chứ họ không nghĩ là chúng ta là những người Mỹ gốc Việt, chỉ muốn cho Việt Nam được tốt đẹp hơn".

“Trong lòng họ rất sợ hãi, đó là điều tôi nhận thấy,” chị chia sẻ.

Chị Giao nói sự việc ở Quỹ Di sản khiến chị “hơi bực mình” nhưng không khiến chị nản lòng. Và chị vẫn muốn đến dự những buổi nói chuyện có sự hiện diện của các quan chức Việt Nam.

“Chúng tôi là người Mỹ gốc Việt, chúng tôi nghe được người dân thì chúng tôi phải có mặt và phải được lên tiếng,” chị nhấn mạnh. “ Có như thế thì tiến trình ‘hữu nghị’ mới phát triển tốt đẹp được.”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét