khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Trích "NGÀY VỀ QUÊ của nhà văn Hoàng Hải Thủy"



Tìm quên trên Net, tôi thấy Lời Nhạc Tình Khúc Thứ Nhất của Nguyễn Đình Toàn. Những năm 1970 ngôn ngữ người Sài Gòn có tiếng “Về quê” gọi thay cho tiếng Chết. “Ông ấy về quê dzồi.” Nghe nhẹ hơn, đỡ buồn hơn “Ông ấy chết dzồi.” Tiếng “Về quê” ở trong Lời Nhạc Tình Khúc Thứ Nhất. Tiếng “Về quê” từ trong lời bản Nhạc Tình Khúc Thứ Nhất đến trong ngôn ngữ người Sài Gòn.

TÌNH KHÚC THỨ NHẤT


Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi 

Mấy tuổi xa người 
Ngày thần tiên em bước lên ngôi 
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay 
Mong tìm ra phút sum vầy 
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài 

Lời nào em không nói em ơi 
Tình nào không gian dối 
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say 
Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây 

Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay 

Lúc môi chưa biết dối cho lời 
Tình vui trong phút giây thôi 
Ý sầu nuôi suốt đời 
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền 
Dù Trời đem cay đắng gieo thêm 
Cũng xin đón chờ bình yên 
Vì còn đây câu nói yêu em 
Âm thầm soi lối vui tìm đến 
Thần tiên gẫy cánh đêm xuân 
Bước lạc sa xuống trần 
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê 

Trót nghe theo lời u mê
Làm Tình Yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế.


Ngày về quê xa lắc lê thê…. Tôi không nhớ tôi gặp Nguyễn Đình Toàn lần thứ nhất ở đâu, bao giờ. Chỉ nhớ là tôi biết Toàn khoảng năm 1960. Biết nhau là mày tao ngay. Vào những ngày cuối năm 1975, đầu năm 1976, Sài Gòn có phong trào nuôi thỏ. Vì không có việc gì làm, người ta bầy ra trò nuôi thỏ cho qua thì giờ.Một hôm – cũng không có việc gì làm – buồn quá tôi đạp xe sang Làng Báo Chí. Nguyễn Đình Toàn bận bộ quần áo nâu, đội nón lá, cắt cỏ trong bãi cỏ đầu làng. Toàn cắt cỏ đem về nuôi thỏ. Ghé xe gặp bạn ngay bên đường, Toàn nói: “Mày xem. Cả năm nay tao không được ăn miếng thịt bò, mà tao cắt cỏ bị liềm xén vào tay, mất cả nửa lít máu. Còn gì là tao nữa.” Phong trào Nuôi Thỏ ở Sài Gòn sống bệu nhệch được năm, sáu tháng là chết ngỏm. Tháng Bẩy 1976 Toàn và tôi đi dự cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị cho Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn, khóa học do bọn ở cái gọi là Hội Văn Nghệ Sĩ Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức. Nhà Toàn ở Làng Báo Chí. Buổi trưa Toàn không thể đạp xe về nhà ăn cơm, ăn xong lại đạp xe đến lớp, tôi rủ Toàn: “Trưa về nhà mẹ tao ăn cơm với tao.”Nhà tôi ở trong Cư Xá Tự Do, giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền. Nhà mẹ tôi ở đường Trần Quốc Toản, từ nơi học ở trong vi-la nơi Ngã Tư Trương Minh Giảng – Tú Xương tôi về nhà mẹ tôi gần hơn. Có buổi trưa ngồi chờ giờ trở lại lớp, Toàn cầm cây đàn của con tôi, nhẹ tay đàn, hát nhẹ đôi câu, mẹ tôi nói; “Nhạc của ông buồn quá.” Toàn nói với tôi: “Tao là thằng nhạc sĩ lỡ.” Cùng dự Khóa Bồi Dưỡng với chúng tôi có Cao Nguyên Lang. Cao ký giả cũng có nhà trong Làng Báo Chí. Toàn bảo tôi: “Mày gọi nó là Cao Khoai Lang..Cái tên hay đấy..” Toàn kể chuyện: Trong Làng Báo Chí có phòng họp. Trên tường phòng họp này có trưng ảnh Bác Hồ. Bọn nhóc trong làng bôi cứt lên miệng Bác Hồ. Cả tháng sau dân làng mới thấy. Cứt trên mồm Bác Hồ đã khô nhưng vẫn còn đấy. Tất nhiên là dân làng vội hạ ảnh Bác xuống. May mà thằng công an khu vực chưa kịp biết. Cùng thời gian ấy, khoảng năm 1977, 1978, vì đói, một số em trai trong Làng lén gỡ tôn trên mái những căn nhà không người ở trong làng, gỡ đem đi bán.

Trong số những em này có con của Cao Nguyên Lang. Bị dân làng dọa: “Ông không ngăn con ông gỡ trộm tôn, chúng tôi sẽ cho công an khu vực biết.” Cao Nguyên Lang nói: “Mấy ông, mấy bà cứ cho công an biết con tôi gỡ trộm tôn đi, tôi sẽ cho công an biết con mấy ông, mấy bà bôi cứt lên mồm Bác Hồ.” Đấy là chuyện Nguyễn Đình Toàn kể, tôi nghe. o O o Đời có câu: “Văn mình, Vợ người.” Tôi nghĩ người ta không quí thơ văn của mình vì cho là Thơ Văn mình Hay mà quý là vì người ta khổ tâm khi làm những Thơ Văn ấy. Nhân viết về Thơ Nguyễn Đình Toàn, mời quí vị đọc vài bài Thơ của tôi:


Quân lịch Kỳ Hoa, quân bất cải. 
Ngã du Mỹ Quốc, ngã do liên.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Giai nhân, cùng sĩ đối sầu miên. 


Kỳ Hoa Em vẫn là Em, 
Anh sang Mỹ Quốc, đêm đêm Anh buồn.
Một đi hoàng hạc đi luôn, 

Giai nhân, cùng sĩ, đối buồn nằm mơ! 
*

Hoa lưu động khẩu ưng trường tại, 
Thủy đáo nhân gian định bất hồi. 
Hoa chờ, nước chẳng về trời, 
Ngàn năm mây trắng ngời ngời áo bay.
Còn nhau chẳng giữ cho hay, 

Mất nhau lại tiếc những ngày có nhau. 
Mắt Em ngưng ánh lệ sầu,
Về nhà chồng hỏi — Qua cầu gió cay.
 * 

Câu Tiễn ngồi trên ngai vàng,
Có bao giờ nhớ đến Nàng, Tây Thi.
Sang Ngô mờ vết xe đi,
Cô Tô Đài có còn gì nữa đâu.
Đêm tha hương, giấc ngủ sầu.
Trong mơ xanh biếc một mầu Tây Thi! * 

Trên ghế cà phê vỉa hè, nghe tiếng hát Lệ Thu từ cassette:

Em buồn Em bỏ đi đâu 
Sao Em để tiếng Em sầu ở đây! 
Thu vàng, hạc lánh về Tây 
Lệ rơi từng tiếng Thu này, Em ơi. 
Từ Em góc biển, chân trời
Em còn Tiếng Hát Yêu Người không Em? 


Kiếp nay đã giở giang nhau, 
Thì xin kiếp khác, duyên sau lại lành. 
Kiếp này đã chẳng Em Anh, 
Làm sao kiếp khác chúng mình thành đôi. 
Kiếp này biết kiếp này thôi. 
Hẹn làm chi để bồi hồi kiếp sau!
Kiếp này đã chẳng cùng nhau, 

Hẹn làm chi để kiếp sau bồi hồi. 


Cuộc sống, dòng đời trôi chẩy mãi,
Ba mươi năm lẻ, một lòng đau. 

Mất nhau từ cuộc thương tang ấy, 
Anh vẫn buồn, anh vẫn nhớ nhau. 

Độc tại Kỳ Hoa vi nạn khách, 
Mỗi phùng Nguyên Đán bội thương sầu.
Anh ở Kỳ Hoa, làm khách nạn, 

Mỗi năm Tết đến lại thương sầu.
Thương về đâu, nhớ về đâu?
Hà Đông Công Tử bạc đầu Rừng Phong

Ngày về quê xa lắc lê thê.. Thi sĩ ơi… Ông viết câu Thơ trên năm 1970. Năm ấy, năm 1970, ông Bốn Mươi tuổi, ông thấy ngày ông Về Quê xa lắc xa lơ. Đúng thôi. Năm nay 2015 – 45 mùa thu vàng ấm đã qua đời ông, đời tôi, tôi chắc ông thấy rõ hơn ai hết là: “Ngày Về Quê..” của ông, của tôi, không còn xa lắc nữa… Chỉ có chuyện chúng ta chưa biết là ông sẽ về quê trước tôi, hay tôi sẽ về quê trước ông. “Về quê” và “đi tầu suốt” đồng nghĩa. Tôi có Thơ: 

Đi trước, đi sau 
Chưa biết thằng náo trước thằng nào. 
Thằng nào đi trước, thằng nào sau
Không thằng nào nói: “Tao đi trước.” 

Không thằng nào nói: “Tao đi sau.”
Đi sau, đi trước cùng đi cả 

Thằng thì đi trước, thằng đi sau.
Thằng đi sau lậy thằng đi trước. 

Thằng đi trước kệ thằng đi sau. 
Đi sau, đi trước cùng đi cả 
Théc méc làm chi chuyện trước sau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét