khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Phạm Duy và 10 Bài Bình Ca - Tác giả Vanchus




Khi nhắc đến 10 bài Bình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy, người ta dễ nghĩ ngay đến những bài hát ngợi ca hòa bình. Nghĩ như vậy cũng không phải là sai. Tuy nhiên, khi nói về “Bình Ca” trong tập “Hoan Ca” của mình, nhạc sĩ Phạm Duy có giải thích là “Bình Ca” của ông muốn nói đến sự “bình thường hóa” cuộc sống của những người dân trong xã hội. Đó là cuộc sống chan hòa không ganh đua, đố kỵ, không thù hận, bạo quyền. Ở đó, con người ta sống với nhau bằng tình người, bằng sự bao dung và lòng nhân đạo.

Phải nhìn lại hoàn cảnh ra đời của “Bình Ca” thì mới thấy hết ý nghĩa và giá trị thật sự của tác phẩm này. Phạm Duy bắt đầu viết “Bình Ca” từ năm 1972. Có lẽ là những tháng cuối của năm khi manh nha một cuộc ngưng bắn đã được nhắc đến tại bàn hội nghị Paris. Hòa Bình cho Việt Nam đã được nhiều người chào đón nhưng đối với nhạc sĩ Phạm Duy, đó chỉ là thứ hòa bình giả tạo được những bàn tay quyền lực sắp xếp. Trước “Bình Ca”, Phạm Duy đã viết “Tâm Ca”, “Tâm Phẫn Ca”, “Vỉa Hè Ca”, “Thương Ca Chiến Trường” … để đánh thức lương tri của con người về sự tàn phá của một cuộc chiến đang ngày càng leo thang thảm khốc và nền đạo đức đang suy đồi trong xã hội.

Với những ca khúc trong tập “Hoan Ca” bao gồm cả “Bình Ca”, “Nữ Ca” và “Đồng Dao”, tác giả đã có một thái độ tích cực hơn với cuộc sống. Ông vẽ ra môt viễn ảnh của một cuộc sống an bình, hay theo cách nói của Phạm Duy là “bình thường hóa” cuộc sống của người dân trong xã hội.

Đó là hình ảnh của “con chim lười”, “con chim què” vươn mình cất tiếng hót “líu lo thật dài” hay “anh hippy trẻ mặc áo rách đứng bên nhà thờ, trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ” trong bài số 1.

Đó cũng là hình ảnh của mọi người cùng chung sức xây dựng một cuộc sống an lành khi được “sống sót trở về” từ cuộc chiến trong bài 2.

Người Việt Nam, cho dù là sống ở bên nào của dòng sông định mệnh, cũng mong cho có ngày hòa bình về trên quê hương-ngày đất nước thật sự im tiếng súng. Nhưng với nhạc sĩ Phạm Duy, hòa bình dường như chỉ có khi con người biết rủ bỏ những hơn thua nhỏ mọn để biết yêu và trân quý cả sự khác biệt của những người xung quanh mình. Hòa Bình “dường như” chỉ có, khi tiếng súng trong tâm thức của con người đã thật sự ngưng hẳn. Và như thế ông cầu “xin tình yêu giáng sinh trên quê hương cằn cỗi” (bài 4).

Cũng như nhiều người Viêt Nam khác, Phạm Duy cho thấy chút hoài nghi về một tương lai hòa bình thật sự; và cũng như nhiều người Viêt Nam khác, Phạm Duy vẫn tiếp tục mơ “Mẹ 50 tuổi chiến tranh, con 20 tuổi hòa bình về chơi. Từ lâu súng nổ vang trời, hôm nay im lặng cho đời ngẩn ngơ” (bài 6), rồi cùng người dân từ mọi phía, mọi thành phần sĩ-nông-công-thương và cả các anh chiến sĩ hân hoan chào đón hòa bình với một “Lời Chào Bình Yên” (bài 7).

Hòa bình thật sự từ trong tâm thức đồng nghĩa với ý thức sâu sắc về bản ngã và đặc quyền riêng tư của từng cá nhân trong xã hội. Tình yêu và tình dục là hai khái niệm tuy khác nhau nhưng lại có quan hệ hỗ tương cho nhau. Phạm Duy cũng không quên kêu gọi những người đang yêu hãy “giã từ ác mộng” (bài 8) tức là giã từ dĩ vãng của “ăn năn, hối tiếc, muộn phiền” để đưa nhau đến “cõi địa đàng”, nơi có thể thỏa đáng được nhu cầu thầm kín của mình trong thế giới chỉ có hai người.

Trong bài bình ca số 9 mang tên “Chúa Hòa Bình”, nhạc sĩ Phạm Duy nhắc lại lời dạy của Đức Chúa Giê-Su về lòng vị tha “Nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” và thái độ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” như nền tảng đạo đức cần thiết cho những ai thât sự yêu hòa bình. Tuy nói “Bình ca” không phải hoàn toàn là những khúc ngợi ca hòa bình, nhạc sĩ Phạm Duy cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi không khí hòa bình đang được mọi người nao nức chờ đợi khi Hiệp Định Paris đang trên đường thực hiện. Ông kết thúc tập “Bình Ca” của mình với ca khúc “Ngày Sẽ Tới”, vẽ ra một tương lai hòa bình trên quê hương Việt Nam. Ngày ấy, người dân hai miền trùng phùng, gia đình sum họp để cùng chung sức xây dựng một quê hương Việt Nam tươi đẹp. Cái hay của nhạc sĩ Phạm Duy là ông đã sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ trong các ca khúc của mình nên thông điệp của “Bình Ca” được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Nội dung của “Bình Ca” mang nhiều màu sắc trẻ, và của phong trào nhạc trẻ đang rất thịnh hành thời bấy giờ. Điều khác nữa khiến người nghe cảm thấy gần gũi với các ca khúc này là bóng dáng của âm nhạc ngũ cung.

10 bài Bình Ca mang cho người nghe 10 thông điệp khác nhau về hạnh phúc thật sự của những con người bình dị. Tuổi trẻ thời bấy giờ ngân nga “Bình Ca” của nhạc sĩ Phạm Duy như một cung cách thời thượng mà lại rất gần gũi với tâm hồn Việt. Trong các sinh hoạt sinh viên học sinh trước năm 1975, người ta thường hay chọn nhiều ca khúc trong 10 bài Bình Ca của Phạm Duy để trình diễn hay hát lửa trại. Ca sĩ hát “Bình Ca” trên sân khấu chuyên nghiệp. Phong trào nhạc trẻ chọn “Bình Ca” để trình diễn trong các chương trình sinh hoạt Đại Nhạc Hội. Tuổi trẻ Du Ca ngân nga những bài “Bình Ca” tại những buổi sinh hoạt của mình. Tất cả đã hát và hát say mê vì “Bình Ca” thật sự đã nói lên được tiếng lòng của họ về một quê hương Việt Nam không tiếng súng ở tương lai.

Gần 45 năm đã qua. Chắc chắn cũng có người đã không đồng ý với thái độ của nhạc sĩ Phạm Duy trong 10 bài Bình ca ngay lúc tác phẩm vừa mới phát hành. Nhưng cho dù là có những ý kiến khác biệt, người ta vẫn không thể phủ nhận giá trị nghệ thuật và những ảnh hưởng của “Bình Ca” nói riêng và tập “Hoan Ca” của nhạc sĩ Phạm Duy nói chung trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ của thập niên 70s.

Và đến tận bây giờ, “Bình Ca” vẫn được tiếp tục hát như những lời ngợi ca cuộc sống an bình, nơi không có chỗ cho hận thù và đố kỵ. Những ca khúc này xứng đáng được chọn làm bản tuyên ngôn về tình yêu và lòng nhân ái ở mọi thời đại. Tuổi trẻ của ngày hôm qua hát Bình Ca như là một cách để mơ ước về một xã hội tươi đẹp ở tương lai. Tuổi trẻ hiện tại nên hát Bình Ca như là cách tự soi mình để tìm lại bản sắc của một dân tộc yêu hòa bình và mưu cầu hạnh phúc.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét