Nhớ về Tạ Chí Đại Trường là nhớ về một nhà nghiên cứu sử không chịu khuất phục trước những uy lực chính trị để được sống và viết một cách trung thực với mình.
Tạ Chí Đại Trường đã trở thành quen thuộc trong giới chữ nghĩa trong nước và hải ngoại từ lâu. Ở Sài Gòn trước 1975, tên tuổi ông đã nổi khi quyển sách đầu tay, Lịch Sử Nội Chiến tại Việt Nam 1771-1802, được tặng Giải Thưởng Tổng Thống VNCH năm 1970 trước khi công chúng được đọc toàn văn khi sách được in ba năm sau đó. Trước 1975, ông viết không nhiều. Ngoài quyển sách Lịch Sử Nội Chiến tại Việt Nam 1771-1802, công chúng chỉ được đọc thêm 9 bài viết trên Tập San sử Địa (Sài Gòn) mà trong số đó đã có đến 4 bài trích từ trong sách Lịch Sử Nội Chiến.
Những bài viết ít ỏi kia cùng với sách Lịch Sử Nội Chiến tại Việt Nam 1771-1802 dù sao cũng đã cho thấy phong cách của một nhà viết sử nghiêm túc từ phương pháp làm việc đến những kiến giải cho vấn đề. Nếu không có những biến động lớn trong xã hội sau ngày 30/4/1975, có lẽ công chúng sẽ đón nhận thêm những công trình sử học kế tiếp giàu tính cách tiến bộ và mới mẻ, vì sau khi nhà xuất bản Văn Sử Học ấn hành Lịch Sử Nội Chiến 1771-1802 (1973), Tạ Chí Đại Trường đã hoàn tất bản thảo ban đầu của công trình về Tiền Kẽm Nam Hà (1974) và đang chuẩn bị cho luận án về Người Lính Thuộc Địa Nam Kì 1861-1945.
Biến cố 30/4 đã tác động nhiều đến đời sống riêng và con đường nghiên cứu của ông. Sau sáu năm tù cải tạo, ông bắt đầu những ngày khốn khó về đời sống, nhưng ông đã vượt thoát những vây khốn đời thường, dùng hết những thời gian trống trải này để suy ngẫm và viết những gì ông có thể năm bắt trong tầm tay. Dần dà, những công trình kế tiếp đã hình thành. Đọc và viết đối với ông bây giờ là một thứ ghi chép của một người quan sát từ bên lề cuộc sống mới. Đầu tiên phải kể đến tác phẩm Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài. Ông dí dỏm gọi đây là những trải nghiệm thực tế của một thứ “chuẩn công dân hạng nhì” trong lòng xã hội vừa đổi đời. Tập hồi kí Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài được các bạn hữu của tác giả xuất bản thành sách lần đầu tại Hoa Kỳ năm 1993, khi ông còn ở trong nước. Sau này, tác giả đã có thời gian chỉnh đốn bản thảo. Công việc hiệu chỉnh này hoàn tất năm 2005. Gần đây, toàn văn bản thảo do tác giả hiệu chỉnh cũng được lưu trữ trên mạng thông tin toàn cầu.
Tập hồi kí của Tạ Chí Đại Trường giàu tính cách văn học cũng như tài liệu xã hội tươi nguyên của một thời trong lịch sử đất nước đang chuyển động từng ngày trước mắt. Con mắt sử gia đã bén nhạy ghi nhận những nhịp đập vui buồn của một thời thể hiện qua số phận một cá nhân. Nhưng tập hồi kí còn cho người đọc đôi nét khắc hoạ về con người nhạy cảm tinh tế của một nhà văn. Chúng ta trân trọng tập hồi kí vì tính cách sống động và chân thực của nó. Tập hồi kí này sẽ thêm vào kho hồ sơ lưu trữ xác thực về một thời kì lịch sử mà thế hệ trẻ Việt Nam rất cần được biết và nhớ. Vì một tương lai khác cho đất nước chúng ta.
Chỉnh lại, phê phán
Kế đó là một loạt những bài viết ngắn nhằm chỉnh lại những điều cần phê phán, hoặc đưa ra những góc nhìn khác về những vấn đề sử học của giới nghiên cứu. Những bài viết này về sau đăng dần trên tập san Văn Học (USA) trước khi in thành nhiều tập tại hải ngoại. Đó là những tập Thần, Người và Đất Việt (1989), và Những bài dã sử Việt (1996). Tập Việt Nam nhìn từ bên trong: Những khuynh hướng chính trị tiên tri thời hiện tại ở Việt Nam (1992) đưa ra những giải mã độc đáo về những khuynh hướng chính trị mà ông gọi là những khuynh hướng tiên tri mang màu sắc huyền bí của tôn giáo hơn là bắt rễ từ thực tiễn. Những khuynh hướng hoang tưởng khác nhau ấy đã như một truyền thống bắt rễ sâu trong sinh hoạt chính trị. Hệ quả của những khuynh hướng tiên tri này là sự phiêu lưu hoang tưởng của xã hội vì vướng kẹt trong ngõ cùng của chính trị.
Người đọc Tạ Chí Đại Trường luôn bắt gặp đây đó những phát kiến độc đáo. Chẳng hạn, bài "Về khuôn tiền đá ở Núi Voi" (Bắc Thái) trong Những bài dã sử Việt, Tạ Chí Đại Trường nhận ra rằng khuôn đúc tiền bằng đá tìm thấy ở Núi Voi không thể là của đời Đường như một số sách/giáo trình lịch sử nhận định. Nhờ đọc bài viết của ông, ông F. Thierry, một chuyên viên về tiền cổ, đã kịp thời đính chính trên chuyên san Bulletin de la Société Francaise numismatique (Tập san của Hội Tiền cổ Pháp) số tháng 3/1997, rằng khuôn tiền đó chỉ có một lỗ khắc đồng Khai Nguyên, tiền hiệu đầu Đường, thế kỷ VII. Trong bài "Việt Nam ở thế kỉ X", ông bàn về nhân vật Lê Hoàn ("Việt Nam ở thế kỷ X").
Qua những tài liệu mang giọng điệu miệt thị của sứ thần phương bắc và những ghi chép bóng bẩy thường để che đậy hoặc tô vẽ thêm của sử quan trong nước, cùng những dấu vết khảo cổ, Tạ Chí Đại Trường đã vẽ nên chân dung một ông vua có cá tính của một triều đình tột đỉnh quyền hành mà sinh hoạt không xa dân chúng là bao, và mặc dù còn vụng về quê kệch nhưng cũng có vẻ hào nhoáng và niềm hãnh diện riêng. Hoặc giả, Tạ Chí Đại Trường phân tích về Lý Nhân Tông, vị Hoàng đế suốt ngày loay hoay với việc đồng áng và có đầy đủ phẩm chất tham công tiếc việc, hà tiện chi li của anh nông dân một nắng hai sương ("Những Hoàng đế - điền chủ Đại Việt thế kỷ X-XIV"). Ông coi ông vua này là nhân vật điển hình minh chứng cho dấu vết điền chủ lãnh chúa rõ rệt ở các vị Hoàng đế của nước Đại Việt thế kỷ X-XIV.
Khi sang định cư bên Hoa Kỳ (1994), Tạ Chí Đại Trường lại đóng góp thêm một số công trình khác cũng vẫn cùng ý hướng phê phán quan điểm sử học chính thống ở trong nước để tiến đến một quan điểm sử học trung thực. Lần lượt, các công trình Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt - Một lối nhìn khác (2002), Sử Việt, đọc vài quyển (2006). Tính cách phê phán của những công trình về sau này thật là dứt khoát.
Trong tập Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt - Một lối nhìn khác (2002), ông phê phán những quan điểm sử học đương thời ở cả hai miền Nam Bắc trong thời phân chia và quan điểm sử của thời hiện đại, đều chỉ muốn áp đặt chính trị lên lịch sử, giải thích lịch sử theo chủ quan của chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét