khktmd 2015
Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016
Hồ sơ Panama và những hệ lụy- Tác giả Thạch Đạt Lang
Hồ sơ Panama (Panama Papers) là vụ tiết lộ thông tin lớn nhất về việc trốn thuế, rửa tiền, chuyển ngân phi pháp… trong lịch sử thế giới với khối lượng lên đến 11,5 triệu emails, thư, fax… cùng với 214.000 hộp thư của các hãng, xí nghiệp ma…, tương đương với 2,6 Terabyte (*) lưu trữ trong hard disk của một computer.
Hãy thử tưởng tượng, một bài viết 3-4 trang A4 như bài này, chỉ vào khoảng 9-10Kb (kilobyte) thì 2,6 Terabyte sẽ là một hồ sơ lớn xấp xỉ vài trăm triệu đến cả tỉ lần.
Panama Papers là những tài liệu, hồ sơ bí mật của một công ty dịch vụ hải ngoại, trụ sở chính ở Panama có tên Mossack Fonseca, không biết bằng cách nào đã lọt vào tay môt nhân vật là John Doe cách đây một năm.
John Doe (tất nhiên) không phải là tên thật, chỉ là một nick name được người Mỹ dùng để chỉ một nhân vật ẩn danh muốn thông báo những chuyện ly kỳ cho những ai tò mò, thích tìm hiểu, khi đặt câu hỏi: „-Bạn có thích chuyện lạ, chuyện giật gân không? Tôi sẵn sàng chia sẻ, kể cho bạn nghe“.
John Doe, vì sự nguy hiểm đến tính mạng (đương nhiên) phải dấu tên, bí mật liên lạc với tờ báo Nam-Đức (Süddeutsche Zeitung), tiết lộ về những hoạt động của công ty dịch vụ Mossack Fonseca nói trên.
Đây là công ty chuyên về luật pháp, đặc trách thiết lập chứng từ cho các hãng, xưởng ma (chỉ có tên và thùng thư: dummy firm), các hợp đồng cho vay, hóa đơn, kết toán chương mục ngân hàng dưới dạng PDF (Portable Document Format), lưu trữ hình ảnh của khách hàng từ 1977 đến nay.
Sau đó, Süddeutsche Zeitung đã cùng ủy ban quốc tế các nhà báo chuyên về điều tra ICIJ (International Consortium of Investigative Journalists) phối hợp, đánh giá một năm dài các dữ liệu và truy lùng, tìm kiếm thêm các nguồn tài liệu khác.
Vào ngày 03 Tháng Tư năm 2016, kết quả đầu tiên của hồ sơ Panama được trình bày trên 109 tờ báo, đài truyền hình và các phương tiện truyền thông trực tuyến trong 76 quốc gia cùng một lúc.
Mặc dù các dữ liệu nguyên thủy không được tiết lộ nhưng sự trình bày về hồ sơ Panama đã làm bùng lên sự giận dữ của dân chúng trong nhiều quốc gia. Điển hình là ngày 07.04.2016, 22.000 người ở thủ đô của Island, Reykjavick trong tổng số 330.000 dân sống trong thủ đô đã xuống đường biểu tình yêu cầu thủ tướng Island, Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức vì những chương mục mờ ám, cùng lúc họ đòi hỏi chính phủ tổ chức bầu cử lại.
Trước đó một ngày, 06.04.2016, cảnh sát Thụy Sĩ khám xét trụ sở của Liên hội thống nhất các hiệp hội bóng tròn Âu Châu UEFA (Union of European Football Associations) ở Nyon.
Căn cứ vào hồ sơ Panama, công tố viện Thụy Sĩ ở Genève tuyên bố sẽ khởi tố việc tham nhũng, hối lộ ở UEFA nhưng không nói rõ chi tiết.
Cùng ngày này tại Uruguay, Juan Pedro Damiani, một luật sư, đồng sáng lập viên của FIFA nộp đơn từ chức.
Tóm lại, còn nhiều vụ khác tương tự xẩy ra khắp nơi.
Phạm vi tác động của hồ sơ Panama không chỉ nằm trong các chuyện trốn thuế, rửa tiền, chuyển ngân bất hợp pháp.. mà còn liên hệ đến an ninh thế giới vì các hồ sơ này cho thấy những kẻ khủng bố hay các chính quyền độc tài như Syria đã dùng Mossack Fonseca để thoát khỏi cấm vận hoặc mua sắm vũ khi.
Tuy nhiên, „bức xúc“ nhất vẫn là lãnh đạo các nước cộng sản mà tên tuổi của họ hay của thân nhân, họ hàng bị tiết lộ trong hồ sơ Panama như Putin, Tập Cận Bình…
Hai nước có liên can nhiều nhất đến hồ sơ Panama là Nga và Trung cộng, thứ ba là Hongkong.
Ngay sau khi hồ sơ Panama được công bố, trả lời những câu hỏi về các khoản tiền chuyển ngân khổng lồ, tổng cộng hơn 2 tỷ đô la Mỹ từ những bạn bè, những cộng tác viên tín cẩn, thân cận của Putin như nhạc sĩ Sergei Roldugin, phát ngôn viên của Wladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích rằng hồ sơ Panama là một cuộc tấn công bằng truyền thông của phương tây nhằm bôi nhọ, xúc phạm đến danh dự, uy tín của tổng thống Putin để trả thù việc Putin đã chứa chấp Edward Snowden, đồng thời kích động thêm tình trạng bất ổn tại Nga hiện nay.
Trước khi hồ sơ được công bố, những phóng viên tìm cách liên lạc với những người dính líu đến hồ sơ nhưng đã bị hăm dọa. Cùng lúc đó, văn phòng Mossak Fonseca cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Süddeutsche Zeitung và các cơ quan truyền thông khác trên khắp thế giới.
Văn phòng Mossack Fonseca ở Panama cho biết sẽ có những bước đi bằng luật pháp để phản ứng lại việc công bố hồ sơ này. Theo họ, việc công bố hồ sơ Panama đã phạm vào tội hình sự khi sử dụng những thông tin được thâu thập bất chính.
Ramon Fonesca, một đồng sáng lập viên của Mossack Fonesca tiết lộ thêm là trung tâm lưu trữ dữ liệu của công ty đã bị xâm nhập.
Mặc dù tờ báo Süddeutsche Zeitung cho biết họ đã kiểm chứng với những đồng nghiệp về độ xác tín của hồ sơ, không thấy có điểm nào đáng nghi, nhưng độ tin cậy của hồ sơ Panama cũng như bằng cách nào hồ sơ này lọt vào tay John Doe vẫn đang còn là một câu hỏi đối với nhiều người.
Riêng tại Trung cộng, Tập Cận Bình cũng như đảng cộng sản Tầu cùng với chế độ cho thiết lập tường lửa ngăn chận mọi thông tin về hồ sơ Panama, nhưng đã trễ.
Nhiều người Tầu đã biết đến những chương mục bí mật, những tài khoản kếch sù, những chuyển ngân bí mật với nhiều hãng ma do thân nhận các cựu lãnh đạo, các viên chức đang nắm quyền hành trung ương của chế độ hoặc thân nhân của họ như con gái cựu thủ tướng Lý Bằng, hoặc em rể Tập Cận Bình…
Cựu đại sứ Anh Craig Murray, cũng là một người hoạt động cho nhân quyền chỉ trích ICIJ là bao che cho các chính trị gia và các nhà tư bản Âu, Mỹ nên đã không công bố danh sách họ.
Süddeutsche Zeitung phủ nhận cáo buộc này, họ cho biết trong hồ sơ Panama có khoảng 200 người Mỹ, nhưng không có tên các chính trị gia Mỹ, Đức, chỉ nói đến trường hợp duy nhất là Helmut Linssen, bộ trưởng tài chánh của tiểu bang Nordrhein-Westfallen từ 2005 đến 2010, nhưng ông này đã từ chức tổng giám đốc ngân khố Đức năm 2014 sau khi có các tiết lộ trên báo chí Đức là ông đã trốn thuế.
Chưa thấy có „rò rỉ“ nào nói đến những tài sản ngất ngưởng của các cán bộ lãnh đạo quan chức Việt Nam như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh…nhưng tất cả bí mật của hồ sơ Panama, vì lợi ích công cộng, cần phải được công bố cho toàn thế giới biết.
Lợi ích này không phải chỉ để biết hay ngắm chơi. Nếu một quốc gia không có hành động hoặc hành động không thích ứng, tương xứng trong việc xử lý các vi phạm luật lệ sử dụng thông tin thì thế giới cần phải lên tiếng.
Sử dụng thông tin ngụy tao để làm thiệt hại đất nước hay cộng đồng thế giới thì cho dù là một công dân, xí nghiệp, hoặc một tổ chức, bất kể là tổ chức tư nhân hay chính quyền như trong trường hợp Syria, khủng bố ISIS…đều cần phải được làm rõ „vụ việc“.
Không thể tha thứ, nhân nhượng những hành động lập công ty, xí nghiệp ma để luồn lách, trốn thuế, tẩu tán tài sản hay né tránh các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với các chính quyền, chế độ độc tài, phản dân chủ.
Công bố hồ sơ Panama là việc của báo chí, truyền thông. Xử lý các thông tin, dữ kiện trong đó để có biện pháp thích hợp là việc của chính phủ các nước, cơ quan điều tra quốc tế Europol, Interpol…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét