khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Năm đặc điểm của sinh viên đựơc nhận vào đại học Y Khoa Hoa Kỳ



Làm thế nào để được nhận vào trường đại học Y Khoa? Đây là điều mà nhiều người muốn tìm hiểu và cũng có sự trả lời khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh khả năng học vấn, kết quả thi MCAT, thư giới thiệu... cũng còn có một số đặc tính mà hội đồng tuyển chọn muốn thấy ở người ứng viên, để xem người đó có tư chất để trở thành một bác sĩ hay không.
Trong bài viết đăng tải trên tờ US World and News Report mới đây, nữ bác sĩ Sylvia E. Morris, từng tốt nghiệp đại học Y Khoa Georgetown University School of Medicine và là cựu giáo sư y khoa tại đại học Emory University School of Medicine, đã cho biết về các đặc điểm này dựa trên kinh nghiệm của bà.

Các ứng viên được nhận vào trường Y Khoa có thể có gốc gác, chủng tộc, quan niệm suy nghĩ khác nhau, nhưng nói chung họ cùng có một số đặc điểm giống nhau: khả năng giao tiếp truyền đạt, luôn chú tâm về những gì đang xảy ra quanh mình, suy nghĩ phân tích kỹ càng, có lòng nhân ái và sự chịu đựng dẻo dai. Tuy rằng những đặc điểm này có thể được biểu lộ khác nhau theo từng cá nhân, đây chính là những điều đòi hỏi ở những người hành nghề bác sĩ. Các sinh viên có ý muốn nộp đơn vào trường đại học Y Khoa cần phải phát triển và trau dồi những đặc điểm đó khi còn ở những năm đầu của đại học.

Điều đầu tiên là phải khởi sự gây dựng khả năng giao tiếp và truyền đạt của mình cũng như thực tập khả năng chú tâm vào những gì hiện đang xảy ra quanh mình để không bị phân tâm vào những việc khác.

1.Khả năng giao tiếp truyền đạt: Lời nói, lắng nghe và các cử chỉ, tất cả đều giúp cho sự giao tiếp và truyền đạt, dù bằng lời nói hay không. Ngành y khoa tùy thuộc vào khả năng truyền đạt ý tưởng, quan niệm và cũng là mệnh lệnh cho người khác. Phát biểu với giọng nói thích hợp, từ ngữ chính xác, ngôn ngữ rõ ràng là điều phải có.

Những giao tiếp truyền đạt không bằng lời nói sẽ giúp cho thấy sự đón nhận, chú ý và khả năng thi hành của bệnh nhân với yêu cầu của người bác sĩ. Hãy lưu ý tới các phong cách riêng của mình khi giao tiếp và truyền đạt. Hãy gia tăng khả năng này của mình bằng cách ghi danh theo học các lớp dạy cách phát biểu trước công chúng, trình bày vấn đề hoặc tham dự vào các hội, nhóm trong trường.

2.Sự chú tâm: Đặc tính này rất quan trọng nếu muốn có sự trao đổi hữu hiệu đối với bệnh nhân hay đồng nghiệp. Hãy tập trung vào những gì người đối diện đang nói thay vì nghĩ xem mình sẽ trả lời ra sao. Hãy có sự chú tâm vào người kia cho dù đang nói chuyện tận mặt hay qua điện thoại. Điều đó có nghĩa là không có hành động khác như texting hay nghĩ ngợi lan man. Sự chú tâm đó biểu lộ, tuy không bằng lời nói, rằng bạn đang theo sát những gì người kia đang nói, trong khi dồn sự chú ý và khả năng trí tuệ của bạn vào vấn đề của ngay lúc này.

3.Tư duy phê phán: Đây phải là một đức tính tự nhiên của người bác sĩ, cho dù là chuyên về ngành gì, vì phải nhận định một số lớn dữ kiện và nhanh chóng có quyết định, nhờ ứng dụng lý luận diễn dịch hay sự suy luận dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình. Không một bệnh nhân nào hoàn toàn giống một bệnh nhân nào và dù rằng cách chữa trị có thể giống nhau, mỗi bệnh nhân cần phải được phân định riêng rẽ. Nếu không, lỗi lầm chết người có thể xảy ra. Các lớp ở bậc cử nhân về khoa học lẫn nhân văn đều giúp phát triển kỹ năng tư duy phê phán này. Chính ở khả năng áp dụng tư duy phê phán này mới phân biệt được giữa người “thông minh” và người “kiệt xuất,” và tạo ra những bác sĩ lỗi lạc.

4.Lòng nhân ái: Đây là đức tính vượt qua khỏi sự tử tế hay lịch sự. Đây là lòng thương tự nhiên mà có, đối với chính mình, bệnh nhân, đồng nghiệp cũng như mọi người chung quanh, bất kể màu da, chủng tộc, giai cấp xã hội hay tư cách riêng của mỗi người. Lòng nhân ái trong nghề nghiệp cũng như trong mối quan hệ cá nhân là những hạt giống tạo ra sự nhân ái ở nơi làm việc cũng như ở khắp nơi trên thế giới. Bệnh nhân đến gặp bác sĩ không phải chỉ để có lời khuyên y tế chuyên môn mà còn là sự thông cảm và an ủi. Có con thú cưng, đọc các tài liệu và tham gia vào nhóm trợ giúp cũng có thể giúp hình thành lòng nhân ái ngay cả trước khi người sinh viên vào trường Y.

5.Sự chịu đựng dẻo dai: Đây là kỹ năng sẽ giúp người sinh viên vượt qua những lúc tinh thần sa sút nhất. Đời sống có thể có nhiều áp lực nặng nề, và cuộc đời của một bác sĩ sẽ có nhiều lúc vui buồn. Bệnh nhân có thể chết khi trong sự chăm sóc của mình, bệnh nhân có thể la hét, khó chịu, giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống sẽ bị xáo trộn... chỉ là những sự kiện điển hình. Để có một sự nghiệp thành công và một đời sống tốt đẹp, người sinh viên phải tự mình tìm ra các phương cách đối phó thích hợp nhất cho chính mình để có thể tiếp tục duy trì cuộc sống ở mức cao nhất. Điều này có thể là việc tập thể dục hàng ngày, chạy bộ, bơi lội hay tập luyện võ thuật. Cũng có thể là viết văn, viết nhật ký, thiền, chú trọng nhiều hơn vào đời sống tôn giáo. Khi có được sự dẻo dai chịu đựng, về tinh thần và thể lực, bạn sẽ nhìn thấy nhiều hơn những nét đẹp của cuộc đời.

Nói chung, phát triển các đặc tính nêu trên cùng với việc học hỏi khoa học và kiến thức kỹ thuật chuyên môn giúp hình thành một bác sĩ có nhiều hiểu biết và có một đời sống cân bằng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét