khktmd 2015
Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016
Bi kịch 30/4/1975- Tác giả Quỳnh Thi
30-4-75 là một biến cố to lớn trong lịch sử. Nó đã trở thành một bi kịch gây thảm họa cho đất nước, cho dân tộc một thời gian lâu dài, đến nay đã là 41 năm. Vẫn còn âm ỉ – Nhức nhối- Đau đớn đến khôn nguôi. Những đau khổ và nghiệt ngã mà dân tộc chúng ta phải gánh chịu đó, chỉ sau ách đô hộ 100 năm của giặc Pháp và một ngàn năm đô hộ của giặc Tàu.
Suốt hơn 40 năm nay, cứ đến ngày tháng Tư đen, là lòng tôi thắc thỏm, bồi hồi nghĩ lại một quá khứ đau buồn. Sự đau buồn đến ngỡ ngàng, không thể tin được, chuyện như một vở kịch, như một giấc mơ mới diễn ra ngày hôm qua , hôm kia trong trí tưởng của mình. Tôi dám chắc quí bạn đọc thân mến của tôi , không ít người cũng nghĩ như vậy.
Một sự kiện lịch sử mà cứ nhắc đi nhắc lại hết ngày này tháng nọ, nghe đến nhàm chán, nhưng sao mọi người không những người Việt Nam mà những nước khác trên thế giới cũng luôn nhắc tới , như một thứ thời sự không nói ra không được. Một lực lượng quân đội hùng mạnh hơn 1 triệu quân bao gồm cả những đội quân của Nam Hàn, Phillipine, Úc , Tân Tây Lan, Thái Lan, đầy đủ thiết bị quân sự Hải Lục Không quân, cảnh sát, dũng cảm, thiện chiến. Chưa nói đến lực lượng nghĩa quân, nhân dân tự vệ, cán bộ xây dựng nông thôn, được báo chí thời đó liệt vào hàng lớn mạnh thứ tư trên thế giới. Thế mà than ôi ! Chỉ một sớm một chiều trong vòng có mấy tháng trời tan tác, cuối cùng phải đầu hàng nhục nhã, tất cả rơi vào tay giặc cộng.
Kể từ sau ngày đó đến nay, những sử gia, bình luận gia báo chí trên thế giới, không ngớt nói đến nguyên nhân thất trận của Miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh qui mô lớn lao do Mỹ là cường quốc số 1 lãnh đạo Thế giới Tự do cầm đầu.
Những nguyên nhân chủ yếu được không ít người nói đến là Việt Nam Cộng Hòa ( VNCH ) bị Mỹ bỏ bỏ rơi , trước khi bị bức tử. Trong khi tinh thần và sức mạnh Quân đội miền Nam Việt Nam còn rất cao khi chiến đấu với Cộng quân Bắc việt. Những trận chiến thắng long trời lở đất của quân và dân miền Nam chiếm lại Cổ thành Quảng Trị , trận chiến thắng An lộc là một ví dụ điển hình cho thế giới thấy được sức mạnh của Quân Lực VNCH . Song những chiến thắng ấy , báo chí Phương Tây , nhất là báo chí ở ngay nước Mỹ là nước chủ chiến, những phương tiện truyền thanh, truyền hình phản chiến vẫn cố tình làm ngơ, không đếm xỉa đến. Hay nếu họ có nói đến , cũng chỉ nói qua loa, chiếu lệ. Nếu không nói là họ luôn đề cao quân thù của chúng ta là Việt Cộng.
Đáng trách là ngay chúng ta, những chiến thắng Bình Long, An Lộc hay Quảng Trị làm nức lòng những người dân hậu phương và các chiến sĩ nơi tiền tuyến. Trong những trận đánh oai hùng đó, cũng ít được đề cao hay nói đến. Những cuốn phim hay bản nhạc có được một số văn nghệ sĩ, nhạc sĩ viết ra: như Hoa Trinh Nữ, nội dung đáng phiền trách như ,Trên khăn tang cô phụ còn lấp lánh dấu ái ân . . . Hay bi lụy như Kỷ Vật Cho Em , Cái nón sắt của anh . . Hòm gỗ cài hoa. . . hay Anh về trên đôi nạng gỗ . Chưa kể những bản nhạc rẻ tiền từ hồi những thập niên 60 còn rên rỉ cho đến bây giờ v.v. . . Mới đây như bản nhạc Lâu Đài Tình Ái được một Nhà văn kiêm/ đại MC nổi tiếng và một nữ Danh ca, song ca rất tình tứ rên rỉ trên sân khấu Paris by Night để ôn lại một thời vàng son nhạc lính! Làm nản lòng những người lính đang chiến đấu nơi sa trường gió bụi lúc đó để bảo vệ quê hương , đất nước mong thoát khỏi ách Cộng Sản đang đe dọa ngày đêm, để toàn dân được hưởng Tự do Dân Chủ như chúng ta hằng mong muốn.
Ngay chiến thắng Tết Mậu Thân vang dội của quân dân miền Nam đã làm nản lòng các chiến binh Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ( MTGPMN ) cũng ít được báo chí Mỹ biểu dương, cổ võ.
Hầu như những trận đánh mà QLVNCH dành được chiến thắng cộng quân , cơ hồ dư luận Phương Tây cũng hồ đồ , coi những chiến thắng đó chẳng qua là do Quân Đội Mỹ chủ động hành quân, hay yểm trợ hà hơi tiếp sức nên mới có chiến thắng. Cả một phong trào phản chiến rầm rộ hết tháng này đến năm nọ ở Mỹ, đều làm lợi thế cho phe cộng sản. Nhất là những năm có bầu cử Quốc hội hay bầu cử Tổng Thống của Hoa Kỳ.
Những tổ chức sinh viên , hippy phản chiến Mỹ xuống đường biểu tình đốt cờ Mỹ, yêu sách Quốc hội Hoa Kỳ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, cắt viện trợ không những kinh tế mà cả quân viện cho VNCH , buộc chính phủ Mỹ phải rút hết quân tham chiến vô điều kiện khỏi Việt Nam tức khắc mà không có lời nào buộc tội phe Cộng Sản quốc tế trợ giúp quân sự và kinh tế cho Bắc Việt. Họ cũng không có lời nào lên tiếng buộc tội Bắc Cộng vi phạm hiệp định Paris 1954 mà họ đã ký kết và cố tình vi phạm khi đưa quân xâm nhập miền Nam Việt Nam. Vì Hiệp Định đó buộc quân đội Bắc Việt phải rút hết quân ra ngoài vĩ tuyến 17 về phía Bắc Việt Nam. Nhưng họ vẫn làm ngơ , vẫn tiếp tục xua quân vượt Trường Sơn bằng đường mòn Hồ Chí Minh đêm ngày không ngơi nghỉ , hòng chiếm đóng miền Nam Việt Nam qua cái gọi , là Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, được dàn dựng bởi cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Bắc Cộng dựng nên. Ngay cả sau khi Hiệp Định đình chiến ở Paris được 4 bên ký kết năm 73 buộc các bên ngưng bắn tại chỗ ( Ngừng bắn Da beo ), phải án binh bất động .
Nhưng Việt cộng vi phạm hết lần này đến lần khác mà quốc tế vẫn làm ngơ. Kể cả các cuộc ngưng bắn vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc để dân chúng mong hưởng được đôi chút an bình trong những ngày vui Xuân. Việt cộng cũng cố tình vi phạm , hết đắp mô , cắt Quốc lộ hay pháo kích .v. v. . .
Chúng ta cũng phải công nhận không những phe phản chiến ở Mỹ chống lại cuộc chiến tranh tự vệ của Quân và Dân miền Nam. Mà ngay ở tại miền Nam cũng có phe sinh viên học sinh và những người trí thức chống lại cuộc chiến. Họ bị ru ngủ bằng những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của Việt cộng, nào là : Phải chống lại quân xâm lược của Mỹ đang giầy xéo đất nước – Giầy sô anh dẫm nát quê hương – Nào là phải chống lại chánh quyền của Thiệu , Kỳ, dành lại độc lập , tự chủ cho Việt Nam. Giới sinh viên trí thức, thực ra họ cũng chẳng hiểu rõ Cộng sản là gì . Số đông chỉ nghe tuyên truyền rồi a dua, phần thì không muốn nhập ngũ “ Đi Quân dịch “ đánh nhau với Việt Cộng. Vì cuộc chiến tranh ngày một dữ dội, thảm khốc đã giết chết hàng nghìn hàng vạn thanh niên vô tội, bạn bè của họ giữa hai miền Nam Bắc . Hơn nữa cuộc chiến tranh ý thức hệ vô nghĩa giữa những người Việt Nam với người Việt Nam chém giết lẫn nhau do bom đạn của Liên Xô , Trung Cộng và Mỹ cung cấp.
Những thành phần phản chiến ở trong nước hay nói đúng hơn là ở miền Nam Việt Nam, đa số là sinh viên học sinh bị một số sư sãi , linh mục thuộc phe chống đối chính quyền do Việt cộng bí mật chỉ huy và xách động giật dây. Bên Phật giáo được lãnh đạo bởi Khối Phật giáo thuộc phe Ấn Quang do Thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo. Ông Sư này trong thập niên 60 đã nổi danh là người “ Làm rung rinh nước Mỹ “ vì đã tổ chức những vụ xuống đường tự thiêu, điển hình là vụ tự thiêu của Sư ông Thích Quảng Đức , đã làm chấn động không những nước Mỹ mà là cả lương tâm thế giới .
Bên phía Công giáo thì được lãnh đạo bởi nhóm Linh Mục Phan Khắc Từ, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín và một số linh mục nữa được gọi là Cấp Tiến , thuộc dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tại Sài Gòn lãnh đạo. Những vị linh mục này là Tuyên úy của Phong trào Thanh Sinh Công ( Viết tắt cụm từ Thanh niên, Sinh viên Công Giáo ) cũng được coi là những linh mục dấn thân (sau này nhiều linh mục đã cưới vợ) Sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc , cũng mang danh nghĩa là những linh mục sống gần với giới thợ thuyền, người nghèo , danh từ thời thượng lúc ấy gọi những linh mục này là những linh mục Cấp tiến của Giáo Hội Công Giáo.
Những linh mục này chẳng qua cũng là những người khuynh tả, mượn danh nghĩa Giáo hội để cổ xúy tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản trá hình. Các ông linh mục này còn có một tờ báo rất lợi hại để chống đối chế độ VNCH là tờ Tạp chí Đối Diện, sau đổi tên là Tạp chí Đứng Dậy. Tờ Tạp chí ngoài việc chống Chính phủ, còn cổ võ tuyên truyền cho chế độ Cộng sản bằng những lý thuyết suông , chỉ là nghe hơi nồi chõ , nào là Chế độ Xã hội chủ nghĩa lấy của người giàu san sẻ cho người nghèo, nào là XHCN là một chủ nghĩa yêu nước . . .
Song song với Lực lượng phản chiến của những người đội lốt tôn giáo là Công Giáo và Phật Giáo là nhóm những người được mệnh danh là Trí thức ủng hộ Việt cộng là : Thành phần thứ 3 là Liên Minh Dân Chủ của Trịnh Đình Thảo , Hội Phụ nữ Đòi quyền Sống, Chủ tịch là bà Luật sư Ngô Bá Thành, cựu Đại Tướng Dương Văn Minh, GS Vũ Văn Mẫu . Rồi nhóm Dân biểu Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba , Lý Quí chung, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung v.v. . . Nhóm này có tờ báo chống đối thân cộng , được gọi là đối lập do Dân biểu Ngô Công Đức làm chủ nhiệm, tha hồ đầu niêu chống đối những đường lối chính sách chống cộng sản của chính quyền Sài Gòn.
Sở dĩ họ dựa vào Giáo hội Công giáo hay Phật giáo để hoạt động vì họ biết những tôn giáo lớn là những tôn giáo qui tụ nhiều tín đồ , những bậc tu hành như cha cố hay sư sãi được các tín đồ mến mộ và kính trọng. Vả lại Nhà thờ và Chùa chiền, Thánh thất là nơi tôn nghiêm , chính quyền không thể tự tiện đến lục soát hay giải tán những cuộc tụ tập đông đảo, khi chưa có đủ bằng cớ xác đáng, vì trong hiến pháp có qui định mọi người được tự do tín ngưỡng,tự do hành đạo.
Còn nhớ, trong vụ Tết Mậu Thân, khi Việt cộng mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy , một số lớn súng ống và vũ khí lựu đạn đã được tìm thấy trong một số chùa chiền ở nội thành Sài gòn. Còn những tên hoạt động cho Việt cộng trá hình là những vị Dân biểu như đã nói ở trên . Cũng dựa vào luật pháp để hoạt động , vì những Dân Biểu Nghị sĩ là người được hưởng quyền bất khả xâm phạm do luật pháp qui định . Dù ông hay bà ta có phạm pháp quả tang như che dấu đặc công , cất giữ vũ khí hay truyền đơn của Cộng sản chống chính phủ trong xe hay trong nhà, giới chức Cảnh sát hay nhân viên an ninh cũng không được bắt giữ. Muốn bắt giữ ông hay bà ta, cơ quan An ninh phải được phép của Chủ tịch Quốc Hội hay Chủ tịch Thượng Nghị viện phê chuẩn. Do vậy mà các quí vị dân cử thân cộng thời VNCH tha hồ vung vít , muốn tác yêu tác quái ra sao, chính quyền cũng đành bó tay, vì không dám đụng chạm tới những người có nhiều quyền hành và thế lực này. Không ít Đặc công nằm vùng sau khi bị bắt đã khai , làm thế nào họ chuyển vận vũ khí , đạn dược vào các tỉnh, thành phố lớn như Sài Gòn chợ Lớn này được ? Nếu không nhờ bọn ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng sản này tận tình giúp đỡ.
*
Những lực lượng Bộ đội Bắc Việt ồ ạt xâm nhập hay MTGPMN gọi là thành phần thứ 3 hay một số người khuynh tả ở Sài Gòn, theo tôi, cũng chẳng làm nên trò trống gì đến nổi miền Nam Việt Nam mất nhanh đến độ tức tưởi về tay Cộng sản nhanh như vậy. Kể từ giữa tháng 3 / 75 , cuộc chiến ở Vùng 2 Chiến Thuật trở nên dữ dội khi Cộng quân bắt đầu tấn công rồi chiếm luôn Buôn Mê Thuột để rồi có lệnh di tản Quân Đoàn II về Nha Trang , rồi Quân Đoàn II cũng mất luôn. Quân Đoàn I Tiền phương tan rã rồi Tất cả Quân Đoàn I cũng mất.
Theo các vị chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến trước ngày 25 / 3 /75 thì mặt trận Huế và Quảng trị ở Quân Khu I vẫn còn yên tĩnh, và vẫn do QLVNCH kiểm soát . Quân Khu này gồm có 5 tỉnh thành và Thị xã Đà Nẵng . Phía Bắc đèo Hải Vân là tỉnh Quảng Trị và thành phố Huế. Phía Nam có thị xã Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi. Quốc lộ I nối liền Huế và Đà Nẵng còn theo hướng Bắc Nam là biển Đông . Phụ trách bảo vệ Quốc lộ I là Quân Đoàn I thuộc Vùng I Chiến thuật, gồm 4 sư đoàn ( 3 sư đoàn Bộ binh 1, 2, 3 và Sư đoàn TQLC ). Sư đoàn / TQLC thuộc lực lượng Tổng trừ bị trực thược Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH được tăng phái cho Quân đoàn I , và các sư đoàn I Không Quân, Hải Quân, 4 Liên Đoàn Biệt Động Quân, sư đoàn Dù, Thiết Giáp, Pháo binh, Biệt Cách dù và các lực lượng Địa phương quân và Nghĩa quân. Quân số khoảng trên 200 ngàn binh sĩ, dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng.
Do địa hình đặc biệt của Vùng I Chiến thuật. Tỉnh Quảng trị và thành phố Huế cách Thị xã Đà Nẵng bởi đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia và đèo Hải Vân tuy cũng nằm trên trục lộ Quốc lộ I, được gọi là Quân Đoàn I Tiền phương do Trung Tướng Lâm Quang Thi làm Tư Lệnh, Bộ chỉ huy tọa lạc tại thành phố Huế , Lực lượng gồm có Sư đoàn I/ BB gồm 4 trung đoàn, Lữ đoàn 147 TQLC, (có 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội viễn thám, 1 thiết đoàn kỵ binh ) 1 liên đoàn BĐQ, 1 tiểu đoàn pháo binh và lực lượng ĐPQ và Nghĩa quân. Quân Đoàn I Tiền phương là một lực lượng hùng mạnh nhất của Vùng I Chiến Thuật. Và Quân Đoàn I Chỉ Huy bởi Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cũng là Tư Lệnh QĐ I/ Vùng I chiến thuật, Bộ chỉ huy được đặt tại Đà Nẵng , có nhiệm vụ bảo vệ các tỉnh phía Nam đèo Hải Vân. Các đơn vị còn lại đóng dọc theo QL I . Phía Tây Bắc là SĐI/BB , LĐ 15/ BĐQ, LĐ 258/ TQLC , LD9468/ TQLC.
Kể từ chiều 25 / 3 / 75 Trung Tướng Lâm Quang Thi quyết định bỏ Huế và Quảng Trị để về sát nhập vào với Quân Đoàn I do Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh hòng bảo vệ Đà Nẵng đang bị áp lực chiến trường rất nặng nề với một lực lượng Cộng quân áp đảo.
Cuộc lui quân gấp rút ( Gấp rút đến hoảng loạn! ) lần này bằng đường thủy thay vì bằng đường bộ trên QL/I, vì Tướng Thi cho rằng Việt Cộng đã cắt đứt quãng đường QL/I tại Phú Lộc , nên không thể rút quân bằng đường bộ được nên phải rút bằng đường thủy.
Theo tin tức từ các sĩ quan chỉ huy thuộc bản doanh LĐ147/ TQLC , thực ra cuộc lui quân rút về Đà Nẵng từ chiều ngày 24/3 / 75 chứ không phải từ chiều 25/ 3 như đã nói. LĐ 147/ TQLC được lệnh bỏ lại vũ khí cộng đồng hạng nặng xe tăng thiết giáp , các loại súng lớn, gồm cả đạn dược. Mỗi quân nhân chỉ trang bị cá nhân gọn nhẹ , đi bộ hỏa tốc trên 30 km từ Quảng Trị tới bãi biển Thuận An , Huế , để được tàu Hải quân chở đi. Sở dĩ các chiến cụ hạng nặng bị bỏ lại , vì tàu Hải quân di tản là tàu nhỏ không chở được những chiến cụ hạng nặng như đại bác và chiến xa.
Người ta thấy quân trang , quân dụng súng ống bỏ lại đầy đường hai bên QL/I , không chỉ của binh chủng TQLC, mà của các binh chủng khác như thiết giáp, bộ binh , bỏ lại hết thảy quân dụng , cốt yếu chỉ chạy lấy người vì địch quân đang truy nã pháo kích dữ dội phía sau.
Cái bi thảm là chiều 25/ 3 / 75 khi các chiến sĩ LĐ 147/ TQLC đã tập hợp tại bãi biển Thuận An , nhưng không có một tàu Hải quân nào tới đón , tất cả binh sĩ ngồi chờ, ngồi chờ trong tuyệt vọng . Cuối cùng một thảm họa và đau đớn cho tất cả quân nhân là Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I Tiền phương Lâm Quang Thi đã bỏ rơi Đạo quân tiền phương ở lại bãi biển Thuận An để về Đà Nẵng ! Buổi chiều cùng ngày quân truy lích Việt cộng đã đuổi kịp các đơn vị di tản , chúng đã chiếm lĩnh các đồi cao , bao vây và tiêu diệt LĐ 147/ TQLC trên bãi đất trống bằng đủ các loại súng đại bác. Mãi đến sáng 26/3 / 75 mới có một chiếc LCU duy nhất vào đón được Bộ chỉ huy LĐ147/TQLC và chừng 200 binh sĩ gồm cả thương binh. Đến sáng 27 / 3 / 75 thì kể như Việt cộng đã xóa sổ Quân Đoàn I Tiền Phương gồm có hầu hết các binh chủng trong QLVNCH , trong khi Tư Lệnh Trung tướng Lâm Quang Thi đã biến mất.
Theo lời thuật lại của tác giả Bằng Phong, trong bài viết “Trình Tổng Thống, tôi quyết định theo tình hình” như sau:
“Khi tôi bàn luận về cái lẽ hơn thua với Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ đoàn trưởng LĐ 258/ TQLC là lữ đoàn có trọng trách bảo vệ đoạn QL /I , thì ông cho biết rằng . Địa thế này hiểm trở, dễ thủ mà khó công, phía Đông QL/ I là biển nên địch chỉ có thể tấn công phía Tây QL , mà phía Tây đã có quân tinh nhuệ của ta đóng chốt sẵn, hơn nữa đạo quân tiền phương QĐ I rất thiện chiến và quen thuộc địa thế nên 1 Trung đoàn của địch sẽ không thể cản trở được, nếu chúng tấn công.”
Chúng ta được pháo binh và không quân yểm trợ, lại được các lực lượng bộ binh và các binh chủng khác như BĐQ, thiết giáp, thì nếu lui binh bằng đường bộ sẽ thuận lợi hơn. Ông cũng cho biết thêm là lệnh lui binh đã được Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chấp thuận, nhưng không được tham khảo với Thiếu Tướng Tư lệnh TQLC Bùi Thế Lân. Tướng Lân nói ông cũng đã gọi báo cho Tướng Ngô Quang Trưởng xin hoãn cuộc lui binh, nhưng Tướng Trưởng bảo cuộc lui Binh không thể ngưng được vì đang được tiến hành.
Tưởng cũng nên biết , cuộc lui quân bằng đường thủy sai lầm này do Tướng Lâm Quang Thi soạn thảo tại Thuận An và Tướng Trưởng đã chấp thuận trước đó. Sau này Tướng Trưởng đổ mọi tội làm mất QĐ / I cho Tổng Thống Thiệu. Tác giả Bằng Phong cũng cho biết thêm: “Quân Đoàn I có số quân tương đương với địch ( trên dưới 200 ngàn ) . Không đánh một trận nào cấp Trung đoàn mà lại tan rã chỉ trong có 5 ngày , vậy mà không ai có lỗi? “ .
Theo thiển nghĩ của người viết, nếu không có những tay trùm gián điệp cao cấp nằm vùng, nhất là Hà Nội lại len lỏi gài những gián điệp vào các cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng Hòa từ trước 54 rồi đến thời Đệ I , Đệ II VNCH vào tới Phủ Tổng Thống và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH , thì ngày 30/4 /75 không đến sớm được như chúng hằng mong tưởng. Những gián điệp thượng thặng như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh. . . Chỉ sau ngày 30-4-75 thì tình báo CIA của Mỹ mới phát hiện ra và chúng ta mới biết được! (Trước đây Frank Snepp đã tiết lộ rằng Trung Tướng Đặng Văn Quang và Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo là hai trong bốn người thân cận với Tổng Thống Thiệu được nghi là đã gửi nhiều tài liệu mật cho Hà Nội ).
Đó là chưa kể những điệp viên thứ yếu khác từ cỡ Quân Đoàn, Tỉnh , Quận huyện trở xuống cho đến các Bộ ban ngành chủ yếu khác, kể cả các tôn giáo. Chúng tha hồ đánh phá, gây ly gián mọi người (Không kể có nhiều tổ chức hay gia đình vợ con các ông Tướng, Tá vô tình tiếp tay, buôn bán lương thực kể cả vũ khí với Cộng sản). Thì dù Mỹ có không cắt viện trợ , hay bỏ rơi. Thì thử hỏi làm sao chúng ta giữ được miền Nam khỏi lọt vào tay Cộng sản?
Thí dụ, cuộc lui binh của Quân Đoàn I Tiền phương , nhẽ ra phải lui binh bằng đường bộ , có kế họach mới bảo toàn được cuộc lui binh bài bản, như bảo toàn được những vũ khí đại bác, xe tăng hạng nặng.v.v. . đúng theo binh pháp, mà một sĩ quan tham mưu cỡ cấp Trung đoàn cũng hiểu được như vậy. Đằng này lại rút lui gấp rút đến hoảng loạn bằng đường thủy lại không được Không quân và Pháo binh yểm trợ. Hay cuộc tấn công của Cộng quân hồi cuối tháng 2 vào Ban Mê Thuật rồi cuộc di tản Quân Đoàn II về Nha Trang . Nếu tình báo của Bắc Việt không nằm trong cơ quan Đầu não Dinh Độc Lập và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH thì chúng không thể nào điều động , biết rõ đường đi nước bước của ta để mà điều động, chỉ huy và ứng phó với tình thế để đối phó với chúng ta một cách nhanh chóng và tài tình như vậy.
Phải nói cuộc chiến mà chúng ta bị thất bại , cốt lõi là chúng ta đã thua địch trong lãnh vực binh vận và tình báo là điều trước tiên được nói tới. Rồi mới đến những vấn đề khác như tuyên vận, đồng minh cắt viện trợ, bỏ rơi, hay “ bọn” ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản.v.v.
Suy cho cùng, cái bi kịch đắng cay của ngày 30 /4 / 75 kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam dù bởi một nguyên nhân nào người ta cũng qui kết là do người “ bạn đồng minh “ Hoa Kỳ đã không muốn hiện diện ở Việt Nam nữa , nóng lòng phải rút quân ngay , nên mới xảy ra cớ sự.
Trước khi Mỹ muốn bước chân đưa quân tham chiến vào Việt Nam, thì họ nói Việt Nam là tiền đồn của Thế giới Tự do, vì nếu mất Việt Nam thì mất cả Đông Nam Á, nên họ phải đem quân đến bảo vệ. Khi muốn rút quân ra, thì họ nói, phải Việt Nam hóa chiến tranh, hay thay Màu Da trên xác chết! Kiểu nói nào cũng được, dù là lật lọng hay ngụy biện.
Sau khi bỏ rơi Việt Nam, cuối cùng thì họ đã bị lương tâm cắn rứt , hay là họ đã “ ăn năn tội “ với Chúa! Vì đã mang tiếng là bỏ rơi người bạn cùng chiến hào , hay là đồng minh, nên họ đã tỏ lòng “ nhân đạo “ đưa những người bạn trước đây bị Việt Cộng bỏ tù sang định cư ở nước họ, may ra có chuộc được phần nào lỗi lầm . Và cũng để những người đã bị Việt cộng cầm tù, ngược đãi được hưởng sự tự do và “ vinh hoa phú quí ”. Sau này, áo gấm về làng , nếu muốn, có thể cưới được những cô gái bằng tuổi con, bằng tuổi cháu mình về làm vợ ! Mà người viết này cũng đã may mắn hưởng được một chút vinh quang, nay cũng đã là công dân Hoa Kỳ vĩ đại. Nên sau khi ở Mỹ vài năm lao động kiệt lực, có làm và in được một tập thơ có tên là: TÊN EM LÀ HOA KỲ . Xin viết ra đây để chia sẻ với bạn đọc, trước khi chấm dứt bài viết hèn mọn này.
Cổng nhà người đã mở
Cô em gái của tôi
Bao năm giờ mới gặp
Tên em là Hoa Kỳ
Tôi mừng vui khôn xiết
Vì đã được an bình
Đất trời mênh mông quá
Nghe hai chữ tự do
Hãy dắt tôi lang thang
Khắp cùng tận thế giới
Để lòng được thong dong
Vơi đi nỗi nhục nhằn
Thù hằn hãy quên đi
Tấm lòng em trinh trắng
Hận thù em há quên
Cô em gái hoa kỳ
Nghe lòng đau ngăn ngắt
Tôi nghĩ về quê xa
Người thân còn ở lại
Trông chờ sự bao dung
Những chiều buồn một mình
Trời houston lặng thinh
Tần ngần trong sâu nặng
Em gái hoa kỳ ơi./
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét