khktmd 2015
Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016
Nỗi khó xử của Giáo Sư Lý Chánh Trung - Tác giả Đoàn Thanh Liêm
Cũng như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung là giáo sư dạy môn triết học tại các đại học ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Vì cả hai người đều có tên là Trung, nên để phân biệt thì bà con thường gọi là Trung Lý, Trung Nguyễn. Trung Lý thì viết ít, nhưng các bài nhận định thời sự đầy tràn nhiệt huyết của ông được nhiều giới trẻ hồi đó rất hâm mộ. Còn Trung Nguyễn thì lại là một nhà biên khảo nổi tiếng với nhiều tác phẩm được phổ biến khá rộng rãi trước 1975. Cả hai ông đều xuất thân từ trường đại học Louvain nổi tiếng ở Bỉ hồi đầu thập niên 1950. Nói chung, thì cả hai ông giáo sư này là những trí thức có đầu óc cởi mở tiến bộ, chịu ảnh hưởng của “phe tả, không Cộng Sản” ở Âu Châu sau Thế Chiến 2, và không có mấy thiện cảm với chính sách của người Mỹ ở Việt Nam. Cả hai ông còn là thành viên hoạt động của Phong Trào Trí Thức Công Giáo Pax Romana, thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, cùng với các nhân sĩ như Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Văn Huyền, Phạm Thị Tự, Phó Bá Long, Trần Long, Lâm Võ Hoàng, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, v.v...
Lại nữa, có hai dân biểu trẻ tuổi, năng động, người miền Nam với lập trường đối lập với phe đa số thân chánh quyền của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mà hay được báo chí nhắc đến, thì cũng có tên là Chung, đó là Lý Quý Chung và Nguyễn Hữu Chung. Ðọc lên, thì tên Chung nghe cũng tương tự như tên Trung, nên nhiều người khó phân biệt được. Cả hai ông Chung này cũng vừa qua đời cách nay mấy năm rồi. Nguyễn Hữu Chung thì mất ở Canada, còn Lý Quý Chung thì mất ở Sài Gòn.
Lý Chánh Trung, ngoài việc đi dạy học lại còn làm việc lâu năm tại Bộ Quốc Gia Giáo Dục với các chức vụ công cán ủy viên, giám đốc Nha Trung Học, và làm cả đổng lý văn phòng tại bộ này. Vào thời Ðệ Nhị Cộng Hòa, ông còn hay viết bài cho các nhật báo, tạp chí có khuynh hướng đối lập với chánh quyền Nguyễn Văn Thiệu. Là người xuất thân từ miền Trà Vinh-Vĩnh Bình, ông Trung Lý sát cánh gần gũi với “ Nhóm Liên Trường” của các nhà hoạt động chính trị xã hội của miền Nam trước năm 1975. Và một bộ phận không nhỏ của Nhóm Liên Trường này đã vận động cho “giải pháp Dương Văn Minh” để thay thế cho chánh quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Sau năm 1975, thì Lý Chánh Trung được cử làm phó chủ tịch Hội Trí Thức Yêu Nước và đặc biệt được sắp xếp ra tranh cử chức vụ đại biểu Quốc Hội tại một đơn vị bầu cử ở Sài Gòn. Ông còn điều hành một văn phòng thường trực của Ðoàn Ðại Biểu Quốc Hội, tọa lạc trên đường Thống Nhất, nơi căn nhà của vị mục sư phụ trách nhà thờ Tin Lành của những người nói tiếng Pháp (Eglise Réformée de Langue Francaise). Vào hồi đầu thập niên 1980, ông sát cạnh với cánh miền Nam để đòi hỏi cho có chánh sách phù hợp hơn với người dân Nam bộ, mà sau này nổi bật nhất là “Nhóm Câu Lạc Bộ Kháng Chiến” do các đảng viên kỳ cựu như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng... lãnh đạo.
Và trong những năm tháng cộng tác với chánh quyền sau năm 1975, ông Lý Chánh Trung đã gặp phải nhiều điều phiền phức khó xử, mà điển hình là một số sự việc được mô tả như sau đây.
1- “Triết học Mác Lênin là môn chẳng ai muốn học, mà cũng chẳng ai muốn dạy.”
Vào năm 1988, báo Tuổi Trẻ có đăng một bài báo gây chấn động dư luận ở miền Nam, đó là bài viết của Giáo Sư Lý Chánh Trung có nội dung đại khái như trên. Ông viết đại ý như sau: Là một nhà giáo dạy môn triết học đã lâu, ông thấy hiện nay cái môn triết học Mác Lênin đang được giảng dạy ở các trường trung cũng như đại học ở Việt Nam thì là điều áp đặt miễn cưỡng, học trò chẳng ai muốn học, mà thầy giáo cũng chẳng ai thực sự còn muốn dạy nữa. Lời phát biểu này quả là một trái bom nổ, phủ nhận hoàn toàn cái lối giáo dục “giáo điều, nhồi sọ” cứng nhắc của người Cộng Sản.
Một ông cụ ngoài tuổi 70 mà đã rất phấn khởi khi được đọc bài báo này. Cụ đã trao cho tôi một số tiền nhỏ và nhờ tôi gửi đến vị giáo sư tác giả bài báo. Cụ nói với tôi: “Tôi chưa bao giờ quen biết với Giáo Sư Trung, nên phải cậy nhờ đến ông vốn là chỗ thân quen lâu ngày với giáo sư, để trao đến tay tác giả món quà nhỏ này, vốn chỉ là tượng trưng cho sự quý mến và khâm phục của một ông già đã vào tuổi thất thập đối với vị giáo sư đã có sự can đảm nói lên tiếng nói lương tâm như vậy...” Và tôi đã làm theo lời của vị bô lão này, để trao tận tay Giáo Sư Trung nơi văn phòng của ông tại đường Thống Nhất như đã ghi ở trên.
Nghe tôi trình bày, anh Trung đâm nghi ngờ và nói: “Món tiền này là của chính anh có ý muốn tặng riêng cho tôi. Chứ làm gì mà lại có một ông cụ già lạ hoắc nào rút bóp đem tặng tiền bạc cho tôi?” Tôi phải trả lời: “Anh Trung, chúng ta quen biết nhau từ mấy chục năm rồi, việc gì mà tôi phải bày ra cái trò này đối với một người bạn thân thiết của mình, để làm gì cơ chứ? Anh không nên đa nghi như Tào Tháo ấy. Ông cụ là người đáng kính, là người đồng hương đáng bậc vị anh cả của tôi. Cụ tuy chưa bao giờ gặp gỡ anh, nhưng qua bài báo này, cụ cảm phục và muốn bày tỏ tấm lòng quý mến đối với anh vậy thôi. Ðó là tiêu biểu cho số quần chúng nhân dân tại thành phố Sài Gòn này, tôi nghĩ anh là một đại biểu quốc hội, anh phải nhận ra và trân quý đến cái tình cảm chân thật, sâu sắc như thế này chứ?...” Và rút cục, anh Trung đã hoan hỉ tiếp nhận món quà và nhờ tôi gứi lời cảm ơn vị ân nhân.
Ông cụ nay đã quy tiên từ lâu, nên bây giờ tôi có thể nêu danh tánh của cụ. Ðó là cụ Ðinh Văn Năm, nguyên trước năm 1954 cụ đã giữ chức vụ phó tỉnh trưởng tỉnh Bùi Chu, mà người dân địa phương đều biết đến và mến chuộng đức độ và sự tận tâm phục vụ của cụ cả trong việc đời, lẫn việc đạo.
2- “May mà bây giờ có sự đổi mới rồi, nếu không thì mình đã bị mất cái đầu đi rồi.” Vào đầu năm 1989, có tin đồn là ông Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh có rày rà, ám chỉ Giáo Sư Lý Chánh Trung sao đó, ông nói đại ý như: “Có một số người trước đây là đồng minh với chúng ta trong cuộc chiến đấu chống đế quốc, thực dân.
Nhưng bây giờ họ lại có lập trường khác, làm cản trở sự nghiệp xây dựng đất nước của ta v.v...”
Nghe vậy, tôi có đến gặp anh Trung và nói ngay: “Tôi nghe thiên hạ đồn rằng bây giờ ông bạn giáo sư đang bị 'rét,' vì bị tổng bí thư 'xát xà bông' làm sao đó. Sự thực ra sao vậy?” Anh Trung liền trả lời: “Quả là bây giờ có sự đổi mới rồi, chứ nếu không, thì mình bị “lấy mất cái đầu đi rồi” đấy! Nói xong anh bèn rút từ ngăn kéo ra bức thư viết tay của ông Nguyễn Văn Linh gửi cho anh và trao cho tôi. Bì thư cũng như giấy viết đều là của một khách sạn ở Ấn Ðộ, nơi mà tổng bí thư mới đi thăm vào năm 1988. Bì thư cũng như lá thư đều được viết bằng tay, nắn nót cẩn thận, có đề “Xin gửi Anh Lý Chánh Trung (Nhờ các anh Thành Ủy chuyển giao). Nội dung bức thư hoàn toàn có tính cách trấn an, xoa dịu do ông Nguyễn Văn Linh gửi riêng đến với Lý Chánh Trung. Anh Trung giải thích: “Ðây là thư hồi âm của ông Linh gửi cho mình, vì trước đó mình đã gửi thư cho ông ấy, nêu thắc mắc về sự ám chỉ trong bài nói chuyện với cán bộ đảng viên, mà có liên hệ đến mình. Sự việc như vậy, kể như đã tạm yên, thiết nghĩ chẳng cần phải bận tâm thắc mắc gì thêm nữa...”
3- “Các anh định bắt tôi ư?”
Tháng Tư, 1990, tôi bị công an bắt và đưa vào trại tạm giam trong khu Tổng Nha Cảnh Sát cũ. Ðó là trong vụ càn quét bắt giữ các cán bộ đảng viên nòng cốt như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Ðỗ Trung Hiếu,... và bắt quản chế Linh Mục Chân Tín, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Lan,... Trong suốt ba tháng điều tra, người phụ trách thẩm vấn tôi là Ðại Tá Quang Minh (tên thật là Ngô Văn Dần). Có lần ông Quang Minh cho tôi biết là ông có đến tận nhà các anh Lý Chánh Trung, Ngô Công Ðức để cật vấn họ về hoạt động liên quan đến âm mưu đòi “đa nguyên, đa đảng” sao đó. Ông kể lại: “Ông Lý Chánh Trung có ý thách thức tôi với câu hỏi rằng 'Các anh định bắt tôi ư?' Tôi phải trả lời rằng: 'Nếu cần phải làm điều đó, thì chúng tôi vẫn có thể rút lại cái quyền bất khả xâm phạm của người đại biểu Quốc Hội như anh đang nắm giữ hiện nay được lắm chứ.” Ông Quang Minh mô tả là cuộc trao đổi giữa hai người lúc đầu khá căng thẳng, gay gắt, nhưng về sau thì cũng ổn thỏa êm dịu thôi.
Chỉ có Ngô Công Ðức, thì ông nói hơi sỗ sàng, đại khái ông Ðức nói: “Tôi có hai điều không ưa, đó là tôi không ưa thích mấy người công an, và tôi cũng không ưa thích người Bắc kỳ.” Tôi phải giải thích với ông Ðức là “Phải tốn biết bao xương máu, bây giờ nước nhà mới thống nhất. Thái độ kỳ thị Nam/Bắc của ông như vậy là đi ngược lại với chiều hướng đoàn kết, thống nhất của toàn thể dân tộc chúng ta...”
4- “Anh Trung Lý bây giờ bị lẫn mất rồi”
Ðó là lời mô tả của anh chị Phó Bá Long nói với tôi vào giữa năm 2008, lúc tôi đến thăm và ở lại nhà anh chị tại Virginia. Anh Long kể lại là vào năm 2007, anh chị có về Việt Nam thăm lại bà con, bạn hữu. Và anh có đến thăm gia đình Lý Chánh Trung vẫn ở căn nhà cũ tại khu Làng Ðại Học Thủ Ðức gần với xa lộ Biên hòa. Bạn bè lâu ngày mới gặp nhau, nên có dịp tâm sự nhiều. Thế mà anh Trung đã quên lãng rất nhiều, đến nỗi đi ra khỏi nhà không xa bao nhiêu, mà anh cũng quên luôn lối trở về nhà nữa. Năm nay anh Trung mới chỉ cỡ 83-84 tuổi thôi à!
Mấy tháng trước đây, thì Lý Tiến Dũng lại bị mất chức tổng biên tập báo Ðại Ðoàn Kết của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Dũng chính là con trai trưởng của Lý Chánh Trung. Cháu đã đi bộ đội tham gia chiến đấu ở Cambodia trên 20 năm trước và sau này gia nhập ngành báo chí của chánh quyền Cộng Sản. Nhưng có lẽ cũng vì tiếp nối cái tinh thần khí phách của cha mình, mà Dũng đã có đường lối thông thoáng không phù hợp với chánh sách “siết chặt tự do ngôn luận của đảng Cộng Sản,” cho nên mới bị loại bỏ khỏi chức vụ như vậy chăng?
Như vậy là về cuối đời, lúc đã về nghỉ hưu rồi, ông bạn giáo sư của chúng tôi vẫn còn gặp điều khó xử nữa, xuyên qua cái vụ việc bị cất chức của con trai Lý Tiến Dũng này vậy.
Và để tóm tắt lại, xuyên qua trường hợp của Giáo Sư Lý Chánh Trung như đã trình bày sơ lược trong bài này, chúng ta có thể ghi nhận rằng, con đường hợp tác với người Cộng Sản ở Việt Nam quả thật vẫn đầy chông gai, trắc trở và bạc bẽo lắm vậy đó!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét