Ông Mã Hoàng Long, người làm nghề “đưa đón” tình cờ dính vào câu chuyện vượt ngục của ba tù nhân ở nhà tù Orange County, không chỉ khiến người quan tâm tò mò vì sao ông có thể “tồn tại” khi rơi vào tay những kẻ được xem là “cực kỳ nguy hiểm,” mà rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến cá nhân ông, như tại sao trong suốt một tuần lễ ông “biến mất” mà không có ai đi tìm? Tại sao ở tuổi ngoài 70, đang ngủ, nghe khách kêu cũng phải thức dậy lái xe kiếm tiền? Thực hư chuyện ông “từng cầm bảng đứng đường ăn xin” là sao...?
Ông Mã Hoàng Long ngồi trong chiếc xe từng bị ba tù nhân vượt ngục sử dụng. |
Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Người Việt và người đàn ông trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ này vào một ngày cận Tết, hé mở nhiều điều để chúng ta có dịp suy ngẫm thêm về con người, về cuộc đời trong những góc nhìn riêng.
“Nhỏ đi học, lớn đi lính, lúc ‘tiếp thu’ đi tù, ra tù làm đủ nghề kiếm sống”
“Tôi sanh ra ở Cà Mau, nhưng từ năm lớp 3 thì đi học ở Cần Thơ, cho đến hết lớp 11. Ðậu tú tài một xong thì lên Sài Gòn học tiếp. Thi tú tài hai không đậu, cũng đến tuổi lính, tôi đi lính,” ông bắt đầu câu chuyện, kể một mạch như thế, rồi dừng lại bằng nụ cười rộng miệng.
Ông Thiện Thành Nguyễn, ở Garden Grove, một đồng hương của ông Long từ lúc còn ở Cà Mau, rồi tiếp tục làm hàng xóm với ông ở San Diego cách đây nhiều năm, nói rằng, “Ông Long là bạn của ba tôi từ hồi ở Cà Mau, cùng xóm. Khi mới sang Mỹ, nhà tôi ở sát bên nhà ông. Ông Long tính tính hiền lắm!”
Người ta có thể nhận ra nét hiền lành đó từ nụ cười của đàn ông 74 tuổi này.
Ông nói ông có đến 10 anh chị em, sau ông còn sáu người em.
Ngẫm nghĩ sao, ông kể thêm, “Năm tôi học lớp 3, cô tôi tên Mã Thị Thu, từng là vợ của Bộ Trưởng Văn Hóa Việt Cộng Nguyễn Văn Hiếu mang tôi lên Cần Thơ. Tôi còn nhỏ chỉ biết lên ăn học thôi chứ biết gì. Ðến năm 1958, cô tôi thoát ly ra Bắc, ba tôi mới cất một căn nhà nhỏ để chị tư, tôi và em trai thứ sáu ở tiếp tục đi học.”
“Hỏi những ai khoảng 65 tuổi trở lên, từng ở Cà Mau đều biết gia đình tôi,” ông nói.
“Khi vào lính, lúc đầu là lính bộ binh, sau chuyển qua thiết giáp cơ giới, lúc đầu ở Sài Gòn, sau đổi ra Nha Trang, rồi lại đổi về Cà Mau năm 1969, tôi cưới vợ luôn năm đó. Tôi làm trung úy, chi đội trưởng Chi Ðội 437 cơ giới Tiểu Khu An Xuyên,” ông kể tiếp một cách tường tận.
Ông nhớ lại, “Lúc 6 giờ 15 sáng ngày 1 Tháng Năm, 1975, tôi bị tụi 'tiếp thu' bắt đánh bể đầu, rồi thảy vào tù, chứ không phải tôi tự đi trình diện.”
“Tôi có hai đứa con gái sanh trước 1975. Năm 1978, lúc ở tù cải tạo, họ cho vợ đi thăm ở lại đêm nên tôi có thêm thằng con trai. Ðến khi ra tù năm 1982, mót thêm một đứa con trai nữa,” ông tiếp tục kể về cuộc đời mình sau những ngừng nghỉ vì những cơn ho.
Ông nói ông ở tù “sáu năm 11 tháng.”
“Khi ra tù, tôi ở Cà Mau làm đủ nghề hết, đi làm nước đá nè, bơm gas hộp quẹt nè, làm lò đường nè, làm bia 'lên cơn' nữa,” ông lại cười hềnh hệch sau những dấu mốc đời mình.
Sang Mỹ diện HO và những thăng trầm nơi xứ người
Ông Long cho biết, “Năm 1992, tôi sang Mỹ theo diện HO. Ở Oregon một năm lạnh quá chịu không nổi nên mấy người em vợ rủ về Escondido, California, ở.”
Khi mới qua Mỹ, ông “đi làm hãng ở hãng tã lót con nít” nhưng chỉ được hơn một tháng thì ông được chính phủ cho nhận tiền SSI, nên phải nghỉ việc.
Ông kể, “Tôi qua Mỹ Tháng Ba thì đến Tháng Sáu chính phủ đã cho tôi tiền SSI, có thể họ coi hồ sơ lúc ở tù tôi bị đánh bể đầu, nên trợ cấp.”
Ông nói một cách thật thà, “Nghỉ làm hãng, tôi đi làm chui cho các nhà hàng cũng cả chục năm, rửa chén có, dọn bàn có, lấy 'order' có. Lúc đó làm mỗi ngày cả trăm, trăm ngoài, cộng thêm tiền bệnh cũng dư dả.”
“Thật tình lúc đó đi làm tôi cũng mệt chứ, nhưng vì gia đình mà ráng thôi, hết nhà hàng này, qua nhà hàng khác, cho đến khi làm hết nổi nữa thì tôi nghỉ luôn,” ông kể tiếp sau một tràng ho dài, rồi tư lự một thoáng.
Chính vì “khi đó làm mỗi tháng hai ngàn mấy ba ngàn tiền mặt, ở housing chỉ trả $287/tháng, các con đi học không tốn kém gì hết nên tôi nói vợ tôi không cần đi làm, chỉ ở nhà thôi.”
Ông tiếp tục câu chuyện, như một cách suy ngẫm lại cuộc đời mình, “Tôi nghỉ làm do sức khỏe không làm nổi những công việc đó nữa, tôi hay quạu quọ bất thường vì có thể do tôi bị tâm thần thiệt, tôi uống thuốc tâm thần từ đó đến giờ mà. Khi đó, mỗi năm tôi đều về Việt Nam, có khi một lần, có khi hai lần.”
“Ông về thăm ‘bồ nhí’ hả?” Tôi hỏi cắt ngang.
Ông trợn mắt nói liền, “Ðâu có! Ðâu có bồ nhí gì đâu!”
Rồi ông trầm giọng, “Về thăm chị hai tôi, khi đó chị hai còn sống. Chị hai tôi thương tôi lắm. Mặc dù chị có chồng có con, nhưng tôi muốn gì chị hai tôi cũng ok cho tôi hết, nên khi sang đây, tôi cũng gửi tiền về cho chị tôi nhiều lắm.”
Rồi thì vợ chồng ông ly thân trước khi ly dị.
Hỏi ông lý do. Ông chỉ nói, “Tôi nghĩ chắc vì lý do tiền bạc, tôi không làm ra tiền nữa.”
Ông nói, “Thời gian đầu khi còn chút tiền thì cũng còn có vài người bạn, sau thì không còn ai hết. Tôi cũng cắt mọi sự liên lạc với gia đình.”
“Khi đó là năm 2013. Có người bạn ở Hawaii rủ đi ra đó làm rẫy, nhưng đi làm mới năm, sáu tháng là bị gạt hết tiền, không còn tiền mua vé máy bay trở về đây, phải nhờ người giúp. Tôi trở lại Little Saigon, mướn phòng ở đường Westminster ở một mình, trong thời gian đó cầm bảng đứng ở góc đường Bolsa và Brookhurst xin ăn,” người được truyền thông Mỹ nhận xét là “can đảm” nói chầm chậm.
Ông Mã Hoàng Long và bà Anna Campos, nhân viên dọn dẹp phòng 116 ở motel Flamingo Inn, Rosemead, nơi ông bị ba tù nhân vượt ngục giam giữ. |
“Người ta ăn xin được thì mình cũng làm được”
Hỏi ông lý do phải đi “ăn xin” là gì, phải chăng tiền trợ cấp không đủ sống, ông vẫn rất thành thật, “Không phải là không đủ sống nhưng tôi muốn làm thêm cái gì cho có chút tiền để dành dụm. Khi đó xin mỗi ngày cũng $50-$60.”
“Tại sao không nghĩ đến việc làm một công việc gì khác hơn là chuyện ăn xin?” Tôi hỏi.
Ông trả lời không cần che đậy, “Lúc đó tôi nhìn thấy người ta đứng đường xin ăn thì tự hỏi ‘tại sao người ta làm được mà mình làm không được?’ Tôi chỉ nghĩ đó là một cách kiếm tiền thôi, không nghĩ gì hết. Tôi không còn sức khỏe để làm được công việc nhà hàng thì việc nhẹ nhất mà tôi có thể làm là đứng đường xin ăn thôi.”
Dù nói đó là “việc nhẹ nhất” và ông “làm cũng cả năm” nhưng khi được hỏi cảm giác của ông như thế nào, ông nói ngắn gọn, “Ngay mùa Hè nắng nóng thì hết biết nói luôn. Rồi khi thấy người quen thì tôi kéo nón che mặt lại, nhưng chắc có người nhận ra tôi.”
Ông lại trầm ngâm một thoáng, rồi kể, “Ðứng ăn xin một thời gian đâu 6-7 tháng, dành dụm được $1,700 đồng, tôi 'down' vô mua cái xe, rồi thêm tiền đăng báo kiếm khách này nọ cũng hết. Năm đó là 2014. Thời gian đó chưa có khách nên tôi cũng đạp xe đạp ra đứng đường xin ăn nhưng điện thoại bỏ trong túi. Có khách nào gọi thì đạp về lấy xe chở khách đi. Ăn xin để có tiền trả tiền thuê xe mỗi tháng cả $300.”
Cuộc nói chuyện với người tài xế đưa đón này cứ bị ngắt quãng vì những cơn ho sặc sụa của ông.
Ông nói hiện tại ông quen với một phụ nữ ở Cà Mau qua lời giới thiệu của một người khách đi xe ông.
“Cô ta là dược sĩ, có nhà cửa đàng hoàng chứ không phải ‘bá vơ’ ngoài đường nghen,” ông cho biết, và “Tôi nói thiệt luôn là tôi kiếm tiền, để dành tiền là để bảo lãnh cô ta sang đây vì tôi cũng không muốn tuổi già của mình cô đơn.”
Những điều chưa kể
Như đã nói ở trên, nhiều người thắc mắc vì sao ông Mã Hoàng Long “biến mất” cả tuần lễ mà không nghe thấy ai tìm kiếm hay báo cảnh sát, là bởi vì những điều đã kể ở trên: ông không có bất kỳ sự liên lạc nào với người thân, và “tôi chỉ có một người bạn tên Lộc mới quen chừng hơn năm nay, cũng lái xe như tôi.”
Ông kể, “Lúc đầu, tụi nó (những người vượt ngục) cũng điều tra tôi kỹ lắm. Tụi nó hỏi tôi như cô đang hỏi vậy. Hỏi tôi sống ở đâu, sống chung với ai, nhà có mấy người, tôi ngủ chỗ nào, giờ giấc sinh hoạt ra sao... Tụi nó hỏi gì, tôi nói đó.”
“Khi tụi nó hỏi về người thân của tôi, tôi nói họ ở Việt Nam, không ai ở đây hết,” ông nhớ lại.
Ngoài việc ai kêu thì ông chạy, còn lại ông chỉ có một mối đưa đón một cô bé đi học mỗi ngày.
“Vậy tuần ông nghỉ, gia đình họ không gọi ông sao?” Tôi thắc mắc.
Ông trả lời ngay, “Hôm Chủ Nhật là tôi xin phép tụi nó cho tôi gọi điện thoại nhờ bạn tôi chở cô bé đó đi giùm, tôi nói tôi bận công chuyện, chở giùm tôi, khi nào tôi về tôi chở lại, nên không ai biết gì hết.”
Hỏi cuộc sống ông thay đổi như thế nào từ sau khi những chuyện như thế xảy ra, ông nói, “Bị xáo trộn hết, rất mệt mỏi. Nhưng được cái nằm xuống là tôi ngủ liền, tôi có chuyện đâu để mà lo lắng.”
Ông lại bật cười, và nói thêm, “Dầu eo hẹp cỡ nào, tôi cũng phải nghỉ ít nhất một tháng, tháng này nghỉ, tháng sau không có trở ngại gì tôi về Việt Nam nghỉ thêm một tháng cho mọi chuyện qua đi. Hổm rày lái xe tôi phải nhìn kính chiếu hậu trước sau, coi có ai khả nghi, nghĩ họ theo dõi mình là tôi chạy đường khác.”
“Sau chuyện này tôi không biết có điều gì may mắn đến với tôi không hay là tới số luôn không chừng,” người thoát chết một cách ngoạn mục khỏi những người tù “cực kỳ nguy hiểm” bật cười thành tiếng.
Trong khi đang trò chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, ông nhận được một tờ giấy trong có tấm “money order” của một độc giả gửi tặng ông.
Thấy ông xếp tờ giấy bỏ vào túi, tôi hỏi sao phải giữ tờ giấy làm gì, ông cười, tay vỗ nhẹ nhẹ vào nơi túi áo có mảnh giấy, “Tờ giấy có ghi tên, giữ lại để khi nào có dịp thì mình trả ơn.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét