Được về ăn Tết với Mẹ còn kêu ca cái nổi gì ! Từ năm 1975- 1987, bạo quyền CSVN ngăn chợ cấm sông, Việt Kiều ở Mỹ đâu có ai được CSVN "khoan hồng" cho về thăm Mẹ ở VN đâu !
Đối với người Việt ngày Tết là ngày của đoàn tụ và sum họp. Nên dù có “đi Đông đi Tây” thì chiều ba mươi Tết mọi người trong gia đình cũng thường tề tựu đông đủ để rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Còn như “vạn bất đắc dĩ” có bận cách mấy thì cũng phải cố gắng về trước lúc giao thừa để kịp thắp nén nhang tạ ơn đất trời và cầu cho vạn sự kiết tường trong suốt 365 ngày sắp đến. Nhưng trên thực tế nhiều chiến sĩ phải đón giao thừa nơi tiền đồn heo hút, nhiều thương nhân bận đi làm ăn xa về không kịp nên đành phải đón giao thừa trên xe đò, ở sân bay, tại nhà ga, trong xe lửa … là chuyện cũng khá thường xảy ra! Ngày nay người Việt Nam đã có mặt khắp các châu lục nên việc họ phải đón giao thừa trên không phận trong các chuyến bay về ăn Tết cuối năm là điều đôi khi cũng không thể tránh khỏi. Duy chỉ có việc phải đón giao thừa trên phi đạo kể ra cũng khá hy hữu!
*
Trước Tết Ất Mùi độ một tháng em gái tôi từ Đức cho hay nó đã mua vé máy bay về Việt Nam ăn-Tết-với-mẹ và rủ tôi cùng về cho vui. Nó là đứa có hiếu nhất nhà và cũng thường hay thu xếp “chuyện chồng con” để về thăm mẹ vào mỗi dịp Tết. Vì tôi đã có ý định mùa hè 2015 sẽ dẫn con trai về thăm bà Ngoại nên không thể đi cùng. Thế là em gái tôi đành phải về Việt Nam một mình! Bên này mọi người cũng yên tâm vì ngày Tết mẹ tôi sẽ đỡ hiu quạnh hơn khi có con gái về thăm. Dù chỉ có một đứa thôi nhưng chắc mẹ vẫn thấy vui trong lòng!
Đùng một cái trước ngày đưa Ông Táo về chầu trời mẹ tôi phải vô bệnh viện cấp cứu hai lần chỉ trong vòng một tuần lễ. Có lẻ trước Tết năm rồi Sàigòn đột nhiên trở lạnh dữ dội khiến mẹ tôi vừa bị suyễn, vừa bị cao huyết áp dồn dập. Thêm vào đó chứng bịnh tim cũng thường xuyên đe dọa khiến cho chị em tôi bên này đứng ngồi không yên. Em trai tôi nhắn tin sang cho biết thấy mẹ yếu quá, nó rất lo. Mẫu tin ngắn gọn võn vẹn chưa đến hai dòng nhưng tôi thật sốt ruột. Cuối cùng tôi đã quyết định lên mạng rà soát hết các chuyến bay về Việt Nam trong những ngày cận Tết để tìm một vé về với mẹ!
Vì không còn nhiều ngày phép nên tôi đành phải lấy Personal Leaving và nghỉ không được hãng trả lương. Nhưng không hề gì, mẹ bệnh có phần nguy kịch tôi nghĩ mình nên về thôi! Biết đâu sự có mặt của hai chị em tôi khiến mẹ sẽ khỏe hơn!?
Nhưng. Bỗng dưng trước ngày tôi lên đường thì mẹ đỡ hẳn, có lẻ do thời tiết bên Việt Nam đã ấm dần lên. Vé đã mua, phép đã duyệt, tôi phải “bay” thôi! Không còn cách nào khác. Dẫu sao tôi cũng về với tâm thế nhẹ nhõm hơn đôi chút vì biết bệnh tình của mẹ đã khỏe nhiều, chỉ tội nghiệp cho mấy-cha-con sẽ ăn Tết buồn hiu trong suốt gần ba tuần lễ tôi vắng mặt!
Ra phi trường Dallas Forth Worth vào sáng 17 tháng 2 năm 2015, theo như lịch bay tôi sẽ về đến Tân Sơn Nhất lúc 11:30 pm ngày 18 tháng 2 nhằm sát giờ giao thừa bên Việt Nam. Tôi nghĩ phen này chắc mình sẽ có dịp về xông đất nhà mẹ sau mười lăm năm ăn Tết ở xứ người. Chắc cũng thú vị lắm. Buổi sáng hôm đó ông xã và con trai đưa tôi ra sân bay sớm hơn thường lệ vì họ phải về cho kịp giờ học của thằng nhỏ. Con tôi buồn hiu vì biết hè nó sẽ không được về thăm nhà, tôi đành an ủi nó rằng Ngoại bị bệnh mẹ phải về gấp, lần tới hai mẹ con mình cùng về nó mới chịu nguôi ngoai. Đây cũng là lần đầu tiên tôi về thăm gia đình mà không có con cái theo cùng!
Về Việt Nam ăn Tết mùa này ngoại trừ những người độc thân, những cặp đã nghỉ hưu thì thường là những ông bố hay bà mẹ về mình-ên vì cần phải có ít nhất một người ở lại Mỹ để trông chừng lũ trẻ. Sân bay vắng đám con nít nói cười tíu tít, chạy giỡn lăng xăng nên cũng yên lắng đôi chút. Sau khi check - in tôi kiếm một chỗ ngồi gần ổ cắm điện định online để “đốt” thời gian thì từ lối đi giữa hành lang một người phụ nữ trạc cỡ trên 65 tiến đến gần tôi, rụt rè hỏi:
- .... Việt Nam phải không?
Bà hỏi trổng không nhưng kèm theo là một nụ cười thật hiền lành. Mặt tôi không giống Việt Nam thì giống ai bây giờ!?? Tôi thấy vui vui vì được gặp đồng hương và vì sự chất phác của người đối diện nên liền trả lời:
- Dạ phải. Cô có cần giúp gì không ạ!
Không đợi tôi mời, bà ngồi xuống ngay cạnh tôi và giọng trở nên vui vẻ hẳn:
- Hôm nay thằng con chở ra đây hơi sớm vì nó phải về đi làm; tôi đi loanh quanh đây nảy giờ để tìm người Việt Nam nói chuyện cho vui, thời may gặp được cô…
Thoạt nhìn bà ngay từ lúc đầu tôi đã sinh nghi trong lòng, đến khi nghe giọng nói của bà tôi mới biết đích xác người phụ nữ này là “Con cháu Bác Hồ” không sai tẹo nào! Cũng vì tính tò mò nên tôi liền lân la hỏi chuyện:
- Cô về một mình không sợ sao?
Bà cười để lộ cả hàm răng hô:
- Chả sợ! Lạc thế nào được mà lạc. Này nhé! Tôi sang Mỹ đã mười năm về Việt Nam cả thảy năm lần rồi đấy. Đáng nhẻ ra sang năm tôi mới về cơ nhưng vì u tôi đang bệnh nặng lắm, tôi phải năn nỉ con dâu kiếm người trông hộ thằng cháu Nội để tôi về thăm bà. Kẻo không kịp cô ơi!
Rồi bà thấp giọng, buồn buồn:
- Gớm mình lo cho bọn chúng sang đây tất-tần-tật vậy mà giờ đây muốn về Việt Nam thăm mẹ phải năn nỉ chúng, thế có khổ không chứ!?
Tôi hỏi liền:
- Quê cô ở đâu?
- Tôi ở Hải Dương. Chắc cô là người Sàigòn.
Tôi gật đầu định hỏi bà sang Mỹ theo “diện” nào thì bà đã kể khá chi biết:
- Thế này nhé! Tôi ở tận ngoài Bắc, nhà tôi buôn bán ngay mặt phố nên cũng có tí tiền. Trước khi ông nhà tôi mất có trăn trối lại bằng mọi cách phải lo cho đám con sang Mỹ để bọn chúng biết thế nào là thế giới văn minh, tự do. Đấy là ước mơ cả đời của ông nhà tôi cô ạ!
Ngừng giây lát cho sự xúc động lắng xuống bà kể tiếp:
- Đầu tiên tôi cho hai thằng lớn qua đây du học. Sang ít lâu chúng kết hôn rồi ở lại định cư và bảo lãnh tôi. Còn thằng Út mình nhờ người về cưới rồi trả tiền thì nó mới được đi sớm hơn. Nói nào ngay tiền lo cho thằng Út nhà tôi là của hai anh nó hùn lại trả. Mà cơ khổ nó còn vợ và hai đứa con bỏ lại bên Việt Nam nữa đấy. Thôi cứ chờ chừng nào nó vô quốc tịch thì về Việt Nam bảo lãnh vợ con sang cũng chẳng muộn. Người nào đi trước được thì cứ đi. Qua càng sớm càng tốt!
Thấy bà thật lòng tôi liền tò mò hỏi:
- Thế hai người con của cô sang đây học về ngành gì?
Bà bật cười to:
- Học gì mà nổi cô ơi. Chúng sang đây chỉ đi học cho có lệ, chủ yếu là đi làm nail. Lấy vợ xong là chúng ra mở ngay tiệm nail. Bây giờ hai anh em mỗi đứa một tiệm, chúng sống thoải mái lắm! Chỉ có thằng Út là chịu học, cũng sắp ra trường rồi!
Tôi nói ngay chẳng chút đắn đo:
- Cô giỏi thật! Một mình mà lo cho cả gia đình “đoàn tụ” tại Mỹ.
Bà thành thật trả lời:
- Cũng nhờ tôi buôn bán nên quen biết nhiều. Ngoài ấy mọi việc đều có đường dây cả cô ạ. Muốn đi Mỹ, đi Châu Âu hay bất kỳ quốc gia nào đều lo được tất. Nếu mình biết chỗ để chi từ A đến Z thì mọi thứ xong ngay.
Tôi thấy gương mặt của bà thật rạng rỡ, thật mãn nguyện. Bà cứ líu lo hồn nhiên hỏi tôi có khi nào ra Bắc chơi chưa. Quê tôi nổi tiếng với bánh đậu xanh Hải Dương, xuất khẩu đi khắp thế giới đấy nhé! Tôi nói với bà tôi đã đến quê bà rồi. Bà cười thật tươi bảo u tôi mà thấy tôi về chắc thế nào cũng khỏe ngay cô ạ. Tội nghiệp bà chỉ có mình tôi là gái, ở với con dâu sao bằng con gái phải không cô. Nhưng khổ thân tôi có đến ba thằng con trai lận. Sau này tôi chả biết ở với đứa nào. Rõ khổ! Bà than khổ nhưng cứ nói cười luôn miệng. Tôi đọc được sự mãn nguyện từ trong ánh mắt của người phụ nữ đầy bản lĩnh này. Bà đã thực hiện được di nguyện của chồng và đã đổi-quốc-tịch cho ba người con của mình. Tôi thật sự cảm phục bà!
Hình như bà ít có dịp tiếp xúc với người ngoài nên khi gặp tôi bà như muốn được trút hết tâm sự mặc dù bà không hề biết tôi tên gì, ở đâu giữa cái sân bay quốc tế rộng lớn này ngoài một việc duy nhất: tôi là người Việt Nam! Một sợi dây vô hình nhưng sao thật gần gủi! Lát sau bà nhìn đồng hồ rồi vội vàng bảo:
- Chắc tôi phải đi kiếm “cái cổng” của mình cô ạ. Mãi lo nói chuyện với cô tôi quên khuấy đi mất sắp đến giờ lên tàu rồi.
Trước khi chia tay tôi cầu chúc cho mẹ bà mau chóng hết bệnh và bà cũng chúc tôi về ăn Tết với gia đình vui vẻ. Tôi đã không có cơ hội cho bà biết rằng tôi cũng về Việt Nam thăm mẹ bệnh, nhưng bà nào đã có thời gian để nghe tôi nói!? Trước lúc quay đi bà vẫn còn ngoái lại cười cười, vẫy vẫy theo tôi cho đến khi lẫn vào dòng người trong sân bay. Tôi nhìn theo bà mà thấy thương thương trong lòng. Bà đã thực hiện xong lời trăn trối của chồng, đã chu toàn nhiệm vụ với con cháu nhưng vẫn không quên bổn phận của mình đối với người mẹ già bên Việt Nam! Thật quý biết bao.
*
Trên chuyến bay từ phi trường Narita của Nhật về Việt Nam ngoài những thương gia ngoại quốc, những người đi công tác xa thì hầu hết toàn là những “Việt kiều” về quê ăn Tết.
Sau một chuyến bay dài suốt gần 14 giờ giờ đồng hồ vượt Thái Bình Dương có lẽ ai cũng thấm mệt nhưng chỉ còn hơn sáu tiếng nữa thôi là họ sẽ gặp lại những người thân yêu của mình nên trông mọi người có vẻ phấn chấn hẳn lên. Vài phái đẹp còn vào “thay đổi xiêm y”, đánh thêm tí phấn, thoa thêm ít son cho hồng má, thắm môi. Nhất là đối với những người mới về thăm nhà lần đầu tiên thì trông có vẻ chăm chút hơn.
Nhìn dòng người xếp hàng lần lượt lên máy bay tôi đặc biệt chú ý đến một người phụ nữ cỡ ngoài 70, bà ngồi trên xe đẩy và có một cô gái theo cùng. Ở họ toát lên nét chân chất rất Nam bộ. Thật tình cờ số ghế của tôi lại cùng chỗ với họ. Tôi ngồi trong cùng sát cửa sổ, người phụ nữ ngồi giữa và cô gái ngồi gần lối đi. Do vậy tôi và bà có dịp chuyện trò gần như suốt chặng bay về tới Tân Sơn Nhất.
Bà quê ở Rạch Giá, mười hai năm trước bà được con trai bảo lãnh sang Mỹ và hiện nay đang sống ở Minnesota. Cô cháu gái gọi bà bằng cô đang thất nghiệp nên sẵn lòng “hộ tống” bà về Việt Nam ăn Tết. Tôi cũng cho bà biết mình về thăm mẹ đang bị bệnh. Nghe đến đây bà bỗng rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào nói:
-Tết năm rồi tui cũng về thăm bà già tui vì nghe tin bả bịnh. Lúc đó tui cũng không mấy gì được khỏe. Về được hơn tháng thấy má tui bả đỡ đỡ được chút tui phải bay trở lại Mỹ liền vì bên đây mới có bảo hiểm y tế. Dè đâu tui mới về chừng hơn một tuần thì hay tin má tui mất. Tui nằm liệt giường luôn cả tháng trời! Năm nay tui về để làm giỗ đầu tiên cho má tui cô ơi!!!
Nước mắt bà tuông xối xả. Tôi ôm vai bà an ủi:
- Thôi đừng buồn nữa Bác, dẫu sao thì trước khi ra đi Bà cũng rất vui vì có con gái về thăm lần cuối!
Mẹ tôi bệnh, tôi cũng đang về thăm mẹ, nghe bà kể về hoàn cảnh của bà mà tôi bỗng thấy xốn xang trong lòng. Thương cho mẹ bà và cũng thương cho mẹ tôi!
Tôi nhìn những đám mây đang lững lờ trôi ngoài cửa sổ. Mây không có nổi buồn chỉ có tôi đang mang một nổi buồn vời vợi và tôi thầm hỏi lòng không biết tôi sẽ còn nhìn thấy những đám mây này bao nhiêu lần nữa cho đến ngày mẹ tôi nằm xuống!!?
*
Theo đúng lịch trình chúng tôi sẽ đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 11:30pm tối 30 Tết. Nhưng vì có sự chậm trễ nên khi máy bay về đến bầu trời của Sàigòn thì chỉ còn ít phút nữa là đến giờ Giao Thừa. Từ trên cao hành khách có thể thấy được cả một Sàigòn đang rực rỡ ánh đèn với những dòng xe cộ chạy nối đuôi nhau không dứt. Phía dưới kia có lẽ mọi người đang đi chùa lễ Phật, đi xin xăm, hái lộc hay đi xem đốt pháo bông? Có khi họ cũng chỉ chạy lòng vòng khắp các ngã đường trong thành phố cho vui rồi chờ qua Giao Thừa sẽ về xông đất chính ngôi nhà của mình?!
Tôi cũng có thể tưởng tượng được cảnh khói hương nghi ngút trong các ngôi chùa trong đêm nay. Vào thời điểm này hầu như chùa nào cũng chật như nêm; nhìn đâu đâu cũng thấy kẻ lạy, người khấn hết sức thành khẩn. Tôi cũng biết rằng giờ đây có khá nhiều người phải đứng ngoài trời, trước cánh cổng của sân bay Tân Sơn Nhất, lúc nữa đêm để chờ đón thân nhân của họ từ một nơi rất xa xôi đang bay về ăn-Tết-với-mình. Nhiều người ở tỉnh xa còn vất vả hơn khi phải ngồi xe từ quê lên, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ rồi lại quày xe trở về nhà để kịp trước sáng Mùng Một Tết còn đi chúc Tết họ hàng!
Khi máy bay nhẹ nhàng đáp xuống trên đường băng thì đèn trong khoang cũng bật sáng. Hành khách đã trong tư thế sẵn sàng từ lúc nào. Ngay lúc ấy hai cây kim đồng hồ trên tay tôi đang cùng nhích sang số 12. Phút Giao Thừa đã điểm. Ngoài cửa sổ từng chùm pháo bông đang xé toạt đêm đen bay vút lên không trung tỏa muôn ngàn ánh sáng rực rỡ chói lòa cả một góc trời, như lời chào đón những giây phút đầu tiên của năm mới Ất Mùi đang đến. Mọi người đồng loạt kêu “ồ” lên một tiếng rồi im lặng. Có lẽ họ đang tập trung một lời ước nguyện cho riêng mình trong giờ phút linh thiêng này! Bỗng dưng lúc ấy tôi lại nhớ đến chồng con của mình ở bên này đến muốn khóc!!! Cuộc sống của những sẽ tha hương như chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có được một cái Tết sum họp và đoàn tụ thực sự! Luôn luôn mất mát, luôn luôn chia lìa.
Tôi đảo mắt nhìn quanh tự hỏi có bao nhiêu người về ăn-tết-với-mẹ như tôi trên chuyến máy bay này? Bao nhiêu con người là bấy nhiêu hoàn cảnh. Có thể chúng tôi khác nhau ở mục đích trở về nhưng cùng chung một đời viễn xứ và cùng ngồi chung một chuyến bay trong thời khắc này. Và biết đâu trong họ cũng đang dấy lên một dấu chấm than sau cùng một điều ước lớn như tôi: “Phải chi không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì giờ này chắc chắn mình đâu phải ngồi đón giao thừa trên cái phi đạo này!!!” Và nếu không có biến cố lịch sử đó thì chắc chắn trong giờ phút này cũng không có cảnh hàng triệu người Việt Nam đang sống rải rác trên khắp hành tinh luôn thấp thỏm, trông ngóng về quê nhà mà nghe lòng quặng một nổi đau!!
*
Bây giờ là những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi. Nhìn những chậu cúc vàng, những hộp bánh mứt bày bán trong chợ Châu Á là tôi có thể đoán được Tết Bính Thân đang đến rất gần. Tôi bỗng nhớ đến hai người phụ nữ do hữu duyên mà gặp gỡ trong chuyến về Việt Nam năm rồi. Chẳng biết Tết này họ có về thăm nhà nữa hay không? Riêng gia đình tôi, chị tôi và con gái sẽ từ Đức bay về ăn-Tết-với-mẹ nên chúng tôi cũng yên tâm phần nào. Chắc mẹ chúng tôi sẽ vui-hơn-Tết!
Vài tuần trước tôi có đọc được bài viết: Nổi buồn cuối năm. Nổi buồn cuối đời của Nhà Văn Huy Phương, trong đó có đoạn:
Người ta có thể mỗi năm tổ chức những chuyến du lịch bắt buộc, ra ngoài để mở tầm mắt trước thế giới, nhưng “nhắm mắt” làm ngơ về một lần sắp xếp thời gian đi thăm cha mẹ già…
Thế hệ của chúng tôi giờ đã khác xa với những người trẻ tuổi được sinh ra và lớn lên tại đất nước này quá nhiều. Trong đêm Giao Thừa hay New Years Eve, có lắm kẻ sẽ không thể bỏ qua những buổi tiệc thâu đêm trong các club hay quán bar. Nhưng! Để nhấc điện thoại lên nói lời chúc mừng năm mới với đấng sinh thành đang sống cách họ chỉ vài đoạn đường hay vài tiếng lái xe đã là chuyện khó; thì huống chi việc họ phải ngồi máy bay suốt gần 24 tiếng đồng hồ hay hơn thế nữa để về thăm cha mẹ ở một nơi xa xôi bên kia vòng trái đất thì quả là điều không tưởng!!!
Tôi đã đến nhiều nơi chăm sóc người già vô-gia-đình tại Việt Nam và tôi cũng đã từng đến Viện Dưỡng Lão ở Mỹ, ở Đức… Nhìn những mái tóc bạc phơ xơ xác, những đôi mắt vô hồn mệt mỏi, những khuôn mặt câm nín cam chịu; tôi hiểu được rằng cũng chính những con người này, không xa lắm đâu, họ cũng đã từng có một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống viên mãn như bao người! Và biết đâu chừng họ cũng đã từng có một thời vàng son đứng trên tuyệt đỉnh vinh quang hay quyền uy tột bực! Nhưng giờ đây họ cũng chỉ còn lại những nỗi đau của thân và tâm... âm ỉ đến cuối đời!!! Thế mới biết dù cuộc sống hôm nay có văn minh hiện đại cách mấy; dù con người có thám hiểm đến sao Kim, sao Hỏa; có chinh phục vũ trụ, thiên hà đi chăng nữa thì nói theo cách của nhà thơ Trần Dần là: Nỗi Buồn Ga Cuối Còn Nguyên!
Tôi biết thế và tôi cũng sẽ phải chấp nhận thế thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét