khktmd 2015
Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016
Hội nghị Thành Đô 1990- Tác giả Zhang Xiaoming, dịch giả Phạm Quang Tuấn
Trích sách của Zhang Xiaoming (5/6/2015). Cuộc chiến dài của Đặng Tiểu Bình: Xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam, 1979-1991. (Deng Xiaoping's Long War: The Military Conflict between China and Vietnam, 1979-1991. The University of North Carolina Press). Dịch từ bản tiếng Anh tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/Zhang_ChengduMeeting.htm.
Nhận xét của người dịch: đây là góc nhìn của một học giả Trung Quốc (dạy ở Mỹ), dựa theo các tài liệu Trung Quốc nên đương nhiên có những hạn chế. Tuy nhiên nó cũng cho thấy một thái độ tuyệt vọng và khẩn cầu muốn "làm lành" từ lãnh đạo Việt nam.
Chương 8: Con đường dẫn tới chấm dứt xung đột (tr. 202-206)
Hội nghị Thành Đô 1990
Tháng 6/1990 (khi Đông Âu đã thoát khỏi cộng sản lần đầu tiên sau hơn bốn mươi năm), các nhà lãnh đạo Việt Nam lại một lần nữa kêu nài [plea] xin thăm Trung Quốc. Trong cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, Nguyễn Văn Linh nhắc lại những chuyến đi Trung Quốc của ông trước khi có tranh chấp biên giới và các cuộc họp của ông với Mao, Chu và Đặng Tiểu Bình. Nguyễn Văn Linh tuyên bố ông đã học hỏi lý luận cách mạng của Mao và đánh giá cao viện trợ của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh của Việt Nam chống Pháp và Mỹ. Sau đó, ông thừa nhận rằng Việt Nam đã sai trái với Trung Quốc và sẵn sàng sửa chữa sai lầm của mình. Về Campuchia, nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ niềm tin rằng tình hình sẽ được giải quyết một cách hòa bình, nhưng kêu gọi Việt Nam và Trung Quốc cộng tác để ngăn chặn phương Tây và Liên Hợp Quốc can thiệp vào Campuchia trong tương lai. Nguyễn Văn Linh thừa nhận việc loại trừ Khmer Đỏ ra khỏi một chính phủ Campuchia tương lai là không thực tế. Như nhắc lại ý của Đặng, cuối cùng Linh đã tỏ ý mong muốn gặp lãnh đạo Trung Quốc để giải quyết vấn đề Campuchia và quan hệ Việt-Trung trước khi ông về hưu. Lãnh đạo Trung Quốc dường như vẫn thờ ơ với quan điểm của nhà lãnh đạo Việt Nam về Campuchia, và khó chịu bởi cái mà họ cho là bộ điệu hung hăng của ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tại Hà Nội. Có thể việc Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia không còn đủ để làm hài lòng các lãnh đạo Trung Quốc, bây giờ họ mong đợi nhiều hơn từ Hà Nội. Nhanh chóng trả lời Nguyễn Văn Linh, họ nhấn mạnh rằng một hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước chỉ có thể đến sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết: Việt Nam cần hoàn tất cuộc rút quân và sau đó giúp hòa giải dân tộc Campuchia.
Đến nay vẫn chưa biết Việt Nam phản ứng ra sao với câu trả lời gây thất vọng này. Có vài tiến bộ trong tháng 1 và tháng 8/1990. Thứ nhất, năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đạt được thỏa thuận về khuôn khổ cho một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia: tất cả các viện trợ từ ngoài cho các phe phái cạnh tranh sẽ ngưng, sẽ thành lập Chính quyền Chuyển tiếp [Transitional Authority] Liên Hợp Quốc tại Campuchia, và chủ quyền của Campuchia sẽ được tôn trọng. Thứ hai, tất cả các phe phái chính trị Campuchia đã chấp nhận thỏa thuận này, và một vòng đàm phán mới với Hà Nội được lên kế hoạch cho tháng 9 tại Jakarta. Ngày 16/8, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nhận được một tín hiệu miệng từ Nguyễn Văn Linh qua con trai của cựu lãnh đạo Việt Nam Hoàng Văn Hoan, người đã đào thoát sang Trung Quốc vào năm 1979. Nhà lãnh đạo Việt Nam lại một lần nữa đưa ra một lời thỉnh cầu [appeal] làm hòa, đổ lỗi cho Bộ trưởng Ngoại giao VN về những tranh cãi dai dẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc về Campuchia, và nhắc lại rằng tình trạng khó khăn này chỉ có thể được khắc phục bằng một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước.
Vì thông điệp này không trực tiếp đến từ nhà lãnh đạo Việt Nam, Bắc Kinh ra lệnh cho Zhang Dewei, đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam, tìm gặp đích thân Nguyễn Văn Linh để tìm hiểu ý định thực sự của ông về quan hệ Trung-Việt. Những thập kỷ thù địch giữa hai nước khiến cho sự liên lạc giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc và các quan chức Việt chỉ ở mức tối thiểu cần thiết. Giới ngoại giao Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn để tìm người tốt nhất để liên hệ với nhà lãnh đạo Việt Nam sau nhiều năm đối thoại hạn chế giữa hai bên. Vì Nguyễn Cơ Thạch kiểm soát Bộ Ngoại giao, Đại sứ Trung Quốc quyết định nhờ Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng quốc phòng, người đã lặp lại nhiều điểm của Nguyễn Văn Linh tại một phiên họp trước đó với đại sứ Trung Quốc, giúp sắp xếp một họp với cấp trên của mình.
Cách tiếp cận này mang tới kết quả. Ngày 22/8, Nguyễn Văn Linh tiếp Zhang Dewei tại Bộ Quốc phòng. Quan chức Việt Nam này [Nguyễn Văn Linh] thừa nhận rằng ông đã gửi một thông báo miệng tới đại sứ Trung Quốc và nhắc lại ý định của ông muốn thăm Trung Quốc. Ông đặc biệt lưu ý rằng cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ giúp làm im miệng những người hãy còn phản đối ý muốn giải quyết vấn đề Campuchia của ông. Trong hoàn cảnh đó, Bắc Kinh đành nhượng bộ. Ngày 27/8, Thủ tướng Lý Bằng đến nhà Đặng Tiểu Bình nay đã "nghỉ hưu bán phần" [semiretired], báo cáo quyết định của các người kế nhiệm mời nhà lãnh đạo Việt Nam sang thăm Trung Quốc. Li sau đó gợi ý rằng vì lý do an ninh liên quan đến Á Vận Hội 1990 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh, cuộc họp sẽ diễn ra tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Đặng bằng lòng.
Ngày 3/9, hội nghị thượng đỉnh được triệu tập. Tham dự có Tổng thư ký đảng CS Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng, và tổng thư ký đảng CS Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và cố vấn đảng Phạm Văn Đồng. Giang Trạch Dân thẳng thắn tuyên bố rằng cả hai bên phải thừa nhận [come to terms] những gì cả đúng lẫn sai giữa hai nước từ cuối những năm 1970. Theo ông, Trung Quốc không đòi phải giải tỏa ân oán cũ, mà muốn tìm ra gốc rễ vấn đề và tìm giải pháp đột phá mới cho tương lai. Ông hoan nghênh sáng kiến cải thiện quan hệ của các lãnh đạo mới của Việt Nam nhưng một lần nữa lưu ý rằng Campuchia vẫn là trở ngại lớn cho việc bình thường hóa. Nhà lãnh đạo Trung Quốc sau đó kêu gọi các đối tác Việt Nam chấp nhận kế hoạch của Liên Hợp Quốc. Nguyễn Văn Linh thú nhận rằng Việt Nam đã theo đuổi một chính sách sai lầm trong mười hai năm qua và giải thích rằng các lãnh đạo Việt Nam hiện nay muốn sửa đổi để tiếp tục quan hệ hữu nghị giữa hai nước và hai đảng mà Hồ Chí Minh đã thành lập. Ông hứa sẽ hỗ trợ một giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia dựa trên văn bản khung của Liên Hợp Quốc. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn chống đối kế hoạch của Bắc Kinh về một Chính quyền Chuyển tiếp Campuchia dưới sự lãnh đạo của Hoàng tử Sihanouk, tuy nhiên chỉ có Phạm Văn Đồng là chống đối mạnh mẽ đề xuất này. Bắc Kinh đề nghị chính quyền Phnom Penh mà Hà Nội hỗ trợ sẽ chiếm sáu ghế trong Chính quyền Chuyển tiếp, và ba nhóm kháng chiến sẽ chiếm hai ghế mỗi nhóm. Vì Sihanouk cũng về phe kháng chiến, Việt Nam cảm thấy rằng sự sắp xếp này không công bằng và không hợp lý. Ngày đầu tiên của cuộc đàm phán kéo dài đến 8:00 tối mà không đạt được thỏa thuận. Sau đó vào buổi tối tại bàn tiệc chào đón, các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho rằng đã tiếp tục cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam chấp nhận đề nghị của Trung Quốc. Sau một buổi họp dài ngày hôm sau, các nhà lãnh đạo Việt Nam chịu thua. Họ cũng hứa sẽ thuyết phục chính quyền Phnom Penh chấp nhận kế hoạch của Trung Quốc. Hai bên sau đó đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc về giải pháp chính trị cho Campuchia và nối lại quan hệ.
Ngày 6/9, quan chức ngoại giao Trung Quốc vội vã đến Jakarta để thông báo cho tất cả các bên về thỏa thuận mới giữa Trung Quốc và Việt Nam về Campuchia và để thúc đẩy họ đạt thỏa thuận. Một năm nữa sẽ trôi qua với những đấu đá giữa các phe Campuchia trước khi hòa ước được ký kết. Hội nghị thượng đỉnh Thành Đô đánh dấu sự kết thúc của mười hai năm thù địch của Trung Quốc đối với Việt Nam. Giang Trạch Dân kết thúc cuộc họp bằng cách trích dẫn một bài thơ thời Thanh: "Tai họa không thể chia cách anh em; chỉ một nụ cười là diệt hết ân cừu"(Dujin Jiebo xiongdi zai; Xiangfeng yixiao min enchou). Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc tỏ ra tràn đầy tình cảm khi nhắc lại mối quan hệ anh em giữa Trung Quốc và Việt Nam thời 1950-1970, mặc dù sau đó ông thừa nhận rằng một thập kỷ thù địch đã khiến cho hai nước không thể trở về quan hệ gần gũi và thân mật thời đó. Về phần người dân Trung Quốc, họ vẫn cay đắng nhận thức được rằng sự hy sinh của họ cho Việt Nam trước đó đã không mang lại tình bạn vĩnh cửu và lòng tri ân và họ càng trở nên khó chịu hơn với hành vi không đáng tin cậy của Việt Nam. Họ quở trách sự vô ơn của Hà Nội bằng cách nhắc lại một thành ngữ cổ của Trung Quốc, "Ai đã cho tôi bú là mẹ tôi" (younai bianshi Niang).
Nicholas Khoo nói đúng rằng "sự sụt giảm trong cuộc xung đột Trung-Xô" là hệ quả tất yếu của việc mở "cánh cửa cho sự xích lại Trung-Việt." Nhìn lại, trong khi Hà Nội tìm đến Bắc Kinh vào năm 1989 và 1990, thế giới cộng sản đang thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc. Cơn bão chính trị thổi mạnh qua Đông Âu. Liên Xô đang trên bờ vực của sự tan vỡ. Giữa sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, nhiều đảng viên và ủng hộ viên CS Việt Nam bắt đầu lo lắng về những gì sẽ xảy ra cho đất nước của họ, một trong những nước cộng sản trẻ tuổi nhất. Thành công của Trung Quốc trong việc cải cách kinh tế và mở cửa ra thế giới cho họ một hy vọng. Theo ông Nguyễn Văn Linh, bởi vì CHXHCNVN là nước nhỏ và Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng nhỏ, họ cần phải dựa vào Trung Quốc và ĐCSTQ để tiếp tục phất cờ xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Việt Nam này chỉ ra rằng CHXHCNVN và Đảng Cộng sản Việt Nam cần sự hỗ trợ của nước láng giềng xã hội chủ nghĩa của họ. Từ quan điểm của Việt Nam, chia sẻ lợi ích chính trị và ý thức hệ là đủ để kéo hai nước xã hội chủ nghĩa này trở lại một liên minh chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, tư tưởng truyền thống duy ý thức hệ này đã lỗi thời: trong môi trường quốc tế hiện nay, mỗi quốc gia xã hội chủ nghĩa nên theo đuổi các chính sách phục vụ lợi ích quốc gia của riêng mình. Vào thời điểm đó, các ưu tiên quốc gia của Trung Quốc là cải cách kinh tế và mở cửa. Dù Việt Nam háo hức cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh có vẻ không động lòng và tiếp tục nhấn mạnh cần phải giải quyết hẳn vấn đề Campuchia trước khi bình thường hóa quan hệ song phương.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét