khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Trở lại Philippines - Tác giả Lê Phan



Hôm Thứ Ba, 12 tháng 1 vừa qua, trong khi thế giới còn lo nhiều chuyện khác, ở Manila, Tối Cao Pháp Viện Philippines đã đưa ra một phán quyết rồi sẽ giúp thay đổi cục diện Đông Nam Á.

Cách đây 25 năm, Philippines, trong lúc tưởng là thế giới hậu Chiến Tranh Lạnh khiến họ không cần phải có một sự trợ giúp của cường quốc số 1 của thế giới nữa, đã đuổi quân đội Hoa Kỳ ra khỏi lãnh thổ của họ. Những trí thức tả khuynh đã kết hợp với những lãnh chúa địa phương vốn không muốn bị những dòm ngó của Hoa Kỳ vào những công chuyện làm ăn nhiều khi rất bất chính của họ, đã họp nhau lại thúc đẩy việc này. Họ chê bai quân đội Hoa Kỳ là những người khách “không được mời mà vẫn đến,” và là một biểu tượng sống của chủ nghĩa phong kiến thực dân. Chưa đầy ba thập niên sau, Manila đã năn nỉ mời Washington gửi binh sĩ trở lại.

Cố gắng này nay đã thành sự thật khi Tối Cao Pháp Viện tuyên bố Thỏa thuận hợp tác tăng cường về Quốc Phòng Mỹ Phi là không vi hiến, mở đường cho quân đội Hoa Kỳ được triển khai ở nhiều căn cứ trên toàn Philippines.

Thỏa thuận này tiêu biểu cho một thành công cụ thể cho chính sách “chuyển hướng” hay “tái thăng bằng” trở lại Á Châu của Chính Phủ Obama và phản ảnh một chiều hướng rộng lớn hơn trong vùng khi các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Cộng tìm cách chống trả lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, dưới hình thức dành trọn chủ quyền Biển Đông. Manila chẳng hạn, lo sợ là Bắc Kinh sẽ chiếm mất trọn Bãi Scarborough nơi đã có những đụng độ liên tiếp với các tàu của lực lượng hải chính tức lực lượng tuần duyên Trung Cộng về quyền đánh cá. Manila nay coi quân đội Hoa Kỳ là một người bạn hùng mạnh có thể giúp họ chống lại Trung Cộng.

Các lãnh tụ ở cả Manila lẫn Washington hy vọng thỏa thuận này sẽ là một sự ngăn ngừa đối với Bắc Kinh và như Tiến sĩ Ernest Bower, cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS), giải thích “giúp thuyết phục người Trung quốc là gây áp lực bắt các nước láng giềng phải từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của họ thực sự không nằm trong quyền lợi của Trung Quốc.”

Thỏa thuận này được điều đình từ tháng 4 năm 2014, nhưng một thách thức pháp lý từ một nhóm cánh tả với sự trợ giúp của một số gia đình quyền quý có liên hệ kinh doanh với Hoa Lục, đã khiến phải hoãn thi hành chờ quyết định của tòa. Đứng trên phương diện pháp lý, Tối Cao Pháp Viện phán quyết là thỏa thuận này không phải là một hiệp ước vốn cần phải có sự chấp thuận của thượng viện nhưng chỉ là “một thỏa thuận hành pháp” hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tổng Thống Benigno Aquino III.

Phán quyết của tòa án được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Ngoại Trưởng John Kerry và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter thảo luận với các vị đối tác phía Philippines ở Washington. Quyết định này sẽ mở cửa cho việc tháo khoán nhiều chục triệu đô la ngân sách mà Hoa Kỳ đã dành để giúp canh tân quân đội Philippines và các lực lượng khác. Philippines, trong nhiều năm bỏ bê, đã có một lực lượng quân sự yếu kém nhất vùng. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ được cho phép hạ cánh phi cơ và gửi chiến hạm đến nhiều căn cứ, cũng như đặt sẵn các quân cụ và tiếp tế ở Philippines.

Thượng Nghị Sĩ John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện đã có tuyên bố như sau về thỏa thuận này: “Với Manila thấy mình là mục tiêu của các cưỡng bách ở Biển Tây Philippines, và muốn trông cậy vào Washington để hướng dẫn, thỏa thuận này sẽ cho chúng ta những khí cụ mới để làm sâu đậm hơn liên minh với Philippines, nới rộng sự tiếp cận với Quân Đội Philippines, và gia tăng sự hiện diện của chúng ta ở Đông Nam Á.”

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài Hải Quân Đại Tá Bill Urban nói là thỏa thuận này sẽ có lợi cho cả hai quốc gia và sẽ giúp lực lượng Hoa Kỳ luân chuyển qua đất nước này cho những triển khai tạm thời. Nhưng thỏa thuận này ông nhấn mạnh “không cung cấp những căn cứ thường trực cho quân đội Hoa Kỳ ở Philippines.”

Trước đó, Philippines nói họ sẽ cho Hoa Kỳ sử dụng tám căn cứ, kể cả hai căn cứ trông ra Biển Đông, Căn cứ Không Quân Antonio Bautista và Căn Cứ Hải Quân Carlito Cunanan. Các viên chức cũng nói chắc là Căn Cứ Hải Quân ở Vịnh Subic, vốn đã có thời là một căn cứ khổng lồ của Hải Quân Hoa Kỳ và Căn Cứ Không Quân Clark cũng sẽ nằm trong số này.

Thỏa thuận này cũng hỗ trợ cho chiến thuật mới của Ngũ Giác Đài vốn kêu gọi “rải rác” các chiến hạm và chiến đấu cơ nếu cần để giảm thiểu đe dọa bởi kho vũ khí hỏa tiễn của Trung Cộng.
Cũng xin nhắc lại là sau Đệ Nhị Thế Chiến và nhất là sau sự sụp đổ của Liên Xô, Hoa Kỳ đã độc chiếm biển cả với không có một hải quân nào có thể đe dọa họ. Nhưng trong thập niên qua, Trung Cộng đã nhanh chóng xây dựng hải quân, chi tiêu nhiều chục tỷ đô la mỗi năm để sản xuất nhiều chục chiến hạm đủ loại và một kho hỏa tiễn đáng ngại nhằm chặn khả năng Hải Quân của Hoa Kỳ. Chính đe dọa đang lên của Trung Cộng đã khiến các vị chỉ huy Hải Quân của Hoa Kỳ vội vàng đi tìm một hỏa tiễn chống hạm cho tàu nổi.

Hải Quân cũng công nhận là Hoa Kỳ không còn có thể giả định là họ chế ngự đại dương. Ý tưởng cổ truyền cho một chiến dịch nhắm chính là phá hủy hệ thống phòng không và phòng vệ khác của kẻ thù nay được thay đổi bằng một lực lượng phản ứng nhanh nhưng không lộ diện, chống lại đối thủ nhưng không hẳn đạt chiến thắng rõ ràng.

Một phần của chiến thuật này đã khiến các viên chức quốc phòng tập trung vào việc tìm cách sử dụng những căn cứ không quân rải rác ở các đảo xa xôi ở Thái Bình Dương để giảm thiểu sự dễ bị tấn công của các căn cứ lớn trong tầm các hỏa tiễn của Trung Cộng.
 
Kể từ lần cuối một chiến hạm Hoa Kỳ bắn hạ một con tàu ngoại quốc là khi Khu trục hạm USS Simpson hạ một tiểu đỉnh của Iran sau khi thủy lôi của Iran đụng vào một tàu của Hoa Kỳ ở vùng Vịnh. Chiếc Simpson nay đã về hưu. Kể từ khi có cuộc đối đầu đó, hạm đội Hoa Kỳ đã phát triển những hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tinh vi, phi cơ drones, sonars, chiến đấu cơ phản lực mới và nhiều quân cụ khách. Nhưng Hải Quân vẫn còn sử dụng loại hỏa tiễn Harpoon chống hạm đã được dùng từ năm 1977.

Các sĩ quan cao cấp tin là các chiến hạm của Trung Cộng có thể bắn hạ hay né tránh các hỏa tiễn Harpoon già nua nếu có đụng trận, và cần phải có những vũ khí tinh vi hơn để có thể là chống lại hỏa lực của Bắc Kinh.

Trong khi chờ đợi, các nhà nghiên cứu đã chuyển đổi hỏa tiễn Tomahawk vốn làm ra để bắn vào mục tiêu trên bộ, cho nó có thể bắn một mục tiêu di chuyển trên biển và hôm Tháng 1 năm 2014, họ đã thử và các viên chức nói là thành công. Theo phát ngôn nhân Hải Quân, họ đã đưa vũ khí mới này vào hạm đội năm 2015.

Trong cuộc chạy đua vũ khí mới ở Á Châu Thái Bình Dương, các chỉ huy Hoa Kỳ đang cương quyết phải qua mặt Trung Cộng. Nhu cầu có thêm hỏa lực cho các tàu nổi của Hoa Kỳ, thay vì dựa vào hàng không mẫu hạm và tàu ngầm để tấn công, đã được ghi nhận trong khẩu hiệu không chính thức của các sĩ quan cao cấp “Nếu nó nổi là nó có thể chiến đấu.” Phó Đô Đốc Thomas Rowden, tư lệnh Lực Lượng Nổi của Hải Quân, kêu gọi gia tăng thêm hỏa lực cho hạm đội qua việc vũ trang các tàu tiếp tế.

Ngoài việc thúc đẩy phát triển vũ khí mới, đe dọa của Trung Cộng đã thay đổi các suy nghĩ chiến lược tại Ngũ Giác Đài.

Số lượng đáng kể và đủ loại các hỏa tiễn chống hạm và chống hàng không mẫu hạm của Trung Cộng khiến quân đội Hoa Kỳ không thể giả định là họ có thể qua lại Tây Thái Bình Dương tự do trong một cuộc chiến. Các hỏa tiễn của Trung Cộng có tầm bắn từ 100 đến 900 hải lý, vốn có tiềm năng chặn hải quân Hoa Kỳ không cho vào vùng tranh chấp ở Thái Bình Dương. Ngũ Giác Đài đặc biệt lo ngại về hỏa tiễn đạn đạo Đông Phong DF-21D vốn được gọi là hỏa tiễn chống mẫu hạm. Cộng với hỏa tiễn tuần du siêu âm YJ-18 trên các tàu ngầm, hai loại hỏa tiễn này có thể vô hiệu hóa các hàng không mẫu hạm và các chiến đấu cơ của tàu ở một khu vực quá xa bãi chiến trường.

Để tránh nguy cơ của các cuộc tấn công hỏa tiễn vào các phi đoàn ở Thái Bình Dương, các nhà kế hoạch quân sự nay muốn rải các chiến đấu cơ và vũ khí ra nhiều căn cứ, và che dấu sự di chuyển càng nhiều càng tốt. Chiến lược này không cần căn cứ lớn hay thường trực, nhưng cần những căn cứ tạm có thể dùng bất cứ lúc nào không cần bao nhiêu hạ tầng cơ sở.

Ngoài một lô các căn cứ ở Philippines, quân đội Hoa Kỳ đang tính kế hoạch sử dụng lại những hòn đảo ở xa trong Thái Bình Dương vốn đã đóng một vai trò quan trọng trong Đệ nhị Thế chiến. Từ Saipan đến Tinian, những hòn đảo một thời nay đang được tìm cách thuê lại, sửa chữa và chờ đợi.
Thành ra cùng với thỏa thuận Mỹ Phi, một trang mới trong chiến thuật Hải Quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương bắt đầu nghiêm chỉnh tìm cách đối phó lại với những khả năng gia tăng của Trung Cộng nhằm bảo vệ vị thế cường quốc số một của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét