khktmd 2015
Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016
Joan Nguyễn, người gầy dựng 4 trung tâm dạy kèm từ $3,000
Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người, khi mà mọi khát khao, hoài bão và ước mơ được hình thành, hun đút và thực hiện. Có lẽ ai cũng muốn sống thật trọn vẹn với tuổi trẻ của mình, để khi sau này nhìn lại sẽ không thấy hối tiếc. Đối với Joan Nguyễn, con đường biến ước mơ thành hiện thực của cô bắt đầu với duy nhất $3,000 trong tay để tự mở riêng mình một lớp học dạy kèm nhỏ, để rồi sau gần mười năm, là bốn trung tâm dạy kèm mang tên MeriEducation ra đời và hoạt động với hơn 2000 học viên và đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp.
Tôi hẹn gặp Joan tại trung tâm dạy kèm của cô ở Pasadena. Khác với tưởng tượng, Joan nhìn trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 30 và thần thái năng động, tự tin và cởi mở của mình.
Sinh ra và lớn lên tại Rosemead sau khi bố mẹ vượt biên qua Mỹ vào năm 1980, Joan và gia đình gặp nhiều khó khăn ở cuộc sống nơi xứ người. Với hai bàn tay trắng và vốn tiếng Anh ít ỏi, bố mẹ cô phải làm việc rất vất vả để lo cái ăn, cái mặc cho gia đình. Đối với cô bé sinh ra và học ở môi trường Mỹ, Joan từng gặp nhiều trở ngại trong việc thích nghi giữa lối sống, cách suy nghĩ ở xứ người và truyền thống Việt Nam trong gia đình.
“Khi học trung học, tôi bắt đầu không hiểu bài. Bài vở như ám ảnh tôi,” cô kể lại. “Bố mẹ gửi tôi vào một trung tâm dạy kèm ở Rosemead, nhưng tất cả những gì tôi học được rất ít ỏi. May mắn là tôi tốt nghiệp trung học và được nhận vào trường University of California, Riverside.”
Bước vào ngưỡng cửa đại học, Joan bắt đầu với việc chọn ngành nào phù hợp với mình.
“Tôi không biết mình sẽ học cái gì, và sau này làm nghề gì. Như những gia đình Á Châu khác, bố mẹ tôi muốn trở thành bác sĩ, luật sư hay dược sĩ, nhưng những điều đó dường như lại không phù hợp với tôi,” cô chia sẻ. “Sau đó, tôi chọn học Luật, không phải vì bố mẹ tôi muốn, mà vì tôi rất thích đọc và cảm thấy thích thú với luật Kinh Doanh.”
Tìm ra sự hứng thú trong ngành mình thích, Joan chăm chỉ học và đạt được thành tích tốt. Cô được nhận làm thực tập cho văn phòng nghị sĩ Hilda Solis và là thực tập sinh trẻ tuổi nhất lúc đó. Trong một dịp làm tình nguyện viên cho một tổ chức phi lợi nhuận American Red Cross, cô nghĩ ra sáng kiến thiết kế quần áo, mẹ cô may, sau đó bán online trên mạng rồi lấy tiền giúp đỡ các nạn nhân bị ảnh hưởng của trận bão Katrina năm đó.
“Tôi bắt đầu có hứng thú với thiết kế thời trang, và tôi nghĩ đến sáng kiến thiết kế rồi bán quần áo trên mạng như tôi đã làm trước đó cho American Red Cross. Tôi quyết định ngừng học Luật và làm thiết kế thời trang trong một năm,” cô kể lại.
“Lúc đó tôi chỉ có một ý nghĩ trong đầu là đó là điều muốn làm; mà tính tôi thì nếu quyết định làm, thì tôi sẽ cố gắng hết sức làm và không bao giờ bỏ cuộc,” cô cho biết.
Đến năm 2007, nền kinh tế đi xuống, việc kinh doanh cũng từ đó mà bị ảnh hưởng. Joan, lúc đó ngoài thiết kế thời trang, bán online và đi học, cô còn nhận dạy kèm để kiếm tiền thêm.
“Cuộc sống gia đình khó khăn từ nhỏ dạy tôi phải tự lập. Từ khi 17 tuổi, tôi đã tự kiếm tiền và nuôi bản thân mình. Tôi không muốn dựa dẫm vào bố mẹ,” cô kể. “Lúc nền kinh tế bị khủng hoảng, không thể kiếm tiền từ việc bán quần áo online, tôi bắt đầu suy nghĩ mình nên làm gì, và phải làm như thế nào.”
Đối với người trẻ, khi gặp thất bại đầu đời, họ thường hay sợ hãi và mất phương hướng. Nhưng đối với Joan thì không.
“Tập trung vào một việc, và làm hết sức mình; đó là động lực của tôi lúc đó,” Joan nói.
Cùng năm đó, Joan tốt nghiệp đại học. Song song đó, cô bắt đầu tập trung vào việc dạy kèm và nhận nhiều học sinh ở nhiều nơi hơn. Sau gần một năm vừa đi học, vừa đi dạy kèm, Joan bắt đầu lên kế hoạch tiếp theo cho mình.
“Khi đi dạy kèm, học sinh ở nhiều nơi khác nhau. Có khi tôi chạy lên Riverside, rồi lại ngược về Orange County, rồi có khi ở Malibu, hay Los Angeles. Tôi bắt đầu suy nghĩ, hay là mình ở một chỗ, rồi học sinh đến chỗ mình, như vậy có thể tiện lợi hơn không?,” Joan nói.
Tháng Mười năm 2008, cô quyết định dùng hết số tiền mình dành dụm được, đi tìm mặt bằng và thuê một căn phòng trong một toà nhà để mở lớp học dạy kèm ở Riverside.
“Tôi còn nhớ lúc đó lớp học rất nhỏ, căn phòng chỉ có hai cái bàn và hai cái ghế, và một mình tôi với học sinh của mình,” Joan nhớ lại. Nhưng chính từ nơi đây hình thành nên một hệ thống trung tâm dạy kèm hiện đại và nổi tiếng sau này.
“Thật sự nghĩ lại, khi ấy tôi chỉ là đứa 21 tuổi. Khi tôi quyết định mở lớp học, tôi không biết là điều gì sẽ xảy ra với mình tiếp theo. Tôi không biết là học sinh có đến chỗ tôi để học không, hay tôi có đủ tiền để trả tiền thuê cơ sở không. Tôi sợ, nhưng tôi nghĩ nếu tôi cố gắng hết sức, mọi chuyện sẽ ổn,” Joan nói.
Lớp học từ từ được mở rộng. Học sinh bắt đầu đến đông hơn, Joan bắt đầu thuê thêm một căn phòng bên cạnh. Tháng Một năm 2009, cô mướn nhân viên đầu tiên của mình.
“Khi học sinh đến nhiều hơn, một mình tôi không cán đáng được hết. Nhân viên đầu tiên của tôi là Max, khi đó mới 18 tuổi, anh ấy phụ giúp tôi dạy kèm cho học sinh. Và cho đến bây giờ, cậu ấy hiện là giám đốc điều hành của trung tâm dạy kèm của tôi,” Joan cười, nói.
Từ một căn phòng, thành hai căn phòng, sau đó lại thêm ba, rồi thành bốn phòng. Lớp học dạy kèm của Joan càng lúc càng mở rộng, khiến cô một lần nữa lên kế hoạch khác cho mình. “Mọi thứ thay đổi, mình cũng phải thay đổi, chứ không thể nào dẫm chân tại chỗ được,”- đó là điều Joan suy nghĩ lúc đó.
Tháng Tư năm 2010, Joan mở trung tâm dạy kèm mang tên MeriEducation quy mô lớn lần đầu tiên tại Riverside. Đó chính là quyết định gây nhiều thử thách cho Joan nhất trong thời điểm đó.
“Tôi không biết gì nhiều về quá trình mướn cơ sở lớn, xin giấy phép ra sao. Thậm chí, người chủ toà nhà hỏi tôi với vẻ mặt ái ngại, “cô thật sự có đang biết mình làm gì không?” khi đứa con gái như tôi mặt mũi non choẹt đến mướn mặt bằng làm trung tâm dạy kèm. Lúc đó, tôi chỉ biết cười,” Joan nhớ lại.
Câu nói “thuyền to sóng to” của người xưa là câu nói minh hoạ rõ nét nhất hoàn cảnh của Joan lúc đó. Trung tâm mới mở, mọi thứ đều rất chậm, và một mình cô phải gánh vác hết tất cả. Cô vừa lo cho trung tâm, vừa phải tìm tòi thêm sách vở để biết cách điều hành.
“Quy mô lớn hơn, tất nhiên nhiều thứ để lo hơn. Không còn là một, hai lớp học như ngày xưa, trung tâm tôi mở đẻ ra nhiều công việc đòi hỏi rất nhiều sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Tôi phải làm tất cả mọi thứ; từ quét dọn nhà vệ sinh, làm kế toán, lên kế hoạch nhân sự, đến việc tiếp thị, thiết kế quảng cáo cho trung tâm, soạn giáo án và làm giáo viên dạy kèm,” cô kể, “nếu như một công ty có nhiều bộ phận, nhân viên phụ trách ở các lĩnh vực khác nhau, thì ở trung tâm đầu tiên đó, tôi là tất cả bộ phận làm hết mọi chuyện.”
Joan kể, thời điểm đó là một thử thách rất lớn đối với cô, vì mọi thứ không hề đơn giản, dễ dàng và rất áp lực. Bạn bè của cô ai nấy đều có công việc ổn định, nhẹ nhàng và thành công; trong tuần họ đi làm, cuối tuần họ tụ tập, đi chơi và dành thời gian nghỉ ngơi. Còn đối với Joan, một ngày 24 tiếng dường như không đủ.
“Tôi làm việc bảy ngày trong tuần, từ sáng cho đến tối mịt mới về đến nhà. Ai cũng nhìn tôi và bảo tôi nên dừng lại, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn để thư giãn, và để tìm đi hướng đi khác cho mình,” Joan nhớ lại.
“Nhưng tôi lại nghĩ khác, tôi cảm thấy mình rất may mắn vì mình có được công việc mà nó khiến mình phải làm cật lực và đam mê,” Joan nhấn mạnh.
Sự chăm chỉ làm việc không ngừng của Joan được đền bù xứng đáng. Sau một thời gian hoạt động, trung tâm nhận nhiều học sinh hơn và mỗi lúc càng đông. Năm 2012, trung tâm thứ hai ra đời ở Redland. Năm 2013, cơ sở thứ ba đi vào hoạt động ở Newport Beach. Và đến đầu năm 2015, trung tâm thứ tư và là trung tâm lớn nhất hiện nay được thành lập ở Pasadena.
Điều gì khiến MeriEducation bắt đầu từ một lớp học nhỏ trở thành bốn trung tâm dạy kèm chuyên nghiệp như hiện nay?
“Khác với những chỗ dạy kèm khác, ở đây mọi thứ đều được quan tâm đến từng chút một. Học sinh được dạy kèm theo kiểu “one all one”, tức là một gia sư kèm một học sinh. Tất cả các buổi học đều được thiết kế riêng biệt phù hợp với từng em,” Joan giải thích.
Ngoài ra, Joan cho biết cô là người rất cầu tiến và ham học hỏi, nên tất cả những công nghệ mới tiên tiến đều được cô tìm tòi và áp dụng vào MeriEducation.
“Tôi làm mọi thứ có thể dễ dàng và tiện lợi cho học sinh và phụ huynh. Khi các em muốn dạy kèm, phụ huynh có thể gọi điện thoại hay gửi tin nhắn để đặt hẹn, và mọi thứ đều được ghi lại và trả tiền qua hệ thống máy tính tự động,” cô chia sẻ.
Ông Bo, hiện có con đang học tại MeriEducation cho biết, cô cảm thấy rất an tâm khi gửi con tại đây.
“Hai đứa con của tôi đã đi học ở nhiều trung tâm dạy kèm khác nhau, nhưng không ở đâu là bằng ở MeriEducation. Hai đứa con của tôi có lẽ sẽ không vào được trường USC nếu như không có sự hướng dẫn và dạy kèm ở trung tâm,” ông Bo nói.
Bằng kinh nghiệm của mình rút ra được từ lúc được bố mẹ gửi đi học ở trường dạy kèm, Joan nhận ra rằng, trung tâm MeriEducation phải trở thành một nơi mà các em đến học và cảm thấy như là nhà của mình,” Joan nói. “Đặc biệt, tạo ra mối quan hệ với các em là điều quan trọng nhất.”
Joan kể lại, từ lớp học đầu tiên ở căn phòng nhỏ ở Riverside, đến bây giờ, cô vẫn còn giữ liên lạc với học sinh đầu tiên của mình.
“Học sinh đầu tiên của tôi tên là Taylor. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau; tất cả ba người em của Taylor sau đó đều học ở MeriEducation,” Joan cho biết. “Rất nhiều học sinh sau khi học ở đây đều giữ liên lạc với chúng tôi; nhiều lúc tôi nhận được tin nhắn của họ hỏi thăm sức khỏe, và có khi, họ lại muốn hỏi ý kiến của tôi về công việc hay cuộc sống. Đó là điều làm tôi thấy hạnh phúc,” Joan nói.
Allison Cheng, 16 tuổi, hiện đang học ở MeriEducation, Pasadena cho biết cảm thấy rất thân thuộc và thoải mái mỗi lần đến trung tâm.
“Các gia sư giúp đỡ em rất nhiều; họ tận tình chỉ dạy cho em và kiên nhẫn giảng bài cho đến khi nào em hiểu mới thôi. Hầu như ngày nào em cũng đến đây học bài mặc dù không đăng ký lớp học, vì em cảm thấy thoải mái và tập trung,” Allison chia sẻ.
Đối với Haley Rose Lenz, 13 tuổi, học ở MeriEducation, Pasadena nói rằng việc học của mình được cải thiện đáng kể.
“Trước khi đến đây, đa số điểm của em là D hoặc F. Nhưng khi ba mẹ gửi em đến MeriEducation, gia sư giúp em lấy lại căn bản và chỉ sau ba tuần, điểm của em tăng lên A và B và chỉ có một con C,” Haley nói.
Quản lý bốn trung tâm dạy kèm ở các nơi khác nhau là điều không đơn giản, nhưng với Joan, đó là thử thách và niềm vui của cô.
“Tôi là người rất kỹ lưỡng và tinh tế; tôi tạo ra nhiều vai trò khác nhau cho nhân viên của mình và mọi thứ phải được quản lý và thực hiện kỹ và chính xác,” cô nói. “Mỗi tháng, bốn trung tâm đều có một ngày “audit”, tức là kiểm tra xem mọi thứ có “chạy êm xuôi” như được đề ra hay không. Tôi để ý từng chi tiết nhỏ nhất, ví dụ như mùi hương khi mới bước vào MeriEducation có đủ thơm hay không.”
Ngoài ra, theo Joan, điều quan trọng nhất chính là tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp nhưng gần gũi với nhân viên của mình.
“Khi tôi thực tập ở văn phòng nghị sĩ lúc 19 tuổi, cấp trên của tôi khi không vừa ý thì sẵn sàng la mắng tôi. Lúc đó tôi không nói gì mà chỉ im lặng. Nhưng dần dần, tôi học được rằng tôi cần phải lên tiếng, và lên tiếng một cách tinh tế,” cô cho biết. “Khi tôi thấy nhân viên làm không đúng, tôi không giả vờ mà nói thẳng và liền ngay lập tức cho người đó biết đó là điều sai và cần được sửa lại. Việc nói thẳng và la mắng là hai việc hoàn toàn khác nhau.”
Joan quản lý trung tâm và nhân viên của mình bằng tất cả sự chân thành và quan tâm. Nhân viên của cô đến làm việc cũng bằng sự quan tâm và cầu tiến trong công việc.
“Chúng tôi là một gia đình,” Joan nói.
Stella Cho, là nhân viên thứ ba của Joan từ lớp học nhỏ ở Riverside, hiện đang làm giám đốc tiếp thị cho trung tâm cho biết, Joan chính là tấm gương cho cô và tất cả nhân viên nhìn theo.
“Joan tạo rất nhiều cảm hứng cho tôi. Cô ấy từ một người không có gì trong tay nhưng bằng sự chăm chỉ, quyết tâm và tinh thần cầu tiến, cô ấy trở thành người chủ của bốn trung tâm dạy kèm nổi tiếng. Nhưng điều làm tôi ngưỡng mộ cô ấy nhất chính là dù đã thành công, Joan vẫn làm việc hết sức chăm chỉ; cô ấy là người đến sớm nhất và cũng là người ra về trễ nhất,” Stella chia sẻ.
“Đó cũng chính là tinh thần mà Joan tạo ra cho chúng tôi và tất cả các học sinh,” Stella nói, “Với tất cả tâm huyết và nỗ lực của mình, mọi thứ sẽ thành công. Và khi đã đạt được điều mình muốn, Joan dạy chúng tôi là không ngủ quên trên chiến thắng mà phải cố gắng nhiều hơn nữa.”
Tháng Mười Một năm 2015 vừa qua, Joan Nguyễn được nhận giải đồng của giải thưởng “Steve Award” dành cho các phụ nữ kinh doanh. Đây là giải thưởng thường niên nhằm mục đích vinh dự những phụ nữ có ước mơ và phát triển sự nghiệp trong ngành kinh doanh.
Sau bốn trung tâm dạy kèm, Joan còn đầu tư và phát triển ứng dụng dạy kèm trên điện thoại hoặc máy tính bảng với mục đích tạo ra lớp học online “one all one” chuyên nghiệp và nghiêm túc.
“Ứng dụng sẽ là công cụ để học sinh toàn thế giới có cơ hội được học và phát triển kiến thức của mình,” Joan chia sẻ.
Ngoài ra, Joan tiếp tục có những kế hoạch cho MeriEducation và cho chính bản thân cô.
“Mỗi ngày khi thức dậy, tôi đều luôn ý tưởng trong đầu. Và mục tiêu của tôi là biến chúng thành hiện thực,” cô nói.
“Tôi và các nhân viên của mình đang lên kế hoạch thiết kế và phát hành cuốn tạp chí điện tử. Song song đó, tôi quay lại niềm đam mê thiết kế thời trang của mình; cửa hàng bán quần áo online được mở ra lại với tên gọi là Spotted Moth,” Joan hào hứng chia sẻ.
Nhìn lại con đường mình qua sau gần 10 năm khi bắt đầu ở tuổi 21, Joan chỉ cười nhẹ và nói:
“Tôi không cảm thấy tự hào mà trái lại tôi nghĩ mình đã có thể làm tốt hơn nhiều thứ,” cô chia sẻ.
“Nhưng tôi không bao giờ tiếc nuối; tôi nhìn lại để biết mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.”
Tuổi trẻ, ước mơ, hoài bão và hiện thực. Từ ước mơ hình thành nên hoài bão; từ cố gắng, tuổi trẻ biến hoài bão thành hiện thực. Con đường đi đó là cả một quá trình tôi luyện và vấp ngã; để cuối cùng mới đi đến hai chữ thành công. Và Joan đã làm được điều đó. Nhưng có lẽ, cô sẽ không bao giờ dừng lại, mà tiếp tục chinh phục một đỉnh núi khác.
“Đối với tôi, sống với hết đam mê, niềm tin và sự nỗ lực của mình, thì mọi thứ dù có trải qua như thế nào thì cuối cùng cũng đến thành công,” Joan nói.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét