khktmd 2015
Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015
Tinh thần hoà giải dân tộc - Tác Giả Hồ Bạch Thảo
Phải nói ngay rằng, trong hoàn cảnh kẻ thù chờn vờn ngoài cửa ngõ, việc hoà giải dân tộc là điều bắt buộc ; lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc chứng minh rõ điều đó :
Thời nước ta mới lấy lại được độc lập, Lê Hoàn, tức vua Lê Đại Hành, giành ngôi của nhà Đinh [980]. Vị vua mới này, có đủ bản lĩnh duy trì khối đoàn kết quốc gia, tạo sức mạnh chiến thắng quân Tống trên đường xâm lăng. Thay vì thông lệ “ Một phen thay đổi sơn hà ” thường có chủ trương “ Nhổ cỏ, phải nhổ cho hết rễ ” ; vua Lê Đại Hành đã giữ mạng sống vua cũ Đinh Toàn, phong chức Vệ vương. Đinh Toàn hợp tác với chính quyền mới ; mãi đến năm 1001, trong một trận chống giặc tử trận. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép “ Giặc bày trận hai bên bờ sông chống lại, quan quân bị hãm giữa sông, vua cũ là Vệ vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua [Lê Đại Hành] kêu trời ba tiếng, rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ.”
Đến đời nhà Trần có cuộc khủng hoảng rất lớn, tưởng chừng có thể làm lung lay cả triều đại. Bấy giờ Chiêu Thánh Hoàng hậu [tức Lý Chiêu Hòang], chánh cung của vua Trần Thái Tông không có con. Thái sư Trần Thủ Độ rắp mưu đem Công chúa Thuận Thiên họ Lý, [vợ của An Sinh vương Liễu, anh ruột nhà vua] lúc bấy giờ đang có thai ba tháng, làm vợ vua Trần Thái Tông, để mong có con nối dõi. Việc làm loạn luân này, khiến Liễu tức giận họp quân trên sông Cái nổi loạn. Đến hai tuần sau, Liễu tự lượng thế cô khó lòng chống được, ngầm đi thuyền độc mộc, giả làm người đánh cá đến chổ vua Thái Tông xin hàng :
“ Lúc ấy vua đang ở trong thuyền, anh em nhìn nhau khóc. Trần Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền vua, rút gươm thét lớn :
– Giết thằng giặc Liễu.
Vua giấu Liễu trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Độ :
– Phụng Càn Vương [tước hiệu cũ của Liễu thời triều Lý ] đến hàng đấy.
Rồi lấy thân mình che cho Liễu.”
Nhà vua lại cử Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn con An sinh vương Liễu làm tổng chỉ huy quân đội ; việc làm này biểu lộ tinh thần hoà giải và tấm gương can đảm, dám dùng người giỏi. Hưng Đạo vương lập công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, cũng là nhân vật triệt để thực hiện tình đoàn kết. Sử chép An sinh vương Liễu vẫn ôm mối thù xưa, lúc sắp mất cầm tay Trần Quốc Tuấn giối giăng rằng :
Con mà không vì cha lấy thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”
Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.
Lại có lần Quốc Tuấn đem chuyện ấy vờ hỏi Hưng nhượng vương Quốc Tảng. Quốc Tảng thưa :
Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.
Quốc Tuấn rút gươm kể tội :
Tên lọan thần là đứa con bất hiếu mà ra.
Định giết Quốc Tảng. Con trưởng Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Rồi ông dặn Hưng Vũ Vương :
Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng. 3
Lúc này vua tôi, quân dân một lòng, nội bộ đoàn kết vững vàng ; nên có thể đánh tan âm mưu chia rẽ của kẻ ngoại xâm, cầm đầu bởi vua Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt .
Dưới thời quân Minh cai trị, sau những cuộc phấn đấu của tôn thất nhà Trần như Giản Định Đế, Trần Quý Khoách bị thất bại ; con cháu nhà Trần gồm Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi, cháu ngoại Tư đồ Trần Nguyên Đán, lặn lội vào Thanh Hoá phò Lê Lợi. Những bậc đại trí như Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi thừa biết rằng một khi thành công, chưa hẳn nhà Lê đã dung tha cho con cháu nhà Trần cũ ; nhưng vì đại nghĩa chống ngoại xâm, họ đã hợp tác nhiệt thành, giành lại độc lập cho nước nhà.
Thời Lê mạt, bậc khoa bảng nổi tiếng Tiến sĩ Ngô Thời Nhậm hợp tác với nhà Tây Sơn. Ông hiến kế tạm rút quân từ thành Thăng Long về Tam Điệp, như “ cho chúng tạm ngủ trọ một ít ngày ” ; để cuối cùng làm nên đại thắng, đánh tan đạo quân xâm lăng của Tôn Sĩ Nghị.
Ôn qua lịch sử từ các đời Tống, Trần, Lê, Nguyễn khẳng định tinh thần đoàn kết hoà giải, là yếu tố hàng đầu để giữ nước.
Tiếp đến câu hỏi quan trọng cần được đặt ra ; nên làm gì để hoà giải :
Thứ nhất, thiết tưởng cần có tinh thần rộng rãi, chấp nhận người khác có thể có cái nhìn khác mình ; không nên chấp nhất hẹp hòi, kèn cựa nhau từng chi tiết vụn vặt. Ca dao cổ có câu :
Thương nhau cau sáu, bổ ba,
Ghét nhau cau sáu, bổ ra làm mười.
Các bạn trẻ ngày nay không biết ăn trầu, nên không biết đến sự trân trọng của miếng trầu ngày xưa. Tống Sử ghi lại phúc trình của viên Sứ thần Tống Cảo trình lên lên vua Tống Thái Tông về chuyến đi An Nam ; dịp này Cảo được mời ăn trầu như sau “ [Lê] Hoàn ghìm ngựa, cúi đầu, sau khi hỏi thăm sức khoẻ Thiên tử, buông cương cùng đi. Lúc bấy giờ đem trầu cau ra mời, nhai trên lưng ngựa ; đó là phong tục hậu đãi tân khách.”
Nay trở lại câu ca dao trên, ý nghĩa nằm trong bối cảnh thời xưa, hôn nhân quyết định bởi cha mẹ, tục ngữ có câu “ Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy ” ; trai gái không thể biểu lộ một cách thẳng thắn “ Anh yêu em, em yêu anh ” như ngày nay. Bấy giờ người con gái tuy bị động, nhưng cũng kín đáo tìm cách biểu lộ tình cảm mình, qua việc têm trầu mời khách nhà trai. Trường hợp thương người con trai thì quả cau đáng bổ làm 6 miếng, thì bổ thành 3 miếng, khiến miếng cau to, xơi với trầu đặm đà hơn ; nếu không bằng lòng thì tỏ thái độ khác, bằng cách bổ nhỏ trái cau thành 10 miếng. Vậy “ cau sáu, bổ ba ” biểu tượng sự cởi mở, hoà hợp.
Liên hệ thực tế, qua bài Tiếc Thương Trần Hạnh của anh Nguyễn Ngọc Giao đăng trên Diễn Đàn ngày 7/9/2015, nhắc đến cụ thân sinh anh Trần Hạnh là người tin Phật, có lẽ không muốn cho con cháu ôm lấy cái “ nghiệp ” quá khứ, để tư tưởng và hành động được tự do; nên đã nén lòng đốt chiếc áo vấy máu của ông nội anh Hạnh :
“ Mấy năm sau, ông qua Mỹ theo diện HO. Hạnh kể lại cái tết đầu tiên, họp mặt đầy đủ toàn thể gia đình ở California. Ông mang ra cái áo cũ, còn thấy vết máu. Đó là cái áo của cụ thân sinh bị giết tết Mậu Thân ở Huế, mà một người chú của Trần Hạnh đã gìn giữ cho con cháu dòng họ. Không một lời, ông đã đốt cái áo ấy, như người ta đốt vàng mã trong ngày tết gia đình sum họp tưởng nhớ tổ tiên.”
Sau đó trên FaceBook, anh Hoàng Ngọc Tuấn, cũng là người bạn anh Hạnh, bảo rằng có một vài điểm anh Giao kể lại, anh Tuấn chưa được nghe, và thuật lại sự kiện trên như sau :
“ Mấy năm sau đó, khi gia đình đã đến định cư ở Mỹ, trong cái Tết sum họp đầu tiên ở California, cha của anh có kể cho tất cả các con một câu chuyện rằng, trước khi rời Việt Nam, ông đã thắp nhang khấn vái trước bàn thờ cha của ông và xin phép được đốt một di vật. Đó là chiếc áo vấy máu của cụ khi cụ bị giết trong Tết Mậu Thân mà gia đình còn giữ lại cho con cháu tưởng niệm. Ông đã khấn vái rằng nhờ phước đức tổ tiên mà bây giờ cả gia đình sắp qua Mỹ để sống một cuộc đời mới, nhưng vì quá xa xôi và chưa biết đến khi nào mới có thể trở về với quê cha đất tổ, nên ông xin đốt di vật này và cầu nguyện cho hương linh của cụ được mỉm cười nơi chín suối.”
Tôi thấy qua 2 bài, anh Giao và anh Tuấn thuật lại đại thể giống nhau ; chẳng khác gì hai tấm ảnh chụp nghiêng từ hai bên trái, bên phải của một chân dung. Hai tấm hình tuy có chung mũi, nhưng lỗ tai trái, phải khác nhau ; chi tiết anh Giao có, chưa hẳn anh Tuấn đã có. Bởi vậy tôi tâm đắc bài của anh Hiệp, trong diễn đàn Vietnam-issue, biểu lộ tinh thần thông cảm cởi mở. như sau :
“ (1) Anh H N Tuấn nói là anh "chưa bao giờ nghe Hạnh nói..." không có nghĩa là Trần Hạnh không nói câu nói của cha anh cho những người khác.
Anh H N Tuấn cũng sai khi nói là ai ở miền Nam trước 75 sẽ ngạc nhiên khi cha anh Hạnh dặn dò cố gắng học hành không nên tham gia chính trị.
Dặn dò này thật sự rất phổ thông cho những sv sắp sửa du học ở các nước phương Tây. Ngay cả tôi cũng được cha mẹ dặn dò như vậy. Vì ở miền Nam biết rằng một số sv du học đã tham gia phong trào phản chiến và gây khó khăn cho gia đình và chính phủ VNCH. Năm 1973, các sv du học ở Cộng hòa Liên bang Đức đã phản đối TT thiệu khi ông công du Âu châu với hệ quả là chinh phủ VNCH cấm không cho sv du học qua Đức nữa và không cho gia đình chuyển ngân cho sv
(2) Cũng vậy, Trần Hạnh "chưa bao giờ nói.." cho anh HN Tuấn, không có nghĩa là Trần Hạnh không nói cho Nguyễn Ngọc Giao vì tùy đối tượng anh Hạnh sẽ nói những gì cần trong bối cảnh khác nhau. Anh Giao thuộc phe phản chiến trước đây nên câu nói "Bỏ qua đi. Nếu bên mình thắng có lẽ đối xử với bên kia còn tệ hơn" thích hợp hơn khi anh Hạnh và gia đình qua Pháp gặp gia đình anh Giao chứ anh không nói cho anh HN Tuấn làm gì . Cho nên tôi nghĩ anh HN Tuấn có thể vội vã khi nói anh Giao là tưởng tượng đặt ra. A benefit of the doubt should be given here.
(3) Những lời kể về đốt chiếc áo máu của anh H N Tuấn và anh N N Giao thuật lại có chi tiết khác nhau nhưng làm sao không nghĩ có thể là do trí nhớ của mổi cá nhân hơi trệch. Tôi đã gặp và quen biết anh H N Tuấn và anh N N Giao và qua các cơ hội nói chuyện và tiếp xúc tôi thấy cả hai đều là những người đàng hoàng, có integrity mặc dầu nhận định và chính kiến khác nhau.”
Thứ hai, nên thành thật, bắt đầu từ những điểm đồng thuận, rồi từ từ khai triển ra những chỗ dị biệt. Có vài bạn cực đoan nói rằng không có gì đồng thuận với Cộng sản cả. Xin trả lời : ít ra chúng ta cũng đều ăn cơm, hãy nói về cơm trước, còn phở và hủ tíu tạm hoãn lại sau. Một khi đã thông cảm rồi, thì hiểu rằng cơm, bánh phở, bánh hủ tíu, cũng từ gạo mà ra ! Về điểm này tôi có chút kinh nghiệm, xin được phép thuật lại :
Trước năm 2007, tôi gửi một số bài viết đăng trên báo Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài. Từ nhân duyên này, tôi được quen với anh D. tại Hà Nội. Anh là người rất thích khảo cứu lịch sử, muốn giúp tôi in sách tại Hà Nội. Tôi gửi anh bản dịch những văn bản trong Thanh Thực Lục, liên quan đến chiến tranh Thanh – Tây Sơn. Anh liên lạc với Nhà xuất bản Hà Nội, thuộc Thành uỷ Hà Nội, để nhờ xuất bản. Khoảng năm 2008 tôi về Hà Nội, được ông Giám đốc Nhà xuất bản Hà nội, Thạc sĩ Nguyễn Khắc Oánh mời đi ăn. Trong bữa tiệc tiệc, ngoài các anh làm việc cho Nhà xuất bản tôi quên tên, còn có nhà văn Đào Hùng con cụ Đào Duy Anh và anh D. ; bữa tiệc vui vẻ, ông Giám đốc hứa sẽ xuất bản sách.
Sau đó khoảng 1 năm, bộ Thanh Thực Lục xuất bản tại Việt Nam, bộ này trước kia in tại Mỹ gọi là Cao Tông Thực Lục. Tiếp đó Nhà xuất bản có dự định xuất bản 1.329 văn bản Minh Thực Lục liên quan đến Việt Nam do tôi dịch và tái bản Thanh Thực Lục. Qua sự trung gian của anh D., tôi làm việc với một số chuyên viên sử học trong nước qua internet, nhưng không biết tên, biết mặt. Chúng tôi làm việc có hiệu quả, thỉnh thoảng có một vài bất đồng nhưng đã giải quyết được. Ví dụ văn bản về việc Trương Phụ được Minh Thái Tông thăng chức, tôi đã dịch, nhưng không được đưa vào ; họ căn cứ vào tiêu chí chỉ in những văn bản liên quan đến Việt Nam thôi, nên tôi đành nhượng bộ. Có những đoạn bị sửa, tôi biện luận lại, thì được họ nhượng bộ.
Năm 2010 bộ Minh Thực Lục in xong và Thanh Thực Lục tái bản ; tháng 11 tôi về nước, anh D. báo cho Nhà xuất bản Thăng Long hay. Nhà xuất bản cho tổ chức lễ ra mắt sách tại hội trường thư viện Hà Nội. Trong buổi ra mắt sách, anh D. đảm trách điều hành, trên bàn thuyết trình ngoài ông Giám đốc Nguyễn Khắc Oánh, còn có các G.S. Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường, G.S. Tiến sĩ Tạ Ngọc Liễn, nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm Hoàng Quân. Bây giờ tôi mới biết ba vị này đã từng làm việc với tôi trên internet, qua trung gian của anh D. Đến lượt trình bày, tôi chỉ nêu lên 2 ý của người xưa : Thứ nhất cụ Nguyễn Văn Tố từng có ý kiến rằng Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim tuy tạm đủ, tuy nhiên cần dịch tất cả các sử liệu nước ngoài, đặc biệt là Bắc sử, để bổ sung vào kho tàng lịch sử nước nhà. Thứ hai trong thư Phan Đình Phùng gửi Hoàng Cao Khải, nhận định lịch sử nước ta là chỗ dựa bất biến vững chắc nhất. Hội trường rất đông người, nhưng tôi chỉ nhớ một vài vị phát biểu ý kiến như : Dân biểu quốc hội Dương Trung Quốc, Cựu Lãnh sự Quảng Châu Dương Danh Di, G.S. Ngô Đức Thọ, G.S. Trần Thị Băng Thanh, nguyên Viện trưởng Hán Nôm Trần Nghĩa ; nói chung không ai phản đối việc làm của tôi.
Phải nói rằng tôi rất muốn in sách lịch sử trong nước, vì một ám ảnh thời niên thiếu. Đó là thời Cải cách ruộng đất năm 1955 ; tôi sống tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh ; thời đó xung quanh tôi, thanh thiếu niên nam nữ hát rầm ran bài hát sau đây :
“ Thằng phong kiến thường hay nói rằng,
Giàu nghèo hay đói no, đều do tại số,
Đừng nghe lời quân gian tham,
Bần cố trung nông ta ơi !.....”
“ Thằng phong kiến ” tức các triều đại quân chủ nước ta từ họ Hồng Bàng cho đến nhà Nguyễn ; theo tác giả bài hát này thì các triều đại này đều xấu. Cho dù tôi có viết cả trăm bài để cải chính vấn đề này cũng không tác dụng ; nên chỉ lẳng lặng dịch nguyên văn các văn bản từ sử Trung Quốc về việc phấn đấu giữ nước của vua chúa nước ta thời xưa, chữ nào nghĩa nấy, có nguyên văn chữ Nho đính kèm, chắc có tác dụng hơn.
Đúng như tôi nghĩ, khoảng một năm sau một bạn trẻ trong nước gửi Email cho tôi, cho biết trong khi đọc Minh Thực Lục anh rất cảm động việc con gái vua Lê Lợi mới 9 tuổi, bị Nội quan Mã Kỳ đánh phá nhà, bắt đem về Trung Quốc. Nhưng sau khi thoả thuận với Vương Thông để quân Minh rút lui, đất nước được hoà bình ; vua Lê Lợi vì việc nước, phải dằn lòng quên thù riêng, cấp thuyền cho Mã Kỳ trở vể Trung Quốc an toàn. Sau đó nhà vua tỏ ra mềm dẻo gửi thư sang Trung Quốc xin lại con 5, nhưng vua Tuyên Đức báo tin rằng con đã chết !
Ngoài ra với những điều nhận xét sau đây, tôi cảm thấy không bị làm khó, trong việc in sách :
– Gần 3.000 trang sách trong bộ Minh Thực Lục, và 600 trang trong Thanh Thực Lục, hoàn toàn không có những từ liên quan đến hiện đại, như đảng Cộng sản v v…
– Theo yêu cầu của tôi, tại trang đầu bộ Thanh Thực Lục có ghi hàng chữ sau đây “ Kính dâng hương linh Thân phụ và Thân mẫu, ông bà Hồ Lê Phồn ” ; mặc dù qua lý lịch ai cũng biết thân phụ và thân mẫu tôi là “ địa chủ phản động ”, chết trong cải cách ruộng đất.
– Trong buổi ra mắt sách tại thư viện Hà Nội, không phải dự lễ chào cờ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét