khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Viagra, đâu là giới hạn của sức khỏe - Tác giả Bs Nguyễn Tiến Cảnh






Khoa học, đặc biệt y khoa, càng ngày càng phát triển và tiến bộ vượt mức tưởng tượng của con người. Khoa học đã có thể làm ra một con vật hoặc một con người giống y chang nhau (clone) mà không cần có sự phối ngẫu giữa hai con cái và đực hoặc giữa người nam và người nữ.

Hiện tượng clone đã đặt ra vấn đề rất nghiêm trọng cho y khoa và y giới. Mục đích của y khoa/y học và y tế là gì? Đó là vấn nại thời đại không biết sẽ được giải quyết ra sao, bởi vì vấn đề bao hàm nhiều địa hạt kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, tôn giáo và luân lý đạo đức…Ở đây chúng tôi không bàn về vấn đề clone với tính chuyên môn và những liên hệ của nó, xin để dành cho một bài khác, nhưng chỉ bàn về một vấn đề rất hiện đại và thực tế đáng cho ta suy nghĩ đang gây ồn ào, hồ hỡi không chỉ ở những nước văn minh giàu có như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Anh…mà hầu như trên toàn thế giới: Hiện tượng Viagra.
 
Sự xuất hiện của thuốc Viagra
 
Từ ngày Viagra xuất hiện trên thương trường y tế đã có hàng triệu người ở Hoa Kỳ lấy lại được ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc đời cá nhân, gia đình họ như bừng nở hoa trở lại. Những ưu tư thắc mắc phiền toái đã gây xáo trộn đời sống, tâm tư cá nhân, gia đình và cả xã hội mà y khoa từ lâu nay với bao cố gắng từ giải phẫu đến tâm lý, an ủi, yểm trợ, cố vấn mà vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được thì nay đùng một cái Viagra ngẫu nhiên trở thành thuốc tiên cho những đấng mày râu mà “nhu nhược”. Người ta đồn thổi với nhau về cái thuốc thần ấy và dò hỏi nhau xem hiệu quả của nó như thế nào. Người ta đua nhau đổ xô đi khám bác sĩ để có cái toa mua thuốc viagra. Chồng hồ hỡi, vợ vui tươi. Họ không còn che dấu, bất kể giá cả cao thấp, bằng mọi cách mua cho được Viagra để thử. Trong vài tháng trời, hãng thuốc Pfizer đã thu về cả bạc tỷ. Tuy nhiên cho đến nay cũng không phải là không có người chết vì Viagra. Dĩ nhiên, thuốc nào cũng có những bất trắc của nó, nhưng hình như người cần nó không muốn nghĩ đến những phiền toái ấy, miễn sao họ có được “nghị lực” trở lại bình thường để vui hưởng hạnh phúc là được. Die happy!
 
Viagra nguyên thủy là thuốc để trị bệnh tim, nhưng sau này những người dùng nó bá cáo họ thấy đời sống sinh lý tình dục mạnh mẽ hơn bình thường hoặc lấy lại được sức mạnh nam nhi mà bấy lâu đã ngủ yên! Thế là viện bào chế, những nhà sản xuất thuốc nắm lấy thời cơ tung ra thị trường với một mục đích khác là tái tạo bình thường đời sống sinh lý, chăn gối buồng the. Tin này đã được hàng triệu triệu người trên khắp thế giới, đặc biệt tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp…hoan hỉ chấp nhận và tung hô.(1)

Những vấn đề của thuốc Viagra
 
Nhưng cái gì mà gây ồn ào thì dĩ nhiên sẽ tạo ra nhiều thắc mắc. Sherwin Nuland(2) thuộc trường y khoa Yale đã nêu vấn đề:
 
Phải chăng chúng ta đang có khuynh hướng đòi hỏi y giới và những người làm y tế kích thích cổ súy cuộc sống để con người được sống lâu hơn?
 
Những ưu tư thắc mắc đó đã vạch ra cho y giới phương hướng nghiên cứu để từ đó rút ra một định nghĩa rõ ràng thế nào là SỨC KHỎE để công chúng hiểu. Nếu định nghĩa sức khỏe (Health) bao gồm Thuốc Men (Medicines), sự Tái Tạo (Restorative) và Cổ Súy Cuộc Sống (Life enhancer) thì chúng ta lại phải đặt ra nhiều vấn đề khác nữa, đồng thời vạch ra một giới hạn cho Sức Khỏe và Y Tế (Health / Health Care). Âu Mỹ, đặc biệt Hoa Kỳ là những quốc gia văn minh và tự do nên nền y tế và sức khỏe người dân luôn luôn được luật pháp bảo đảm, con người khi đau yếu có quyền được điều trị. Như vậy chữa bệnh “bất lực”, “yếu sinh lý” có được các hãng bảo hiểm y tế tư hoặc tiểu bang/liên bang hay các tổ chức bảo hiểm y tế khác bảo trợ trả tiền cho không? Lý do có câu hỏi này là lúc đầu khi Viagra vừa mới xuất hiện, các hãng bảo hiểm y tế tư, cả tiểu bang lẫn liên bang đều không chịu trả tiền thuốc Viagra cho người muốn mua.
 
Viagra có cần thiết cho sức khỏe không?
 
Thực vậy, trong những tháng gần đây, biết bao nhiêu câu hỏi đã được nêu ra liên quan đến thuốc Viagra…có thực sự cần thiết cho sức khỏe của con người hay không? Nó có cần được y tế liên bang tài trợ hay không? Viagra có thực sự cần thiết cho người già hay không? Còn người trai trẻ, thanh niên thì sao? Ngoài ra một vấn nại khác được đặt ra là người già có cần thiết phải chu toàn những ham muốn tình dục, cám dỗ tình dục, thú tiêu khiển xác thịt hay không? Để trả lời những câu hỏi này, ta cần phải giải thích và phân biệt rõ ràng ba yếu tố trên. Yếu tố nào cần, yếu tố nào không hay cả ba đều cần thiết hoặc chẳng yếu tố nào cần cả. Trên thực tế, rất khó có thể phân biệt rõ ràng và trả lởi dứt khoát được, bởi vì kích thích cổ súy cuộc sống cũng là một phương cách điều trị / sửa chữa những cái gọi là bất toàn / tàn tật (infirmary), mà bất lực cũng là một bất toàn, nếu không muốn nói tới hoàn cảnh của mỗi người mỗi khác. Suy cho cùng lẽ, yếu tố này liên quan đến yếu tố kia hoặc cả ba đều liên hệ với nhau và là một. Về phương diện đạo đức, trong một cuộc thảo luận có người nêu câu hỏi và xác định khi hai người nam và nữ giao hợp với nhau là chỉ với mục đích sinh con, việc hưởng thụ khoái cảm xác thịt chỉ là phụ. Do đó nếu dùng thuốc viagra để chỉ hưởng thụ xác thịt thì ý nghĩa của giao hợp không còn chính nghĩa nữa. Người viết xin để dành quyền bàn thảo, tranh luận cho độc giả, thân hữu và đồng nghiệp, nhất là những nhà đạo đức, tôn giáo, xã hội, sinh lý và tâm lý…Nhưng có người cho rằng quan niệm đạo đức đó xưa rồi, ngày nay tôn giáo đã cho phép giao hợp để hưởng thụ và là một trong những phương cách tạo hạnh phúc gia đình. Như vậy thì vấn đề có vẻ lại nhẹ đi phần nào.
 
Y khoa đáp ứng mọi đòi hỏi của con người
 
Chúng ta đang sống trong một xã hội vật chất mà hưởng thụ là mục đích của con người, do đó người ta sợ đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Y khoa hiện đại, nhất là y khoa Hoa Kỳ có mục đích đáp ứng tất cả mọi đòi hỏi của con người. Bệnh nhân đau là phải có thuốc giảm đau, ưu phiền sầu muộn là có thuốc cho vui tươi, thậm chí mặt mũi xấu xí, da dẻ nhăn nheo cũng có bác sĩ chuyên môn sửa bổ cho đẹp đẽ hơn. Đời sống tình dục lại là một trong những nhu cầu hàng đầu của con người. Nó ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống của các đấng tu mi nam tử. Thiếu nó, đời người coi như hết ý nghĩa. Dù giàu bạc tỷ, có đầy đủ mọi sự nhưng không có hoặc hết khả năng tính dục thì cuộc đời kể như bỏ, đi vào ngõ cụt. Một ông tướng, một ông vua, một tổng thống tiền hô hậu ủng hét ra lửa trước ba quân và quốc dân, phán ai chết người đó phải chết, nhưng không có khả năng chinh phục người đàn bà trong phòng the cũng phải cúi mặt nuốt hận…Người đàn bà chỉ cần cười khẩy một cái cũng đủ nhục mà không dám há miệng, không làm sao rửa được hận. Vợ ngoại tình hoặc bỏ đi lấy chồng khác mà không dám hé môi. Điều đó chứng tỏ tâm lý người bị “bất lực” nó thê thảm, đau thương thế nào! Nó cũng cần được chữa trị và bảo trợ bởi bảo hiểm y tế tư hoặc tiểu bang hay liên bang chứ.
 
Cũng phải đặt thành vấn đề với các loại thuốc khác
 
Không phải người ta chỉ thắc mắc đối với Viagra mà còn đặt vấn đề với nhiều loại thuốc khác, chẳng hạn như Prozac, Propecia… Prozac là thuốc rất thông dụng được nhiều người ưa dùng hiện nay trong khoa thần kinh tâm lý trị liệu. Nó là thuốc chữa ưu sầu, phiền muộn, nhưng bệnh nhân ngày càng sử dụng rộng rãi hơn để có được cảm giác sảng khoái dễ chịu. Propecia là thuốc trị bệnh hói đầu. Nó lại được cắt nghĩa một cách rất văn hoa, thi vị và tâm lý. Theo quan niệm cổ điển thì chữa bệnh hói cũng là một ưu tư của y khoa. Dân ta đã có câu: “Cái răng cái tóc là góc con người”.
 
Tóc là tự nhiên có ở trên đầu do Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Thiếu tóc hoặc không có tóc đương nhiên sẽ gây chú ý cho mọi người và do đó ảnh hưởng đến tâm lý của người hói. Chắc chắn người đội tóc giả hoặc cấy hay trồng tóc, dùng thuốc propecia không thể có được tự tin như người bình thường. Tương tự như vậy đối với những cô gái hoặc phụ nữ mặt đầy mụn buộc phải thoa phấn vẽ son và những người có cái mũi vẹo, miệng méo răng hô khó coi.
 
Y khoa muốn qua mặt thượng đế
 
Từ chỗ mục đích của y khoa là trị liệu, tái tạo và cải đổi, một thách đố rất cam go được đặt ra là liệu khoa học, đặc biệt y khoa có thể làm cho con người trẻ mãi, trường sinh bất tử bằng cách kích thích những tế bào già cho nó khỏi thoái hóa không? Từ thượng cổ cho đến nay, con người vẫn cố công qua mặt Tạo Hóa để làm ra sự sống mà vẫn chưa được. Nhà khoa học có thể làm ra được một cái trứng có đầy đủ mọi chất như một quả trứng tự nhiên; nhưng đem ấp, trứng đó không tài nào nở ra con. Nuland đã đưa ra một phủ quyết tuyệt đối ngăn cản ước mơ vô vọng ấy là con người được tạo dựng nên để sống tối đa là tới 120 tuổi. Có cố gắng mấy đi nữa, người ta cũng chỉ ráng tiến gần đến cái giới hạn đó hết sức mà thôi. Nhưng cho đến nay vẫn chưa ai vượt qua được lằn ranh đó. Vào đầu thế kỷ 20, người ta chỉ mong sống trung bình tới tuổi 45, bây giờ người ta hy vọng sống đến 75 và cứ thế tiếp tục càng lâu càng tốt.
 
Ước mơ qua mặt thượng đế là vô vọng
 
Tất cả những hiện tượng đó cho ta thấy rằng những cố gắng của con người muốn qua mặt Thượng Đế chỉ là những ước mơ vô vọng. Khi nói rằng tất cả mọi người ở Mỹ Quốc này đều có quyền được bảo vệ sức khỏe và chữa trị khi đau yếu hoặc có khuyết tật thì cũng có thể nói được rằng mọi người đều có bổn phận phải chữa trị cho người khác. Lấy một thí dụ rõ ràng và cụ thể nhất là ông A trả tiền khám bác sĩ cho ông B bằng tiền riêng của mình. Như vậy con người một khi được sinh ra trong trời đất là đương nhiên hiểu rằng đã có một người nào đó trả tiền sức khỏe cho mình rồi vậy.
 
Vấn đề này đã được bác sĩ nuland trình bày trên new york times với chủ đích làm giảm thiểu những loại điều trị hiện đang được nấp dưới danh nghĩa “sức khỏe”. Dĩ nhiên săn sóc những bệnh tâm lý / tâm thần cũng thuộc phạm vi sức khỏe. Nhưng nếu chữa trị tâm lý cho một người để ông ta có thể làm một cái gì hầu hóa giải cái khổ tâm đầu hói của ông ta chẳng hạn, hoặc đầu ông mọc tóc, thì tại sao lại không làm tương tự như vậy cho tất cả mọi người về những vấn đề khác, vì ai sống trên trần gian này mà không có những vấn đề ưu tư cá nhân riêng của mình.
 
Vấn đề Sinh-Y-Đạo trong y khoa và y tế
 
Đây là một vấn đề Sinh-Y-Đạo (Bioethics) rất quan trọng mà y giới cần phải lưu ý. Nuland đã đặt vấn đề này với Hội Đồng Sinh-Y-Đạo ở nhà thương New Haven thuộc trường Y Khoa đại học Yale. Ai cũng phải công nhận những chương trình nghiên cứu y khoa hiện đại rất sáng ngời và đầy tính sáng tạo. Nuland đã khen ngợi những thành quả đó với tất cả kiêu hãnh và nhiệt tình thán phục. Nhưng ông vẫn không quên nêu lên những thắc mắc để nhắn nhủ y giới nên khôn ngoan, cẩn trọng, và phải biết liên đới y khoa với con người và công luận, phục vụ con người trong một xã hội công bằng, an bình, nhân ái, nhân bản và đạo đức.
 
Nghiên cứu mà không có đầy đủ dữ kiện, tin tức và công luận, nghĩa là không có sự phối hợp với sinh hoạt con người trong một xã hội văn minh đúng nghĩa gồm cả tinh thần lẫn vật chất thì là một thiếu sót, vô tình đã giới hạn, làm mất ý nghĩa cao cả của cuộc nghiên cứu của mình. Nói một cách tổng quát, nghiên cứu khoa học phải phối hợp với sinh hoạt của con người trong một nền văn hóa, văn minh chính nghĩa thực sự. Nhà khoa học chỉ có thể lạc quan thực sự khi họ biết lắng nghe dư luận từ khắp mọi phía và được tất cả công chúng ở mọi giai tầng nồng nhiệt bảo đảm và tung hô.
 
Viagra làm tăng cường lực sinh lý, Propecia chữa bệnh hói đầu, Prozac làm giảm ưu tư phiền muộn và biết bao dược liệu khác có thực sự làm con người được hạnh phúc đích thực, một loại hạnh phúc cần phải có hay không, hay nó lại là đầu mối của những rối loạn, tội ác trong gia đình, ngoài xã hội và quốc gia? Một nhà đạo đức, một nhà xã hội học, một nhà tu hành sẽ nghĩ sao khi một cụ già 80 tuổi gần đất xa trời cùng với bà cụ móm mém răng không còn đến thăm bác sĩ để xin cái toa mua thuốc Viagra?
 
-----
 
(1) Cho đến nay, ngoài viagra ra còn nhiều thuốc khác cùng loại và có cùng công dụng như Viagra, chẳng han Cialis, Levitra, Staxyn, Cyvita….

(2) Sherwin B.Nuland sinh 1930 tại Bronx, New York, là Bác sĩ giải phẫu. Ông cũng là giáo sư dạy về Sinh-Y-Đạo, Lịch sử Y khoa của trường Y khoa Yale. Ông viết rất nhiều sách có giá trị kể cả những sách không phải loại đề tài đại học/hàn lâm academic. Ông cũng được danh hiệu triết gia hiện đại. Cuốn How We Die: Reflections on Life’s Final Chapter là một cuốn thuộc loại best seller và được giải National Book Award for Nonfiction
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét