khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

'Chợ Trời' Hà Nội - Tác giả Minh Văn



Ở Hà Nội có một cái chợ gọi là “chợ trời.” Tại đây người ta mua bán đủ thứ, cứ gọi là thượng vàng hạ cám vậy. Hàng cũ, hàng mới, hàng lậu, thậm chí là đồ ăn cắp cũng có. Nếu xe gắn máy bạn vừa bị mất trộm đôi gương, cứ ra chợ trời thì sẽ thấy nó được bày bán, có điều bạn phải mua lại tài sản của mình với cái giá cắt cổ. Cái sự vô lý như vậy nhưng vẫn mặc nhiên được thừa nhận, cho nên chợ trời là một hiện tượng rất độc đáo.


Một góc chợ trời Hà Nội. (Hình: Minh Văn)

 
Hẳn chúng ta còn nhớ sự kiện đồng bào miền Bắc di tản vào Nam năm 1954. Lúc đó Cộng Sản vừa mới chiếm được miền Bắc, nhiều người dân đã phải bỏ nhà cửa và quê hương để chạy nạn. Ở Hà Nội tình hình cũng như vậy, những người này phải bán tất cả tài sản của mình mà ra đi. Ðể khách hàng dễ nhận biết, họ tập trung bán hàng thành một khu vực riêng, và chợ trời được hình thành từ đó.

Thời bao cấp, chợ trời lại là nơi tiêu thụ hàng “phe phẩy,” vốn có xuất xứ từ các cửa hàng tem phiếu quốc doanh. Hàng ăn cắp và “phe phẩy” đã trở thành đặc trưng của thời kỳ này. Lâu dần người Hà Nội quen hiểu chợ Trời theo nghĩa xấu đó, vì vậy mà dân gian gọi ví von là “Chợ Giời,” với hàm ý diễu cợt. Chợ Giời bao gồm đoạn cuối phố Huế và một phần của các phố Ðồng Nhân, Trần Cao Vân, Chùa Vua, Thịnh Yên... ngày nay.

Chuyện cái chợ là vậy, nhưng chuyện nhà nước mà cũng giống như thế mới gọi là kỳ.

Xã hội bấy giờ người ta mua “ghế,” mua “dự án,” rồi “chạy chức,” “chạy quyền,” thật chẳng khác nào một cái chợ. Phong trào “mua” và “chạy” này nhố nhăng, thảm hại như một cơn lốc điên cuồng. Cơn lốc đó cuốn phăng đi nhà cửa, đất đai, mồ hôi công sức, máu và nước mắt của nhân dân. Không ai trao cho họ cái quyền được bán, nhưng họ vẫn bán, biết mua phải hàng lậu, họ vẫn cứ mua.

Trong cái chợ trời rộng mênh mông bằng cả một đất nước này, người dân sợ nhất là các dự án công. Vì sau khi nhà nước quy hoạch những dự án đó, họ phải mua lại đất đai, nhà cửa cửa mình với cái giá đắt hơn gấp nhiều lần. Mọi chuyện chỉ xẩy ra trong thời gian ngắn, bằng một quyết định thành lập dự án, và sau đó là quyết định cưỡng chế có đóng con dấu đỏ chót. Trong cuộc mua bán ngược đời này, phần lỗ bao giờ cũng thuộc về nhân dân.

Chuyện quy hoạch và cưỡng chế thì nhiều lắm, vì nó diễn ra trên khắp đất nước hình chữ S này. Ðặc trưng dễ nhìn thấy là sự hiện diện của đông đảo bộ đội, công an, dân phòng và những vụ đàn áp đẫm máu. Chuyện những người dân khiếu kiện và phản đối các dự án bị bắt bỏ tù cũng nhiều rồi, chúng ta sẽ không kể ra ở đây nữa.

Liên quan đến điều vừa nói trên, báo chí nhà nước cũng có đăng một câu chuyện như thế này. Ở tỉnh miền núi nọ, chính quyền địa phương lập dự án quy hoạch xây dựng một khu dân cư. Tất cả những hộ dân trong khu vực này đều được người ta đền bù đất đai, nhà cửa với giá rẻ mạt rồi đuổi ra khỏi nhà. Thế là họ trở thành những kẻ vô gia cư, phải đi ở nhờ nhà người thân thích. Chỉ vài tuần sau đó, họ thấy những mảnh đất của mình được nhà nước rao bán với cái giá đắt gấp năm lần. Muốn mua lại mảnh đất yêu quý của mình, nhưng những người dân đó làm gì có tiền, họ đành gạt nước mắt rồi ra đi. Chẳng ai biết họ đi đâu, vì nhà nước đâu có lo chuyện này. Thật là một vụ mua bán có hời, nhiều nước mắt và lắm đắng cay.

Những kẻ ham đường danh lợi bỏ ra cả đống tiền để chạy chức chạy quyền. Người ta rỉ tai nhau cái ghế này bao nhiêu, ghế kia thì bao nhiêu, cứ như là mua hàng ngoài chợ vậy. Những chức vụ lẽ ra do dân cử, bây giờ bị ngang nhiên đem bán. Một khi đã là mua bán thì phải có lãi. Dĩ nhiên là sau khi mua chức quyền, họ không thể kiếm lãi bằng cách phục vụ nhân dân, mà phải ra sức tham nhũng, lừa bịp và cướp bóc.

Ở thời buổi này, học sinh đi học phải chạy trường, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải chạy việc. Người dân lấy tiền ở đâu để “chạy”? Dĩ nhiên là tiền mồ hôi công sức của mình, vì dân đâu có tham nhũng được.

Nhục nhằn và bất lực, người dân ngửa cổ lên trời mà than rằng: “Ðây là nhà nước hay cái chợ Giời vậy?”

Quả thực, bấy giờ Nhà Nước hay Chợ Giời, chẳng ai còn phân biệt được nữa. Cho nên, nếu ví nó như cái Chợ Giời cũng chẳng có gì là không đúng cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét