khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Các nhà tiên phong người Portugal và ngôn ngữ học Việt Nam - Tác giả Đoàn Xuân Kiên



Quyển sách có tựa đề là Các nhà tiên phong người Portugal và ngôn ngữ học Việt Nam. Khi chọn tựa đề như thế, hẳn nhiên là tôi mong muốn giải bày một vấn đề mà tôi rất xác tín. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về những thăng trầm của mối quan hệ giữa Pháp Quốc và Việt Nam. Những công trình này không chỉ bao gồm giai đoạn từ thế kỉ XIX đến 1954, mà còn cả những sự kiện xảy ra từ thế kỉ XVII, và cả những hứa hẹn hữu nghị trong tương lai.
 
Gần đây một chương trình vinh danh sự nghiệp Alexandre de Rhodes về những đóng góp của ngài mà hôm nay đây chúng ta đều thừa hưởng: việc sáng chế hệ thống chữ viết tiếng Việt theo lối mẫu tự ghi âm dựa theo cấu trúc ngữ âm và ngữ pháp tiếng Việt, nhờ đó đã giúp phát triển tối đa tiềm năng của ngôn ngữ này. Tôi có một suy nghĩ rằng: cho dù chúng ta có vinh danh ngài, thì chúng ta cũng không thể bỏ qua những gì các vị giáo sĩ châu Âu đã đóng góp vào sự nghiệp chung. Tôi tin rằng hai nước Việt Nam và Portugal (Bồ Đào Nha) – quốc gia mà tôi đã dành riêng ra để nghiên cứu trong công trình này – cần được hiểu nhau nhiều hơn. Mối quan hệ hữu nghị giữa hai bên có thể và cần được phát huy. Để có thể tạo một cơ sở xác đáng cho sự phát triển như thế chúng ta cần đào sâu tìm hiểu kho văn khố lịch sử. Tài liệu này ở Portugal có rất nhiều. Một số những tư liệu này sẽ giúp thêm ánh sáng về những bước đầu của Chữ Quốc Ngữ. Đấy chính là lí do thúc đẩy tôi biên soạn quyển sách này.
 
Cuộc gặp gỡ lịch sử
 
Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Việt Nam và Portugal diễn ra từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII – chủ yếu là thế kỉ XVII. Tuy vậy, theo quan điểm địa lí-chính trị thì cuộc gặp gỡ này không tiến triển nhiều lắm. Cơ quan Estado da India của Portugal quản lí các lợi ích của nhà nước Portugal tại các thành trì và các thương vụ dọc bờ biển Ấn Độ Dương, và ra quá đảo Spice. Nhưng hoạt động trong vùng ven biển Trung Hoa và Nhật Bản thì rất giới hạn. Hoạt động giao dịch chỉ vươn xa đến khu vực biển Nhật Bản và Trung Hoa. Trong những năm 1616-1617, Phó Vương Portugal đặc trách Ấn Độ đã lên một dự án kế hoạch thiết lập trú sở định cư của Portugal ở gần địa vực Đà Nẵng, song song với các thuộc địa Trung Hoa và Nhật Bản. Chúa Nguyễn cũng đã tán trợ kế hoạch, và Quốc Vương Portugal cũng khuyến khích việc tiến hành kế hoạch. Nhưng vì trở ngại tài chính mà dự án này không thể thực hiện được. Qua sự thất bại này, tôi có đủ lí do tại sao lại có nhiều văn kiện lịch sử ghi dấu các giao thiệp giữa hai quốc gia. Chẳng may là kho tài liệu quý giá của Portugal của João de Barros và Diogodo Couto, mang tên Décadas da Ásia bị đứt đoạn ngay từ đầu thế kỉ XVII.
 
Việc quan phương có thất bại nhưng mọi việc vẫn cứ tiến hành thông qua những con người thành tâm và đầy tài năng. Họ có đủ nhiệt tâm và kiến thức, đủ để tạo dựng những công trình đứng vững được qua nhiều thế kỉ. Nói thế có vẻ mông lung, nhưng hãy cứ nhìn hệ thống Chữ Quốc Ngữ, hệ thống chữ viết chính thức của Việt Nam, là một thành tựu lớn, và không ai biết được nó sẽ còn dẫn đến những thành tựu gì trong tương lai.
 
Nguồn  gốc Chữ Quốc Ngữ: có phải một mình Alexandre de Rhodes tạo thành ?
 
Tuy nhiên, vào lúc này đây đã nảy sinh một số vấn đề. Năm năm trước đây, phát biểu trước một  hội nghị  quốc tế về nghiên cứu Phương Đông và Ả Rập tổ chức ở Torre do Tombo (Lisbon), tôi đưa ra câu hỏi: Phải chăng chúng ta cần viết lại lịch sử việc chế taác hệ thống chữ  viết theo mẫu tự Latin của tiếng Việt ? Câu trả lời của tôi đã tạo ra những phản ứng ngược nhau, là hẳn nhiên là cần.
 
Hẳn nhiên là người Việt có thể gọi hệ thống chữ viết hiện tại là “mẫu tự Pháp”. Quả là thế, chính chế độ thuộc địa Pháp đã buộc nhà nước Việt Nam phải sử dụng nó. Quyết định này hẳn nhiên là có lợi cho nhà nước thuộc địa Pháp vì họ không biết chữ khối vuông. Pháp lệnh về việc sử dụng hệ thống Chữ Quốc Ngữ trong các khoa thi do nhà nước chủ trì là do Toàn quyền Pháp Paul Doumer kí năm 1898; và các kì thi chính thức dùng chữ quốc ngữ là từ năm 1909. Cuối cùng, vào năm 1917, nhà vua –dưới sự chỉ đạo của người Pháp- đã bãi bỏ hoàn toàn việc dạy học bằng chữ nho. Chương trình giáo dục mới được đem ra áp dụng, trong đó có hai môn học chính là môn Tiếng Việt và môn Tiếng Pháp.
 
Cùng lúc, việc ghi chép lịch sử về sự can dự của người Pháp tại Đông Dương đã được viết ra trong bối cảnh của chế độ thuộc địa. Vì nhiều lí do khá dễ hiểu, Alexandre de Rhodes –một người sinh ra tại Avignon- đã được đưa ra như một đại biểu duy nhất và đã nâng lên thành một thứ huyền thoại. Ông được tôn vinh như là người đã khai sáng dòng đạo Kitô tại Việt Nam, và hơn thế nữa, sáng chế ra hệ thống chữ quốc ngữ. Làm như thể những sự nghiệp kì khu như thế chỉ là công của một người. Từ những ngày đầu, khi tôi bắt đầu học hỏi nghiên cứu về tiếng Việt tại Học Viện Ngôn Ngữ Phương Đông ở Paris, tôi đã nghĩ rằng phải còn gì hơn ngoài những gì được đọc thấy trước mắt chứ. Tôi đả chú tâm dò tìm các nguồn tư liệu mà phần lớn đều chưa được xuất bản. Tôi thực sự tin rằng một công phu nghiên cứu nghiêm túc sẽ có thể đặt lại vấn đề và biết đâu sẽ lay chuyển quan điểm truyền thống.
 
Thực tế là hệ thống chữ viết dùng mẫu tự Latin của người Việt chưa bao giờ mang tên là “mẫu tự Pháp” cả. Nó được gọi tên là “Chữ Quốc Ngữ”, hẳn nhiên là phải có lí do chính đáng của nó.
 
Khi xem xét vấn đề này, tôi càng đinh ninh về một thứ bổn phận cần làm – xin quý vị không phiền lòng khi tôi nói như thế. Thật thế, đi vào lĩnh vực Việt học, tôi cũng thu lượm được vốn liếng hiểu biết về ngôn ngữ và lịch sử Portugal cùng sự hiện diện của họ tại Châu Á. Tôi mang ơn những vị đã dìu dắt tôi về văn hoá Bồ. Ngoài ra tôi cũng có số vốn tiếng Latin tàm tạm để tìm đọc các bản thảo viết từ thế kỉ XVII; tôi cũng hiểu là ít người có được may mắn  nắm trong tay cả ba công cụ quý giá là tiếngViệt, tiếng Bồ và tiếng Latin. Từ đây mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Chuyến đi sang Lisbon đầu tiên đã giúp tôi phát hiện được những kho tàng tư liệu đã bị bỏ quên không đụng đến trong bao nhiêu lâu. Kết quả trực tiếp từ những đợt sưu khảo đó chính là công trình được ra mắt ít ngày trước đây tại Thái Lan, và nay thì được trình diện công chúng rộng rãi.
 
Tôi xin được tóm tắt trong một câu rằng sự chế tác Chữ Quốc Ngữ –hệ thống chữ viết chính thức của Việt Nam – trên đại thể chỉ có thể làcông trình của người Portugal, và nó là một phần trong toàn bộ những công trình giao lưu văn hoá tương tự. Công trình này cần phải được đặt riêng ra ngoài tiến trình thuộc địa.
 
Một vài chứng từ bản thảo viết tay
 
Để cho việc trình bày được cụ thể hơn, tôi xin nêu ra một vài trang trong số ba tài liệu viết tay mà tôi tìm ra được. Hai tài liệu đã được in lại trong sách. Đây là tài liệu thứ nhất: một bản sao vào thế kỉ XVIII của một lá thư viết ở Hội An, gần Đà Nẵng, vào đầu năm 1623. Tác giả là một giáo sĩ dòng Tên Portugal tên là Francisco de Pina. Sách của tôi là một vinh danh cho vị tiền bối này, một người rất xứng đáng với danh vị “người tiên phong của ngôn ngữ học Việt Nam”. Nội dung chính của lá thư là giải thích kĩ tình hình các công trình về ngôn ngữ học của ông, và phác thảo các đề án sắp tới. Tôi rất thích lá thư này, vì theo tôi biết, đây là dịp độc nhất mà ta biết được chung quanh vấn đề “tại sao các vị thừa sai Châu Âu lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ ? ” Đã từng có những giả thuyết nêu lên về mục đích của sự kiện này: những ý đồ và những mưu toan thầm kín của người nước ngoài khi chế tác hệ thống chữ quốc ngữ. Tôi thì cho rằng chúng ta nên để các vị tiến bối tự nói về việc của họ, và chúng ta cần lắng nghe cho kĩ.
 
Bản thảo này là một phần của bộ sưu tập Jesuitás na Ásia tại Thư viện quốc gia Palacio da Ajuda tại Lisbon. Bộ sưu tập gồm 60 quyển chứa khoảng 30000 hạng mục. Những bản sao này là công trình tập thể ghi chép tại Macao trong khoảng thời gian từ 1750  đến 1762; các vị đã chép lại tất cả các tài liệu thu thập được trong suốt quãng thời gian từ 1541 đến 1747: hai thế kỉ hoạt động tại Viễn Đông, từ Nhật Bản qua Đông Dương. Vì hầu hết các nguyên bản đã thất lạc, bộ sưu tập này là nguồn tài liệu chính về sự hiện diện của Portugal tại Viễn Đông, và còn cung cấp cả kho hiểu biết về con người và đất nước trong vùng Viễn Đông. Bản thảo thường không được chú ý vì đó chỉ là bản nháp những lá thư , chẳng có ngày tháng và tên người nhận. Nhưng  chịu khó tìm tòi thì sẽ lần ra manh mối.
 
Vai trò của Francisco de Pina 
 
Pina sinh năm 1585 tại thành phố Guarda, thuộc vùng Beira Alta của Portugal. Mới ngoài 20,
ông đã lên đường sang Macao để hoàn tất nghiên cứu về phương Đông, và đã học tiếng Hoa và tiếng Nhật. Ông lưu lại Việt Nam trong 8 năm, cho đến khi mất vì tai nạn năm 1625. Có thể nói Pina là người châu Âu đầu tiên thông thạo tiếng Việt. Ông học rất chăm và tỏ ra không khoan nhượng với các đồng nghiệp lười nhác, như ông có viết trong thư. Ông yêu Việt Nam và văn hoá Việt, và không tán đồng với sự kiện lai tạp của thành phố Hội An, nơi có dấu vết nửa Nhật nửa Việt, hoặc nửa Tàu nửa Bồ.
 
Có một nghịch lí trong đời Pina: ông muốn tìm thầy dạy ngôn ngữ giỏi nhất, nhưng vì không đủ tiền nên đành chịu. Thế là ông đành nhờ cậy một vài cậu học trò người Việt. Ông dạy họ tiếng Bồ và học dạy ông tiếng Việt. Hoàn cảnh này vưa may vừa không may. Điểm dở của nó là ở sự phân cách giữa hai hệ thống chữ viết tiếng Việt cho đến nay. Người học chỉ có thể sử dụng chữ  quốc ngữ mà không thể lần vào được kho tàng văn học. Pina thấy rõ nhược điểm này. Mặt khác, ai được đào luyện thấu đáo về tiếng nói thì chẳng thể nào dự các lớp giảng dạy cổ văn chữ Hán. Các vị thầy giáo trẻ dạy Pina tiếng Việt thường là dễ dãi, mặc dù có thể họ cũng đọc và viết được chữ nho đấy. Vì thế mà quá trình thực hành hệ thống chữ viết thường không có cơ hội để tiếp cận kho tàng cổ học Trung quốc và kho tàng văn hoá truyền thống Việt Nam. Theo quan điểm của tôi thì đây là một may mắn.
 
Pina gặp một thiệt thòi rất lớn: ông mất khá sớm, mới 40 tuổi. Ông không kịp thấy những thành tựu của những gì ông đề xướng, không được may mắn nhìn thấy quyển sách đầu tiên của ông ra đời, vì mãi 26 năm sau mới được ấn hành dưới hình thức hệ thống chữ viết mới.
 
Việc bảo tồn kho tàng văn học truyền thống đã được tiến hành qua nhiều thế hệ các vị tiên phong người Việt, khởi đầu là Thầy Đoàn trong những năm 1660, và đạt đến đỉnh cao là vào cuối thế kỉ XIX với Trương Vĩnh Ký. Theo hướng này, có thể nói là những dự định của Pina đã được thực hiện đầy đủ hai ba thế kỉ sau khi ông mất. Cùng với phong trào cổ vũ cho hệ thống chữ viết ghi âm sau khi chế độ thuộc địa cáo chung, Chữ Quốc Ngữ – nghĩa là hệ thông chữ viết của cả nước- trở nên phổ thông đối với mọi người Việt Nam, vĩnh viễn xoá bỏ đặc quyền của giới thượng  trí.
 
Thế còn chữ Nôm ? 
 
Vào đầu thế kỉ XVII, chữ Nôm không được dạy học chính thức. Việc sử dụng chữ nôm chỉ là truyền thụ trực tiếp từ thầy sang trò, ở nơi nào người ta biết trân trọng những giá trị truyền thống, đặc biệt là văn học truyền miệng. Theo với đà suy giảm vị trí ưu đãi của ý thức hệ Khổng Mạnh tại Việt Nam, giới trí thức chấp nhận đổi mới càng gia tăng. Quý vị cũng thừa biết là văn học chữ Nôm thịnh đạt chủ yếu là trong thế kỉ XVIII, đã sản sinh một số tác phẩm bất hủ trong văn học Việt Nam. Nhưng ở vào thời điểm những năm 1620, nền văn học này mới chỉ ở những chặng đầu.
 
Sự thật là giáo đoàn Công giáo vào đầu thế kỉ XVII đã rất quý trọng chữ Hán và chữ Nôm. Trong số những thầy giảng người Việt đầu tiên mà ta được biết, có những vị là trí thức. Họ tiếp tục học hỏi chữ Hán và cổ văn, và dạy cho các bạn đồng sự. Văn học Công giáo Việt Nam buổi đầu đều  viết bằng chữ Nôm  - thế kỉ XVII còn giữ  được 4200 trang ghi chép 1200 000 chữ nôm- và các sách in Công giáo bằng chữ Hán và chữ Nôm còn được in mãi tận những năm 1920. Những vị này hiểu rõ là văn hoá Việt Nam không thể thiếu chữ viết truyền thống và nội dung của chúng. Tuy vậy, họ không chấp nhận chủ trương chính sách của giới trí thức Nho học và không theo truyền thống nhà trường. theo truyến thống Việt Nam thì học trò chỉ trông cậy vào các thầy hoặc trường dạy tư, và phương tiện truyền thụ chỉ là chữ Nho, phép tắc trường quy thật là nghiêm ngặt. Nền tảng của việc  học là Cổ thư Trung Hoa, do vậy tư tưởng Khổng Mạnh là cơ sở chính thống mà mọi người phải tuân thủ.
 
Giáo đoàn Công giáo dùng chữ hán với hai mục đích: xây dựng trên lợi thế của đạo lí Khổng Mạnh, đãi lọc phần quan điểm chống thần quyền của hệ tư tưởng này, và phát huy những phương tiện diễn đạt có thể chuyển tải hiệu quả những tín lí Công giáo. Tuy nhiên, khác với giáo hội ở Trung Hoa, các thừa sai ở Việt Nam không hề theo đuổi đến cùng chữ Việt-Hán và chữ Nôm, bởi vì họ cần phải học nói tiếng Việt để giáo dân hiểu được họ. Trong các bản báo cáo viết tay tôi tham cứu được, các vị thường nại ra những lẽ này lẽ khác để châm chước cho khuyết điểm này.  Francisco de Pina la vị giáo sĩ châu Âu đầu tiên thông thạo tiếng Việt, đã viết thế này: “Thật ra, giá như tôi có thể trả lương cho thầy dạy tôi học tiếng nói và chữ viết thì ngày nay tôi đã thông hiểu đầy đủ để làm công tác phụng vụ. Trong khi đó, chỉ vì không có được thầy  mà tôi đành không biết chữ, là một khiếm khuyết không may”. Vì thế các vị thừa sai đành trông cậy vào phương tiện chuyển ngữ, mà chữ quốc ngữ họ mới học và dạy được.
 
Có thể biện luận rằng điều vừa kể trên có một hệ quả quan trọng. Tôi có đọc đâu đó rằng giới phong kiến thống trị đã dùng chữ Nôm để bảo toàn ý thức độc lập đối với Trung Quốc, và thể hiện quyền lực của họ đối với dân chúng. Đưa ra một thứ văn tự dễ sử dụng mà lại có hiệu quả thì sẽ giúp dân chúng thăng tiến được số phận của họ. Chế tác một hệ thống chữ viết theo lối ghi âm, giáo đoàn Công giáo ở thế kỉ XVII vô hình trung đã dọn đường cho những luồng tư tưởng mới mẻ, trong đó có tư tưởng về tự do. Khi nhà nước thuộc địa Pháp áp đặt việc sử dụng chữ Quốc Ngữ  cũng là khi họ tự đẩy vào thế suy yếu là vì họ đã đặt vào tay người Việt phương tiện tối ưu của tự do tư tưởng.
 
Chữ Quốc Ngữ vào năm 1632 ? 
 
Tài liệu bản thảo thứ nhì cho thấy kết quả công việc  của cha Pina do các vị thừa sai châu Âu kế nghiệp ông – một trong số những vị nổi tiếng là Alexandre de Rhodes là người đã đặt bút vào những tài liệu đang được nhắc đến. tài liệu viết ra năm 1632, và lá thư đính kèm kí tên AndréPalmeiro. Đây là tập tự vị ba thứ tiếng Nhật – Hoa – Việt, có một số ghi chú về ngữ âm và ngữ pháp. (Tôi sẽ cho ấn hành tập tài liệu này cùng với lời nhận xét trong quyển sách sắp tới). Có thể dễ dàng nhận ra một số sai sót, chẳng hạn sự nhấn mạnh đến những yếu tố chung giữa tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Việt. Ví dụ, tiếng Việt được mô tả là ngôn ngữ có bốn thanh “như tiếng Hoa”.
 
Tập bản thảo này có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử Chữ  Quốc Ngữ, bởi vì cho đến nay không còn bút tích về tiếng Việt của cha Pina. Tập tài liệu này không được tham cứu đúng mức trong công trình của Đỗ Quang Chính. Thật thế, ở đây chúng ta có một văn bản đầy đủ về Chữ Quốc Ngữ, ngoài một câu nói mơ hồ thường cho là trích từ sách của Christophoro Borri xuất bản tại Châu Âu một năm trước đó – Borri lưu lại Việt Nam rất ngắn hạn, và thường chúi vào các sách toán và thiên văn. Ở đây ta có toàn văn một bài kinh nguyện Công giáo mở đầu bằng tiếng “Cha ơi”. Bản kinh này ra đời 20 năm trước khi bộ sách nổi tiếng Phép Giảng Tám Ngày của Alexandre De Rhodes được in ra, và 14 năm sau khi chứng cứ đầu tiên về kinh nguyện Công giáo được dọn bằng tiếng Việt. Cần lưu ý một điều là bản kinh này còn giữ gần như nguyên vẹn mãi đến thế kỉ  XX. Vả chăng, Alexandre mở đầu Phép Giảng Tám Ngày của ông bằng câu: “Đây là phép thông dụng để ta tỏ bày phép sâu nhiệm của Thiên Chúa”. Chính ông cũng ý thức rõ rằng ông là mối dây duy nhất của truyề nthống nghiên cứu Việt Nam mở đầu từ các vị tiền nhiệm và được các đời sau kế thừa.
 
Một thành tựu đặc sắc của người Portugal
 
Mặc dù Francisco de Pina không có trực tiếp tiếp cận kho tàng văn học Việt Nam, ông lại có được những thành quả quý giá độc đáo khác. Một điều cần nhấn mạnh ở đây là chính quốc tịch Portugal của ông. Là người Bồ, ông đã mang thừa kế một truyền thống lâu dài về việc nghiên cứu ngôn ngữ học. Tôi thấy có hai mặt của sự kiện này. Trước tiên, hiện còn một công trình nghiên cứu các tiếng  nói xa lạ, mà đại biểu là quyển Cartinha của Henrique Henriques  viết về tiếng Tamil (khoảng năm 1550) và quyển của José de Anchieta viết về Ngữ pháp tiếng Tupi-Guarani ở Brazil (1595). Gần với Pina hơn, và cũng liên quan nhiều đến công việc của ông hơn, chúng ta có hai quyển Ngữ pháp tiếng Nhật có Jỗo Rodrigues Tçuzzu. Rodrigues là thầy dạy Pina ở Macao, và Pina rất quen thuộc với quyển sách ngữ pháp tiếng Nhật in ra năm 1604. Chẳng có gì là kì diệu khi ông đã có những vốn liếng để tiếp cận một ngôn ngữ.
 
Một đặc sắc thứ nhì là những công trình của Pina đã có thể bồi đắp trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học là qua công trình sáng tạo của các học giả tiền bối ở Portugal. Tôi lưu tâm đặc biệt đến ba công trình sau đây: Ngữ pháp tiếng Portugal của João de Barro (khoảng 1540), Chính tả (quy tắc đánh vần) của Duarte Nunes de Leão (1576), và Những phép tắc dạy cách viết tiếng Portugal của Pêro Magalhães de Gândavo. Sách của tôi nêu ra những gì Chữ Quốc Ngữ đã kế thừa từ những nhà tiên phong Portugal trên đây, mặc dù các vị kia chẳng hề biết tiếng Việt ! Luận điểm của tôi là: chỉ có thể một học giả Portugal mới thành tựu đầy đủ đến như vậy.
 
Ngược lại với những điều vừa nêu, có một sự kiện hiển nhiên là một quyển từ điển và ngữ pháp tiếng Việt đã được ấn hành năm 1651, đề tên de Rhodes –không phải là người Portugal. Ở chỗ này tôi lại may mắn phát hiện một tài liệu viết tay thứ ba: Một phương pháp học tiếng Đằng Ngoài. Đây cũng lại là một bản sao ở thế kỉ XVIII từ một nguyên cảo viết vào từ thế kỉ XVII nay đã thất lạc. Chẳng may là người sao chép không biết tiếng Việt. Nhưng chính nhờ thế mà vị  này đã làm rất tròn phận sự. Phương pháp của tôi làm là đối chiếu có hệ thống những trang  tài liệu này với tập Ngữ pháp mà De Rhodes đã đưa vào quyển từ điển của ông. Giữa hai tài liệu có nhiều điểm tương đồng cũng như những điểm khác biệt nổi bật.  Nói một cách vắn gọn, nhà nghiên cứu phải đi đến kết luận là ở đây chúng ta có hai tài liệu song song, do hai tác giả biên tập một nguyên bản chung vào cùng lúc nhưng ở hai nơi khác nhau. Tuy rằng cả hai văn bản biên tập sau cùng đều bằng tiếng Latin, song nguyên bản hẳn là phải viết bằng tiếng Portugal. Văn bản đó đã được nhiều học giả người Portugal, và tôi có thể nói là phần chính là của một vị đứng đầu trong số họ, Gaspar do Amaral, trong suốt thời gian 20 năm sau khi Francisco de Pina mất. Pina đã khởi thảo những dòng đầu tiên từ năm 1622.
 
Trong sách, tôi cũng có biên tập và hiệu đính tập bản thảo này. Một trong số những điểm đã có từ trong nguyên cảo là điểm mô tả về tính cách âm nhạc của thanh điệu. Điều này là một phát hiện sáng tạo. Rhodes đã tóm lược lại, nhưng đồng thời về phần ông thì ông lại không chỉ cho thấy rõ đâu là những nét khu biệt của từng thanh.

Công trình nghiên cứu của tôi đã đưa đến một nhận định là tập bản cảo chưa xuất bản Manuductio ad Linguam Tunckinensem là của một học giả người Thuỵ sĩ nói tiếng Đức, đã từng dạy tiếng Latin ở Portugal. Tên Portugal của ông là Onófrio Borges, một cách phiên chuyển tên tiếng Đức của ông là Honufer Bürgin. Ông bỏ dở dang bản thảo của mình, nhưng khi ông qua đời thì tập bản cảo lại giúp nhiều cho người đời sau. Tập bản thảo này không được mấy ai quan tâm, vì đã có một quyển khác cạnh tranh với ông và đã được in ra lúc đó rồi. Vai trò của tập bản thảo này thật có ý nghĩa, vì nó cho phép người đọc  có một cái nhìn khái quát về hậu cảnh, cũng như nó cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của những vị tiên phong ở Portugal về ngôn ngữ học tiếng Việt.
 
Quý vị thấy đấy, tôi có thể nói nhiều thêm nữa. Nhưng chắc quý vị cũng đã mệt rồi, và, hẳn nhiên là quý vị có thể sẽ đọc vào chính văn. Cho nên tôi xin phép được kết luận vậy.
 
Lời kết
 
Là một sử gia, tôi xin được ngỏ lời cảm ơn đến hai nhóm đặc biệt. Đầu tiên là nhóm các nhà học giả Portugal tiên phong ở đầu thế kỉ XVII đã nhiệt tâm và nghiêm túc nghiên cứu ngôn ngữ. Kế đó là các bạn đồng sự Việt Nam, là những người thừa kế gia tài phong phú hàng mấy nghìn năm của cha ông các vị. Nếu làm việc riêng rẽ thì hai nhóm này chắc đã không đạt được những thành quả như ta thấy. Sở dĩ được như ngày nay là nhờ hai bên đã cộng tác chặt chẽ cùng nhau. Những công sức của họ đã tập đại thành hệ thống Chữ Quốc Ngữ, một hệ thống chữ viết bằng mẫu tự Latin tuyệt vời đã được thử thách qua thời gian. Thành quả vô song này cũng như sự hợp tác cùng nhau trong một thời gian ngắn ngủi thôi mà xứng đáng vinh danh. Không may là hầu hết danh tính các vị nay đã mai một. Không còn cách nào để phục nguyên đầy đủ phần cống hiến của các vị qua những tư liệu còn lại.
 
Công trình Manuductio và Brevis Declaratio của De Rhodes là hai cơ sở chứng liệu mà tôi đã dùng để nhận diện phương pháp mà người xưa đã làm việc cùng nhau. Hai tập tài liệu này giúp tôi trong toàn bộ quá trình nghiên cứu. Cả hai đã ấn chứng vai trò của tiếng Bồ cũng như ảnh hưởng lối kí âm ngôn ngữ này đã ảnh hưởng đến cách tạo thành Chữ Quốc Ngữ ra sao. Một phần khá lớn những đồ vị vẫn dùng trong tiếng Việt đến tận bây giờ thì cũng mang cùng tính năng và hiệu ứng của chúng trong tiếng Bồ. Những đồ vị ấy có sẵn trong tiếng Bồ vào thế kỉ XVI.  Các vị sáng chế ra Chữ Quốc Ngữ đã sử dụng các đồ vị tiếng Bồ này một cách tự nhiên thoải mái mà vẫn quan tâm đến gìn giữ bản sắc của tiếng Việt.
 
Như Lê Thành Khôi đã nêu, vào thế kỉ XVII các vị thừa sai người nước ngoài chỉ có ý dùng chữ quốc ngữ trong việc giảng đạo Thiên Chúa cho người Việt. Tuy nhiên thứ chữ này được chế tác theo cung cách rất tôn trọng truyền thống. Trên hết cả, nó là một phương tiện đối thoại với quần chúng Việt Nam và những giá trị văn hoá của họ. Chữ Quốc Ngữ là một phương tiện giúp thực hiện cuộc giao lưu văn hoá. Kì vọng này cũng là của các vị tiền bối người Việt đi tiên phong, có người đã từng là nhà nho và rất sành sỏi văn nôm. Những người Việt trẻ tuổi và giàu tài năng thuở ấy hẳn nhiên đều là những người có học và thông thạo chữ viết hình khối vuông, nhưng các vị cũng nhìn thấy được tiềm năng lớn lao của thứ chữ viết Latin hoá này trong vai trò giao lưu văn hoá.
 
Ngày nay, Chữ Quốc Ngữ đã được dùng làm chữ viết chính thức của tiếng Việt ở mọi cấp. Người Việt Nam xem nó là gia tài của mình thì cũng phải thôi. Rất ít hoặc chẳng còn gì dấu vết tôn giáo trong đó. Những nhà chế tác ra nó đã là một điển hình cho sự hợp tác giao lưu văn hoá. Họ là những người khai nguyên cho một truyền thống và một phương tiện quý giá có một không hai cho sự phát triển xã hội.
 
Portugal, vì những áp lực của hoàn cảnh, không liên quan gì đến ngôn ngữ hoặc tôn giáo, mà đã rút khỏi địa bàn Việt Nam. Một phát kiến văn hoá tạo nên từ cha Francisco de Pina và các cộng sự trẻ tuổi và giới nho sĩ ở Quảng Nam về sau đã được các vị khác tiếp tục. Trí nhớ tập thể đã gần như quên mất công đầu của những người phát minh đầu tiên. Hi vọng là công trình khiêm tốn của tôi sẽ trao cho Việt Nam của hôm nay, cho những ai học và yêu ngôn ngữ, cho những ai tìm về văn hoá cổ, một lối tiếp cận và biết đâu còn là một thôi thúc để đi sâu thêm vào khai quật những vết tích xưa. Đó sẽ là một ơn ích cho Việt Nam và ngôn ngữ Việt.
 
Portugal nay đang muốn tìm biết về lịch sử đáng quý trọng về sự can dự của nó tại Châu Á. Những chuyện buồn chung quanh việc người phương tây bóc lột châu Á đã là những đề tài nóng bỏng. Tuy nhiên Portugal có một lịch sử lâu dài về hữu nghị và hợp tác. Ngày nay, sự có mặt hoà hiếu của họ có thể đem lại dịch vụ chứ không phải là những thương tổn đối với một khu vực to rộng và giàu có là châu Á. Portugal xứng đáng được nghiên cứu để được công nhận những cống hiến của quốc gia này đối với những nền văn hoá lớn tại châu Á, tại Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Hoa. Nhưng quốc gia này còn đóng góp vào việc làm giàu văn hoá tại nhiều nơi khác nữa, mà những đóng góp này dẫu nhỏ bé cũng đáng và cần được trân trọng. Mong ước nhỏ bé của tôi là công trình ra mắt hôm nay là một bước theo chiều hướng nói trên, và nói lên một nhu cầu có thật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét