khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Mùa Xuân 2010 Tại New Orleans – Tac gia Đòan Thanh Liêm



Sau một tuần ở Houston Texas, tôi đã lên xe bus đi về hướng đông và đến New Orleans Louisiana vào chiều ngày thứ Năm 8 tháng Tư. Từ bến xe, tôi đã được anh bạn Viễn Chu đón về nhà anh Vương Kỳ Sơn tại khu Versailles về phía đông của thành phố, nơi từng bị cơn bão Katrina tàn phá kinh hòang vào năm 2005. Mục đích chính của tôi trong chuyến đi này là để tham dự Đại hội thường niên năm 2010 của tổ chức Ân xá Quốc tế - Phân bộ Mỹ (Amnesty International USA) được tổ chức tại khách sạn Marriott trên đường Canal nổi danh của New Orleans trong 3 ngày 9, 10 và 11 tháng Tư. Chi tiết về Đại hội này đã được ghi trong bài tường thuật với hình ảnh đính kèm rồi. Và sau khi Hội nghị bế mạc, tôi còn ở lại New Orleans thêm mấy ngày để thăm viếng bà con bạn hữu, nhân tiện cũng tìm hiểu về sự phục hồi của New Orleans trong 5 năm sau trận bão Katrina.

Đến New Orleans lần này, tôi thật may mắn vì được anh Vương Kỳ Sơn là nhà báo đã sinh sống và làm việc lâu năm ở địa phương, lo lắng chăm sóc rất tận tình chu đáo trong mấy ngày tôi ngụ tại nhà anh. Vừa làm báo, vừa phụ trách mấy chương trình phát thanh và truyền hình, anh Sơn rất bận rộn, nhưng anh cũng bố trí nhờ các bạn khác để chở tôi đi chỗ này chỗ nọ, mỗi khi anh không thể cùng đi với tôi được. Cũng lại có sự trùng phùng kỳ thú nữa, đó là tôi gặp lại anh luật sư Trần Thanh Hiệp cũng vừa đến đây để tham gia buổi Hội ngộ của Ái hữu Cựu Gia đình Phật tử Vĩnh Nghiêm được tổ chức tại Trung tâm Phật giáo Vạn Hạnh tọa lạc trên đường Chef Menteur cũng gần với nhà của anh Sơn. Thành ra, vào chiều ngày chủ nhật 11 tháng Tư, tôi được anh Sơn chở qua tham dự buổi sinh họat văn nghệ kết thúc 3 ngày Hội ngộ của quý anh chị Ái hữu Vĩnh Nghiêm với nhiều thành viên từ các tiểu bang xa cùng quy tụ về đây. Dù đây chỉ là buổi văn nghệ lọai ”bỏ túi với các nghệ sĩ cây nhà lá vườn”, nhưng đã diễn ra thật ấm cúng ngọan mục, không kém gì các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Các anh chị em cấp trưởng này phần đông đều đã vào lọai cao niên, nhưng qua buổi sinh họat văn nghệ này, tôi thấy mọi người đều còn giữ được ngọn lửa nồng nàn yêu thương gắn bó sâu đậm với nhau và đối với đất nước và dân tộc Việt nam của mình. Đó là điều làm cho tôi càng thêm phấn khởi lạc quan hơn nữa.

Tiếp theo, anh Sơn lại chở anh Hiệp và tôi đến tham quan khu French Quarter nổi tiếng khắp thế giới của New Orleans. Chúng tôi đến thưởng thức café và loại bánh beignet đặc trưng của quán Café Du Monde. Đã 10.00 tối, mà quán đông nghịt khách, phần đông là du khách như anh Hiệp và tôi. Chúng tôi được một em là sinh viên mới từ Việt nam qua để theo học ở đại học phục vụ mang café và bánh ngọt như đã yêu cầu. Sau đó, anh Sơn lại dẫn chúng tôi đến thăm khu phố Bourbon để nghe nhạc Jazz là thứ ” đặc sản” của New Orleans với nhạc sĩ lừng danh Louis Armstrong từ thập niên 1940 -50. Anh Hiệp là dân sành nhạc, nên đã tính yêu cầu các nhạc công biểu diễn một số bài nhạc mà từ hồi còn trẻ trên 60 năm trước, hồi còn theo học ở Hanoi anh đã yêu thích. Nhưng vì thời giờ eo hẹp, nên chúng tôi đã không thể làm được điều đó. Quả thật các nhạc công ở đây đã rất nhuần nhuyễn trong khi trình bày các bản nhạc Jazz, theo cái truyền thống bất hủ của Armstrong cách nay đã trên nửa thế kỷ tại thành phố lịch sử này. Chúng tôi đã đi bộ suốt dọc theo phố Bourbon vào ban đêm đã được chặn lại không cho xe cộ lưu thông để du khách nhàn tản mặc sức đi lại trên khu phố thật là nhộn nhịp ồn ào với các điệu nhạc từ cả mấy chục quán rượu phát ra. Du khách tấp nập len lỏi trong khu phố cổ có đến mấy trăm năm do người Pháp xây dựng từ hồi thế kỷ 17-18, trước khi Hoàng đế Napoléon bán lại tòan bộ vùng đất Louisiana cho Mỹ hồi đầu thế kỷ 19 dưới thời của Tổng thống Jefferson. Qua cái vụ “Louisiana Purchase” (Mua lại Louisiana) này, nước Mỹ chỉ phải bỏ ra có mấy triệu dollar, mà đã có thêm được một vùng đất rộng mênh mông về phía Tây Nam, để rồi chỉ vài thế hệ sau là đã mở mang bờ cõi đến tận bờ biển Thái bình dương với các tiểu bang California, Oregon và Washington vào thập niên 1850 – 60 như lịch sử cận đại đã ghi chép.

Vì là vùng đất do người Pháp khai phá và xây dựng đã lâu, nên New Orleans vẫn còn lưu giữ rất nhiều di tích cũng như tên đường phố, khu vực bằng tiếng Pháp, điển hình như khu Versailles, phố Lourdes, phố Bourbon v.v… Đặc biệt là có một xa lộ về phía bờ Tây (East Bank) của sông Mississippi, mà có đi ngang Trung tâm Phật giáo Vạn Hạnh, thì lại có tên rất ngộ nghĩnh bằng tiếng Pháp, đó là xa lộ “Chef Menteur” (tức là “Dân Đại Xạo “ = Tay tổ nói dối). Mỗi lần đi trên xa lộ này, anh Hiệp và tôi cứ cười ngất.

Vào chiều thứ Hai 12 tháng Tư, trên đường chở anh Hiệp ra phi trường Louis Armstrong để về lại California, anh Sơn còn chở chúng tôi đi thăm mấy vùng bị bão Katrina tàn phá năm 2005. Đạc biệt là khu vực gần trường Đại học New Orleans (UNO = University of New Orleans), nơi cây cầu North London Bridge mà con đê bị bể khiến nước tràn vào gây ra cơn lụt khủng khiếp, tràn ngập cả một vùng rộng lớn, làm hư hại không biết bao nhiêu tài sản và cả nhân mạng. Nơi con đê bị bể dữ dội nhất là con đường số 17 phân ranh giữa hai quận hạt Orleans và Jefferson ( ở đây gọi là parish, chứ không phải là county như mọi nơi khác), thì nay vẫn còn dấu vết của sự tàn phá kinh hoàng. Theo anh Sơn cho biết, thì đến nay là 5 năm sau cơn bão, New Orleans đã phục hồi được đến trên 90% rồi.

Điển hình là : Trong khi tham dự thánh lễ vào sáng sớm Chủ nhật ngày 11 tháng Tư tại nhà thờ “Maria Nữ Vương Việt Nam” trong khu vực Versailles, tôi thây giáo dân người nào cũng ăn mặc tươm tất và đi lễ rất đông. Giáo xứ này hiện có đến trên 4,500 giáo dân, nên mỗi chủ nhật phải tổ chức cử hành 4 thánh lễ, thì tât cả mọi người mới tham dự thánh lễ đày đủ được. Tại khu vực này, sự gắn bó tương thân tương trợ của khối giáo dân Việt nam trong việc phục hồi tái thiết lại sau cơn bão đã lôi cuốn theo nhiều sắc dân khác tại địa phương. Cái yếu tố tâm lý và tâm linh kỳ diệu này đã được giới truyền thông báo chí, cũng như chính quyền địa phương hết sức ngạc nhiên và đề cao ca ngợi không tiếc lời. Rõ rệt đó là một điểm son của cộng đồng người Việt, mà phần đông trước năm 1975 đều là dân chuyên nghề đánh cá ở các khu vực Phước Tỉnh, Long Hải, Phan Thiết và Rạch Giá…

Qua ngày thứ Ba 13 tháng Tư, tôi được chú Trần Văn Thuận chở về nhà tại khu Gretna bên bờ Tây của sông Mississippi (West Bank). Thuận là em của giáo sư triết học nổi danh tại Âu châu Trần Văn Toàn và là em rể của giáo sư Võ Thế Hào bạn lâu năm của tôi hồi học thi bằng Tú tài ở Hanoi năm 1953-54. Bà xã của Thuận là Cô Uyên, một người con rất mực hiếu thảo mà tôi thật sự quý mến. Từ hồi sau năm 1954, lúc di cư vào miền Nam, tôi đã có dịp sống chung với gia đình của Hào và được bà cụ mẹ Hào chăm lo cho việc ăn uống sinh hoạt thật chu đáo. Vì thế tôi được coi như là người anh em ruột thịt trong gia đình của Hào vậy. Uyên là con gái út, hồi năm 1954 mới có 12 tuổi với Truyền là con trai út mới độ 10 tuổi, mà nay Truyền đã là một bác sĩ có tiếng ở New Orleans. Sau năm 1975, một mình cô Uyên vừa phải chăm sóc cho một lũ con còn thơ dại, vừa phải lo đi thăm nuôi chồng bị đi tù cải tạo, lại vừa phải chăm sóc phụng dưỡng cho cha mẹ đã già yếu lắm rồi. Năm 1990, gia đình cô được qua Mỹ qua diện HO 1, đem theo cả ông bà cụ qua định cư ở New Orleans, chỗ của bác sĩ Võ Thế Truyền đã lập nghiệp từ năm 1975. Một mình Uyên phải ở nhà chăm sóc cho hai cụ thật là chu đáo cho đến ngày các ngài đều quy tiên.

Là người thân thiết trong gia đình, nên tôi hiểu rất rõ và đánh giá cao cái tấm lòng hiếu thảo của vợ chồng Uyên-Thuận đối với cha mẹ của mình. Vì thế mà mỗi lần có dịp đến New Orleans, thì tôi đều đến viếng thăm gia đình cô chú này. Chúng tôi có dịp tâm sự, ôn lại bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của gia đình đã trên 50 năm nay. Tại khu vực bên bờ phía tây này, bão Katrina cũng gây thiệt hại khá nhiều, nhưng không đến nỗi bị nạn lụt trầm trọng như ở bên bờ phía đông. Và tôi thật mừng là lũ con của cặp vợ chồng hiếu thảo này đều đã trưởng thành chững chạc, mà vẫn giữ được nền nếp đạo hạnh tốt đẹp truyền thống của hai dòng họ Vũ & Trần. Qua vài ngày sinh sống tại gia đình cô chú, tôi càng thêm xác tín rằng trong rất nhiều gia đình Việt nam sinh sống tại nước ngoài, thì vẫn còn lưu giữ được cái truyền thống nhân nghĩa đạo hạnh mà cha ông chúng ta đã truyền lại từ bao nhiêu thế hệ trước đây. Vì thế mà lần viếng thăm New Orleans vào dịp mùa Xuân năm Canh Dần này, tôi càng thấy thiên nhiên cũng như con người tại thành phố lịch sử bên bờ dòng sông Mississippi của miền Nam nước Mỹ vẫn còn ánh lên một nét tươi mát lạc quan phấn khởi tuyệt vời.

Ngày thứ Năm 15 tháng Tư, tôi lại lên xe bus trở lại Houston, trước khi di Dallas để đáp máy bay đi tiếp Washington DC để làm việc tại mìền Đông nước Mỹ trong mấy tháng đầu mùa hè như mọi năm.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn tổ chức Amnesty International USA với Đại hội Thường niên năm nay ở New Orleans. Xin cảm ơn các anh chị Ái hữu Gia đình Phật tử Vĩnh Nghiêm với Hội ngộ Xuân 2010 tại đây. Xin cảm ơn các bạn Vương Kỳ Sơn, Viễn Chu, Hoài Việt đã lo lắng giúp đỡ tận tình cho tôi trong thời gian lưu ngụ tại New Orleans. Và xin cảm ơn cô chú Uyên - Thuận vì những cảm tình đôn hậu quý mến thân thương vẫn bền chặt gắn bó như thuở nào.

Bất kể ở một nơi nào, đất nước nào, Mùa Xuân không phải chỉ ở tại thiên nhiên. Mà cốt yếu là ở trong nội tấm sâu thẳm của mỗi một con người chúng ta nữa vậy. Mà điển hình là nơi những nhân vật mà tôi vừa nói lên lời cảm ơn trên đây nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét