khktmd 2015
Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015
Cuộc gọi sáng sớm- Tác giả Binh Méo
Trời mờ sáng ở Quận Cam. Binh Méo còn đang mơ mơ màng màng thì chuông FaceTime reo. Thấy hình, Méo bật dậy.
- Chào buổi sáng, tổng thống.
- Sorry Méo, tôi biết là tôi đánh thức Méo hơi sớm, nhưng tâm tư quá, chịu không nổi nên đành gọi thôi.
- Không sao đâu, tổng thống. Tâm tư chuyện gì vậy?
- Méo nhớ không, cách nay hai năm, khi tôi tiếp Sang (nghe như Song) ở phòng Bầu Dục, anh ta nói một câu mà tôi tức cười quá.
- Tổng thống làm ơn nhắc lại.
- Anh ta nói “Tôi bày tỏ lòng cảm ơn chân thành của chính phủ chúng tôi về sự chăm sóc hết sức chu đáo của chính phủ Hoa Kỳ trong suốt quá trình mấy chục năm qua đối với bà con người Việt Nam sinh sống và làm việc – và bây giờ là người Mỹ gốc Việt – trên đất nước Hoa Kỳ. Nhân dịp này, tôi cũng bày tỏ sự mong muốn của chính phủ Việt Nam rằng, bà con người Việt đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ sẽ là những chiếc cầu vững chắc nối liền sự phát triển mối quan hệ nhân dân hai nước trong thời gian tới.”
- Ừa, tức cười thật. Rồi sao nữa?
- Năm nay khi tôi tiếp Trọng (chữ này nói rất tốt, tuy thiếu dấu nặng, cho qua) anh ta có vẻ diễn khá hơn ở phòng Bầu Dục, chỉ nói “cho tôi gửi lời hỏi thăm tới cộng đồng bà con Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Hoa Kỳ và chúc cho quan hệ hai nước chúng ta ngày càng phát triển tốt hơn nữa.”
- Okay, rồi sao?
- Nhưng sau khi rời phòng Bầu Dục, chạy sang thuyết ở CSIS cách đó mấy bloc, Trọng lại ca bài cũ. Anh ta nói “Đặc biệt, còn có một nhân tố hết sức quan trọng đối với quan hệ hai nước, là cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Họ là công dân Hoa Kỳ và cũng là đồng bào của chúng tôi. Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.”
- Tổng thống có những nhận xét hết xảy, nhưng chẳng lẽ tổng thống FaceTime với tôi chỉ để trích dẫn những câu vô duyên của các ông lãnh đạo này?
- Méo nói đúng. Bộ mấy ổng không biết 99 phần trăm người Mỹ gốc Việt là thành phần đã bỏ trốn khỏi mấy ổng, ớn mấy ổng phát khiếp rồi hay sao? Bộ mấy ổng không hiểu nước Mỹ không vận hành theo cơ chế xin-cho hay sao? Bất cứ sắc dân nào tay trắng đến định cư tại nước Mỹ đều có quyền sử dụng những chương trình trợ giúp đã có sẵn, chả riêng gì người Việt, nước nào cũng vậy, chả cần phải xin xỏ gì cả, cứ theo đúng hướng dẫn mà làm thì ban đầu sẽ có ăn no mặc ấm, rồi từ từ chịu khó lao động sẽ tiến đến ăn ngon mặc đẹp. Nói cách khác, sự chăm sóc của các cơ quan xã hội nước Mỹ là bổn phận của họ đối với người nhập cư, chứ không phải là sự ban ơn, không cần phải bôi trơn mới được giúp đỡ…
- Tôi nghĩ có lẽ trước khi đi Mỹ, họ đã không được thuộc hạ tư vấn đầy đủ…
- Không Méo ơi. Khi tôi thấy họ phát biểu những câu này, tôi thấy mặt mũi họ thành khẩn và nghiêm túc lắm. Họ dùng những cụm từ giống nhau như đúc, họ hát cùng một bài cả, có vẻ như họ không hiểu họ đang nói cái gì vậy. Hình như tư duy của họ có vấn đề hay sao ấy? Tôi còn có nhận xét như thế này nữa…
- Xin tổng thống tiếp tục cho nghe.
- Mấy cái ông này muốn cộng đồng người Việt ở Mỹ làm đầu cầu phát triển quan hệ hai nước thì tôi thấy một trong những cách hay nhất là họ hãy tỏ thiện chí, chẳng hạn như để yên cho người ta trùng tu lại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa chẳng hạn, giống như ý kiến của Giáo sư Lê Xuân Khoa đưa ra. Họ chỉ cần hô một tiếng là người Việt ở Mỹ gửi tiền về kìn kìn để sửa sang lại, họ có tốn cắc nào đâu.
- Tổng thống nói đúng. Quan hệ giữa quốc gia với quốc gia cũng giống như quan hệ cá nhân với cá nhân, phải có qua có lại. Mỗi năm, người Việt ờ Mỹ gửi hàng tỉ hộp bánh ít đi, không kèm điều kiện nào, mà chẳng thấy Hà Nội gửi một lóng tay bánh quy lại, rồi bây giờ lại muốn người ta làm đầu cầu nữa, rõ chán.
- Chưa hết đâu, Méo ơi.
- Gì nữa, tổng thống?
- Tôi tưởng chỉ có mấy ông lãnh đạo mới gặp tình trạng tư duy có vấn đề, mà các nhà trí thức phò chế độ cũng có những ý tưởng tương tự.
- Xin tổng thống cho ví dụ.
- Trong chuyến đi của Trong vừa qua, bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng có một bài trên tờ The Diplomat mà tôi gọi là “ăn theo.”
- Bà ta nói gì vậy?
- Bả nói: “Quan hệ Mỹ-Việt có nhiều hứa hẹn trong nhiều lĩnh vực. Một trong những lĩnh vực đó có liên quan đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt, họ đã làm chúng tôi tự hào qua cách mà họ đã hội nhập và đóng góp nhanh chóng và thành công bằng nhiều cách trong xã hội Mỹ. Giờ đây, có khá nhiều thành viên trong cộng đồng đó, đặc biệt là thế hệ thứ hai, đang xây những nhịp cầu thông cảm với Việt Nam và đã đích thân đóng góp vào kinh tế, giáo dục và phát triển xã hội của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng vào sự năng động và khát vọng mạnh mẽ của giới trẻ Việt Nam và giới trẻ Mỹ gốc Việt, họ sẽ là động lực cho mối quan hệ hai nước trong tương lai. Họ nêu bật ý nghĩa là quan hệ Việt-Mỹ hiện nay và trong tương lai sẽ có nhiều thực chất và ý nghĩa hơn là chỉ nhìn nhau qua ánh mắt.”
- Ôi thôi, cái bà cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bây giờ đã bị thất sủng, hết thời, mà tổng thống để ý làm quái gì cho mất công.
- Nhưng bả nói nghe tức anh ách Méo ạ. Trước đây, bả ăn cơm của miền Nam, được gia đình cho đi Tây học, bả đi theo bà Nguyễn Thị Bình, chửi miền Nam là tay sai của Mỹ. Bây giờ bả lại nói bả tự hào về cái đám tay sai đó. Thế là thế nào? Bả cũng khôn ở chỗ bả né cái thế hệ thứ nhất vì bả biết thế hệ này chẳng ưa gì bả và chẳng muốn đóng góp làm gì vô ích. Bả nhắm dụ khị thế hệ thứ hai. Tôi định hỏi bả nếu bây giờ thế hệ thứ hai về đóng góp mà họ thấy những chuyện trái tai gai mắt, họ la toáng lên, thì liệu bả có gọi công an đến lôi vào bên trong, đạp vào mặt, giống như gia đình đóng cửa lại dạy dỗ những đứa con hỗn hào, hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi, giống như bả từng nói về các dissident Việt Nam bị bắt hay không?
- Khà khà, tổng thống biết nhiều chuyện về Việt Nam quá xá.
- Tức anh ách thì phải biết chứ sao. Mà sao tôi thấy mấy ông bà trí thức phục vụ chế độ ai cũng giống nhau hết a.
- Xin tổng thống elaborate thêm một chút.
- Lấy ví dụ như Bác sĩ Phạm Gia Khải. Địa vị của ông ta đâu có làm vợ con ông đói, gia đình ông ta cũng thuộc loại danh giá, có ông em từng làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao. Ấy vậy mà ông Khải cũng nói quanh co về chuyện Nguyễn Bá Thanh, tau khỏe, có chi mô, rút cục, ông Thanh đã hoàn thành nhiệm vụ. Rồi bây giờ đến chuyện ông Thanh khác …
- Tôi nghĩ Bác sĩ Khải giống như các nhà trí thức phò chế độ khác, trong tủ ông nào cũng có một bộ xương, nếu you không làm theo trên “yêu cầu,” chúng tôi sẽ lôi bộ xương của you ra cho mọi người coi chơi.
- Okay, nãy giờ tâm tư với Méo như vậy là xả được cái xú-bắp rồi. À này, Joe (*) dặn tôi nếu có dịp gặp Méo, cám ơn Méo lần nữa hộ Joe về cú tư vấn hai câu thơ của Wynn Zoo, (**) làm cả lề phải lẫn lề trái bàn tán xôn xao quá cỡ thợ mộc.
- Không có gì, tổng thống. Tôi đã trả lời với Joe là tôi biết mấy ông trăm công ngàn việc. Nào là Iraq, Iran, Afghanistan, Bắc Hàn… nên lúc nào tôi giúp được là tôi giúp liền. Cái khác biệt giữa lãnh đạo giỏi và lãnh đạo dở là chịu nghe tư vấn đúng lúc.
- Sẵn đây tôi cũng cám ơn Méo đã tư vấn cho tôi và John chọn Ted (***) làm đại sứ, vì từ hồi nhận chức tới giờ, performance của Ted rất tốt.
- Không có gì, my pleasure, tổng thống. Đối với những người chỉ nói một đàng làm một nẻo, hay đổi trắng thay đen, thì cách hay nhất là mình đưa ra một khuôn mặt “coi zậy mà không phải zậy” để deal với họ, thuật ngữ chuyên môn gọi là “dĩ độc trị độc,” thì mới có nhiều phần chắc là thắng.
- Chính xác! Give me five, bro.
Cú đập hai bàn tay vào với nhau trong màn hình FaceTime nghe đánh chát một tiếng làm Binh Méo tỉnh dậy luôn, không muốn nướng tiếp.
_________________________
(*) Joe Biden
(**) Nguyễn Du
(***) Ted Osius
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét