Gs Châu Tâm Luân |
Trong cuốn sách Bên Thắng Cuộc của nhà văn Huy Đức có đoạn nói về ông Châu Tâm Luân, một trí thức miền Nam, sau 1975 như sau:
Giáo sư Châu Tâm Luân kể: “Tại diễn đàn của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi đề nghị phải áp dụng ‘kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước’. Ông Xuân Thủy nghe, nói với tôi: ‘Anh phải có người đỡ đầu, anh về nói với Sáu Dân đi’. Tôi trả lời ông Xuân Thủy: ‘Nếu tôi nói đúng thì các anh phải nghe chứ sao lại cần người đỡ đầu?’.
Ông Châu Tâm Luân trả lời như vậy vì ông suy nghĩ theo cách của dân miền Nam trước 1975, và cũng là cách suy nghĩ của nhiều nước không cai trị theo lối của Cộng Sản trên thế giới, trong đó có nhiều nước không nhất thiết là dân chủ như các nước Âu Mỹ.
Khi một người nghĩ là "nếu tôi nói đúng thì các anh phải nghe" thì người đó xem là trong xã hội mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau và ai nói có lý thì sẽ được những người khác công nhận.
Còn ông Xuân Thủy thì hiểu cách vận hành của chế độ Cộng Sản nên khuyên ông Châu Tâm Luân nên tìm người đỡ đầu. Cần phải có người đỡ đầu để người đỡ đầu nói hộ cái ý mà ông Châu Tâm Luân muốn nói. Người đó phải được chế độ tin tưởng đủ mạnh để ban lãnh đạo lắng nghe lời người đó nói.
Khi những người lãnh đạo một chế độ chỉ tin vào lời những người mà mình tin tưởng thì những người đó không thật sự dùng óc của mình suy nghĩ những điều đúng sai phải trái từ phía người nói mà chỉ xét xem kẻ nói có thuộc về phe mình hay không, nếu kẻ đó không phải là phe ta và không biết chắc họ thuộc về phe nào, hoặc biết rõ là họ không theo mình thì những người lãnh đạo đó không thèm nghe lời họ. Đó là óc bè phái, phe đảng nặng hơn là lý trí sáng suốt.
Còn ông Châu Tâm Luân thì quen sống trong môi trường mà mọi người có quyền lên tiếng. Khi có các ý kiến khác nhau, trái ngược nhau thì mỗi người cố đưa ra các lập luận, bằng chứng để thuyết phục người khác. Các người khác cũng xem xét vấn đề xem có lý hay không. Nếu ai nói có lý thì họ công nhận là người đó đúng và công nhận là lý lẽ của họ sai. Bằng cách đó mà chế độ miền Nam có nhiều đảng, nhiều báo chí tư nhân, nhiều nhà văn được tự do viết sách, có những người được tự do đưa ra học thuyết, giả thuyết của mình về các vấn đề lịch sử, văn hóa. Tất cả đều dựa trên nguyên tắc ai nói có lý thì nghe mà không phải là nguyên tắc ai thuộc phe mình thì nghe. Nếu ai cũng suy nghĩ theo kiểu ai thuộc phe mình thì nghe thì chế độ cho đa đảng, cho tự do ngôn luận sẽ chỉ đưa đến chỗ hỗn loạn, xung đột mà thôi vì không ai chịu ai là đúng cả.
Ông Châu Tâm Luân đã bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt giam trong một thời gian vì đó là thời chiến. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang phải chống đỡ với sự tấn công bằng quân sự của khối Cộng Sản . Những điều ông Châu Tâm Luân nói nếu nó đụng chạm đến sự sinh tử của chế độ thì chế độ đó phải bắt ông ta. Nhưng về nhiều mặt văn hóa, xã hội, chính trị người dân miền Nam vẫn có quyền phát biểu và mọi người đánh giá các ý kiến khác nhau trên tinh thần ai nói có lý thì nghe. Thí dụ, ông Châu Tâm Luân khi làm giáo sư kinh tế trước 1975 vẫn thường nói với sinh viên là kinh tế xã hội chủ nghĩa là tốt nhất mà chính quyền vẫn để cho ông dạy học.
Sau năm 1975, nhiều bác sĩ, giáo sư đại học đã bị đuổi khỏi nhà thương, trường đại học vì họ quen lối ở miền Nam trước đó là thấy cách làm việc nào dở, vô lý thì họ phản đối. Khi họ phản đối như vậy thì những người lãnh đạo hoặc là phải biện hộ về cách họ làm hoặc phải nghe lời phản đối nếu lời đó là phải. Còn sau 1975, cách thức hoạt động tại các nhà thương, trường đại học là do ở trên đặt ra, ở dưới bắt buộc phải làm y như vậy, dù có người phản đối thì những người có trách nhiệm trong nhà thương, trường học cũng không có quyền thay đổi đi.
Nên làm theo vì thấy có lý hay nên làm theo vì thấy điều đó là do phe ta đưa ra? Nếu chỉ làm theo những gì mà phe ta đưa ra thì một nước rất khó tiến bộ vì trong nội bộ nước đó nhiều ý kiến đưa ra từ phía người dân sẽ bị bỏ qua vì họ không thuộc vào loại người mà lãnh đạo thực sự tin tưởng. Nước đó chỉ có thể thay đổi khi thấy nước khác cũng thuộc phe ta đã thay đổi. Nghĩa là Việt Nam chỉ thay đổi khi các nước cùng phe XHCN như Liên Xô, Trung Quốc đã thay đổi.
Thế còn Liên Xô, Trung Quốc thì lãnh đạo của họ chỉ thay đổi khi chế độ của họ đi đến chỗ bế tắc, nguy ngập chứ họ cũng không nghe lời ý kiến của người dân nước họ. Trách sao trong thế kỷ 20 các nước này hô hào đuổi theo các nước Âu Mỹ rất dữ mà sau một thế kỷ họ vẫn còn phải đuổi theo. Chỉ vì các nước Âu Mỹ họ làm theo điều gì nói có lý chứ không làm theo điều gì do phe ta nói ra.
Chế độ làm theo những gì nói có lý là chế độ để mở để có thể thay đổi nhanh chóng khi có ý kiến mới đưa ra. Chế độ chỉ làm theo những gì do phe ta nói ra là chế độ được xây dựng cốt để tránh thay đổi với các ý kiến mới.
Chế độ làm theo những gì nói có lý là chế độ để mở để có thể thay đổi nhanh chóng khi có ý kiến mới đưa ra. Chế độ chỉ làm theo những gì do phe ta nói ra là chế độ được xây dựng cốt để tránh thay đổi với các ý kiến mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét