khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Một kẻ lạ trên phố phường Hà Nội - Tác giả Trịnh Y Thư



Tôi đứng nhìn sững hai vết hõm sâu hoắm lở lói trên mặt cổng thành. Cổng Bắc thành Hà Nội. Hai vết hõm như vết thương con thú bị đâm rồi kẻ đâm cứ thế chọc ngoáy cho đến khi con thú gầm thét rũ ra chết thảm. Con thú đây là thành Hà Nội và hai vết thương là vết đạn đại bác quân Pháp bắn vào trong lần chiếm thành lần thứ hai năm 1882. Quân Pháp, với chừng hai trăm lính thuỷ và vài trăm lính bộ, dưới quyền chỉ huy của Trung tá hạm trưởng Henri Rivière, chiếm thành sau gần ba giờ đồng hồ nã súng. Đọc sử, tôi biết như thế và đấy là trang sử bi thảm, đau buồn của dân tộc, bắt đầu cho nhiều trang sử đau buồn khác tiếp theo sau.

*

Về Hà Nội lần này, tôi có có hai việc phải làm: thứ nhất, đến nhìn tận mắt nơi mình sinh ra đời cách đây hơn nửa thế kỉ để xem nó ra sao, và thứ hai, đi thăm một số những di tích lịch sử của thành phố. Việc thứ nhất chẳng có gì đáng nói. Giấy khai sinh của tôi ghi tôi sinh ra tại 15 Phố Hàng Bông. Có lẽ đó là địa chỉ một bảo sanh viện hay bệnh xá nào đó, nhưng bây giờ nó là một cửa hàng bán quần áo thời trang, màu mè rực rỡ. Tôi đứng vẩn vơ trước cửa tiệm, mỉm cười như chữa thẹn với cô ma-nơ-canh trắng toát đứng sau khung kính rồi bỏ đi như thể tôi là kẻ lạc đường gõ lầm cửa một căn nhà lạ.

Nhưng việc thứ hai, đi thăm các di tích lịch sử, đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng mạnh. Tôi đứng nhìn lâu lắm hai vết đại bác trên mặt cổng thành Hà Nội. Người Hà Nội qua lại ngoài đường phố, nếu có kẻ nãy giờ theo dõi hành vi tôi chắc phải nghĩ tôi là thằng điên. Tôi bỏ cổng thành, đi men theo con đường nhỏ rồi chui vào trong thành bằng cửa hông. Bên trong không một bóng người, chẳng ai kiểm tra tôi, thế là tôi hì hụi trèo chừng trăm bậc cấp lên mặt thành. Mặt thành bằng phẳng, chỉ có một mình tôi trên đó, đi lang thang, dò dẫm, cái gì cũng nhìn cái gì cũng chăm chú quan sát như thể muốn ghi sâu vào kí ức từng góc tường, từng viên gạch của toà thành cổ. Nhìn từ đây, dù bị những tàn cây cao che tầm mắt, tôi vẫn thấy sự to rộng, kiên cố của thành. Tôi không biết chỗ nào là Võ Miếu nơi cụ Hoàng Diệu treo cổ tự vẫn chết theo thành, một cái chết trung liệt nhưng oan khiên bởi nó vẫn không làm thức tỉnh được đầu óc ngu muội, thiển cận của thành phần vua quan phong kiến thời đó (và ngay cả thời bây giờ). Tôi có cảm tưởng vong linh cụ Hoàng vẫn quanh quẩn đâu đây. Một cái chết oan khiên như thế, tôi tin vong linh người chết dẫu nghìn năm vẫn không thể tan biến về cõi khác được. Tôi đứng nghiêm, trong đầu lầm thầm khấn vái vong linh cụ, nhưng quả tình tôi chẳng biết cầu xin cụ cái gì.

Tôi bước xuống bậc cấp, lách mình giữa hai cánh cửa nặng nề, men trở lại con đường nhỏ rồi nhập vào đoàn người lũ lượt chạy ngược chạy xuôi tất bật ngoài kia. Tôi như người từ quá khứ trở về. Trong lúc đi như thế, đầu óc tôi như chưa trở lại với thực tại nên tôi không nghe tiếng người ăn nhậu cười nói la hét huyên náo trong một quán ăn lộ thiên nhếch nhác, giăng bạt xanh đỏ ngay bên tường thành, xe máy đậu dọc theo chân thành thành một hàng dài thậm thượt.

*

Hà Nội là lịch sử. Lịch sử là Hà Nội. Đi đến đâu tôi cũng thấy dấu vết của lịch sử. Và lịch sử của Hà Nội không hẳn chỉ là những biến cố trọng đại được ghi chép vào sử sách mà còn là những đền chùa miếu quán không biết xây dựng từ bao giờ. Hà Nội có bao nhiêu ngôi chùa cả thảy? Chắc là rất nhiều. Từ chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn nổi tiếng nằm ngay giữa lòng thành phố cho đến các ngôi chùa nằm phía tây Hồ Tây, như chùa Thiên Niên, chùa Vạn Niên, chùa Ức Niên, có lẽ con số lên đến cả trăm. Nhưng điểm đặc biệt là mỗi ngôi chùa đều có một lịch sử của riêng nó, chẳng hạn như chùa Vạn Niên là nơi tu hành của thiền sư Thảo Đường đời nhà Lí, người sáng lập thiền phái Thảo Đường. Tôi thích những ngôi chùa nằm rải rác chung quanh Hồ Tây. Ai đến Hà Nội cũng phải đi thăm chùa Trấn Quốc. Ngôi chùa là nguyên một quần thể có toà bảo tháp nằm gọn lỏn trên một hòn đảo nhỏ xinh xinh nối với ven hồ bằng đoạn đường đê ngắn, rẽ vào từ đường Cổ Ngư rợp bóng cây xanh. (Bạn chữa khéo, bảo đấy là đường Thanh Niên, tên Cổ Ngư là tên cũ, nhưng xin thưa ngay với bạn tôi thích cái tên Cổ Ngư hơn và nhất định không chịu gọi là đường Thanh Niên). Tuy thế tôi thích lang thang lên Nghi Tàm thăm chùa Kim Liên, uy nghi, sừng sững cổng tam quan, hoặc sang Thủ Lệ thăm đền Voi Phục, còn không thì về Yên Phụ thăm đình Yên Phụ. Mặc dù chỉ là ngôi đình thờ sắc thần của làng nhưng ngôi đình có một kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo đầy phong cách nghệ thuật. Hà Nội cũng là biểu hiệu cho sự đồng nguyên trong đức tin (một điều thế giới ngày nay nên học hỏi). Cách chùa Trấn Quốc một thôi đường ngắn là quán Trấn Vũ (hay Chân Vũ). Bà con quen miệng gọi “quán” là đền Quan Thánh, nhưng kì thực đấy là một ngôi quán của Đạo giáo thờ thánh Trấn Vũ (hay Chân Vũ) của Đạo giáo. Hình như trước đây bên trong khuôn viên quán có đền thờ Quan Vũ (tức tướng Quan Vân Trường nhà Thục Hán bên Tàu) nên mới có tên là đền Quan Thánh chăng? Chùa, quán nằm cạnh nhau. Phật giáo, Đạo giáo đề huề, không tranh chấp, không cãi vã, không kèn cựa, không đem bom đạn giết nhau.

Nhưng thích nhất là sang Phủ Tây Hồ.

Phủ Tây Hồ nằm trên doi đất ăn sâu vào tận giữa lòng Hồ Tây. Ở đó có rất nhiều hàng quán bán ốc và bánh tôm. Ôi thôi, đủ các thứ ốc! Ốc luộc, ốc hầm thuốc bắc, ốc xào khế, ốc nấu thả, ốc hấp, ốc nấu giả ba ba, và dĩ nhiên bún ốc. Món nào cũng ngon, cũng đậm đà hương vị Bắc. Ngoài ra có cả bánh tôm, mà theo tôi thì ngon hơn bánh tôm Cổ Ngư bên hồ Trúc Bạch nổi tiếng xưa nay. Nhưng đang nói về chùa chiền, bạn trách tôi sao lại xọ sang chuyện ăn uống phàm tục như thế? Không sợ phạm thánh à? Không đâu bạn ạ. Tôi vào đây với một mục đích. Đó là tận mắt nhìn ngôi phủ Mẫu Liễu Hạnh, tối linh từ của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ground zero của tín ngưỡng phồn thực. Vào thăm một nơi như thế mà không ăn uống thì phí lắm, như lên Cung Quảng mà không ghé thăm Hằng Nga. Ngồi ăn ốc và bánh tôm xong, gió mát từ ngoài hồ lùa vào hây hẩy, lòng thấy nhẹ nhàng, chưa bao giờ thấy thư thả như thế, tôi đứng lên lững thững đi về phía mỏm doi đất, nơi toạ lạc ngôi phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Tương truyền Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan một hôm trời đẹp bèn cùng hai người bạn thơ văn thả thuyền ngoạn cảnh Hồ Tây. Đang lênh đênh trên mặt gương hồ thì bỗng đâu xuất hiện một cô gái xinh đẹp. Hai bên đối đáp thơ văn tương đắc lắm. Sau một lúc đàm đạo chuyện văn chương thơ phú, Trạng Bùng ướm hỏi tính danh cô gái, nhưng cô chỉ mỉm cười đọc một bài thơ rồi biến mất. Chẳng biết cụ Trạng về nhà có tương tư cô gái hay không (nếu tôi là cụ thì chắc tôi tương tư đến chết mất thôi), cụ đọc kĩ bài thơ và nhất định bảo cô gái ấy chính là Mẫu Liễu Hạnh. Dân làng nhân thế lập miếu thờ. Người ta bảo tôi phủ Tây Hồ linh thiêng lắm, cầu gì được nấy.

Chao ơi, không biết người ở đâu ra mà đông như thế. Chưa thấy phủ đâu tôi đã chạm phải một đoàn người đông như kiến rồng rắn đi về phía phủ. A, hoá ra hôm này là ngày rằm. Toàn những cặp vợ chồng trẻ hoặc trai thanh gái lịch, ăn mặc chỉnh tề, tay bưng mâm ngũ quả nhang đèn, nối đuôi nhau vào phủ. Tôi đứng ngoài xa, sát bờ hồ, khuỳnh tay chống lên lan can kè đá nhìn ra mặt hồ. Phía bên này, một tín ngưỡng dân gian nghìn năm vẫn giữ nguyên như cũ. Phía bên kia, hình như là Nhật Tân, những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy nhấp nháy ánh đèn. Hà Nội là thế, như những đô thị cổ xưa khác trên thế giới, nó luôn luôn phải vật lộn, giằng co giữa cái cũ và cái mới. Bảo tồn cái đẹp truyền thống thâm thúy, sâu sắc cùng lúc thu nạp cái đẹp tân kì táo bạo, cao nhã là điều không dễ dàng chút nào, và luôn luôn xen vào đấy là những cái lố lăng, lố bịch, thậm chí xấu xa.

Chỉ có mặt gương Tây Hồ là không thay đổi.

*

Nhà văn Vũ Bằng thuở trước sống xa quê cũ, thương nhớ Hà Nội đến phát khóc. Ông nhớ Hà Nội là phải, vì Hà Nội có nhiều món ăn ngon mà ông là người thích ăn ngon. Tôi chẳng biết làm thế nào để tìm ăn những món ngon ông Vũ kể trong các tác phẩm của ông. Nào là cá anh vũ ăn với cháo ám; nào là gạo mới ăn với chim ngói; nào là cốm Vòng gói lá sen già, hương sen hương cốm hoà quyện vào nhau, đã đẹp mắt lại ngon miệng; nào là tháng tư thì phải lên Hưng Yên ăn nhãn. Ôi thôi, mỗi tháng mỗi mùa ông ăn một món khác nhau, món nào cũng cầu kì, lạ hiếm, biết đâu mà tìm. Tôi là kẻ dễ ăn, sáng trưa chiều, mỗi buổi một bát phở cũng xong. Phở Hà Nội thanh thanh, nhất là phở gà. Nem rán cũng không chê vào đâu được. Phở cuốn bên Ngũ Xã cũng ngon lạ, ăn xong đi thăm Nam Đồng Thư Xã, cái nôi của trí thức cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỉ XX. Hay ghé thăm chùa Thần Quang để mục kích pho tượng Phật A Di Đà to nhất Việt Nam, biểu hiệu cho kĩ thuật và nghệ thuật đúc đồng đen hiếm có. Nhưng ăn bánh cuốn, bún ốc thì tôi mò xuống Thanh Trì, tức quận Hoàng Mai bây giờ. Chưa hết, từ Hoàng Mai, tôi lấy xe máy vượt qua cầu Tranh Trì bắc ngang sông Hồng, vào làng Đông Dư, Bát Tràng (mua vài món đồ gốm làm kỉ niệm), thăm thú qua loa rồi tất tả chạy sang làng Phụng Công tìm bánh tẻ. Suốt thời thơ ấu tôi ăn bánh tẻ mẹ tôi làm, giữa nó và tôi là những kỉ niệm khó quên. Bánh tẻ, còn gọi là bánh răng bừa, là đặc sản của Phụng Công. Tôi nghe nói thế và tôi phải tìm đến tận nơi.

*

Bánh tẻ Phụng Công quả là đặc biệt, danh bất hư truyền. Tôi bỏ dép ngồi xếp bằng dưới sàn gạch hoa mát rượi, vừa ăn bánh vừa gợi chuyện với bà cụ già ngồi gói bánh với đứa cháu gái. Con bé tuổi chắc chưa quá mười lăm nhưng hai tay gói bánh đã nhuần nhuyễn, thiện nghệ lắm rồi. Bánh gói xong nằm xếp lớp gọn ghẽ bên nhau, lá chuối xanh buộc dây lạt trắng trông thật đẹp. Bánh có hình cái răng bừa nên người ta còn gọi nó là bánh răng bừa. Bà cụ già khoe tôi bánh của tiệm bà ngon nổi tiếng, nước ngoài cũng biết đến, “bên Hàn quốc, người ta còn gọi sang đặt lữa đấy.” Bà cụ bảo tôi. Có tiếng điện thoại di động phát ra từ túi áo cánh bà cụ, cụ ngưng tay làm rút ra nghe. “Anô... bánh tẻ Đức Phát tôi nghe đây... Vâng, vâng, ba chục bánh ạ... Chiều nay sáu giờ ông sang nấy.” Khách quen ở Hà Nội gọi sang đặt bánh. Cụ vừa nói vừa nhét điện thoại trở vào túi áo rồi hai tay lại thoăn thoắt gói bánh. Nhìn đôi bàn tay già nua, nhăn nheo của cụ tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến đôi bàn tay chai sạn của mẹ tôi.

Chia tay bà cụ miệng mồm mau mắn, trên đường về, bụng no như thế mà tôi vẫn tạt vào quán lá bên đường làng Đông Dư ăn ổi, ăn hồng xiêm và tán chuyện gẫu với mấy cô hàng. Chẳng biết nhân dạng, mặt mũi tôi kì dị như thế nào mà mấy cô cứ trố mắt nhìn tôi rồi rũ ra cười.

*

Một hôm, từ trong một cửa tiệm tạp hoá bước ra, tôi chạm trán một bà cụ già Hà Nội. Bà liếc nhìn tôi rồi kêu lên: "Khiếp! Cái ông Tây này sao mà béo thế!" Tôi mỉm cười khẽ bảo cụ: “Thưa cụ, cháu là người Việt mình đấy ạ.” Bà cụ lại kêu lên: “Ơ, chúng mày ơi! Ông Tây này biết nói tiếng Việt.”

Với Hà Nội, tôi là kẻ lạ. Tôi sinh ra ở đấy nhưng tôi chẳng biết gì về nó. Chưa kịp có chút ý thức nào thì tôi đã bị bứng gốc ném giạt về những miền đất xa lạ. Kẻ lạ cũng là kẻ bạc tình. Kẻ bạc tình vồn vã khi đến nhưng lạnh lùng lúc ra đi. Tôi chẳng bao giờ khóc vì nhớ thương Hà Nội như Vũ Bằng, nhưng một hôm có người bạn hỏi đùa, “Nếu có ngày về lại Việt Nam sinh sống thì cậu sẽ chọn ở nơi đâu.” Không kịp suy nghĩ, bất giác tôi buột miệng trả lời anh, “Hà Nội chứ còn đâu nữa.”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét