Bốn mươi năm sau khi những chiến xa Bắc Việt tiến vào Saigon – bị đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh - thủ đô cũ miền Nam thật khó nhận ra. Một nhận xét như thế sẽ là bình thường tại vùng Viễn Đông thường xuyên thay đổi, nếu không có một chút mỉa mai khi quan sát thấy thành phố đã trở lại cái dáng vẻ của « Saigon trụy lạc » mà những người cộng sản khắc khổ muốn đưa vào khuôn phép…
Trong khi Việt Nam kỷ niệm bốn mươi năm « giải phóng » vào ngày thứ Năm 30 tháng Tư, thủ đô kinh tế của nước này rất có thể trở thành một trung tâm kinh doanh quan trọng của Đông Nam Á.
Các thủ tục hành chính rườm rà và những trở lực khác liên quan đến kiểu cách chế độ hậu cộng sản, nỗi ám ảnh phải trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, đã hẳn là có nguy cơ làm chậm đi sự tiến triển.
Nhưng khi ngắm nhìn thành phố đang phát triển nhanh chóng từ phía bên kia sông, ở góc con đường mà xưa kia người Pháp gọi là Catinat còn nay được đặt tên lại là Đồng Khởi (tổng khởi nghĩa), người ta có chút ấn tượng là thành phố tám triệu dân này đã có dáng vẻ của một Thượng Hải nho nhỏ. Ở phía chân trời, nơi các cao ốc nhấp nháy trong đêm, cái dáng thanh mảnh của một tòa tháp nhọn ngự trị. Tòa tháp này do Bitexco - tập đoàn Việt Nam hoạt động trong ngành địa ốc, hầm mỏ, xây dựng cơ sở hạ tầng và nước khoáng - xây dựng.
Một điều mỉa mai khác, sức sống của miền Nam Việt Nam doanh thương mà trái tim từ lâu nghiêng về « business » là lý do khiến nhiều Việt kiều trở về - những người đã bỏ đất nước ra đi sau khi phe cộng sản chiến thắng, thường là « boat people ». Luồng người quay về không giảm bớt : năm 2014, trong số 750.000 người Việt hải ngoại trở về từ châu Âu hay Hoa Kỳ - một số chỉ đi theo tour du lịch ngắn ngày - « đa số đến Thành phố Hồ Chí Minh. Và nếu thành phố tiếp tục phát triển, cũng là nhờ họ ». Bà Lương B ạch Vân, Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, giải thích.
Bản thân bà cũng là Việt kiều hồi hương, và quá trình của bà thuộc loại đặc biệt. Ít lâu sau khi chào đời, cha bà Vân bị lính Pháp giết năm 1946, vào thời kỳ đầu cuộc chiến tranh Đông Dương. Được người bà nuôi dưỡng, bà sang Pháp năm 14 tuổi để sống cùng mẹ đang định cư tại Toulouse. Năm 1974, bà bảo vệ luận án tiến sĩ về hóa học phân tử ở trường đại học Saclay, ngoại ô Paris. Năm 1979, « người yêu nước không cộng sản » này về nước, cư ngụ tại Saigon sau một thời gian sống ở Hà Nội – vào thời đó hết sức nghèo khổ. Bà nói : « Với vai trò trưởng phòng thí nghiệm chuyên xử lý hóa học chất bán dẫn, tôi cùng với chồng được ưu tiên : sở hữu năm chiếc xe đạp ! Thời đó hết sức khó khăn, tôi tự hỏi làm thế nào có thể trụ lại nổi ».
Mảnh đất giàu sáng kiến
Mảnh đất giàu sáng kiến
Miền Nam quê hương, được bà cho là mảnh đất « giàu sáng kiến » : « Người Saigon cởi mở hơn, họ chấp nhận rủi ro ». Đặc tính này là một trong những yếu tố giải thích cho sự sôi động của Saigon : « Ở miền Bắc, người ta thận trọng hơn. Người Bắc có xu hướng nói đại loại như « Luật pháp không cho phép điều đó », còn người Nam nói « Để xem sẽ đi đến đâu, chúng ta trắc nghiệm xem giới hạn như thế nào ».
Tất cả những điều này không ngăn trở người phụ nữ đã trở thành Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc - tổ chức tập hợp tất cả các đoàn thể trong đó có cả đảng Cộng sản - chỉ trích sự trễ nải khiến chính sách Đổi Mới kinh tế do phe cải cách đưa ra năm 1986 chậm mang lại kết quả. Bà nói : « Bốn mươi năm sau giải phóng, dù sao người ta cũng hy vọng đời sống sẽ tốt đẹp hơn. Thế nhưng chúng tôi lại bị kẹt ở trình độ phát triển trung bình ».
Là một vùng không gian rộng lớn thường xuyên bị kẹt cứng bởi những luồng xe gắn máy đủ loại, Thành phố Hồ Chí Minh được hiện đại hóa nhưng phát triển theo đủ mọi hướng, chạm đến đường viền của « con rồng nhỏ » - dòng sông uốn lượn dọc theo thành phố. Các khu dân cư ngoại ô sang trọng như An Phú hay Thảo Điền, được xây dựng bằng vốn nước ngoài, đã mọc lên trong những năm gần đây. Một kiểu thành phố ngoại vi dành cho những người Việt giàu có và các cư dân ngoại quốc vốn luôn đông đảo.
Ở bờ bên kia con sông, tại một bán đảo mang tên Thủ Thiêm, một dự án đầy tham vọng sắp hình thành : một cao ốc văn phòng cho các công ty quốc tế lớn, một công viên, một quảng trường lớn với cây xanh dẫn đến một hồ nước nhân tạo. « Đó sẽ là khu La Défense (khu cao ốc văn phòng hiện đại ở ngoại vi Paris – ND) của Saigon ». Kiến trúc sư Nguyễn Khánh Duy, đối tác của công ty Pháp De-So đã thắng cuộc thi quy hoạch Thủ Thiêm năm 2009, hy vọng như thế. Khó thể nào không tự hỏi « Bác Hồ » sẽ nghĩ gì về sự thay đổi diện mạo của thành phố mang tên ông…
« Rốt cuộc thì việc thống nhất cũng diễn ra suông sẻ » - đó là nhận định của Trí Dũng, một Việt kiều khác đã hồi hương về Thành phố Hồ Chí Minh trong thập niên 90 sau hai thập kỷ sống tại Nhật. Là người chủ trương bảo vệ môi trường, ông đã thành lập một trường kinh doanh, nơi ông cố gắng giải thích rằng trong thực tiễn phát triển cần phải « coi trọng chất lượng hơn là số lượng ». Điều mà ông tiếc nuối, là vẫn còn một « giấc mơ » ở Việt Nam. Ông nói : « Nhưng sức mạnh của chúng tôi, đó là tinh thần thực tế. Sau chiến tranh, chúng tôi lại trở thành bạn bè với người Pháp và người Mỹ. Và nếu nền văn hóa chúng tôi không mạnh mẽ như thế, chúng tôi không thể nào thắng nổi cả hai… »
Trước lễ kỷ niệm một ngày, Tương Lai, vị giáo sư 80 tuổi đã tiếp chúng tôi tại nhà. Sau khi cầm súng chống Pháp ở tuổi 14, nay ông trở thành một trong những nhà xã hội học tên tuổi nhất của Việt Nam. Cả cuộc đời, ông nghiên cứu chủ nghĩa mác-xít. Là người nhiệt thành với chủ trương cải cách, ông đả kích một chế độ « độc đoán và trấn áp ». Và ông cười khi dẫn ra một câu nói châm biếm không chỉ dành cho người Việt : « Marx là một vĩ nhân, nhưng không có ông ấy thì tốt hơn ! »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét