khktmd 2015
Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015
30 tháng 4: Bốn mươi năm nhìn lại – Tac gia Bs Nguyen Duc Tue
Lại 30 tháng 4! Bốn mươi năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, “lại 30 tháng 4” như những lời thở dài than thở của hàng chục triệu người trong nước và hải ngoại.
Bốn mươi năm trước, định mệnh cho tôi làm một trong những chứng nhân của ngày lịch sử, chứng kiến đoàn quân Cộng Sản tiến vào Sài Gòn, đứng ở góc Công Lý và Thống Nhất cho đến khi xe tăng cộng quân cán sập cổng Dinh Độc Lập. Qua 40 năm, từ ngày cầm bút viết thường xuyên cho báo Ngày Nay năm 2001, mỗi năm ngày 30 tháng 4 đến tôi lại viết về chủ đề 30 tháng 4. Bốn mươi năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 từ một người trẻ 25 tuổi nay thành ông già 65, viết về 30 tháng 4 như một gợi nhớ về những kỷ niệm cũ, những cơ duyên trong đời, sau ngày chứng nhân của lịch sử, lại cho tôi gặp những nhân vật lịch sử của những năm tháng định mệnh.
“Trải qua những cuộc biển dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” Cụ Nguyễn Du có sống lại chắc cũng cãm thấy câu thơ của mình buồn cười không đủ diễn tả được những cuộc biển dâu ở đất nước xứ sở của mình trong thế kỷ thứ hai mươi, thân phận Thúy Kiều không thể so được thân phận của người Việt Nam. “Biển Dâu” không thể so được với “Biển Máu” gây ra bởi một người cùng tỉnh Nghệ An với cụ Tiên Điền, kẻ hậu bối tên Nguyễn Tất Thành mang biệt hiệu “Ái Quốc,” không làm việc được cho Pháp và cộng tác với OSS của Mỹ, đi tìm đường “bán nuớc,” qua Pháp gia nhập Đảng Cộng Sản bán tổ quốc cho Cộng Sản Quốc Tế dưới Chủ Nghĩa Mác-Lênin. Chiến tranh giải phóng thực chất là chiến tranh nô lệ cho chủ nghĩa Cộng Sản bắt đầu khi ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản xé nát Hiệp Định Genève 1954. Trong khi miền Nam cố xây dựng kinh tế với nền Cộng Hòa thì Cộng Sản chỉ biết máu, lửa, hận thù và sức mạnh phá hoại cả hai miền. Đảng CSVN bắc chước Cộng Sản Nga và Trung Hoa từ cải cách ruộng đất, sang bằng giai cấp tư sản cho đến bạo lực cách mạng. Chiến tranh từ 1954 đến 1975 đã kết thúc vì sự phản bội của Hoa Kỳ sau Hiệp Định Paris năm 1973. Một cuộc chiến phức tạp, bên phía Hoa Kỳ gọi là chiến tranh Việt Nam, bên phía Cộng Sản gọi là chiến tranh Mỹ còn phía Việt Nam Cộng Hòa gọi là chiến tranh chống cộng. Bốn mươi năm sau nhìn lại, sau khi khối Xô Viết sụp đổ, sau khi Cộng Sản Trung Quốc biến thể thành tư bản đỏ thì cuộc chiến đúng “nhân nghĩa thắng cường bạo” phải được gọi là chiến tranh chống cộng (cuộc chiến tranh có chánh nghĩa như nhà văn Nguyên Vũ đã đặt tên là “cuộc Thánh Chiến Chống Cộng”). Bốn mươi năm sau nhìn lại hai chế độ Cộng Hòa dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dù là hai chế độ Dân Chủ với những khuyết điểm vẫn hơn hẳn chế độ Cộng Sản miền Bắc sau năm 1954 và cả nước sau 1975 trên phương diện tự do, quyền làm người và bình đẳng giai cấp. Cuộc chiến chống cộng khởi đầu bằng một tổng thống Dân Chủ, Tổng Thống John F. Kennedy, chấm dứt bằng Hiệp Định Paris đạo diễn bởi Tiến Sĩ Henry Kissinger người tạo trật tự thế giới mới sau chuyến đi thăm Trung Hoa của Tổng Thống Richard Nixon năm 1972. Năm nay, 2015, Tiến Sĩ Kissinger lại xuất hiện với trật tự thế giới mới đã bị giới tiến bộ chỉ trích lần nữa khi họ nhắc lại vai trò của Kissinger qua Hiệp Định Paris năm 1973. Năm ngày trước kỳ tranh cử tổng thống năm 1968, Tổng Thống Lyndon B. Johnson ra lệnh ngưng bỏ bom Bắc Việt. Kissinger hai ngày sau đó, qua bà Anna Chenault, đã nói với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không đến Hiệp Định Paris vì Tổng Thống Nixon sẽ có một hiệp định hoà bình tốt hơn cho VNCH. Đối với thành phần cấp tiến Tiến Sĩ Kissinger là một tội phạm, đối với miền Nam VNCH, tội của ông nặng hơn là tội đã làm gia tăng con số tử vong của Việt và Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam.
Tổng Thống John F. Kennedy sau buổi lễ nhậm chức đã hứa, “Chấp nhận gian khổ, khó khăn để giúp đỡ bất cứ đồng minh nào của Hoa Kỳ chống lại bất cứ kẻ thù nào để bảo đảm cho sự sống còn và thành công của tự do.” Hoa Kỳ từ con số cố vấn quân sự 865 người qui định bởi Hiệp Định Genève đã tăng số quân lên 16 ngàn. Năm 1965, Tổng Thống Johnson đổ thêm quân vào Việt Nam. Sau năm 1968, quân Mỹ ở Việt Nam lên đến hơn 1/2 triệu. Năm 1968, trong kỳ tranh cử tổng thống, ứng cử viên Nixon đã hứa rút hết quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Tháng 6 năm 1969 Tổng Thống Nixon đã tỏ ý này với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ở Hội Nghị Midway. Trong những năm sau đó những nỗ lực chánh trị và quân sự của chính quyền Nixon đều nhắm vào mục đích này cũng giống như Tổng Thống Johnson trước đó bỏ bom Bắc Việt để đưa Cộng Sản vào bàn hội nghị và Hoa Kỳ có cớ rút quân về. Hành quân Hạ Lào năm 1970 và 1971 do Tổng Thống Nixon thực hiện lời khuyên của Tổng Thống Eisenhower với Tổng Thống Kennedy trong ngày lể nhậm chức mà Tổng Thống Kennedy đã bỏ qua: Chặn đứng đường tiếp tế qua đường mòn Hồ Chí Minh. Tổng Thống Nixon ghi lại trong Hồi Ký “the real war,” Hành quân Mỹ Việt ở Cambodia năm 1970 và 1971 thành công đã giúp Hoa kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam. Năm 1972, Tiến Sĩ Kissinger đi đêm với Trung Cộng, Nga và Bắc Việt với Lê Đức Thọ không màng đến ý kiến của VNCH: “Hà Nội, Hoa Thịnh Đốn, Moscow và Bắc Kinh đều đồng ý: Quân đội Bắc Việt ở miền Nam Việt Nam sẽ không được đề cập đến trong Hiệp Định Paris.” Kissinger đã đến Sài Gòn với văn bản của Kissinger và Lê Đức Thọ. Năm ngày ở Sài Gòn từ 17 tháng 10 đến 22 tháng 10 năm 1972 là “thất bại ngoại giao” lớn nhất trong đời như Kissinger tự thú. Tiến Sĩ Kissinger đã đụng vào “bức tường kiên cố của thế giới tự do Tổng Thống Thiệu đã từ chối bản dự thảo lúc đầu là 23 điểm sai biệt, sau lên đến 65 điểm (theo ông Hoàng Đức Nhã) hay 69 điểm (theo ông Nguyễn Xuân Phong).” Thái độ độc lập của Tổng Thống Thiệu đã khiến Kissinger xử dụng đủ mánh khoé chánh trị từ đe dọa, vuốt ve, thân thiện hứa hẹn. Tất cả trí tuệ và năng động của ông Kissinger dùng để áp lực đồng minh thay vì để đối phó với kẻ thù. Tiến Sĩ Kissinger đã đe dọa Tổng Thống Thiệu: “Ông không nên muốn thành thánh tử đạo,” sai tướng Alexander Haig đến Sài Gòn dọa, “Nếu Việt Nam không ký thì chúng tôi sẽ có biện pháp tàn bạo.” Ông Hoàng Đức Nhã đã đoán biện pháp ấy là ám sát.
Muốn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký Hiệp Định Paris, ông Kissinger tuyên bố, “Có vấn đề thì có giải pháp” (một câu nổi tiếng Kissinger lập đi lập lại trong hơn 40 năm) giải pháp là bỏ bom Bắc Việt áp lực Cộng Sản trở lại bàn hội nghị sau đó Tổng Thống Nixon gởi lá thư ngày 16 tháng 1, 1973 đến Tổng Thống Thiệu: “Tôi đã nhất định ký Hiệp Định Paris ngày 27 tháng 1, 1973 và nếu cần tôi sẽ ký một mình và cho thế giới biết các ông cản trở hòa bình. Kết quả không tránh khỏi là tôi sẽ chấm dứt viện trợ cho VNCH.” Sau khi đe dọa, cả Tổng Thống Nixon và Tiến Sĩ Kissinger hứa hẹn chính phủ Hoa Kỳ sẽ bảo đảm nền an ninh cho VNCH trong trường hợp Sài Gòn đồng ý ký Hiệp Định Paris ngày 27 tháng 1, 1973 (sách NX Phong). Trong hồi ký The Real War Tổng Thống Nixon lặp lại là Hoa Kỳ sẽ dùng biện pháp mạnh và cứng rắn để trả đũa khi Bắc Việt cố ý vi phạm Hiệp Định Paris.
Từ tháng tư năm 1973 trở đi quyền của Tổng Thống Nixon yếu dần vì vụ Watergate nên Tổng Thống Nixon không thực hiện những lời cảnh cáo của ông. Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 15 tháng 8, 1973 cấm dội bom Cambodia và đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Quốc Hội trước khi có những can thiệp quân sự trong thời gian đó “suốt năm 74, Nga tiếp tục đổ vũ khí vào Bắc Việt để giúp xâm lăng miền Nam. Tháng 3, 1974, Hà Nội đưa 185,000 quân và 500 đến 700 xe tăng vào Nam (The Real War). Nga tiếp tục viện trợ quân sự còn Hoa Kỳ cắt viện trợ cho miền Nam theo đạo luật Quốc Hội tháng 11 năm 1973. Sau trận Phước Long anh dũng của quân lực VNCH đầu năm 75, Bắc Việt biết Hoa Kỳ không can thiệp nữa nên Hà Nội phát động Tổng Tấn Công mùa Xuân 1975 thay vì năm 1976 như dự định. Kết quả đưa đến ngày 30 tháng 4, 1975.
Tổng Thống Nixon đổ lỗi cho Quốc Hội và khen ngợi Quân Lực VNCH: “Quân Lực VNCH đã chứng tỏ tinh thần chiến đấu dũng cảm và đủ khả năng đánh bại quân Bắc Việt từ năm 1972.”
40 năm nhìn lại, chiến tranh Việt Nam đã thay đổi trước ngày Tổng Thống John F. Kennedy bị ám sát. Năm 2013 tài liệu cho thấy sau Vịnh Con Heo ở Cuba, Tổng Thống Kennedy đã tính đường rút lui khỏi Việt Nam. Từ Johnson đến Nixon con đường bỏ bom ở Bắc Việt và chiến thuật quân sự ở Nam Việt Nam chỉ là chiến thuật rút lui của Hoa Kỳ trái với ý chí của VNCH với miền Nam là tiền đồn chống cộng.
Daniel Ellsberg, nhà báo đã tiết lộ hồ sơ mật Ngũ Giác Đài đã xem “đây là tội ác của Nixon và Kissinger, sự phản bội chứ không phải là thay đổi thế cờ.”
Báo Ngày Nay số kỷ niệm 30 năm Hiệp Định Paris 1973 đã có bài viết đầu tiên của ông Hoàng Đức Nhã cựu bí thư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cựu Bộ Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi người đã trực tiếp đối đầu với Tiến Sĩ Kissinger đã tiết lộ những bí mật hậu trường cùng với ông Nguyễn Xuân Phong đại diện cho VNCH từ 1968 đến 1975 trực tiếp đối diện với phe Mỹ, Bắc Việt và giải phóng và nhà báo Việt Nguyên trong cùng số chủ đề với những tài liệu trong sách hồi ký của Tổng Thống Nixon, Tiến Sĩ Kissinger, sách “không hoà bình chẳng danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam” của Tiến Sĩ Larry Bergman do Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng dịch đã trả lời được câu hỏi: “Mỹ có thật sự cam kết bảo vệ miền Nam rồi bỏ rơi hay Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bịa đặt để chạy tội?”
Bảy năm trước, tôi có dịp được nói chuyện riêng hai lần với cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Ông đã nói cho tôi, “Anh không thể khui những chuyện bí mật từ tôi.” Tôi vẫn biết ông nổi tiếng là “tủ lạnh” giữ kín những bí mật lịch sử từ năm 1963, nhưng ông cho tôi biết tài liệu trong cuốn sách “Khi đồng minh tháo chạy” của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng do ông cung cấp và “Nguyễn Tiến Hưng đã có công lớn trong Hiệp Định Paris.” Khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu còn sống, cuốn “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” của ông Nguyễn Tiến Hưng đã do các anh em thương gia trẻ Houston ấn hành làm vui lòng ông Thiệu về những sự thật được ông xác nhận nhưng cuốn “Khi đồng minh tháo chạy” viết sau khi Tổng Thống Thiệu mất có nhiều điểm sai vì đó tôi có bài viết phê bình trên Ngày Nay và đã làm cho ông Nguyễn Tiến Hưng không được vui nhưng câu của cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đã khiến tôi nói ngay là những điều ông nói đã khác những gì tôi được biết qua sách của Nixon, Kissinger, Larry Bergman, Nguyễn Phú Đức, các bài hồi ký của ông Nguyễn Văn Ngân phụ tá của Tổng Thống Thiệu cũng như khác những gì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cựu Đại Sứ Bùi Diễm, ông Nguyễn Xuân Phong và ông Phan Hòa Hiệp đã nói cho tôi biết về vai trò của ông Hoàng Đức Nhã trong Hiệp Định Paris 1973. Cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đã im lặng không trả lời, im lặng là đồng ý chăng? Tôi chỉ muốn cái gì của lịch sử trả về với lịch sử. Năm ngoái tôi có dịp nói chuyện với ông Hoàng Đức Nhã, tôi hỏi ông, “Tại sao Tổng Thống Nixon và Kissinger có thể bội hứa với VNCH dễ dàng?” Theo ý ông Nhã là vì Hiệp Định Paris 1973 đã không được phê chuẩn bởi Quốc Hội Hoa Kỳ. Năm nay nhân dịp hiệp định nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Iran, tôi tìm thấy câu trả lời theo sự tìm hiểu của tôi: Tổng Thống Nixon đã xem Hiệp Định Paris như là một thỏa hiệp chánh trị chứ không phải là hiệp định. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh theo chủ thuyết “One voice Doctrine” một tiếng nói của tổng thống có quyền thỏa hiệp mà không qua Quốc Hội vì vậy Tổng Thống Nixon đã bội hứa với VNCH.
Hai mươi năm trước tôi có dịp về Việt Nam, đi qua nghĩa trang Biên Hòa cũ vắng bóng bức tượng Tiếc Thương đã làm tôi nhớ đến người lính VNCH và câu của ký giả chiến tranh nổi tiếng Jean Lartéguy “khác biệt giữa chiến thắng và chiến bại khác nhau một trời một vực. Thua trận, người lính phải chịu tất cả những phán xét khắc nghiệt của lịch sử ngược lại những kẻ chiến thắng được lịch sử tha thứ cho tất cả những tội ác và bạo lực trong thời chiến tranh.”
Lính VNCH chịu nhục vì Tiến Sĩ Kissinger bán đứng Việt Nam vì quyền lợi (Tiến Sĩ Kissinger đang làm tham vấn cho công ty China Adventure tiếp tục theo quyền lợi Trung Cộng) và vì lỗi của Đại tướng William Childs Westmoreland.
Trong cuốn sách của Lewis Sorley ông đã cho thấy những lỗi lầm của tướng Westmoreland. Quân Lực VNCH anh dũng đã chịu thảm cảnh gây ra do tướng Westmoreland. Năm 1963, ngày 13 tháng 12, sau đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vị tướng trẻ tuổi được gởi qua Việt Nam dưới quyền tướng Harkins tư lệnh quân Hoa Kỳ ở Việt Nam (COMVS-MS) sau đó ông thay thế tướng Harkins làm chỉ huy trưởng. Ông là trung tướng trẻ tuổi nhất quân đội nên tánh kiêu ngạo thêm vào đó người cao lớn nên ông đã đối xử với tướng lãnh và sĩ quan VNCH như là các sinh viên trường sĩ quan võ bị West Point. Làm tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam mà không hề gặp Tổng Thống Lyndon Johnson trong những năm Johnson nhậm chức. Từ ngày 1 tháng 8, 1964 sau khi được Đại Sứ Maxwell Taylor gắn lon bốn sao, ông không hề hỏi ý kiến các tướng lãnh VNCH, ông không cần biết chiến lược Hoa Kỳ có phù hợp với những điều kiện phức tạp ở Việt Nam, chánh sách Hoa Kỳ hóa chiến tranh Việt Nam (chữ của Đại Sứ Bùi Diễm), đã tạo ra chữ American War. Tướng Westmoreland xem thường Quân Lực VNCH: “Các anh có thể chiến đấu nhưng chúng tôi không muốn các anh cản đường.” Từ 1966, quân Hoa Kỳ chủ động, quân đội VNCH không được tân trang cho đến sau trận Mậu Thân nhờ phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ phàn nàn. Chiến dịch “dùng địch diệt địch” của ông gây thất nhân tâm và cho phe phản chiến có cơ hội chống đối khi nhìn thấy những hình như Trần Kim Phúc bị bom Napalm chụp bởi ký giả Huỳnh Công Út (được tuần báo Vanity Fair phỏng vấn cho 40 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc) hay gây ra thảm cảnh Mỹ Lai do Trung Úy William Calley (ký giả Seymour Hersch trở về Mỹ Lai kỷ niệm 40 năm chiến tranh Việt Nam để Việt Cộng có dịp tuyên truyền về hơn 500 nạn nhân và quên đi những tội ác của Việt Cộng như mồ chôn tập thể ở Huế Tết Mậu Thân). Các tướng Fred Weyland tư lệnh ở Việt Nam và Norman Schwarkoff đã chê tướng Westmoreland và trường võ bị West Point không nhắc đến tướng Westmoreland.
Nguyên nhân gần dẫn đến sự kết thúc chiến tranh Việt Nam là “cuộc triệt thoái Tây Nguyên.” Hồi chủ nhiệm Trọng Kim còn sống, mỗi 30 tháng tư chúng tôi đều tự đặt câu hỏi, “Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tự ra lệnh hay vì áp lực của Mỹ?” Câu hỏi chưa có câu trả lời và bà Nguyễn Văn Thiệu cho tôi biết ông không viết hồi ký để lại.
Lịch sử sẽ phê phán hai nền Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Một lịch sử trung thực chứ không phải lịch sử như sử gia Toynbee viết, “Lịch sử là ghi nhận những nói dối của kẻ chiến thắng,” một lịch sử của Đảng Cộng Sản viết cho dân Việt Nam học. Riêng về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, quan điểm quần chúng khắt khe về ông trong thập niên đầu sau 30 tháng 4 năm 1975 đã thay đổi. Báo chí đã dùng những lời lẽ không lịch sự khi nói về ông, có lẽ họ không quên những câu tuyên bố của ông “hy sinh đến giọt máu cuối cùng” trước ngày 30 tháng 4 hay lời kêu gọi lập chiến khu chống cộng của phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Đến năm 1990 khi ông xuất hiện ở Nam California, giới truyền thông bắt đầu lắng nghe dù còn phê bình nặng lời. Người Việt bắt đầu hiểu qua “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập,” người lãnh đạo VNCH như võ sĩ lên đài một tay đánh một tay bị đồng minh trói, đằng sau lưng bị đánh lén bởi thành phần thứ ba phản chiến. Năm 1990 ông đến ở Galveston một tuần, ngày Chúa Nhật ông đi lễ nhà thờ ở Port Arthur nhằm ngày lễ tro, dân Việt Nam đi lễ đã đón và chào ông như ngày ông còn làm tổng thống không có cảnh chửi bới hay phỉ nhổ như người ta tưởng tượng. Sống lưu vong ông không có một đời sống xa hoa như các lãnh tụ lưu vong khác như Tổng Thống Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân, hay như người làm chủ 16 tấn vàng như lời tuyên truyền của Việt Cộng (theo như sách “Bên thắng cuộc” của Huy Đức số vàng đem về Bắc hay theo Nguyễn Bửu Xuân báo Thanh Niên viết: Ngày giao kho bạc cho “quân giải phóng” số vàng 16 tấn vẫn còn nằm trong kho không bị tẩu tán hay nằm ở phi trường Tân Sơn Nhất khi quân Văn Tiến Dũng vào như ông Nguyễn Tiến Hưng viết).
Ông nói chuyện bình dị dễ hiểu, xem lại phim 10,000 Ngày Chiến Tranh Việt Nam, người xem thấy ông chịu học nói cả về diễn văn lẫn Anh văn hơn ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông là người nhã nhặn. Tôi được xem những bản tường trình của Đại Sứ Bùi Diễm gởi về cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ Hoa Thịnh Đốn, những lời viết trả lời của Tổng Thống Thiệu lễ độ đối với người lớn tuổi dù ông bất đồng quan điểm với ông Bùi Diễm.
Lịch sử trớ trêu, sau khi ông mất năm 2001, người Việt hiểu rõ ông hơn nhờ những sách hồi ký cả Việt và Mỹ. Người Việt sống trong chế độ Cộng Sản tham nhũng trong 40 năm cũng đã hiểu ông không tham nhũng, gia đình trị như Đảng Cộng Sản. Tham nhũng là cái cớ của chánh quyền Hoa Kỳ để rút lui khỏi Việt Nam như cái cớ Hoa Kỳ đang dùng ở A Phú Hãn. Câu nói ngày ông còn cầm quyền không ai nghe, “Đừng tin những gì Cộng Sản nói hãy nghe những gì Cộng Sản làm” bây giờ trở thành ca dao tục ngữ. Một câu nói khác của ông đã đi vào lịch sử, trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 khi VNCH đã bị cắt viện trợ quân sự, ông ra lệnh, “Không để một tấc đất mất vào tay địch,” trận đánh với anh hùng Ngụy Văn Thà đã chứng tỏ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và quân lực VNCH là những người yêu nước. Sau 40 năm, dân Việt Nam cả hai miền đều rõ ai yêu nước ai bán nước.
Bốn mươi năm nhìn lại ngày 30 tháng 4, 1975, Hoa Kỳ bỏ Việt Nam trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới (xem 2015: Trật tự thế giới mới) và Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền không thay đổi bản chất. Năm 1995 (sau 20 năm thất bại trong Hòa Bình) khi Hoa Kỳ sắp bang giao với Việt Nam, tôi có dịp về thăm nhà. Các ông lớn trong Đảng Cộng Sản nhũn nhặn hứa sẽ thay đổi những “anh” như Tư Sang chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố hứa “sẽ thay đổi từ từ.” Họ ngại một thay đổi như Đông Âu năm 1989 nhất là thay đổi với cái đầu Nicolae Ceausesca ở Hung Gia Lợi. Ngoài Bắc, ông Vũ Khiêu (quốc phụ, chú Trường Chinh) nhắc đến cải cách ruộng đất và những lỗi lầm của đảng, trong Nam ông Phạm Xuân Ẩn gián điệp hoàn hảo (không hoàn hảo gì khi ngày học xong ở California về nước ông định quăng hộ chiếu để ở lại Mỹ khi đứng trên cầu Golden Gate vì sợ chánh quyền Ngô Đình Diệm bắt, lúc nào cũng sợ VNCH biết được là điệp viên) không được tin dùng khi các ông “Cách mạng thật” lên cầm quyền phải ra Bắc học tập một thời gian vì bị nghi ngờ thân Mỹ đã luôn luôn hỏi bạn bè “bên ngoài họ nghĩ gì về ông.” Sợ thay đổi nhưng sau 1995, bang giao với Hoa Kỳ, đảng một lần nữa được “chánh sách ổn định Đông Nam Á” của Tiến Sĩ Kissinger bảo đảm nên chỉ cho dân làm kinh tế mà không được làm chánh trị. Làm kinh tế với định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, Đảng CSVN đi vào con đường nô lệ Đảng CSTQ thay vì nô lệ Mác-Lênin cũ kỷ. Jean Paul Sartre, triết gia Pháp, sau chiến tranh Việt Nam, tỉnh mộng khi nhìn thấy cảnh khổ thuyền nhân Việt Nam đã viết, “Chủ Nghĩa Cộng Sản như con chó chết” (Le chien mort). Con chó chết ấy đang vẫy đuôi phá hoại xã hội Việt Nam càng ngày càng ung nát với quyền lợi đảng.
Gần đây nhà báo Huy Đức tác giả “Bên thắng cuộc” đã đề nghị làm “bức tượng hòa giải.” Đề nghị này quá sớm. Các quốc gia Đông Âu dù đã thoát khỏi chế độ Cộng Sản vẫn kêu gọi một “bức tượng nạn nhân Cộng Sản.” Bức tượng ấy ở Việt Nam sẽ tưởng niệm các nạn nhân Cộng Sản cả hai miền: Những nạn nhân cải cách ruộng đất năm 1954, nạn nhân Mậu Thân Huế, nạn nhân chiến tranh Việt Nam, nạn nhân tù cải tạo, tù chánh trị, nạn nhân trên những chuyến tàu vượt biển, nạn nhân tham nhũng, nạn nhân của nạn côn đồ cướp nhà cướp đất, nạn nhân của một chế độ vô luật pháp.v.v...
Viết đến câu kết luận này, xem lại lịch tháng 4 năm 1975, hôm nay 21 tháng 4, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức trao quyền cho cụ Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét