khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Những người tị nạn đầu tiên lên Đệ Thất Hạm Đội Mỹ - Tác giả Vinh Trần



- Xin nói ngay nhóm chúng tôi là những người Việt Nam tị nạn đầu tiên lên Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đậu ngoài khơi Vũng Tàu như chuyện kể sau. Cũng xin nói ngay tôi viết hoàn toàn sự thật, không một chi tiết nào là hư cấu.

Vào các tháng đầu năm 1975, từ tin tức báo chí và truyền miệng, tôi suy diễn Việt Cộng sẽ vào Sài Gòn trong tương lai rất gần. Trong khi đó tôi là chánh sự vụ Sở Thuế Pháp Nhân (Chief Corporate Tax) trụ sở ở Nha Trước Bạ, đường Tự Do, Sài Gòn, gần nhà thờ Đức Bà. Khoảng cuối Tháng Ba, đầu Tháng Tư năm 1975, không nhớ rõ ngày, tôi tập họp tất cả nhân viên có mặt, khoảng 5, 3 chục người, không nhớ rõ chính xác, ở phòng hội họp của Nha Trước Bạ.

Tôi nói với mọi người, “Theo tôi nghĩ tình hình này thì Việt Cộng sẽ vô Sài Gòn một ngày gần đây. Khi Việt Cộng chiếm Sài Gòn thì các ông bà sẽ sống cuộc đời tả trong sách “Giờ thứ 25” (sách của tác giả Virgil Georghiu, tôi đã đọc bản Pháp văn khi còn ở Hà Nội thập niên 50'). Vậy tôi khuyên tất cả mọi người ngay từ bây giờ, nếu có thể được, tìm cách đi ngoại quốc. Tôi sẽ không báo cáo lên bộ những người vắng mặt. Chỉ khi nào bộ hỏi đích danh một người nào thì bắt buộc tôi phải nói vắng mặt. Phần tôi, tôi cũng đang tìm đường đi.”

Vài người trẻ tuổi nói, “Ông chánh đi buổi sáng thì buổi chiều tụi em dọt.”

Tôi bảo họ, “Đừng chờ tôi tình hình này nguy hiểm lắm.”

Sau này, nhiều người nói tôi liều quá, dại quá. Quả thực, nghĩ lại, tôi thấy mình bốc đồng thật, hành động không nghĩ gì đến hậu quả. Chỉ một nhân viên hở miệng, tôi có thể bị nhốt, hết cục cựa. Nhưng khi tôi họp nhân viên, tôi chỉ cảm thấy mình nhìn thấy nguy hiểm sắp tới, tôi muốn những người khác, nhất là nhân viên của tôi, nếu có thể, tìm đường đi thoát , thoát khỏi cuộc đời khổ ải trong tương lai gần - đơn giản vậy thôi. Không phải chuyện qua rồi, bây giờ nói đạo đức giả. Trời sinh ra tôi với tâm địa thế nào, thì hành động theo tâm địa ấy thôi, đâu có mong làm anh hung.

Ở trên tôi nói sẽ viết toàn sự thật, nhưng tôi sẽ viết tên tắt vài người, sợ rằng vì khiêm tốn hay vì một lý do nào đó, họ không muốn người đời biết đến tên họ. Một tuần sau buổi họp, Nguyễn H. T., một nhân viên thường, không có nhiệm vụ đặc biệt, gần như là tôi không biết đến, vào phòng tôi nói, “Ông chánh sở, em có tàu, ông chánh có muốn đi không?” Tôi nói muốn nhưng không hỏi thêm chi tiết. Hai tuần sau, không thấy động tĩnh, T. lại vào gặp tôi nói những lời chỉ những người Bắc trong xã hội cổ xưa mới nghe và hiểu, đó là lối nói của người nô bộc trung thành với gia đình chủ. T. nói, “Em lạy anh, anh tiếc gì cái chức chánh sở này, anh đi với em đi.” Thật không thể nào ngờ được thời đại này còn có người nói giọng điệu đó. Tôi nghĩ bụng, việc gì mà nó phải lạy mình.

Lần này tỏ ý muốn đi tàu của T., hỏi đi như thế nào. T. cho biết nhóm của y mua một tàu cũ với giá 20 triệu gì đó, mỗi đầu người sẽ phải trả sáu trăm ngàn đồng VNCH 1975 (có thể tương đương 500 dollars USA thập niên 2000). Tôi bảo T., “ Cậu cho tôi 2 vé. Hiện tôi còn biên lai một triệu hai trăm ngàn đề ngày 20 Tháng Tư Năm 1975 với chữ ký và số thẻ căn cước Việt Nam của Nguyễn Q. L. là anh của T. Tàu neo ở Vũng Tàu. Dự định nhổ neo ngày 25 Tháng Tư 1975.

Tôi phải rời Sài Gòn ngày 24 Tháng Tư 1975. Sở của tôi quản trị thuế trị giá gia tăng (VAT, value added tax) tồn quỹ vài trăm triệu đồng. Khi nhập cảng hàng, các thương gia khai báo đóng thuế ứng trước tạm thời, rồi sau khi bán hàng, khai điều chỉnh, phần nhiều được bồi hoàn một số tiền. Tôi và một phó sở có trách nhiệm đồng ký tên chi phiếu bồi hoàn. Người thọ thuế đem chi phiếu ra ngân khố chính phủ đổi ra tiền mặt. Nếu tôi rời Sài Gòn ra Vũng Tàu để xuất ngoại, không có người ký chi phiếu bồi hoàn, chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn người thọ thuế sẽ khiếu nại với Bộ Tài Chánh, bộ sẽ yêu cầu cảnh sát truy tìm đường tẩu thoát của tôi, rất nhanh tôi sẽ vô tù. Để tránh viễn tượng này tôi phải đi nước liều.

Tôi kêu phó sở Trần Văn Đá vô phòng tôi và nói, “Này ông Đá, chiều nay tôi đi Vũng Tàu, ông mở tủ sắt lấy cho tôi hai cuốn chi phiếu, tôi sẽ ký trước en blanc (en blanc - tiếng Pháp thông dụng trong giới buôn bán ở Sài Gòn có nghĩa là chi phiếu được ký mà không có tên người nhận, để trống, ở Cali kêu là không viết tên payee). Khi người thọ thuế đến xin bồi hoàn, ông sẽ ký và phát chi phiếu cho họ.” Tôi quyết định theo linh tính là ông Đá sẽ ưng thuận và cũng không tin là ông sẽ lạm dụng. Việt ngữ có cụm từ “một liều ba bảy cũng liều,” cụ thể là như vậy. Buổi trưa em tôi lấy honda chở tôi đến nhà bạn thân là Nguyễn Như Thi (hiện nay ở Canada) ở đường Gia Long. Vợ Thi nghe lời từ biệt, nhận thức ngay là việc nghiêm trọng, đứng ở vỉa hè trước nhà, òa khóc nói, “Tôi đã bảo anh ấy (Thi) mà anh không nghe, có nghĩa là đã bảo tìm đường đi ngoại quốc.”

Thật ra tôi biết Thi còn hy vọng Việt Nam Cộng Hòa còn cầm cự được vài tháng nữa, để có thời giờ thu xếp tài sản mang theo. Đây là trường hợp nhiều của cải làm hư việc. Nói thêm, ông Đá thản nhiên chấp nhận việc tôi ký hai cuốn chi phiếu en blanc. Chúng tôi ra đến Vũng Tàu thì được biết Nguyễn Q. L., người chủ chốt, có máy bay xuất ngoại rồi. Chuyến tàu đi phải tạm hoãn. Tôi phải trở về Sài Gòn đi làm.

Ngay ngày hôm sau, T. thay người anh, tiến hành cuộc ra đi. Chúng tôi lại đi ra Vũng Tàu lần thứ hai. Nhóm của tôi gồm gia đình tôi, họ hàng và một người bạn là trưởng ty thanh niên Vũng Tàu. Tổng cộng nhóm của tôi là 21 người (không chắc có chính xác nay đã quên, nhưng ít nhất cũng là 20 người, nhiều nhất là 24 người). Tôi bảo người bạn cứ đem vợ con theo nhóm của tôi mà không phải trả tiền. Vì lý do nào đó, người bạn đi một mình, để lại vợ, hai con ở lại với mẹ vợ là chủ một quán cơm ở Vũng Tàu. Ở đời, khi có chuyện mới biết lòng người. Sau này, ở Texas, đời anh bạn cũng nhiều sự phức tạp.

Trước năm 1954, bố tôi nhận một người con trai của một nhân viên dưới quyền bố tôi làm con nuôi, tên là Lê Quang Vinh. Lần thứ hai ra Vũng Tàu, Lê Quang Vinh lái xe Ford Falcon màu trắng chở gia đình tôi. Chánh phủ cấp xe Ford Falcon cho chức vụ chánh sở Thuế pháp nhân. Ra đến Vũng Tàu tôi mới chợt nhớ 2 lạng vàng tôi quên mang theo để trong túi áo veston bỏ lại nhà ở Sài Gòn. Tôi nói Lê Quang Vinh khi vô lại Sài Gòn tìm áo veston nếu thấy 2 lạng vàng thì đem ra Vũng Tàu cho tôi. Nếu Lê Quang Vinh giữ 2 lạng vàng làm của riêng thì cũng huề thôi, vậy mà hắn đem 2 lạng vàng ra Vũng Tàu cho tôi, đây là một trường hợp tình nghĩa được cụ thể hóa.

Trên đường về Sài Gòn, nhận thấy tình hình bất ổn, Lê Quang Vinh khôn ngoan bỏ xe trên đường lộ, thuê thuyền về Sài Gòn, một người vô danh lấy xe lái đi giữa đường bị B40 bắn chết trên tay lái. Khi tôi đến Mỹ được vài tháng thì bạn ở Sài Gòn tin cho biết là thiên hạ kháo nhau tôi bị bắn chết trên xe trên đường đi Vũng Tàu, vì họ biết xe Ford Falcon màu trắng là xe chánh phủ cấp cho chánh sở Thuế pháp nhân, đương nhiên người chết phải là tôi. Có lẽ trời giúp người em nuôi của tôi thực hiện ý kiến thuê thuyền về Sài Gòn chăng?

Khi xuống tàu để ra đi, Nguyễn H. T. đứng ở đầu cầu lên tàu soát vé. Nhóm của tôi gồm hơn 20 người nhưng chỉ có 2 vé, T. cho lên hết. Có phải T. nể sợ tôi là sếp của T. nên T. không soát vé nhóm của tôi? Ngàn lần không. Nên nhớ, trong khi làm việc ở sở Thuế pháp nhân, tôi chưa hề ưu đãi T. một điều gì, tiếng Mỹ là “I never do him a favor at all.” Nhiều năm sau, nghĩ lại sự việc, tôi chỉ tìm được lý giải sau: Chính tại buổi họp nhân viên, T. có nhận định là “tay chánh sở này ngon lành à, trong tình hình nghiêm trọng của đất nước, dám công khai xúi giục nhân viên bỏ nhiệm sở ra đi, không có lợi lộc gì cho mình, mà muốn điều tốt cho nhân viên, kể cũng đáng nể.” Như thế, có lẽ T. có phần mến phục tôi, lại thấy tôi thành thật nói đang tìm đường đi mà chưa tìm được, nên tôi nghiệp tôi, offer tôi đi tàu của đương sự. Chữ “offer” của Mỹ thích hợp hơn chữ Việt “cho đi tàu.” Rồi khi lên tàu, đã tội nghiệp thì cũng không soát vé, không quan tâm đến tiền bạc.

Dù thế nào, thì T. cũng là ân nhân của tôi. T. định cư ở Canada, tôi định cư ở Mỹ. Suốt 7 năm liền, mỗi năm tôi gửi quà biếu T. mỗi lần khoảng 700-800 dolllars. Tôi muốn nhắc lại ở đây, một bạn của tôi viết thư cho, tôi lời lẽ như sau, “Tôi nhớ bạn, nhớ cái buổi mình ngồi uống café ở đầu đường, cậu cho tôi mượn tiền, thật ra không bao giờ trả được.” Ơn của T. đối với tôi cũng thật ra không bao giờ trả được. Tôi cũng muốn nhắc lại lời của một thương gia Tàu nói với tôi khi tôi là trưởng Ty Thuế Vụ Bình Dương: “Ông trưởng ty à, nợ tiền thì dễ trả, nợ tình mới khó trả.” Nói dông dài thêm, việc tôi được T. cho đi tàu bắt nguồn từ chỗ tôi làm điều tốt là họp nhân viên khuyên họ ra đi, tức là làm tốt được tốt như người Việt nam đã có cụm từ ăn hiền ở lành thì được trời thương, người Mỹ thì có câu, “Do a good thing never loses.”

Trở lại chuyện tàu ra khơi có trục trặc không? Tàu dự định đi Mã Lai - Lý do là chồng của chị T. là phó chủ tịch đài truyền hình Canada. Ông này bảo vợ về lo cho gia đình đi Mã Lai, rồi ông sẽ sang đó đón về Canada. Trên tàu có đương kim phó thị trưởng Vũng Tàu Lê Văn Toàn để ông này lo giấy phép cho tàu đi Phú Quốc, ông cũng phụ trách đem lên tàu một thùng súng đạn, nhưng có lẽ tinh thần bất an nên quên, cả tàu 200 người chỉ có một khẩu súng lục. Ông Toàn định cư ở Canada, tôi có nói chuyện điện thoại vài lần, nay đã qua đời. Người có bằng cấp cao lên tàu là Tiến Sĩ Cao Thế Dung. Ngay nửa đêm đầu tiên ngay giữa biển đen mênh mông, máy bơm nước bị hư, nước biển tràn vào, tàu có thể bị đắm, bà con dùng vật liệu có trên tàu, nồi niêu xoong chảo tát nước, nhưng không đi tới đâu, sớm muộn tàu cũng chìm, mọi người thi nhau đọc kinh cầu Chúa Phật cứu giúp. Tàu phải quay đầu trở lại Vũng Tàu để sửa máy bơm rồi sẽ đi tiếp.

Về tới ngoài khơi Vũng Tàu thì thấy đoàn tàu của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ bỏ neo chờ tới ngày D sẽ vớt người đi tị nạn. Chưa tới ngày D tàu Mỹ không cho chúng tôi lên tàu, cũng không cho thợ xuống tàu chúng tôi giúp sửa máy bơm nước, mà chỉ đường vào Vũng Tàu. Nhưng trên đường vào Vũng Tàu, tàu của chúng tôi nhấp nhô như sắp chìm. Theo luật hàng hải quốc tế, ở hải phận quốc tế, bất cứ tàu nào thấy tàu khác sắp chìm thì phải cứu, nếu không, có thẻ bị truy tố ra tòa. Trường hợp này, tàu Mỹ có thể gác bên lệnh của chính phủ Mỹ, cứu tàu chúng tôi. Do đó, chúng tôi là những người Việt Nam tị nạn đầu tiên lên Đệ Thất Hạm Đội Mỹ. Tôi nhớ tàu chúng tôi lên tên là Quinbro, nếu tôi nhớ sai, xin Tiến Sĩ Cao Thế Dung nhắc giùm.

Mọi người vội vàng leo thang dây lên tàu. Riêng bà ngọai của tôi, 86 tuổi, bảo mấy đứa cháu, “Chúng mày chờ tao.” Cháu hỏi bà tại sao? Bà bảo, “Để tao thay quần áo mới, lên tàu gặp người ngoại quốc phải ăn mặc sạch sẽ, không để cho họ khinh mình.” Thế mới biết người Việt có cụm từ “giấy rách phải giữ lấy lề” nghĩa như thế nào. Bình thường các cháu coi thường bà ngọai là một bà cụ nhà quê ngớ ngẩn, có chuyện mới biết là một người có phẩm cách tự trọng. vậy, đừng có khinh thường mấy người nhà quê. Ông Tú Xương cũng là một thứ người nhà quê, nhưng cho ta nhiều bài học, cứ đọc các bài thơ chúc Tết của ông thì rõ.
Sau ngày 30 Tháng Tư từng đoàn thuyền nhỏ của dân chài Phước Tỉnh lướt biển ra nhập Đệ Thất Hạm Đội Mỹ. Chúng tôi cũng chứng kiến lính Hải Quân Mỹ đẩy nhiều trực thăng trên tàu xuống biển để lấy chỗ cho trực thăng từ Sài Gòn bay ra đáp xuống tàu. Thêm một chi tiết về phó sở Trần Văn Đá: Khi ở Mỹ, tôi cũng được tin từ Việt Nam cho biết, sau 30 Tháng Tư 1975, ông Đá lộ mặt là Việt Cộng nằm vùng, có lẽ vì vậy đương sự im lặng chấp nhận việc tôi ký chi phiếu en blanc đã nói ở đoạn trên.

Ngày đầu tiên lên tàu Đệ Thất Hạm Đội Mỹ, thuyền trưởng xuống gặp chúng tôi. Cũng chính T. dẫn tôi ra gặp thuyền trưởng, nói tiếng Anh giới thiệu tôi: “Đây là ông tổng giám đốc thuế vụ.” Tôi không e lệ nhận ngay mình là sếp IRS Việt Nam. Thuyền trưởng nói, ông tổng giám đốc hỏi xem đồng bào cần gì không? Tôi quay lại hỏi đồng bào, bà con bảo cần nước sôi pha sữa cho con nít, thuyền trưởng nói, có ngay. Khi lên tàu tôi thấy tàu đã làm sẵn cầu tiêu nổi ở thành tàu, chuẩn bị cho người tị nạn sử dụng là tôi hiểu Mỹ đã chuẩn bị bỏ Việt Nam từ lâu rồi. Rồi khi đến đảo Guam, chúng tôi được phát tờ giấy để điền vô các điều cần thiết, mẫu này đã có in sẵn các ô cho người Việt, ô cho người cao niên, ô cho người Lào,... lại xác định rõ hơn rằng Mỹ quyết định số phận Việt Nam từ lâu rồi. Tiếc là các chính trị gia Việt Nam như người đi trên mây, như mù sờ voi thôi. Chẳng thế mà có ông bộ trưởng tên N.K.T. ngày 30 Tháng Tư 1975 cũng ra chen lấn với đồng bào để len lỏi vào Tòa Đại Sứ Mỹ để mong được lên trực thăng ở nóc tòa đại sứ bay ra Đệ Thất Hạm Đội - nhân đây nói rõ về sự mù mờ của ông tổng giám đốc thuế vụ của tôi tên P.N.H. - Khoảng hai tháng trước ngày mất nước, cố vấn trưởng Mỹ mời các chức sắc thuế vụ một bữa tiệc ở tiệm Tài Nam, đường Hàm Nghi (thời Pháp là Boulevard de la Somme) trước khi về Mỹ.

 Cố vấn trưởng tặng ông tổng giám đốc thuế vụ một cây viết Parker. Tổng giám đốc tỏ ra xúc động sướng quá nói lời cám ơn rất ân cần, hứa sẽ giữ cây viết Parker suốt đời, yên trí là sẽ có liên hệ tốt đẹp với người Mỹ lâu dài, chứng tỏ chẳng hiểu biết gì về tình hình chính trị quốc tế, quốc nộ, về chuyên môn thuế vụ cũng không khá gì hơn, tôi rất buồn mà phải nói điều này.

Khi đến Mỹ, tôi được chuyển đến trại tạm cư Fort Chaffee ở tiểu bang Arkansas. Tại đây tôi thâu được hai băng cassette buổi nhạc của Khánh Ly và gia đình Phạm Duy hát cho đồng bào tị nạn giải trí miễn phí. Sang Cali tôi chuyển hệ cassette sang CD, có gửi bưu điện cho cố Nguyễn Hoàng Đoan 2 CD ở Cerritos. Buổi nhạc ngày 20 Tháng Chín 1975, Khánh Ly muôn năm áo dài, khoe mới may được hai cái áo dài, may rất khéo tại building số... trong trại. Cô nói rất hồn nhiên, không thể nào không mến cô được. Cũng tại Fort Chaffee, tôi gặp ca sĩ phi công Sĩ Phú, người đã gọi tôi là thằng La Liệt (kiếm sĩ lừng danh truyện Kim Dung vì Sĩ Phú chơi phé với tôi ở Sài Gòn. Mười lần thì thua tôi 8 lần.

Tại Fort Chaffee tôi cũng gặp cựu tổng giám đốc thuế vụ Nguyễn Huy Hân là bạn đồng Khóa 4 Quốc Gia Hành Chánh với tôi. Hân chuyên môn nói những chuyện vĩ đại. Chàng là người hoang tưởng thứ thiệt, bảo đảm hơn hàng hóa có nhãn hiệu đã trình tòa án, chắc chắn hoang tưởng hơn “người đi trên mây” của Nguyễn Xuân Hoàng. Một vụ nổ ngoại hạng của chàng là vụ bắt hụt tông tông Nguyễn Văn Thiệu.

Ở Fort Chaffee, chàng nói với tôi, “Tôi sém bắt 'thằng' Thiệu, cướp chánh quyền, đánh Việt Cộng, bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa, chàng âm mưu với một vị đại tá nào đó, nhưng vì vài lý do chàng nêu ra tôi quên rồi, nên không thành công.” Chàng kết luận, “Tôi mà bắt được nó thì cậu đâu có ở đây.”
May quá, nếu chàng bắt được Thiệu, rất có thể tôi ở lại Việt Nam thêm ít ngày, rất có thể tôi đã chết trong tù cải tạo, thì làm gì có những dòng này. Hoang tưởng nhưng có tài thuyết phục thì chính quyền mới bổ nhiệm làm tổng giám đốc thuế vụ. Điều đáng khen ngợi là tổng Hân là một người con có hiếu.

Sáng Chủ Nhật nào cũng vậy, đạp xe đạp ra tiệm phở mua một tô đem về cho mẹ. Đương sự cũng bình dân một cách hồn nhiên: Một tối nọ, được một viên chức thuế vụ mời dự tiệc cưới - An Nam ta cứ mời 6 giờ thì 7 giờ mới được ăn. Tổng Hân đói bụng bèn tuyên bố, “Tôi đói rồi, tôi ăn trước đây,” rồi ngồi một mình một bàn, cầm đũa ăn thoải mái. Nhiều thực khách cố nín cười, tôi mỉm cười thông cảm. Bình dân, hồn nhiên là chuyện nhỏ, nhưng đôi khi Hân lại hồn nhiên quá giới hạn. Trong một buổi họp các chức sắc thuế vụ, Hân nói, “Các anh em có làm gì thì làm nhưng đừng làm quá,” (ý nói tham nhũng).

Chàng lại khoái xổ tiếng Tây nói thêm, “cỡ vài chục ngàn thì acceptable” (acceptable tiếng Pháp có nghĩa là chấp nhận được) không có trường hợp nào cho phép tổng giám đốc được nói như vậy - có người cho Hân là ngây thơ. Có lẽ Hân thông cảm, hiểu hoàn cảnh một số anh em, tốt bụng nên coi anh em như người trong gia đình sẽ nghe lời khuyên bảo của mình. Cuộc đời đâu có đơn giản như vậy - trong số người tham dự buổi họp có một tên ma giáo thu âm lời nói của Hân rồi đem bán cho báo, Sài Gòn om sòm một phen. Nguyện Như Thi nói tên ma giáo cho tôi nhưng không tiện viết ra đây.

Hân định cư ở tiểu bang Michigan, mở một quán ăn lấy tên East-West Restaurant. Cuối năm tính sổ nếu có lời, Hân trả lại một phần lời cho thực khách, ký giả Mỹ có phỏng vấn Hân và tường trình trên báo, có người nói có chiếu trên TV. Là người hoang tưởng, một lần qua điện thoại, Hân cho biết đang sửa soạn để viết một cuốn sách một ngàn trang với chủ đề là nguồn gốc loài người. Tôi ớn quá, nhưng miệng cũng phải nói, “Được lắm, cậu viết đi,” nhưng trong bụng thì nói, đừng bắt tớ đọc.
Biến cố 30 Tháng Tư 1975 cho thấy biết bao sự việc bất thường xảy ra, đủ loại thể hiện tính nhân bản, tính độc ác, sự trung thành, sự phản bội,... loài người được sinh ra như vậy. Vì mục đích sinh tồn (instinct de vivre) đa số con người miệng thì nói đạo đức, nhưng lòng thì mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Kẻ giàu mạnh ức hiếp bóc lột kẻ nghèo yếu. Quốc gia cũng thế, quốc gia giàu mạnh bóc lột quốc gia nghèo yếu. Vậy người Việt Nam có học được bài học nào không từ biến cố 30 Tháng Tư 1975?

Người viết nghĩ, mỗi cá nhân, mỗi quốc gia có một định mệnh. Nếu có ông trời, mà ông trời muốn cho nước Việt Nam tồn tại, không bị Trung Hoa đồng hóa thì một ngày nào đó, ông trời sẽ khiến cho một Churchill Việt Nam hay một De Gaulle Việt Nam xuất hiện. Vậy hãy chờ xem. Riêng người viết, tài cán khả năng hạn hẹp, không có máu anh hùng nên chỉ biết cố gắng sống như một người tử tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét