khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Lá Rơi Còn Dội- Tác Giả Phạm Chu Thái



Những ngày cuối tháng Tư năm ấy, khi AK đang còn nổ khốc liệt từ cuối Trương Minh Giảng vọng về, B40 đang đua nhau gầm xuống nhịp ba từ Tân Sơn Nhất dội lên, và sắt T54 đang sắp tạo cơn địa chấn từ Hàng Xanh-Thị Ngè tràn xuống;  trên lòng đường, lớp lớp những giầy- nón sắt- quân phục bỏ lại vương vãi của một đoàn quân vỡ,  báo hiệu một kinh thành thất thủ,  người ta vẫn còn nhìn thấy một lão trung niên,  đã bạc phơ hơn nửa mái đầu,  mặt rám nắng hom hem,  từ đêm qua đến giờ,  vẫn đang vừa đi vừa lảm nhảm vừa cúi nhặt,  như cho bằng hết,  từng tấm áo (xưa kia đã tái chiếm cổ thành),  từng manh quần (đã hơn một lần vị quốc vong thân) , chất đầy lên người;  nhìn hình ảnh cái lưng còng xuống vì mang nặng đẻ đau , lết bết đi trong một chiều vạn cảnh giai không, kẻ thường dân thì bảo:  tội nghiệp ông già điên;  kẻ đồng hương thì cho mình hiểu biết:  vợ con ổng chết, nhà cửa sách vở bị thiêu nên phát rồ; kẻ trí thức đa khoa thì lạnh lùng phán:  tẩu hỏa nhập ma;  bọn văn nghệ rất đểu thì rung đùi bảo nhau tụ thủ bàng quan: để xem Ðông Tà dở quẻ, Tây Ðộc ra tay;  thằng tiểu tốt đầu chưa ráo máu,  mê ăn thích uống,  lại ra dáng ông đồ Nho, thì thở dài: thôi rồi!  Bùi tiên sinh đang rửa vết ô nhục,  báo đền 20 năm:  Sàigòn thơ mộng, Lục Tỉnh đơm bông,  cà phê thuốc lá,  hủ tíu la de, mì Quảng heo hút,  bún bò trôi dạt,  phở tái di cư… 

Bản dịch Cung Tích Biền:  tui nghe tin Quân Quản sắp tiếp thu Vạn Hạnh,  tui vội chạy lên lầu báo tin ổng biết, vô phòng ổng tui tá hỏa:  một núi quần áo nhà binh Mỹ Ngụy chất đầy phòng ổng, tui hốt hoảng phải khiêng xuống sân trường đại học đốt hết,  phải khiêng tới mấy bận,  đốt suốt đêm;  không có tui chắc tụi Quân Quản giết ổng rồi!

Bản dịch Bùi Giáng:  khi xưa tao đi gom góp được biết bao nhiêu triệu hàng vải ka-ki Mỹ,  thứ hàng o-ri-gin,  hàng xịn,  định mai sau đầu tư bán trở lại cho tụi thị trường chứng khoán Niu-Giót sẽ kiếm được bạc tỷ đô la; nhưng thừa lúc tao đi vắng,  thằng Cung Tích Biền mang xe ba-gác tới hốt,  nghe nói phải đi tới mấy chục chuyến mới hốt hết,  rồi nó đem ra chợ trời bán;  nhưng điều nghiêm chỉnh triết học đáng nói ở đây là nó không đãi tao được một chầu nhậu!

Cuối 75 , Bộ Trưởng Cù Huy Cận vào Sàigòn nhờ kiếm Bùi Giáng.  Kiếm khắp nơi,  cuối cùng người ta tìm thấy ông sống nghèo nàn tối tăm không điện nước trong cái chòi ở một nghĩa địa ngoại ô . Năn nỉ mãi , ông mới chịu khoác vào bên ngoài cái áo veston nhưng dứt khoát kiên định lập trường đi chân đất và mặc cái quần vải thô làm ruộng của người nông dân Nam bộ đi tiếp kiến Bộ Trưởng Văn Hóa nghìn năm văn vật đất Thăng Long .

Huy Cận  : Nhà Nước đánh giá rất cao tài năng của anh, nay nước nhà đã thống nhất, nhờ tôi vô đây đích thân mời anh vào Hội Nhà Văn,  được cho vào thẳng biên chế,  Nhà Nước cấp phát lương bổng nhà cửa cho anh,  không còn bị kềm kẹp phải đói rách lang thang như thời ác ôn Mỹ Ngụy, anh tính sao ?

Bùi Giáng: cám ơn ngài Bộ Trưởng, nhờ ngài chuyển đến Nhà Nước và Hồ Chí Minh dưới suối vàng rằng:  cơm thừa canh cặn của miền Nam này cũng đã đủ nuôi sống Bùi Giáng,  nó ngao du trên mảnh đất xứ sở quê hương này,  đặt mình xuống đâu thì đó là nhà của nó,  vì lẽ đó xin được khước từ thiện ý của ngài Bộ Trưởng và Nhà Nước.

Cuộc đối thoại giữa Lửa Thiêng và Mưa Nguồn, tác giả câu thơ Lên cao nhìn tuổi núi sông / Lại về đồng cỏ tắm dòng hạ lưu, cái kẻ đã tìm thấy Trung Niên nơi nghĩa địa, kể lại nó nghe vào một đêm trăng nơi con hẻm Chi Lăng-Phú Nhuận;  ở cái tuổi thư sinh bắt đầu có chút mùi men rượu , đã làm nó phát cười sằng sặc (thống khoái) thâu đêm;  trong lúc ngoài sân Ngàn Thu Rớt Hột đang mơ màng vịnh Nguyệt,  đang mãi ru ngâm câu thơ của một người thi sĩ ngứa cổ hát chơi : Sương uống mãi chẳng bao giờ hết sáng /  Của trời cao chói lói mỗi triều ngày ….

Ðầu 76,  ông bất thần đến,  áo quần bươm rách, cặp kính gẫy gọng, mặt đầy vết máu; chẳng cần phải mời mọc, lao thẳng lên thang gác nhà nó,  trút bỏ gần chục lớp y phục trên người,  như nhiên để lộ ra cái chân diện mục hài nhi,  đạm nhiên phơi bày ra cái tồn sinh đáo bỉ ngạn;  trên cái hình hài bé nhỏ gầy ốm đến cái mức độ Cam- Ðịa cũng không thể ốm gầy hơn: phủ đầy những thương tích,  bao trùm những hồng lệ;  ông tự băng bó vết thương mình bằng những thế ngoại công kỳ tích của non nước Như Lai,  song thoại vào với cái nội công Thiếu Thất thiên hà ngôn tai của người xưa nước Lỗ,  tập đại thành bản hòa âm vô tận  be be be be be be … gọi bầy dê Trung Việt về cứu giá;  nó lặng lẽ xuống bếp đun nước pha bình trà vối, bế con ra đầu ngõ mua thêm bịch thuốc lào,  vài củ khoai lang,  rồi lại trở vào nhà;  cứ như thế như thế mà Lá Hoa Cồn đã kinh qua không biết bao nhiêu Mùa Ðịa Ngục, cứ như thế như thế mà Màu Hoa Trên Ngàn đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu Mùa Phục Sinh;  xả láng với thiên đường cho khổ nạn thập giá trần gian,  trung thành từng sát na hiện hữu trong một hạnh niệm tín giải thọ trì sâu xa;  trong những ngày tháng tru di khốc liệt của cổ kim chưa từng,  của trước sau sử xanh tam tộc chưa thấm;  so ra thì cái Hí Trường của Bà Huyện còn chưa đủ trình độ để được phép đăng đường,  nói xin lỗi:  so ra thì cái Trăm Năm của Tố Như còn phải đứng xếp hàng chưa được quyền nhập thất .

-      uống trà làm miếng thuốc đi ông Giáng.
-      trà vối ngon tuyệt ! thuốc lào ngon tuyệt !
-      sao ông gây sự với tụi nó chi vậy.
-      tụi nó gây sự tao .
-      tụi nó gây sao.
-      nhân dân cả nước làm chủ thì ăn bo-bo,  tụi nó cán bộ là đầy tớ,  tư cách gì được phép ngồi ăn nhậu,  như thế là tụi nó gây sự  tao.
-      rồi ông làm gì tụi nó ông Giáng.
-      tao có làm gì đâu,  đi ngang chỉ thẩy nắm cát cứu độ góp vui vào cái bàn tiệc vô sản của tụi nó , tao có làm gì đâu.
-      tụi nó đánh có đau không ông Giáng.
-      đất nước Việt Nam đau, không phải tao đau;  đánh tao là đánh đất nước Việt Nam.
-      đất nước Việt Nam đau ông có khóc không ông Giáng.
-      kể từ khi tao thấy Hồ Chí Minh hắn “khóc” ở Paris cái chết của Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm thì tao đã khô lệ rồi, chỉ khóc thầm.
          
L´ Écriture, c´est de la respiration de noyé .
(René Char , Lettre à Paul Éluard )

Lá rơi có dội ở trong sương mù
(Bùi Giáng )

Thằng thầy thuốc bỏ nhanh khối óc người thi ca tư tưởng vào trong hộp,  đậy nắp cẩn thận rồi giao cho con y tá mang ra khỏi phòng;  y thị khẩn cấp lấy phi cơ ra Hà Nội, làm bản copy ghi hàng chữ ¨tối mật ¨ gởi lại 18 Nguyễn Trường Tộ - Ba Ðình,  nhờ chuyển về cơ quan K-9,  rồi lại leo lên phi cơ đi Bắc Kinh;  thằng thầy thuốc nằm vùng còn ở lại Chợ-Rẫy, tráo mảng đất sét bauxít vào trong, đốt điếu thuốc ngoại, chậm rãi khâu vá tấm tử thi suốt đêm, rồi sáng mai bàn giao lại chùa Vĩnh Nghiêm;  thi hài được nhà sư công an trao huân chương Hồ Chí Minh,  tổ chức lễ tân trọng thể;  giữa lễ tang nó nhìn chăm chắm vào đôi mắt rất xanh của người thi sĩ quá cố, cái xanh Trời Biển như trong một câu thơ nào đó đã xa xưa của Trụ Vũ, bỗng nó thất kinh la toáng tri hô tên đao phủ:  thằng Trương Thìn … thằng Trương Thìn …  trước khi nhìn thấy lần cuối thủ cấp mình bay ra khỏi cổ, máu phun có vòi;  vô ý tung tóe vào bên trong cái mép rìa nhị bội khép mở song trùng Kim Cương hình nhi hạ, vô ý làm đỏ ké lên cái áo nhạc T(hằng) C(ộng) S(ản) hương nguyện qủy quyệt lệnh sắc xảo ngôn … Nó giật mình bật dậy giữa đêm Thu Bắc Cực , hớp thở liên hồi , mồ hôi ướt sũng toàn thân: thì ra chỉ là giấc chiêm bao.

Ðêm nay nhớ lại Kiều nhi
Mới hay không phải tử thi của Kiều.
( Từ Hải – thơ Bùi Giáng )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét