khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Những con ngựa trọc đầu thành Troy trước 1975 tại Nam VN (phần một)



Phong trào Phật tử tranh đấu trong cuộc chiến Việt Nam
 
Tóm lược: Từ tháng Mười Một năm 1963 đến tháng Bảy năm 1965, phong trào Phật tử xuống đường tranh đấu là nguyên nhân chính yếu gây bất ổn chính trị tại Nam Việt Nam. Trong khi các Phật tử xuống đường phát biểu rằng họ đại diện cho đông đảo quần chúng Phật tử và chỉ tranh đấu cho tự do tôn giáo, thực chất họ chỉ gồm một thiểu số nhỏ, không mang tính đại diện, đang tìm cách gây ảnh hưởng về chính trị. Khai thác triệt để những âm mưu đen tối và bạo loạn quần chúng để khuynh đảo chính quyền, những Phật tử cực đoan đã tiến hành một hình thức sinh hoạt chính trị trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam. Có bằng chứng cho thấy một số Phật tử trong phong trào này làm việc cho cộng sản Việt Nam.
 
***
 
Giai đoạn từ cuối năm 1963 đến tháng Bảy năm 1965 đã được chú ý nhiều hơn bất cứ khoảng thời gian nào trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phần lớn là vì trong giai đoạn này Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson đã quyết định tham chiến trên bộ. Hầu như mọi sử gia của giai đoạn này đều xem sự yếu kém của chính quyền Nam Việt Nam là nguyên nhân trọng yếu dẫn đến sự can thiệp của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ít có sử gia nào phân tích các lý do của sự yếu kém này. Những người có đề cập đến vấn đề này thường cho nguyên nhân sự yếu kém của chính quyền nói chung chỉ là do năng lực kém cỏi và thiếu tinh thần của tầng lớp lãnh đạo.[1] Một số nhân vật cầm quyền thì đúng là những người lãnh đạo tồi, nhưng cũng có những người có tư chất lãnh đạo tốt. Sự thất bại của những cá nhân có năng lực có nhiều phần do tác động của một ngoại lực: những Phật tử tranh đấu.[2]
 
Trường phái mạnh nhất của các sử gia về Việt Nam, được gọi là trường phái chính thống, thường viết về những Phật tử này như những nhà tu hành không phải là cộng sản mà chỉ đấu tranh nhằm cải thiện tình trạng độc tôn và đàn áp tôn giáo.[3] Trên thực tế, những lãnh đạo phong trào Phật tử tranh đấu cố tình khuynh đảo mọi chính quyền từ 1963 về sau vì những lý do không liên quan gì đến tự do tôn giáo. Tuyệt đại đa số những cáo buộc về đàn áp tôn giáo mà họ dùng để biện minh cho hoạt động của họ đều là giả dối. Hơn nữa, ít nhất cũng có một vài vị lãnh tụ phong trào này đã tự nguyện cộng tác với cộng sản. Ở một mức độ nào đó, phong trào Phật giáo tranh đấu đã tiến hành các hoạt động bí mật, và rất có hiệu quả. Hiếm khi mà một phong trào đối lập có thể gây rối cho nhiều chính quyền một cách có hiệu quả với nguồn lực ít ỏi như thế.
 
Phần lớn thông tin hiện có về phong trào Phật tử tranh đấu và chính trường Nam Việt Nam đều từ các nguồn ở phương Tây. Kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu dính líu đến Việt Nam năm 1950 cho đến khi kết thúc năm 1975, một số lớn nhân viên chính phủ Hoa Kỳ và phóng viên đã đặt nhiệm sở tại Nam Việt Nam. Đồng minh của Hoa Kỳ từ Châu Âu, nhất là Anh Quốc, cũng đã có nhân viên ngoại giao và phóng viên ở Nam Việt Nam.
 
Bài báo này chủ yếu dưạ trên các nguồn thông tin từ Hoa Kỳ và Anh Quốc, là hai nguồn phong phú nhất hiện có. Các tài liệu có liên quan của Nam Việt Nam, còn gọi là Việt Nam Cộng hoà, hiện đang ở trong tay Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Những tài liệu này và những tài liệu tương ứng của Bắc Việt vẫn chưa được công bố cho giới nghiên cứu ngoại quốc. Trong khi Việt Nam đã xuất bản một số tài liệu lịch sử hữu ích từ khi chiến tranh chấm dứt, các tài liệu đó lại không chứa đựng thông tin quan trọng nào liên quan đến những biến động Phật giáo giữa thập niên 1960. Khi những tài liệu đó được cộng bố, sẽ có các thông tin xác đáng về một số vấn đề, nhất là sự can thiệp của Bắc Việt trong phong trào Phật tử tranh đấu. Dẫu vậy, các nguồn thông tin phương Tây, cũng trình bày nhiều khía cạnh của phong trào Phật tử tranh đấu một cách đầy đủ, và cũng khách quan hơn nhiều so với các tài liệu nguồn Việt Nam có thể có.
 
Các thương nhân và tu sĩ Ấn Độ truyền Phật giáo vào Việt Nam trong thế kỷ đầu của Công nguyên. Tôn giáo này đã nhanh chóng thu nhận được rất đông tín đồ, và nhiều người, dù không xuất gia, cũng theo các nghi lễ và nguyên lý Phật giáo. Nhưng Phật giáo và văn hoá Ấn đã không bao giờ thống trị Việt Nam như ở Cam bốt, Thái, và Miến điện. Nguồn ảnh hưởng chính lúc nào cũng là người Trung Hoa, kẻ đã kiểm soát Việt Nam khi Phật giáo xuất hiện và tiếp tục thống trị cho đến thế kỷ thứ mười. Người Trung Hoa đã gieo rắc sâu xa lý thuyết của Khổng Tử ở Việt Nam và Khổng giáo đã đóng một vai trò ưu việt trong lịch sử lâu dài của Việt Nam, cho đến cả thế kỷ hai mươi. Cho dù Phật giáo có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống tinh thần của vua chúa và dân dã trong nhiều thời kỳ, các nguyên tắc Khổng giáo vẫn thống trị các mối quan hệ gia đình và chính trị, ngay cả giữa những Phật tử với nhau.[4]
 
Nam Việt Nam trong thế kỷ hai mươi thường bị gọi nhầm là một đất nước Phật giáo. Trong một đất nước với 15 trrệu dân, có khoảng 3 đến 4 triệu Phật tử và trong số này chỉ khoảng một nửa thực sự hành đạo. Khoảng 4 triệu người cho Khổng giáo là tín ngưỡng cơ bản. Trong những người theo Khổng giáo, một số có liên hệ lỏng lẻo với bên Phật giáo nhưng họ không hề xác định mình là Phật tử theo tổ chức của giáo hội Phật giáo. Trong giao đoạn có xung đột tôn giáo từ 1963 đến 1966, những người đó thường không ủng hộ phong trào Phật tử xuống đường. Một triệu rưỡi công dân Việt Nam theo Công giáo, và khoảng hai triệu rưỡi hay ba triệu theo đạo Cao Đài và Hoà Hảo. Số còn lại thờ linh vật hoặc theo đạo Lão, Tin lành, Ấn Độ giáo, hay Hồi giáo, v.v.[5]
 
Trong khi có hiện tượng gần như sự phục hưng của Phật giáo trong những năm trước giai đoạn biến động 1963-1966, Phật giáo Việt Nam vẫn còn tương đối yếu. Quần chúng Phật tử Việt nam không hề có biểu hiện cuồng nhiệt tôn giáo như giới Phật tử ở các nước Châu Á khác. Trước cuộc bạo động Phật giáo năm 1963, giới sư sãi Việt nam hiếm khi chủ động tham gia chính sự quốc gia. Họ và Phật tử dùng tôn giáo của mình để giải quyết những vấn đề tâm linh nội tại, không quan tâm đến việc trần thế của chính quyền. Phật giáo Việt Nam cũng phân chia ra thành nhiều hệ phái mà không có phái nào có cơ cấu tổ chức mạnh và chặt chẽ. Ba miền cuả Việt Nam – Bắc kỳ, Trung kỳ, và Nam kỳ – mỗi miền đều có những nhóm Phật tử cục bộ. Miền Nam Việt Nam bao gồm Nam kỳ và phần nam Trung kỳ, cũng có một số lớn dân di cư đã bỏ Bắc kỳ và phần phía bắc Trung kỳ vào năm 1954. Phật giáo Việt Nam còn bị phân chia theo phái Tiểu Thừa (Theravada – Nam Tông) và Đại Thừa (Mahayana – Bắc Tông).[6]
 
Xung khắc giữa Phật giáo và chính quyền Sài Gòn khởi đầu vào ngày 8 tháng Năm năm 1963, khi 9 thường dân bị chết một cách đầy bí ẩn trong một buổi biểu tình của Phật tử ở Huế. Dưới sự lãnh đạo của sư Thích Trí Quang, một mhóm Phật tử tổ chức biểu tình và nói với báo chí ngoại quốc là chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo. Nhóm này sau đó được biết đến với danh xưng “Phật tử tranh đấu”. Diệm từ chối không chịu nhân nhượng và thực thi những cải cách theo yêu cầu của nhóm Phật tử đấu tranh và phía Mỹ. Kết quả là Người Mỹ đã quay lưng lại với Diệm. Vào tháng 10 năm 1963, Toà Đại sứ Mỹ chấp thuận một âm mưu đảo chánh do mấy tướng lãnh cao cấp Việt Nam dự mưu, và vào ngày 1 tháng 11, các tướng này lật đổ Diệm và hạ sát ông ta.
 
Một Hội đồng tướng lãnh, do Đại tướng Dương Văn Minh lãnh đạo, nắm quyền sau cuộc đảo chánh. Mong tìm sự ủng hộ từ những nhóm chính trị rắc rối nhất, chế độ mới nhanh chóng thả ngay tất cả các sinh viên và Phật tử chống đối bị Diệm cầm tù trước đó. Theo lời cố vấn của Toà Đại sứ Mỹ, các tướng lãnh hứa sẽ thực thi những cải cách chính trị Tây phương mà người đã Mỹ thúc đẩy từ lâu, kể cả tự do báo chí và tự do phát biểu chính kiến. Tuy nhiên, mặc dầu đã trả tự do cho những Phật tử tranh đấu và thực thi cải cách, vấn đề Phật tử đã không được hoá giải. Trong tháng đầu tiên của chế độ mới, ba Phật tử đã tự tuẫn để phản đối chính quyền.[7] Đó chính là chiến thuật mà các Phật tử đã dùng để chống Diệm. Chỉ trong bốn tháng sau khi Diệm bị lật đổ, số Phật tử tự tuẫn vì lý do chính trị còn nhiều hơn là trong suốt những năm Diệm làm Tổng thống.
 
Tướng Minh đã lộ diện là người lãnh đạo quốc gia bất tài. Các tướng khác không ai bù đắp cho sự yếu kém của ông ta được và thay vào đó dành nhiều thời gian cãi cọ nhau và bắt bớ những người đã ủng hộ Diệm trước đây.[8] Hậu quả của tình trạng chính quyền trì trệ đã tạo cơ hội cho Việt cộng tăng cường và khai thác tối đa vị thế quân sự của mình.
 
Tình trạng bất lực của “chính quyền Hội đồng” này chẳng bao lâu đã làm cả người Mỹ lẫn người Việt hết chịu nổi. Vào cuối tháng Một, tướng Nguyễn Khánh cho người Mỹ biết một số tướng lãnh thân Pháp sắp đảo chánh, và họ dự định sau đó sẽ biến Nam Việt Nam trở thành một nước trung lập. Một nước Việt Nam Cộng hoà trung lập sẽ “đặt dấu chấm dứt cho” quan hệ đồng minh với Mỹ và sẽ đi đến thoả hiệp với Bắc Việt. Sự trung thực của tướng Khánh không bao giờ được thẩm định vì không có chứng cớ. Tướng Khánh cũng phát hoảng vì sự kém cỏi của Tướng Minh và Hội đồng tướng lãnh của ông ta, đồng thời Tướng Khánh cũng cho là mình có thể làm tốt hơn tướng Minh. Hơn nữa, Khánh cũng bực bội về chuyện Hội đồng quân nhân đảo chính do Minh cầm đầu đã giết Diệm vì Khánh có cảm tình với Diệm và vì các tướng lãnh đã hứa sẽ không hại Diệm.[9] Vào ngày 30 tháng Một, được Mỹ hậu thuẫn, Khánh giành chính quyền bằng một cuộc đảo chính không đổ máu. Khánh giam giữ Minh cùng các cộng sự thân cận nhất của ông ta và tự phong mình làm thủ tướng.
 
Trung tướng Nguyễn Khánh, tháng Gieng 1964 (T), tháng 9, 1964 (P) cạo chòm râu dê - dưt bỏ quá khứ công hiến cho tương lai. Hình AP
Trung tướng Nguyễn Khánh, tháng Giêng 1964 (T), 4 tháng 9, 1964 (P) cạo chòm râu dê – dứt bỏ quá khứ cống hiến cho tương lai. Hình AP
 
Về phương diện lãnh đạo quốc gia, Khánh đã tỏ ra có năng lực hơn các vị tiền nhiệm. Tuy nhiên, Khánh lại tiếp tục chính sách thuyên chuyển xoay vòng các tỉnh và quận trưởng, vốn đã làm suy yếu các chính quyền tiền nhiệm.[10] Khánh đưa vào một số người trước đây ủng hộ Diệm và bị mất chức vào tháng 11 năm 1963. Tái xuất hiện trên chính trường vào thời điểm này là những Phật tử tranh đấu, vào khoảng đầu năm 1964 đã kết hợp thành một tổ chức với tên gọi là “Viện Hoá đạo” do Trí Quang và Tâm Châu đứng đầu. Trí Quang và các sư tranh đấu khác tố cáo một cách vô căn cứ rằng Khánh – vốn là một Phật tử – và chính quyền hầu hết là Phật tử của ông, đang trở lại chính sách bách hại Phật tử của Diệm. Vì thiếu kinh nghiệm và dễ bị đe doạ, Khánh sụp đổ trước áp lực này. Ông ngừng bổ nhiệm những viên chức thân Diệm, sa thải một số đang tại chức, và cầm tù thêm một số người thân Diệm khác.[11]
 
TRung tướng Nguyes Khánh và Thương tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Saigon, háng 9, 1964. Ảnh: LIFE
Trung tướng Nguyễn Khánh đi cạnhThương tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Saigon, háng 9, 1964. Ảnh: LIFE
 
Việc Khánh nhượng bộ những đòi hỏi này đã không giúp ông ta thoát khỏi sự chỉ trích của các Phật tử tranh đấu.[12] Trong khi một số sư lãnh đạo trong Viện Hoá đạo và một số Phật tử có uy tín chấp thuận tướng Khánh thì Trí Quang lại tố cáo Khánh là không cho Phật tử được tự do tôn giáo và cho phép viên chức chính quyền tự do cầm tù Phật tử.[13] Hệt như đã xảy ra trong vụ xung đột giữa Diệm với giới Phật tử, Tướng Khánh càng nhượng bộ, Trí Quang càng đòi hỏi nhiều hơn. Không như Diệm, Khánh tiếp tục thoả mãn các yêu sách không ngừng nghỉ. Một cách giải thích về thái độ của Khánh là vì ông ta tin rằng nếu chống đối lại các Phật tử thì sẽ làm người Mỹ xa lánh, như đã xảy ra với Diệm. Phần khác là do sự ngây thơ và non kém về chính trị của chính bản thân Khánh. Để thoả mãn Trí Quang, Khánh buộc quân đội phải cách chức tất cả các linh mục tuyên uý Công giáo.[14] Áp lực từ Trí Quang cũng buộc Khánh phải kết án chung thân khổ sai Đặng Sỹ, một sỹ quan Công giáo có liên quan đến sự cố chết người bí ẩn trong cuộc biểu tình ngày 8 tháng Năm năm 1963.[15]
 
Không như các Phật tử khác, Trí Quang đòi tử hình em trai của Diệm là Ngô Đình Cẩn, người đang bị chính quyền của Khánh xét xử vì bị tố giác một số tội. Đưa ra lập luận, sau này sẽ trở thành nền tảng cho hầu như tất cả mọi sự chỉ trích chính quyền, Trí Quang cảnh báo rằng Cẩn phải bị xử tử để chống lại một âm mưu đen tối của người Công giáo, các dư Đảng Cần lao, và những kẻ đã ủng hộ Diệm, nhằm lập lại một chính quyền kiểu Diệm.[16]
 
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Henry Cabot Lodge đã thỉnh cầu các lãnh đạo Nam Việt Nam tha mạng cho Cẩn bằng cách nhắc nhở rằng chính quyền đã không đưa ra được chứng cớ rõ ràng nào về tội của Cẩn.[17] Thủ Tướng Khánh, dẫu vậy, vẫn quyết định làm hài lòng các Phật tử tranh đấu hơn là người Mỹ, và Khánh đã cho xử tử Cẩn ngày 9 tháng Năm. Nếu không vì quá sợ sự chống đối của Phật tử thì Khánh hẳn đã không chọn hướng làm vừa lòng Phật tử tranh đấu hơn là người Mỹ, cho dù như thế có thể dễ làm mất lòng người Mỹ và cả Khánh lẫn quốc gia của ông ta không thể trụ được nếu không có sử ủng hộ của người Mỹ.[18]
 
Đại sứ Lodge đã ủng hộ Trí Quang mạnh mẽ trong năm 1963. Thực ra ngay từ đầu nhiệm kỳ, Lodge đã đề nghị đưa Trí Quang vào thành phần chính phủ nhằm mở rộng nền tảng đại diện của chính phủ. Nhưng đến đầu năm 1964, Lodge đã mất hết thiện cảm với Trí Quang và phong trào tranh đấu. Lodge nhận xét trong mùa xuân năm này, “Tôi cho rằng Phật giáo có thể là một mối nguy hiểm cho chính quyền. Cụ thể, tôi nghĩ rằng Trí Quang, lãnh tụ Phật giáo, là kẻ có tiềm năng gây rối. Đã lật đổ được một chính quyền, ông ta có thể muốn làm lại như thế đối với Khánh.” Nhận xét về những lời công kích của Trí Quang đối với Khánh, Lodge lưu ý rằng Trí Quang “đã cho tôi biết là ông ấy không coi Khánh là một ‘Phật tử tốt’ – hẳn có nghĩa là, một Phật tử không theo sự chỉ giáo của Trí Quang.” Một dịp khác, Lodge nói rằng Trí Quang “đầy tham vọng, chống Thiên chúa giáo, đầy hận thù, và chống Khánh ra mặt,” và rằng, “có sự xâm nhập của cộng sản vào tổ chức Phật tử.” Cũng giống như Lodge, nhiều thành viên của ngoại giao đoàn và báo giới trước đây đã ủng hộ Trí Quang và các Phật tử tranh đấu khác trong năm 1963, đến năm 1964 bỗng trở nên nghi ngờ họ.[19]
 
Thượng tọa Thích Trí Quang đi xích lô đạp, Saigon 18 tháng 12, 1964. Nguồn: AP
Thượng tọa Thích Trí Quang đi xích lô đạp, Saigon 18 tháng 12, 1964. Nguồn: AP
 
Từ đầu, nhiều quan sát viên Việt Nam đã tố cáo Trí Quang là một điệp viên cộng sản. Nói chung, các chứng cớ cũng cho thấy quan điểm này là đúng, cho dù không có bằng chứng tuyệt đối. Sinh ra ở miền Bắc, Trí Quang đã phục vụ cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến Pháp-Việt. Anh của Trí Quang là một quan chức trong chính quyền Bắc Việt, một sự thật được chính Trí Quang xác nhận. Khi những cuộc phản đối nổ ra ở Nam Việt Nam, có thông tin cho thấy người anh trai này đã cầm đầu các chương trình hoạt động bí mật của Bắc Việt ở Miền Nam.[20] Trong tháng Sáu năm 1963, Trí Quang thúc đẩy các Phật tử tìm kiếm hậu thuẫn từ phía Việt cộng để chống lại chính quyền của Diệm.[21] Những phương pháp vận động chính trị của Trí Quang gần giống với những phương pháp của cộng sản và tiến bộ hơn hẳn phương pháp của những Phật tử khác. Khi cộng sản chiếm Miền Nam năm 1975, Trí Quang được bố trí một công việc ở Huế và ông ta không có một phát ngôn chống đối nào đối với chế độ, trong khi họ cầm tù rất nhiều sư đã có thành tích tranh đấu.[22]
 
Trí Quang liên tục tuyên bố ủng hộ cuộc chiến chống cộng sản, cho dù vẫn chỉ trích chính quyền.[23] Hành động của ông, tuy vậy, không phù hợp với lời nói. Hành động của Trí Quang đã gây tác hại lớn cho mọi chính quyền Nam Việt Nam từ năm 1963 đến 1966, và những hành động đó đã có thể huỷ diệt chính quyền nếu rốt cục các lãnh đạo quân đội không quyết định chặn đứng Trí Quang. Nếu Trí Quang không phải là một người cộng sản trung kiên, thì chắc hẳn ông có ảo tưởng ngông cuồng là tự mình có thể ngăn chặn cộng sản sau khi chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ.
 
Vào ngày 5 tháng Tám năm 1964, Mỹ ném bom tàu bè và các căn cứ hải quân Bắc Việt để trả đũa cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” được nêu là có hai vụ tấn công tàu chiến Mỹ trong Vịnh. Tổng thống Lyndon Johnson vận dụng sự kiện này để được Quốc Hội chấp thuận cho phép dùng mọi biện pháp cần thiết ở Đông Nam Á. Tướng Khánh cũng tin rằng thời điểm căng thẳng quốc tế này là một cơ hội tốt cho ông gia tăng quyền lực. Do đó, ông tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” vào ngày 7 tháng Tám. Khánh ban bố nghị định cho phép cảnh sát cấm biểu tình, lục soát nhà cửa bất cứ lúc nào, và bắt giam “những thành phần được xem là nguy hiểm cho an ninh quốc gia.” Chính quyền ban hành lệnh kiểm duyệt và ngăn cản “việc lưu hành những ấn bản, tài liệu, và truyền đơn được xem là nguy hại đến trật tự công cộng.”[24] Khánh cũng soạn thảo một hiến pháp mới, với mục đích gia tăng quyền lực của mình và lấy hết thẩm quyền còn lại của Tướng Minh.[25]
 
Thay vì củng cố quyền lực của Khánh, những biện pháp đó làm bùng nổ một cơn khủng hoảng chính trị tồi tệ. Tại những cuộc biểu tình lớn trong các đô thị, các Phật tử tranh đấu và nhóm sinh viên – phần nhiều bị ảnh hưởng nặng nề từ phía Phật tử tranh đấu – đòi Khánh chấm dứt tình trạng khẩn cấp và huỷ bỏ hiến pháp mới.[26]
 
Nhóm Phật tử tuyên bố là có một âm mưu của phe Diệm, liên quan đến các cựu đảng viên Cần lao, Công giáo, và Đảng Đại Việt do các Tướng Khiêm và Thiệu lãnh đạo. Những người tranh đấu đã cáo buộc là phe Diệm đã đàn áp Phật tử. Phóng đại ảnh hưởng của Công giáo trong chính quyền của Khánh, Trí Quang nói với các viên chức Mỹ tại toà đại sứ rằng, “Phật tử không thể chấp nhận chính quyền bởi người Công giáo.” Trừ khi ảnh hưởng của những người Công giáo bị loại bỏ, Trí Quang cảnh cáo, Phật tử “sẽ rút lui khỏi cuộc chiến, để chỉ người Công giáo với sự ủng hộ của Mỹ chống lại Cộng sản.”[27] Những cáo buộc mới về đàn áp tôn giáo này cũng vô căn cứ như những cáo buộc trước. Maxwell Taylor, người vừa thay thế Lodge làm đại sứ Mỹ, nhận xét rằng cái gọi là âm mưu Cần lao-Công giáo-Đại Việt chỉ là “một bóng ma” bởi vì không có bằng chứng gì về việc chính quyền tìm cách ngược đãi Phật tử.[28]
 
Những đám đông Phật tử phá huỷ nhà cửa và nhà thờ Công giáo. Quân đội và cảnh sát không can thiệp để chận đứng bạo lực, ngay cả khi có nổi loạn xảy ra trước mắt họ.[29] Bài học về chế độ Diệm hẳn đã làm cho các quan chức chính quyền tin rằng đàn áp biểu tình, nhất là các cuộc do sư lãnh đạo, sẽ làm người Mỹ xa lánh. Ở Đà Nẵng, ba ngày xung đột giữa Phật tử và người Công giáo đã làm 12 người chết. Trong khi các Phật tử trước đây cố gắng tránh đối kháng với người Mỹ, thì nay họ trút một phần cuồng nộ lên đầu người Mỹ; 2000 người biểu tình ném đá một trại lính Mỹ trong khi hò hét khẩu hiệu chống Mỹ.[30] Phong trào Phật tử tranh đấu đã ngày càng rời xa đặc tính tâm linh của Phật giáo Việt Nam.
 
Như bao lần trước, Trí Quang và các lãnh tụ Phật giáo khác nói riêng với người Mỹ rằng họ chống cộng. Dẫu vậy họ từ chối không tuyên bố công khai lập trường này. Trí Quang tuyên bố rằng chưa tới lúc cần phải công khai lập trường chống cộng của mình, rằng ông ta chọn thái độ im lặng để khỏi bị cáo buộc là làm việc cho chính quyền và người Mỹ.[31] Khi mà những hoạt động của Trí Quang đã làm suy yếu trầm trọng chính nghĩa chống cộng, thật khó tin được rằng Trí Quang thực sự xem một lời tuyên bố công khai là không cần thiết. Những Phật tử khác phát biểu rằng họ không tố cộng vì họ không quan tâm đến chính trị, chỉ quan tâm đến tự do tôn giáo. Tuy vậy cùng lúc họ chỉ chỉ trích Khánh, chính quyền Sài Gòn, quân đội Nam Việt Nam, và người Mỹ, không ai trong số đó đụng chạm đến tự do tôn giáo.[32] Đến thời điểm đó, hầu hết các quan sát viên vô tư đã kết luận rằng các điệp viên cộng sản đã đóng vai quan trọng trong phong trào Phật tử tranh đấu. Xâm nhập phong trào là chuyện rất dễ. Bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhà sư bằng cách cạo trọc đầu và khoác chiếc áo màu vàng nghệ. Trước tháng 11 năm 1963, cảnh sát Nam Việt Nam đã có thể kiểm soát được hoạt động của cộng sản trong các đô thị, nhưng những vụ thanh trừng các lãnh đạo cảnh sát sau thời Diệm đã làm què quặt cơ quan cảnh sát. Cộng sản Việt Nam đã thực hiện nhiều vụ nổi loạn bí mật trước đó và không có lý do gì họ lại không tìm cách gài người vào trong một tổ chức có ảnh hưởng rộng lớn mà dễ xâm nhập như thế.[33] Một số lớn Phật tử bị bắt vì hành vi bạo loạn lại không có thẻ căn cước quốc gia, một dấu hiệu khá rõ về mối liên quan với Việt cộng. Một số Phật tử tranh đấu đã di chuyển theo phương pháp quân sự với hiệu lệnh bằng trống và còi, và đã lập nên những công sự phòng thủ chống lại lực lượng chính quyền.[34] Giới Phật tử thuần tuý chắc hẳn đã không thể tự mình vạch ra những chiến thuật như thế.
 
Càng ngày càng có nhiều người đi đến kết luận rằng chính Trí Quang là một người cộng sản. Trong năm 1964, những vị lãnh đạo Phật giáo khác – kể cả những cựu đệ tử nổi tiếng của ông ta – bắt đầu tố cáo Trí Quang cộng tác với Việt cộng.[35] Trí Quang tuyên bố rằng mình không có liên quan gì đến các Hội đồng Nhân dân Cách mạng mới được thành lập ở miền Trung để tiến hành các hoạt động chống chính quyền và đưa ra những mục tiêu rất giống với Cộng sản.[36] Nhưng một người thân cận của Trí Quang là bác sĩ Lê Khắc Quyến đã cầm đầu Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng tại thành phố Huế – một vị trí chiến lược. Việc Trí Quang thường cáo buộc các viên chức chính quyền có năng lực và không có quá khứ ngược đãi Phật giáo đã làm dầy thêm nguyên nhân dẫn đến mối nghi ngờ về động cơ của Trí Quang.[37]
 
Đại tướng Dương Văn Minh bắt tay Bác síc Lê Khắc Quyến, một thành viên của Thượng Hội đồng Quốc Gia. Ảnh: LIFE
Đại tướng Dương Văn Minh bắt tay Bác sĩ Lê Khắc Quyến, một thành viên của Thượng Hội đồng Quốc Gia, Saigon 24/3/1964. Ảnh: LIFE
 
Một số viện chức cao cấp Mỹ vào thời điểm đó cũng tin Trí Quang là cộng sản. Tuy vậy, CIA (Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Mỹ) vẫn chưa thực sự tin như vậy. Qua những vụ nổi loạn, cơ quan này đã thực hiện một phân tích đặc biệt về khả năng Trí Quang cộng tác với cộng sản. Kết quả là cho dù có nhiều báo cáo cho rằng Trí Quang là một người cộng sản, “vẫn còn thiếu thông tin tình báo chắc chắn để khẳng định điều mà nhiều người Việt tin, rằng Trí Quang thật sự là cộng sản.” Với nguyên nhân thiếu chứng cớ chắc chắn và những thẩm định chủ quan, phân tích đó kết luận rằng Trí Quang không phải là một điệp viên của cộng sản Việt Nam. Báo cáo đó cho rằng những hoạt động chống đối chính quyền xuất phát từ tham vọng, tinh thần bài ngoại, và ước muốn biến Nam Việt Nam thành một đất nước theo giáo quyền Phật giáo.[38] Thủ tướng Khánh lại chứng tỏ mình dễ bị lung lạc bởi những kẻ mỵ dân và đám biểu tình. Trong một cuộc biểu tình phản đối, khi hàng ngàn người hô vang khẩu hiệu, “Đả đảo độc tài quân phiệt,” Khánh cũng tham gia hô hào lớn tiếng như ai. Ông ta gắng sức làm vừa lòng những những kẻ tố cáo ông hơn là tìm cách bào chữa cho mình hay dùng sức mạnh để tái lập trật tự. Qua đó, ông ta hứa sẽ liên tục thoả mãn các yêu sách mới nhất.[39] Ở Việt Nam, sự hoà hoãn và chiều chuộng đối phương như thế là một sự mất mặt lớn và làm mất lòng tin của các viên chức chính quyền và công chúng. Theo truyền thống Khổng giáo, người Việt coi trọng sự cai trị của một nhân vật hùng mạnh không dung thứ những kẻ đối lập.
 
Nhận thấy tình hình trở nên tuyệt vọng, Khánh tìm cách gặp các lãnh tụ Phật giáo tranh đấu vào đêm 24 tháng Tám. Khánh yêu cầu Trí Quang, Tâm Châu, và Thiện Minh ra Vũng Tàu để thảo luận. Khi các vị sư này từ chối thì Khánh tức tốc về Sài Gòn để gặp họ, điều này hiển nhiên khẳng định nhận định của phía Phật tử là họ có thể lợi dụng được Khánh. Ba vị sư đưa cho Khánh một văn bản các yêu sách. Theo danh sách này thì Khánh phải huỷ bỏ hiến chương mới, Hội đồng Quân Nhân Cách Mạng sẽ bầu cử tống thống rồi Hội đồng giải tán để tách quân đội ra khỏi chính sự. Các sư cũng đòi hỏi phải sa thải tất cả những đảng viên Cần lao đang phục vụ trong chính quyền của Khánh. Ngoài ra, Khánh phải công khai tuyên bố là đang đáp ứng các yêu cầu của Phật giáo. Nếu Khánh từ chối không thực thi những điều này thì lãnh đạo Phật tử sẽ tổ chức một chiến dịch phản đối rộng khắp bằng phương pháp bất bạo động.
 
Ngay sau khi gặp các vị sư, Khánh hỏi ý kiến Đại sứ Mỹ Taylor. Taylor nói với Khánh,
“Tôi nghĩ đó sẽ là một sai lầm khi nhượng bộ áp lực của một nhóm thiểu số về một vấn đề trọng đại, nhất là khi họ đưa một tối hậu thư và yêu cầu thực thi trong thời hạn ngắn ngủi như thế. Làm như vậy sẽ chỉ khiến họ đưa thêm yêu sách mới mà thôi”[40]
 
Tướng Nguyễn Khánh hội ý với Đại sữ Mỹ Maxwell Taylor, bên cạnh là Đại tướng Westmoreland. Nguồn:  Nguyen van Duc .
Tướng Nguyễn Khánh hội ý với Đại sứ Mỹ Maxwell Taylor, bên cạnh là Đại tướng Westmoreland. Nguồn: Nguyen van Duc .
 
Taylor đã nhận định được sự nguy hiểm này khi quan sát những tháng cuối cùng của chế độ Diệm và khi Khánh cầm quyền. Khánh đã can dự vào những biến cố lúc đó nhưng không rút tỉa được bài học nào. Vị thủ tướng Miền Nam Việt Nam đã chứng tỏ sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Phật giáo trên cơ sở là để tránh bất hoà giữa Phật giáo và Công giáo trong quần chúng và quân đội. Khánh nghĩ là không thể thắng trong cuộc chiến với cộng sản nếu không có sự ủng hộ của Phật giáo.[41]
 
Chỉ vài giờ sau buổi họp, Khánh ra thông cáo trong đó có lời hứa sửa hiến pháp, giảm bớt kiểm soát báo chí, cho phép biểu tình nơi công cộng, và sửa sai những vụ quá tay trong quá khứ với những toà án lưu động đặc biệt. Tuy nhiên, như Taylor đã tiên đoán, những nhượng bộ này chỉ dẫn đến những yêu sách khác, và những cuộc biểu tình phản đối của Phật tử và sinh viên. Khánh lại đưa ra một kế hoạch mới rồi tìm cách thông qua trong một phiên họp rút gọn của Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Theo kế hoạch này, hiến chương mới bị bãi bỏ, Hội đồng Quân nhân Cách mạng bầu ra quốc truởng rồi Hội đồng tự giải tán.[42] Như thế Khánh đã chấp nhận tất cả những đòi hỏi mới nhất của phía Phật giáo và còn nhân nhượng nhiều hơn thế. Sự đầu hàng này của Khánh vẫn chưa đủ để được giới Phật giáo tranh đấu công khai ủng hộ. Chỉ sau khi Khánh đã đưa cho Trí Quang 300,000 US đô la tiền mặt thì Trí Quang và Tâm Châu mới ký một lá thư bày tỏ ủng hộ mà Khánh sau đó cho công bố để chứng tỏ mình được sự hậu thuẫn của Phật giáo.[43] Dẫu vậy, bức thư này lại cũng có những đòi hỏi khác. Để duy trì được sự ủng hộ của các sư, Khánh phải mạnh tay với Cần lao và phải bầu ra quốc hội mới trong vòng một năm.[44]
 
Những quan sát viên tinh ý nhận ra rằng những nhượng bộ quá đáng của Khánh đối với Phật giáo có nghĩa rằng quyền lực hầu như đã được trao từ phía những người muốn có một sự bình ổn bề ngoài nhờ phong cách quân sự qua tay các nhà sư Phật giáo với chủ ý phục vụ lợi ích riêng của mình mà cũng có thể cho cả cộng sản. Khi thực thi những nhượng bộ này Khánh đã phải chấm dứt nhiều biện pháp chống phản loạn có hiệu quả.
 
Nhiều tướng lãnh Nam Việt Nam trở nên hết sức quan ngại về tình hình đất nước. Các tướng có mặt trong buổi họp của Hội đồng Quân nhân Cách mạng, đã chấp thuận kế hoạch của Khánh một cách miễn cưỡng và có sự cân nhắc vì Khánh được Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ. Một vài tướng vắng mặt tại cuộc họp đã trở nên giận dữ khi biết sự tình, đã công khai chỉ trích Khánh về các biện pháp làm suy yếu chính quyền. Nổi bật trong số các tướng chống lại chính sách của Khánh đối với Phật giáo là Tướng Khiêm và Tướng Thiệu. Sau đó họ tìm hậu thuẫn để thay đổi Khánh bằng tướng Dương Văn Minh, và họ cũng nhận được sự hợp tác của những vị trước đây đã theo Khánh.[45] Cả đám đến gặp đại sứ Taylor và yêu cầu được phép hạ bệ Khánh. Tuy nhiên, Taylor trả lời rằng không nên có thêm đảo chính nữa bởi làm thế chính quyền lại càng suy yếu thêm. Lời cảnh cáo này đủ để ngăn việc lật đổ Khánh.[46] Sau mấy ngày tranh cãi, các tướng thoả thuận thành lập tam đầu chế gồm Khánh. Minh, Khiêm để nắm quyền trong hai tháng cho đến khi một chính quyền mới được thành lập.
 
Tam đầu chế Khanh-Minh-Khiêm, Saigon tháng 9, 1964
Tam đầu chế Khánh-Minh-Khiêm, Saigon tháng 9, 1964
 
Tam đầu chế này mang đơn vị nhảy dù về Sài Gòn và dẹp tan các cuộc nổi loạn.[47] Hành động quyết liệt ban đầu này, tuy vậy, đã không được tiếp tục vì rõ ràng là tam đầu chế thiếu đoàn kết và không cùng chung mục đích.[48] Khánh có quyết định tối hậu trong khi Khiêm và Minh không có ảnh hưởng gì mấy; Khánh vẫn còn phục tùng nhóm Phật giáo tranh đấu. Áp lực từ nhóm Phật giáo và các Hội đồng Nhân dân Cách mạng buộc Khánh phải sa thải nhiều viên chức dân sự và sĩ quan quân đội dù họ không “chống Phật giáo,” trong đó có những lãnh đạo tốt nhất của đất nước.[49] Sức ép của nhóm Phật giáo cũng khiến Khánh chấm dứt kiểm duyệt báo chí và ra lệnh thả tất cả những người trước đó bị bắt trong các buổi bạo loạn, trong đó có it nhất 11 người được biết chắc là cán bộ Việt cộng cấp cao.[50]
 
(Còn tiếp phần II, Kết)
 


Nguồn:

[1]Xem Fredrik Logevall, Choosing War: The Lost Chance for Peace and the Escalation of War in Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1999); Brian VanDeMark, Into the Quagmire: Lyndon Johnson and the Escalation of the VietnamWar (New York: Oxford University Press, 1991); Robert Buzzanco, Masters of War: Military Dissent and Politics in the Vietnam Era (Cambridge: Cambridge University Press, 1996); George McT. Kahin, Intervention: How America Became Involved in Vietnam (New York: Alfred A. Knopf, 1986); Gabriel Kolko, Anatomy of a War: Vietnam, the United States, and the Modern Historical Experience (New York: Pantheon Books, 1985); Jeffrey Record, The Wrong War: Why We Lost in Vietnam (Annapolis: Naval Institute Press, 1998).
[2]Thật đáng ngạc nhiên là người ta ít đề cập đến những hoạt động chính trị của các Phật tử tranh đấu vào những năm 1964 và 1965. Chỉ có rất ít hoặc thậm chí không có dòng nào đề cập đến họ trong Buzzanco, Masters of War; Kolko, Anatomy of a War; Lloyd C. Gardner, Pay Any Price: Lyndon Johnson and the Wars for Vietnam (Chicago: Ivan R. Dee, 1995); George C. Herring, America’s Longest War: The United States and Vietnam, 1950–1975, 3rd ed. (New York: McGraw-Hill, 1996); Robert Mann, A Grand Delusion: America’s Descent into Vietnam (New York: Basic Books, 2001); H. R. McMaster, Dereliction of Duty: Lyndon Johnson, Robert McNamara, the Joint Chiefs of Staff, and the Lies That Led to Vietnam (New York: HarperCollins, 1997); Marilyn B. Young, The Vietnam Wars, 1945–1990 (New York: HarperCollins, 1991); Robert D. Schulzinger, A Time for War: The United States and Vietnam, 1941–1975 (New York: Oxford University Press, 1997). Cuốn sách có những đề cập đáng kể về đề tài này là Arthur J. Dommen, The Indochina Experience of the French and the Americans: Nationalism and Communism in Cambodia, Laos and Vietnam (Bloomington: Indiana University Press), 2001. Kahin cũng phân tích phong trào Phật tử khá kỹ trong cuốn Intervention, nhưng ông bỏ sót một khối lượng thông tin lớn (mà nếu đưa vào sẽ) phản ánh bất lợi về Phật tử.
[3]William Duiker, The Communist Road to Power in Vietnam, 2nd ed. (Boulder, Colo.: Westview Press, 1996); Robert J. Topmiller, The Lotus Unleashed: The Buddhist Peace Movement in South Vietnam, 1964–1966 (Lexington, KY: University Press of Kentucky, 2002); David Kaiser, American Tragedy: Kennedy, Johnson, and the Origins of the Vietnam War (Cambridge: Harvard University Press, 2000); A. J. Langguth, Our Vietnam: The War, 1954–1975 (New York: Simon & Schuster, 2000); Kahin, Intervention; Schulzinger, A Time for War; Young, Vietnam Wars.
[4]Ðể biết lịch sử Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ 20, xem Keith W. Taylor, The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983); Oscar M. Chapuis, A History of Vietnam: From Hong Bang to Tu Duc (Westport, Conn.: Praeger, 1995); Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled (New York: Praeger, 1967); Ralph Smith, Viet-Nam and the West (Ithaca: Cornell University Press, 1968).
[5]Ellen J. Hammer, A Death in November: America in Vietnam, 1963 (New York: E. P. Dutton, 1987), 139; Richard Critchfield, Long Charade: Political Subversion in the Vietnam War (New York: Harcourt, Brace, and World, 1968), 70; Piero Gheddo, The Cross and the Bo-Tree: Catholics and Buddhists in Vietnam (New York: Sheed and Ward, 1970), 187; Marguerite Higgins, Our Vietnam Nightmare (New York: Harper & Row, 1965), 47; CIA, Office of Current Intelligence, “The Buddhists in South Vietnam,” 28 June 1963, John F. Kennedy Library, NSF, Box 197; CIA, “Tri Quang and the Buddhist–Catholic Discord in South Vietnam,” 19 September 1964, Lyndon B. Johnson Library [hereafter LBJL], NSF, VNCF, box 9.
[6] Smith, Viet-Nam and the West; Taylor, The Birth of Vietnam; Hammer, A Death in November.
[7]“South Viet Nam,” Time, 13 December 1963, 32.
[8]Peer de Silva, Sub Rosa: The CIA and the Uses of Intelligence (New York: New York Times Book Co., 1978), 216.
[9]Saigon to State, 4 November 1963, Foreign Relations of the United States [hereafter FRUS], 1961–1963, vol. 4, 289; Robert Shaplen, Lost Revolution: The U.S. in Vietnam, 1946–1966 (New York: Harper and Row, 1966), 230.
[10]Shaplen, Lost Revolution, 243–4; CIA, “Appraisal of Nguyen Khanh,” 20 March 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 3; memcon, 12 May 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 3, doc. 151; Dennis J. Duncanson, Government and Revolution in Vietnam (London: Oxford University Press, 1968), 356–7; Saigon to State, 10 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 306.
[11]CIA, “The Situation in South Vietnam,” 28 February 1964, Declassified Document Reference System [hereafter DDRS], 1975, fiche 247D; Saigon to State, 22 April 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 123; Ulysses S.G. Sharp and William C. Westmoreland, Report on the War in Vietnam (Washington, DC: Government Printing Office, 1969), 92–3.
[12]Tâm Châu phần nào ít quá khích hơn Trí Quang. Ông ủng hộ một chính phủ không thân Cộng sản mà cũng không thân Mỹ. Các phương tiện thông tin của Mặt trận Dân tộc Giải Phóng công kích ông thường xuyên hơn Trí Quang rất nhiều. Pike, Viet Cong: The Organization and Techniques of the National Liberation Front of South Vietnam (Cambridge: M.I.T. Press, 1966), 204.

[13]New York Times, 10 May 1964.
[14]Memcon, 12 May 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 151.
[15]Saigon to State, 14 May 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 4; Higgins, Our Vietnam Nightmare, 98.
[16]Saigon to State, 24 April 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 125; Saigon to State, 25 April 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 3.
[17]Saigon to State, 27 February 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 2.
[18]Saigon to State, 9 May 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 4.
[19]Lodge to Bundy, 25 October 1963, FRUS, 1961–1963, vol. 4, 436; Memcon, 11 May 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 147; Memcon, 12 May 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 151; Newsweek, 7 September 1964; Time, 4 and 11 December 1964.
[20]CIA, “An Analysis of Thich Tri Quang’s Possible Communist Affiliations, Personality and Goals,” 28 August 1964, DDRS, 1976, fiche 22E. Critchfield, Long Charade, 62–81; Higgins, Our Vietnam Nightmare, 29; Jean Lacouture, Vietnam: Between Two Truces (New York: Random House, 1966), 222.
[21]Saigon to State, 1 June 1963, FRUS, 1961–1963, vol. 3, doc. 142.
[22]Washington Post, 2 November 1983.
[23]Có báo cáo là ông thậm chí đã nhận từ CIA một khoản tiền nhỏ cho việc cung cấp thông tin, điều này dẫn đến những phỏng đoán ông làm cho Mỹ. Langguth, Our Vietnam, 292. Nhưng nhiều khả năng là Trí Quang làm như vậy để duy trì uy tín của mình với người Mỹ.
[24]Saigon to State, 7 August 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7; Time, 14 August 1964; Shaplen, Lost Revolution, 270.
[25]William H. Sullivan, Obbligato, 1939–1979: Notes on a Foreign Service Career (New York: Norton, 1984), 207–8; Saigon to State, 15 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 317.
[26]New Yorker, 19 September 1964; Saigon to FO, 24 August 1964, Public Record Office [hereafter PRO], FO 371/175472; Saigon to State, 22 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 321; New York Times, 22 August 1964.
[27]Saigon to State, 23 August 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7.
[28]Saigon to State, 22 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 321; Saigon to State, 23 August 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7; Saigon to State, 27 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 330; CIA, “The Situation in South Vietnam,”
27 August 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7; New Yorker, 19 September 1964; New York Times, 10 September 1964; Lacouture, Vietnam, 211.
[29]New York Times, 31 August 1964.
[30]State to Saigon, 24 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 323; Saigon to FO, 25 August 1964, PRO, FO371/175472; Lacouture, Vietnam, 207–8; New York Times, 24, 27 August 1964.
[31]Saigon to State, 26 August 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7.
[32]Saigon to State, 23 August 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7; State to Saigon, 24 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 323; SNIE 53-2-64, 1 October 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 368; Saigon to State, 24 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 360.
[33]CIA, “Deterioration in South Vietnam,” 28 September 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 9.
[34]Saigon to FO, 24 August 1964, PRO, FO371/175472; Saigon to State, 25 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 325; CIA, “Situation in Vietnam,” 27 August 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7; CIA, “Situation in South Vietnam,” 1 September 1964, DDRS, 1979, fiche 20C; SNIE 53–64, 8 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 341; Saigon to State, 24 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 360; SNIE 53-2-64, 1 October 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 368; New Yorker, 19 September 1964; New York Times, 29 August 1964; Time, 4 September 1964.
[35]CIA, “An Analysis of Thich Tri Quang’s Possible Communist Affiliations, Personality and Goals,” 28 August 1964, DDRS, 1976, fiche 22E; Topmiller, The Lotus Unleashed, 8.
[36]Duncanson, Government and Revolution in Vietnam, 355–6; CIA, “Tri Quang and the Buddhist–Catholic Discord in South Vietnam,” 19 September 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 9; Saigon to State, 24 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 360; CIA, “Deterioration in South Vietnam,” 28 September 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 9; SNIE 53-2-64, 1 October 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 368; New Yorker, 19 September 1964; Saigon to State, 28 September 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 8; Shaplen, Lost Revolution, 279.
[37]See Higgins, Our Vietnam Nightmare, 285–6.
[38]CIA, “An Analysis of Thich Tri Quang’s Possible Communist Affiliations, Personality and Goals,” 28 August 1964, DDRS, 1976, fiche 22E. See also CIA, “The Situation in South Vietnam,” 27 August 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7; CIA, “Tri Quang and the Buddhist–Catholic Discord in South Vietnam,” 19 September 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 9.
[39]Shaplen, Lost Revolution, 272, 274; State to Saigon, 24 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 323; Lacouture, Vietnam, 135; New York Times, 24 August 1964; Saigon to State, 3 February 1965, LBJL, NSF, VNCF, box 13.
[40]Saigon to State, 25 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 324.
[41]Saigon to State, 25 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 325; Saigon to State, 27 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 330; CIA, “Details of the 26 and 27 August 1964 Meetings of the Military Revolutionary Council,” 1 September 1964, DDRS, 1977, fiche 278A.
[42]Saigon to State, 25 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 325; The Pentagon Papers: The Defense Department, History of Decision making on Vietnam, Senator Gravel edition (Boston: Beacon Press, 1971–1972), vol. 3, doc. 86.
[43]New Yorker, 19 September 1964.
[44]Saigon to State, 26 August 1964, LBJL, NSF, VNCF, box 7.
[45]Saigon to State, 26 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 328; Saigon to State, 27 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 330; Saigon to State, 2 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 336.
[46]Saigon to State, 26 August 1964, National Archives II [hereafter NA II], RG 59, Central Files, 1964–1966, box 2946; Saigon to State, 26 August 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 328.
[47]Pentagon Papers, vol. 3, 86; New York Times, 29 August 1964.
[48]Saigon to State, 2 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 336; Saigon to State, 4 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 338; CIA, “Situation in South Vietnam,” 1 September 1964, DDRS, 1979, fiche 20C; Saigon to State, 28 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 365.
[49]Westmoreland to Taylor, 6 September 1964, FRUS, 1964–1968, vol. 1, doc. 340; Saigon to State, 28 September 1964, LBJL,NSF, VNCF, box 8; Duncanson, Government and Revolution in Vietnam, 355–6.
[50]New York Times, 3, 10 September 1964.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét