khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Số liệu về người Việt ở Mĩ - Tác giả Nguyễn văn Tuấn



Hôm nọ tôi đọc được một báo cáo về người Việt ở Mĩ có nhiều con số thống kê rất đáng lưu lại làm tham khảo. Số liệu này thật ra là trích từ kết quả điều tra dân số bên Mĩ. Qua điều tra dân số, chúng ta có thể có cái nhìn khái quát về đồng hương ở xứ đang "giãy chết". Tôi tóm lược vài nét chính dưới đây. Điều làm tôi ngạc nhiên là mỗi năm đồng hương bên Mĩ gửi về quê hương 11 tỉ USD, chiếm gần 6% tổng GDP Việt Nam.

Tính đến năm 1980, chỉ có 231,000 người Việt định cư ở Mĩ. Mười năm sau, con số này tăng gần gấp đôi (543 ngàn), đến 2012 thì có 1.26 triệu người Việt định cư ở Mĩ. Khoảng 40% người Việt định cư ở bang California, và tập trung ở 3 quận: Cam, Santa Clara và Los Angeles. Sau California là Texas cũng có nhiều người Việt định cư, với tỉ trọng 12%. Các tiểu bang khác có khá đông người Việt là Washington (4%), Florida (4%), và Virginia (3%). Cho đến nay, cộng đồng người Việt ở Mĩ đứng hàng thứ 4 về dân số (sau Ấn Độ, Phi Luật Tân, và Tàu).

Tiếng Anh: Năm 2012, khoảng 68% người Việt ở Mĩ (5 tuổi trở lên) có trình độ tiếng Anh xếp vào nhóm "Limited English Proficient" (LEP). Tỉ lệ này ở các sắc tộc Đông Nam Á là 47%. (Cần nói thêm rằng LEP bao gồm những người không nói viết được tiếng Anh, hay nói viết chưa tốt). Khoảng 7% người nói tiếng Anh trong nhà, và tỉ lệ này ở cộng đồng Đông Á là 15%. ("Đông Á" ở đây bao gồm Brunei, Miến Điện, Kampuchea, Nam Dương, Lào, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).

Việc làm: Ở những người 16 tuổi trở lên, 69% người Việt có việc làm (số liệu 2012), và tỉ lệ này có vẻ cao hơn các cộng đồng Đông Á (68%) và cộng đồng di dân nói chung (67%) và người Mĩ bản xứ (63%). Gần 1/3 người Việt làm trong lĩnh vực dịch vụ, và tỉ lệ này trong cộng đồng Đông Nam Á là 26%, người Mĩ bản xứ là 17%.

Thu nhập: Số liệu năm 2012 cho thấy thu nhập trung bình của người Việt là 55736 USD. Mức thu nhập này thấp hơn cộng đồng Đông Nam Á (65488 USD), nhưng cao hơn các cộng đồng di dân nói chung (46983) và cao hơn thu nhập bình quân của người Mĩ bản xứ (51975).

Khoảng 15% người Việt di dân được xếp vào nhóm "nghèo". Tỉ lệ này hơi cao hơn cộng đồng Đông Nam Á (12%) nhưng thấp hơn các cộng đồng di dân nói chung (19%) và tương đương với người bản xứ (15%).

Giúp quê nhà: Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2013, cộng đồng người Việt ở Mĩ gửi về VN 11 tỉ USD. Con số này chiếm gần 6% GDP của VN.

Nhận xét

Tính chung, ở Mĩ hiện nay có gần 2 triệu người sinh đẻ ở Việt Nam hay sinh đẻ ở Mĩ với cha mẹ từ Việt Nam. So sánh với các cộng đồng người Đông Nam Á ở Mĩ, người Việt nói chung có khả năng tiếng Anh kém hơn, thu nhập thấp hơn do trình độ học vấn thấp hơn. Nhưng so với cộng đồng người di dân nói chung và người Mĩ bản xứ thì người cộng đồng người Việt có thu nhập bình quân cao hơn do tỉ lệ có công ăn việc làm cao hơn. Cần phải lưu ý rằng đại đa số người Việt định cư ở Mĩ là người tị nạn, nên thời gian để ổn định cuộc sống có phần lâu hơn các cộng đồng khác. Tuy nhiên, có thể nói trong 30 năm qua, cộng đồng người Việt ở Mĩ đã ổn định, và với xu hướng hiện nay, trong vòng một thập niên nữa cộng đồng người Việt sẽ tương đương với các cộng đồng người Đông Nam Á khác.


***********


Một cái note cá nhân: Lịch sử người Việt ở Mĩ tôi nghĩ chủ yếu là từ thời dân tị nạn. Hồi đó, thời còn trong các trại tị nạn Thái Lan, người Việt mình ai cũng đòi đi Mĩ, nên phái đoàn sứ quán Mĩ là hùng hậu nhất trong trại. Họ làm việc quần quật suốt ngày, phỏng vấn hết người này đến người khác để chọn người định cư ở Mĩ. Có nhiều chuyện hài hước về mấy nhân viên sứ quán, trong đó có tay đại tá (?) Ba Gà Đá là vui nhất, nhận và từ chối thuyền nhân rất cảm tính. Tôi cũng thích cái xứ giãy chết này lắm, nên suýt tí nữa tôi cũng đi Mĩ lúc đó, nhưng số phận chọn Úc cho tôi. Sau này tôi cũng đi làm bên Mĩ và ý định là sẽ không về Úc, nhưng số phận lại bảo về! Bây giờ, nhìn đồng hương bên Mĩ thành công bước đầu mà mừng cho họ.

Những người Việt Nam ngày nay, nhất là người từ miền Bắc, có dịp đi du lịch bên Mĩ hay Úc thường hay bỉu môi nói sao người Việt mình ở bên này nghèo quá vậy. Đúng là so với đời sống dư dã và cách kiếm tiền dễ dàng của họ bên VN thì người Việt bên này còn nghèo. Họ không qua thời gian khổ cực ở các trại tị nạn và cũng đâu biết việc làm lại cuộc đời trên xứ người khó khăn ra sao. Người Việt ở Mĩ làm ra đồng tiền một cách chân chính, từ mồ hôi nước mắt của họ, chứ không tham ô hối lộ như ở VN hay vài nhóm người bên Đông Âu. Cộng đồng người Việt được như ngày nay là hay lắm rồi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét