khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Chàng Du Sinh Bắc Kỳ 2 Nút - Tác giả Trần Du Sinh



Vào những năm đầu của thế kỷ này, tôi có một cuộc hội ngộ mà sau này nghĩ lại, tôi cho đó là cơ duyên. Ở Châu Âu tôi có một người đồng hương là du học sinh đến từ Hà Nội.

Khi còn ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ đi quá ranh giới Thừa Thiên về phía Bắc, nên không hiểu nhiều về người Bắc, mà cụ thể hơn là 'Bắc 75', chứ 'Bắc 54' thì tôi cũng biết được vài người khi học ở Sài Gòn. Dân miền Nam tị nạn hay nói Bắc Kỳ '2 nút' để phân biệt với Bắc Kỳ '9 nút'. Chắc dân mình thích đánh bài cào nên mới tính kỹ như vậy, 7 cộng 5 đúng là 2 nút thật, bên kia thì lại 5 cộng 4 là 9 nút, lại là số hên của người Việt.

Người trí thức miền Bắc trong tư tưởng tôi là hình ảnh mấy ông thầy bà cô từ trụ sở chính của Đại Học Ngọai Thương ngoài Hà Nội vào giảng dạy, luôn hùng hồn hô khẩu hiệu "công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chiến lược sản xuất thay thế hàng nhập khẩu"...nhiều đến nỗi tôi không còn đánh vần mấy chữ này nữa, mà toàn viết tắt. Trên bục giảng thầy cứ đọc, dưới này tôi cứ chép để có tài liệu thi cuối khóa, và tập vở toàn là chữ CNH (công nghiệp hóa), HĐH (hiện đại hóa), XHCN, TB (tư bản). Riêng chữ 'xã hội chủ nghĩa' (XHCN) thì đã không còn là chữ viết tắt nữa rồi, vì nó quá phổ biến.

Giờ đây tôi lại mong tìm được những cuốn tập đó để làm tài liệu lịch sử của một thời nước Việt sửa sai dưới danh nghĩa "đổi mới", và tiến lên chủ nghĩa tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói chung thì lịch sử của cái thời đi học của tôi, cái thời tranh tối tranh sáng cũng có khá nhiều điều để nói.

Trong trường đại học của tôi ở Đan Mạch có cả thảy ba du học sinh, hai người miền Trung và một miền Bắc, còn lại là việt kiều Đan Mạch. Gần như toàn bộ sinh viên việt kiều này là con cái của người dân tị nạn miền Nam, tổng cộng cũng khoảng hai chục người, gốc miền Nam và miền Trung là chủ yếu.

Sau nhiều dè dặt và nghi kị thì chúng tôi cũng chơi được với nhau, quên đi lằn ranh Quốc-Cộng. Mỗi lần nhóm tranh luận chuyện Việt Nam thì anh du sinh Bắc Kỳ nổi bật hơn hẳn vì kiểu nói chuyện hùng hồn tuyên bố những câu chính trị trật lế và đặc biệt là hay chê Đan Mạch củ chuối này củ chuối nọ, thành ra tụi sinh viên Việt tặng anh mỹ danh Củ Chuối. Anh hay nói câu "Tụi Đan này nó chuối thật", nhưng cái anh chê lại là những cái trung thực, tinh thần thượng tôn pháp luật và lòng tốt đến ngây thơ của dân xứ cổ tích An-đéc-xen (H.C. Andersen).

Trường tôi có một nét riêng là cứ chiều thứ Sáu là căn-tin cho bán bia với giá khá rẻ, gọi là Beer Day. Nghèo như sinh viên vẫn uống được đến một chục chai. Thật ra, sinh viên Đan Mạch 100% được học bổng và 100% miễn học phí nên chuyện uống vài ve mỗi tuần không có gì là ghê gớm cả. Chúng tôi là du sinh nhưng cũng có thể lai rai vài chai vì bia ở đây cũng khá rẻ. Bia Đan Mạch khá ngon với hương vị Carlsberg nổi tiếng thế giới, nhưng tụi tui vẫn uống bia Tuborg, như là cách ủng hộ bia của thành phố Odense của mình. Odense cũng nổi tiếng với ngôi nhà thời thơ ấu của danh hào văn chương cho thiếu nhi Hans Christian Andersen được trẻ em toàn thế giới yêu thích với những câu chuyện cổ tích "Chú lính chì dũng cảm", "Cô bé bán diêm", "Vịt con xấu xí", và "Nàng tiên cá bé nhỏ"...

Mỗi lần nhóm sinh viên gốc Việt ở Đại Học Odense tụ tập đàn đúm là đề tài Việt Nam lại nóng hổi, làm như cuộc chiến Bắc-Nam vẫn còn đâu đây, dù đây là xứ của những câu chuyện cổ tích. Bắc Nam vẫn còn ngăn cách. Còn tôi, vốn có nguyên quán gần sát với Quảng Trị, nên làm con sông Bến Hải để hai bên nã đạn cũng hợp lý.

Một người hùng phương Bắc vẫn 'một mình chống lại mafia', chống lại những người xét lại chính nghĩa của Giải Phóng từ miền Nam tị nạn. Dần dà tôi nghiêng về phía 'độc cô cầu bại' này lúc nào không hay, vì nghĩ dù sao mình cũng là dân du học với nhau, cùng học Triết Học Mác-Lênin và Lịch Sử Đảng, và cũng vì đôi khi chúng tôi cùng bị chụp mũ cộng sản như nhau, nếu lỡ làm con vẹt lặp lại những gì đã học được khi còn ở dưới mái trường XHCN.

Không biết có phải do tình đồng hương xã hội chủ nghĩa, hay vì sống xa nhà cô đơn mà chúng tôi dần dần trở nên thân nhau hơn, dù tôi vẫn đi chơi với nhóm Việt Kiều kia. Có một lần, anh đem lá thư của ban quản lý ký túc xá tới nhờ tôi phiên dịch, vì thư viết bằng tiếng Đan. Lúc đó tôi đang 'share' phòng với một anh kỹ sư người Đan gần trường mới li dị vợ và có một cô gái nhỏ năm tuổi nên tiếng Đan cũng đủ xài vì nhờ hay nói chuyện với hai cha con này khá thường xuyên.

Đọc thư tôi mới tá hỏa là cuối tháng nay anh phải dọn ra, do bị các sinh viên khác khiếu nại vì cái mùi khó chịu từ phòng của anh và vì anh không dọn dẹp cái bếp chung sau khi dùng. Hỏi ra mới biết là anh này hay ăn nước mắm nguyên chất đặc trưng Bắc Kỳ, ăn dư không bọc lại mà để khơi khơi trong phòng, mỗi lần mở cửa là 'tỏa hương' ra cả hành lang. Chưa kể lâu lâu anh ăn trong bếp lại quên mang chén nước mắm về, gây bom khủng cho tụi Đan ngơ ngác nai vàng, không hiểu có con mèo hay con sóc nào chết ở xó nào đó đây.

Tôi đoán là khi ở nhà, vì là con trai độc nhất, lại học giỏi chắc anh không phải làm việc nhà hay phụ giúp mẹ và chị dọn dẹp nên mới ra nông nỗi này.

Nói về nước mắm, tôi cũng không quên cái món mà anh hay đãi tôi mỗi khi qua chơi: thịt bò gân luộc chấm nước mắm nguyên chất không pha, rồi lấy nước luộc thịt vặn chút chanh và mì chính vào làm súp. Tôi chịu không ăn được món này, vì nước đục ngầu, mỡ lênh láng lại không có rau riếc gì hết. Lần đầu cũng là lần cuối, tôi nói với anh, "Canh thì phải có rau, mà thịt bò bổ dưỡng ai lại luộc tuốt luốt như vậy, còn gì hương vị nữa?" Anh cười hề hề nói: “Ăn vậy cho nó nhanh, vừa tiện lợi, có thêm món súp bổ dưỡng nữa.”

Thôi thì 9 người 10 ý, sinh viên cũng không kén cá chọn canh làm gì. Riêng cái món nước mắm nguyên xi chan vào cơm thì đến giờ tôi vẫn không ăn được, nhưng nhờ nó mà nhớ tới anh bạn này. Anh làm tôi nhớ lại câu chuyện mà Ba tôi hay kể, rằng người Bắc 75 khi mới vào Nam chỉ cần có bó rau muống thôi thì họ cũng làm được ba món ăn.

Thế là hai tuần sau đó tôi phải thường xuyên coi mục rao vặt để tìm nhà cho anh bạn du sinh. Trời cũng không phụ lòng người thành tâm, cuối cùng tôi cũng thuê được cái phòng trong ký túc xá khác của cô sinh viên người Đan, nhưng chỉ thuê được 5 tháng vì cô đi qua Tây Ban Nha một học kỳ trao đổi sinh viên mà thôi. Lần này rút kinh nghiệm nên anh ăn ít nước mắm hơn, ráng ăn cho hết, không hết thì bọc lại bỏ tủ lạnh, vì chuyện dọn nhà và tìm chỗ mới một lần thôi cũng đủ ám ảnh anh rồi.
Cũng nhờ lần giúp đỡ này mà tụi tôi thân hơn, và tôi cũng biết thêm về anh. Bố anh là một trung tướng về hưu, mẹ anh là giáo viên trung học cũng sắp về hưu. Anh học sau tôi hai khóa nhưng chỉ kém tôi có một tuổi, nên anh cứ gọi tôi là "Bác" làm tôi lúc đầu rất ngại.

Anh ta tốt nghiệp đại học ở Hà Nội với tấm bằng đỏ và tức thì nối nghiệp mẹ đi dạy ngay sau khi ra trường, theo mô-típ truyền thống cử nhân dạy cử nhân rồi tìm cơ hội xin học bổng nước ngoài để học lên cao.

Anh qua Đan Mạch học Cao Học bên kỹ thuật nên chúng tôi không học chung lớp, vì tôi học bên kinh doanh, nhưng cộng đồng du học sinh ở đây khá neo đơn nên chúng tôi vẫn thân nhau. Căn phòng của anh cũng là nơi tụi tôi nói chuyện chính trị Việt Nam ra rả suốt ngày, mà hình như đây là đề tài chung của du học sinh Việt Nam thời ấy, cái thời chưa có mạng xã hội và khao khát thông tin ngoài luồng sau khi được xổ chuồng từ cái ngục lớn.

Dẫu có xung đột ý thức hệ và bị dư âm cuộc chiến Bắc Nam chia rẽ, chúng tôi vẫn là bạn tốt của nhau, cũng vì cái tình đồng hương. Cũng nhờ là dân miền Trung nên tôi chẳng mang nhiều thù hận, dù miền Trung là vùng trái độn chịu nhiều thương đau nhất. Hơn 30 chục năm sau cuộc chiến mà miền Trung vẫn còn nhiều bom đạn còn sót lại, lâu lâu lại vang lên tiếng nổ lấy đi sinh mạng của dân nghèo cưa đạn kiếm ăn.

Vì là du học sinh đầu tiên của trường nên tôi cũng là người đầu tiên rời trường. Ngày tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp Thạc Sĩ, tôi cũng chỉ có hai khách mời là hai du học sinh còn lại. Dẫu gì chúng tôi cũng thuộc một phân khúc thị trường riêng, là những người dễ bị đồng hương tị nạn chụp mũ cộng sản và ghẻ lạnh lúc đầu, và chưa biết khi về nước có bị ghẻ lạnh là thân phương Tây hay không.
Làm du học sinh thời mới mở cửa chẳng khác gì dân miền Trung hứng chịu hai làn đạn Bắc Nam. Đó cũng là cách tôi tự an ủi mình. Rời Bắc Âu với cuốn tuyển tập của văn hào An-đéc-xen với ước mơ một nước Việt Nam sẽ yên bình và nhân bản như những câu chuyện cổ tích của ông.

Mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và một cuộc sống ấm no. Tôi cũng không ngoại lệ. Rồi tôi cũng qua định cư ở xứ mang nhiều ước mơ của di dân. Hoa Kỳ, nơi của những ước mơ thành hiện thực nhưng cũng không thiếu những ước mơ tan vỡ. Đó là xứ sở của chọn lọc tự nhiên và trăm hoa đua nở, nhưng để vươn lên thì mỗi đoá hoa phải có hương sắc riêng hay cốt cách riêng.

Hoa Kỳ cũng là xứ sở của những trường đua, và quan trọng đó là xứ mà con người ta dùng chữ "cày" thay cho chữ "làm việc", vì dân lao động ở đây làm việc rất nhiều giờ. Và đôi khi để gánh đỡ chi phí cho gia đình, một người phải làm 2-3 jobs với giờ làm việc lên tới 60 tiếng hay nhiều hơn một tuần. Thời gian ở xứ Cờ Hoa này qua rất mau.

Mới đó mà đã mười năm, tôi không nhớ là anh bạn du sinh Bắc Kỳ năm xưa tốt nghiệp năm nào, và hiện đang ở đâu, Hà Nội hay vẫn còn ở nơi nào đó ở Châu Âu. Thường thì trí thức miền Bắc hay học lên tới Tiến Sĩ, vì ngoài đó có rất nhiều Tiến Sĩ, lên tới 9-10 ngàn ông Tiến Sĩ gì đó, nên mỗi khi đi du học thì du sinh Bắc Kỳ thường phải học tới Tiến Sĩ mới về, nếu không thì khi về nước phải làm phó cho mấy sếp Tiến Sĩ, trong đó có Tiến Sĩ đỏ từ Liên Xô và Đông Âu cũ thì rách việc. Dù gì đi nữa thì tôi cũng mong anh bạn này học ra Tiến Sĩ và ở lại Châu Âu thêm một thời gian nữa để tẩy rửa bớt màu đỏ phương Bắc, và tôi tin là vậy.

Một hôm tôi nhận được email của một ông thầy chùa từ Đan Mạch. Ông sẽ qua Hoa Kỳ làm Phật Sự. Kí ức lại hiện về. Tôi còn nhớ ngày xưa hay tới chùa vào mùa Vu Lan và Phật Đản để cầu an cho gia đình, và chính tôi là người rủ anh Bắc Kỳ này đến chùa lần đầu. Trí thức XHCN ngày ấy ở miền Bắc hình như bị vô thần hoá gần hết, vì họ ít đi chùa, nếu có cũng theo phong trào, lên chùa tìm đối tác yêu đương những ngày lễ lạc hay lên chùa với bạn trai bạn gái để cầu tình duyên và chụp hình. Còn chuyện lặng lẽ đến chùa một mình giữa đêm đông, đứng ngoài sân chùa cầu an cho gia đình dưới tượng Phật Bà Quan Âm gần như là chuyện hiếm. Ấy thế mà anh du sinh này lại đi chùa thường xuyên hơn tôi, và trở thành bạn của ông thầy chùa.

Hội ngộ mười năm với ông thầy giúp tôi hiểu thêm về người bạn cũ. Tôi được biết anh có dạo dọn vào chùa sống. Và chính ông thầy này khen anh Bắc Kỳ kia mộ đạo hơn tôi, vì tôi có phần tài tử lúc nắng lúc mưa, không ngoan đạo vào cung kính thầy chùa bằng anh ta.

Thêm một chuyện mà tôi không bao giờ nghĩ đến, và cũng thật khó tin nếu cái tin này không xuất pháp từ một ông thượng toạ của một ngôi chùa. Anh du sinh Bắc Kỳ nay đã định cư ở Bắc Âu với cô vợ đem từ miền Bắc qua. Anh vi phạm chính sách hai con của công chức Việt thì anh sanh tới bốn đứa con và nghe đâu sắp sanh đứa thứ năm. Và còn nữa, bố mẹ của anh thường qua thăm và ở lại rất lâu để chăm cháu.

Bố mẹ anh là hai “cán bộ cách mạng lão thành”, nay chắc đã về hưu. Họ từng là hình mẫu lí tưởng trong bài nhạc đỏ "Mùa Xuân bên cửa sổ", một trong số bài hát hiếm hoi ở trong nước mà tôi còn nhớ: "Khi mặt trận bình yên, anh lính về thăm phố". Cái câu này làm tôi nhớ đến bố anh là một tướng về hưu, từng là anh lính về thăm mẹ anh là cô giáo nơi hậu phương. Một hình tượng đẹp mà ai từng đi học ở Việt Nam đều nghĩ tới. Chỉ không biết là anh lính đó có hiểu mình đang phục vụ cho ai và cho mục đích gì hay không.

Nhưng dù gì đi nữa, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, tôi tự an ủi mình như thế.

Có lẽ anh bạn du sinh Bắc Kỳ ở xứ thần tiên bên đó vẫn hơn. Về nước thì cái học của anh không biết được xài vào việc gì. Sang xứ cờ hoa, nếu ở chỗ nào mang danh "Little Saigon", đôi khi anh khó mà truyện trò thoải mái.

Không chừng, anh Bắc Kỳ 2 nút sẽ phải học tiếng Bắc kỳ 9 nút và dùng ngôn ngữ miền Nam, nếu không thì anh sẽ thấy cuộc nội chiến Bắc-Nam như vẫn còn đâu đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét