khktmd 2015
Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014
Tự chủ động giữ lấy sức khỏe cho chính minh - Tác giả BS Nguyễn Nguyên
Xin được cùng nhau ôn lại BA bước căn bản ABC để giành và giữ sức khỏe cho chính mình.
Theo định nghĩa của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), sức khỏe là "sự thoải mái về thể chất, tâm lý, và xã hội." Kể từ khi định nghĩa này được đa số thừa nhận năm 1948, tất cả 3 yếu tố - thể chất, tâm lý, và xã hội - đã là mục tiêu hành động của các cơ quan hữu trách quốc tế, quốc gia, và địa phương.
Các cơ quan này đã không ngừng nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ và duy trì sức khỏe của cá nhân cũng như của cộng đồng. Thành quả của các nỗ lực trên tuy đáng kể, nhưng nhân loại vẫn còn chưa chế ngự được một số yếu tố bất lợi cho sức khỏe về di truyền, lão hóa, thoái hóa, ô nhiễm môi sinh, hâm nóng toàn cầu, khủng hoảng kinh tế thế giới, và chiến tranh. Do đó, giành sức khỏe đã khó, giữ sức khỏe lại càng khó hơn.
Trong điều kiện hiện nay, việc giành và giữ sức khoẻ cần thêm sự cố gắng của từng cá nhân qua một số bước căn bản. Những bước này gồm việc áp dụng kịp thời các tiềm năng của mọi người như uyển chuyển thích nghi, duy trì thăng bằng, và khắc phục khó khăn.
Sống trên đời, ít ai không đương đầu với thay đổi thường xuyên của nội thân lẫn ngoại vật. Các thay đổi này đôi khi đem lại thuận lợi, lắm khi gây khó khăn cho cơ thể. Nỗ lực ban đầu là sự cố gắng thích nghi của cơ thể mình với môi trường sinh học bên trong, và với sinh thái bên ngoài. Người thợ săn ở miền tuyết giá cũng như bác nông phu dãi dầu mưa nắng trên đồng ruộng đều phải qua giai đọan thích nghi chứ không thể nào sống còn nếu mãi mãi "nắng không ưa mưa không chịu, nhát gió kỵ mùi sương." Trong bước kế đến, cơ thể mỗi người cần tái lập và duy trì thăng bằng, rồi từ đó chế ngự khó khăn và đạt thoải mái về thể chất. Các Tổ chức cộng đồng qua việc cung cấp thông tin và dịch vụ có thể giúp một phần trong các bước này, nhưng chính cố gắng của từng cá nhân là quyết định.
Cá nhân cần giữ thăng bằng về dinh dưỡng, giữ vệ sinh, cần có một nếp sống chừng mực, như cữ ăn mặn, cữ ăn mỡ, kiêng hút thuốc, kiêng uống rượu, điều độ trong vận động và nghỉ ngơi, ngủ nghê đầy đủ. Vai trò then chốt của nếp sống mẫu mực đối với sức khoẻ và truờng thọ đã được các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ chú ý nhiều thêm sau khi bà Maria de Jesus người Portugal vừa qua đời ngày mồng 2 tháng Giêng năm 2009 ở tuổi thọ 115. Điều được chú ý là: sinh năm 1893, bà Maria bắt đầu làm việc ở nông trại từ tuổi 12, chưa từng học đọc, học viết, chưa từng đến trường, chưa một lần phải dùng thuốc, và bà đã qua đời trên đường đến Bệnh viện.
Mặt khác, để có được sự thoải mái về tâm lý, người ta còn phải đương đầu với thay đổi thường xuyên của nội tâm lẫn ngoại cảnh. Thay đổi nào cũng có thể gây va chạm và khó khăn về mặt tâm tình.
"Tous les changements, même les plus souhaités, ont leur melancolie" (mọi đổi thay, dù là đổi thay mong muốn nhất, cũng nặng sầu), như văn hào Pháp Anatole France đã nói.
Ban đầu ai cũng phải cố gắng thích nghi với hoàn cảnh; kế đến là cố tái lập thăng bằng cho tâm tư tình cảm; rồi từ đó chế ngự khó khăn và đạt thoải mái về tâm thần. Thăng bằng giữa 'thất tình', giữa Hỉ, Nộ, Ai, Lạc, Ái, Ố, Dục (vui mừng, căm giận, buồn phiền, sung sướng, thương yêu, ghét bỏ, ham muốn) là một điều không thể thiếu nếu muốn làm chủ nội tâm và ngoại cảnh.
Kẻ không thích nghi với ngoại cảnh, mất thăng bằng tâm tư, sẽ chao đảo, và than van:"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" - Nguyễn Du
Trái lại, người có sức khỏe về tâm lý sẽ nghĩ, nói và làm như diễn viên điện ảnh Patrick Swayze khi phải đương đầu với thử thách về sức khỏe của mình:"Tôi mơ rằng từ ngữ 'trị dứt' sẽ không bao giờ theo sau bởi từ ngữ 'không thể được.'" (I dream that the word 'cure' will no longer be followed by the words 'it's impossible.') và
"Tôi chưa hề là kẻ trốn chạy thử thách," (I've never been one to run from a challenge).
Xa rộng hơn, cuộc sống của người sẽ phong phú hơn khi có tiếp xúc với người chung quanh trong những phạm vi lớn nhỏ khác nhau như gia đình, học đường, công xưởng, và xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với người chung quanh cũng có thể tác động bất lợi lên sức khỏe của cá nhân. Các mâu thuẫn gây nên bởi thay đổi thường xuyên của hoàn cảnh kinh tế, văn hoá, xã hội cũng cần được nhanh chóng thích nghi. Và đương nhiên thăng bằng giữa cá nhân, gia đình và xã hội là điều không thể thiếu được nếu muốn có thêm sự thoải mái thật sự về mặt xã hội.
Từ thời xưa, người quân tử Tầu đã có châm ngôn xử thế "hoà nhi bất đồng." Xã hội Tây Phương cũng dạy bí quyết giữ thăng bằng trong các tương quan xã hội qua sự "thỏa thuận bất đồng ý" (agree to disagree), và các cố gắng đạt được thế 'đôi bên cùng thắng' (win win) giữa cá nhân và cá nhân hoặc cá nhân với tập thể. Bà Jeanne Calment cũng đã cho một tấm gương sáng về khả năng thích nghi, duy trì thăng bằng, và khắc phục khó khăn trong chính mình và ngoài xã hội. Ở tuổi 114, bà vẫn còn xuất hiện trong phim "Vincent et moi," và đã là diễn viên cao niên nhất thế giới. Trước khi qua đời ở tuổi 122, bà đã để lại một bí quyết của sức khỏe - trường thọ là lạc quan: "Biết cười" (Savoir rire).
Dù lạc quan đến đâu, cũng ít ai quên được: từ thuở sơ sinh, người ta đã phải đương đầu với đổi thay nên “đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra” (Cụ Nguyễn Gia Thiều - Cung Oán Ngâm Khúc)...
Không cứ thay đổi nào cũng thuận lợi; ai cũng cần sẵn sàng qua các bước căn bản ABC: với A cho Adjustment (thích nghi), B cho Balance (thăng bằng), và C cho Control (khắc phục), để sống còn, có sức khỏe và 'ngạo với nhân gian một nụ cười' (Thi sĩ Thái Can - Cảnh Đoạn Trường).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét