khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Cà phê bụi và đậu nành vỉa hè ở Ðà Lạt


ÐÀ LẠT (NV) - Những chiều mưa phùn sương nhạt trùm lên khắp núi đồi Ðà Lạt. Từ một góc phố ở đầu đường Trương Công Ðịnh giáp ranh với Trung Tâm Khu Hòa Bình, Tăng Bạt Hổ, mùi hương lan tỏa từ gánh đậu nành của bà Năm đang khiêm nhường bày ra trên vỉa hè.

Với một cái nồi inox sáng choang lau chùi cẩn thận, một tá ly sạch được xếp trên khay nhựa, nồi nước đậu nành trong veo màu sữa được tô điểm bằng một nắm lá dứa xanh non bốc mùi thơm lựng.


Khách hàng thưởng thước món sữa đậu nành. (Hình: Nguyễn Cao Nguyên/Người Việt)

Vào thập niên 80 khi mà cái đói mỗi ngày đi thẳng uống dạ dày. Khi đó có một ký đường một lon sữa hàng tháng là đã trở thành người giàu có. Là niềm mơ ước cho những ai có con nhỏ. Ðể có thể có gạo cho con ăn có sữa cho con uống là cả một vấn đề.

“Kinh tế mới” trở thành “then chốt” cho công cuộc đi lên của CNXH. Mọi thứ đều được phân phối theo từng tiêu chuẩn của cán bộ cấp cao, cấp trung rồi đến công nhân, sau rốt đến... nhân dân.

Mọi người đều nhảy ra đường buôn qua bán lại. Chợ trời thành nơi tụ tập trao đổi mua bán đồ cũ, đồ đồng răng vàng bạc vụn muỗng nĩa xưa trở thành những món đồ có giá. Sách cũ cũng là một món hời.

Và tất cả khi chiều về, khi mù sương buông xuống, mưa trùm khắp phố phường thì gánh đậu nành của bà Năm thành nơi ghé lại ngồi một chút với ly sữa nóng hổi. Ðến khi trĩu nặng ra về mỗi người đều phải mua kèm thêm một bịch nữa cho đứa con thơ đang ở nhà khát sữa.

Ðồ rằng cả thành phố Ðà Lạt lúc ấy với những ai có con nhỏ đều phải cần đến gánh sữa đậu nành của bà Năm. Những đứa con tôi đã sống sót lớn lên nhờ những bịch đậu nành nóng hổi đầy đủ chất dinh dưỡng nầy.

Thời gian trôi qua mọi sự rồi cũng quen rồi cũng thay đổi, không còn ai còn nhớ đến bà Năm nữa. Những đứa trẻ đã chòi đạp với khốn khó của mẹ cha để thành người. Góc phố nơi bà Năm ngồi vẫn còn đó thay vào là một quán đậu nành nho nhỏ nằm xê qua bên góc đường Tăng Bạt Hổ một chút.
Nghe đâu những người bán bây giờ cũng là con cháu của bà Năm. Bây giờ họ làm ăn có vẻ qui mô hơn với nhiều loại đậu nành hơn như đậu phụng, đậu xanh bánh trái đủ loại...


Quán cà phê “bụi” chỉ đơn giản như thế này. (Hình: Nguyễn Cao Nguyên/Người Việt)

Nơi đây được giới trẻ rất thích vì chỉ với 20 ngàn đồng (khoảng $1) là bạn đã có thể dắt người yêu ra quán. Với hai ly nước đậu kèm theo hai cái bánh ngọt là bạn đã có một chỗ ngồi thơ mộng để cầm tay nhau đi qua hết một thời sinh viên khốn khó.

Ðông vui bổ rẻ là tiêu chí mà du khách và sinh viên ở Ðà Lạt dành chọn cho cái quán vỉa hè nầy. Cũng dễ hiểu thôi vì ở đây bạn có thể ngồi bình an và nhìn mây bay xuống thấp. Vào những ngày cuối tuần thì càng tuyệt vời hơn vì khu vực nầy trở thành “khu phố đi bộ.”

Vừa lững thững dạo chơi vừa tung tăng phường phố và đến khi mỏi chân thì bạn có thể ghé đến quán và xuýt xoa ôm một ly đậu nành nóng hổi trong tay.

Cảm giác kỳ lạ là tại sao lại có một nơi như thế. Tại sao có một nơi mà tự nhiên ai cũng quen nhau, vui đáo để khi bạn có thể ngồi lăn ra giữa đường và nhậu “đậu nành.”

Cách đó chừng 300 m còn có một quán quái hơn nữa là café “Bụi.” Nói bụi vì nó còn hơn cả bụi vì nó chỉ có chữ “Bụi” gắn trên ghi đông một chiếc xe gắn máy loại “Cub cánh én.” Trên đó đèo hai cái thùng thiếc gồm ly tách café pha sẵn.
Chỗ ngồi của khách là những bậc tam cấp trước “đồn công an” cách đó 10 m. Không hiểu bằng cách nào mà các bạn sinh viên nghèo có thể nghĩ ra cái xe café “Bụi” này. Khách đến chỉ có việc ngồi bệt xuống búng tay gọi gọi đen hay sữa chỉ trong một phút thôi có ngay để nhâm nhi nhìn phố xá qua lại.

Khi được hỏi vì sao có cái ý tưởng kinh doanh kỳ lạ nầy. Nhóm bạn một nữ ba nam cho biết chỉ bởi vì khó khăn quá nên họ mới nghĩ nên kiểu buôn bán này.

Ban đầu thì cũng khó lắm mấy ông công an cũng không tha đâu vì đây khu vực trung tâm, nhưng với kiểu “lách luật” đậu chiếc xe Honda ngồi hóng cảnh chơi. Khách thì tự ngồi “em đâu có biết” nên chiếc xe nầy vẫn không biết bao giờ sẽ bị tịch thu.


Các bạn trẻ, đa số là sinh viên bên quán cà phê bụi. (Hình: Nguyễn Cao Nguyên/Người Việt)

Bây giờ nơi đây cũng là một địa chỉ quen thuộc của dân du lịch đi phượt vì nó rất Ðà Lạt khi muốn có một nơi để có thể hò hẹn bạn bè. Cũng như đậu nành một ly café ở đây chỉ có 10 ngàn đồng, để được ngồi giữa lòng thành phố hoa thì còn bằng.

Trong khi muốn vào những quán café dọc theo đường Nguyễn Chí Thanh cũng phải 30 ngàn một ly, rẻ nhất ở café Tùng cũng phải 20 ngàn.

Chuyện chiến tranh, chuyện 'Tàu khựa' gây chiến cắm giàn khoan ở Biển Ðông cũng là đề tài “nóng” luôn được các bạn trẻ bàn đến một cách “sành điệu.” Chủ Nhật, 18 tháng 5 vừa qua, nghe nói cũng định rục rịch biểu tình ngay trung tâm khu Hòa Bình nhưng mới chỉ nhóm chưa được 5 phút đã bị chính quyền giải tán.

Ðà Lạt muôn đời có những cái dễ thương bất ngờ như cái quán đậu nành của bà Năm xưa kia và café Bụi bây giờ. “Chỉ bán số đông làm lời thôi, nhưng vui vì được phục vụ liền tay không ngơi nghỉ.”

“Nhìn các bạn trẻ sinh viên nghèo đưa người yêu, bạn bè đến ầm ầm làm cho mình cũng thấy vui và hạnh phúc,” cô Thủy cho biết khi múc sữa liền tay.

Các bạn café “Bụi” thì tiết lộ, nhờ chiếc xe “ bụi” nầy mà bọn em có thể giúp nhau vượt qua những ngày giông bão khi cha mẹ ngoài quê chưa kịp gởi tiền vào. Chỉ mong sao sẽ lướt qua hai ba mùa mưa còn lại. Ra trường rồi bọn em sẽ nhường lại chỗ này cho bọn đàn em thiếu đói đến sau.
Ðêm đêm nhìn những người trẻ vui tươi bên những ly cà phê, sữa đậu nành kia tôi chợt nghĩ đến những ngày đã qua của mình. Vui đó nhưng sao vẫn xót xa vì đã mấy chục năm qua rồi sao nhu cầu vẫn như xưa nghĩa là quá thấp quá rẻ, có một cái gì đó rất AQ chính truyện “tự sướng “tự an ủi chính mình.

Thì biết làm gì bây giờ. Tiền không có, nghèo rớt mồng tơi lấy đâu để dắt nhau ra vào những quán sang trọng có âm nhạc có người phục vụ. bọn em chỉ mong được “phục vụ” người khác để có đồng ra đồng vào giúp cho cha mẹ bớt khổ phần nào.

Mà thực ra bọn em có phục vụ cho ai đâu, người giàu đâu có ra đây ngồi làm gì chỉ có bọn em tự chia sẻ tự phục vụ cho nhau thôi. Bọn em đang nuôi sống chính mình, những người nghèo nuôi sống những người nghèo.

Cái đất nước này vẫn như thế chỉ khác đi một chút là cái quán đậu nành của bà Năm giờ đã rộng hơn một chút và chiếc xe cà phê “Bụi” kia mong sẽ có khách ngồi đầy hơn trên những bậc thang đời, thời giá cũng vậy thôi không hơn gì khi mọi người vẫn nghèo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét